Thánh Thiên công chúa (hay Thánh Thiên), đây chỉ là thần hiệu, vẫn chưa rõ tên thật của bà. Bà là một bậc nữ tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên). Theo thần tích đình Ngọc Lâm (nay là thôn Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) tì bà có biệt danh là Nàng Chủ. Bà là người làng Bích Uyển, phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương).
Dân gian tương truyền, thời ấy tại làng Bích Uyển (thuộc phủ Kinh Môn) có vị quan cùng vợ về quê ơr ẩn tên là Nguyễn Huyến. Gia đình thuộc dòng tướng quân, có truyền thống võ học và yêu nước. Sau đó phu nhân mang thai, một lần nằm mộng thấy có người con gái "tự nơi dương đình khâm thụ mệnh Trời, xuống đầu nhập thai sinh".
Sau 13 tháng mang thai, ngày 12 tháng 2 năm Ngọ, phu nhân hạ sinh con gái mày ngài, mắt phượng, tướng mạo oai nghiêm. Vợ chồng vị quan này rất quý con nên đặt tên là Thánh Thiên.
Thánh Thiên từ nhỏ đã được gia đình định hướng và giảng dạy cả văn lẫn võ. Thánh Thiên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười.
Năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều quán thông. Năm 12 tuổi, nàng đã có tài văn chương, thông thạo võ thuật nên nàng sớm trở thành một cá nhân ưu tú với nhiều kỹ năng thượng thừa khi mới vừa ở độ tuổi 15, 16 khiến cho mọi người quanh nàng đều rất khâm phục và kính nể nàng.
Ông Nguyễn Huyến thường ngày vẫn đem tâm sự gửi gắm trong mấy câu thơ ngâm nga:
Từ khi thất quốc, vong gia,
Vợ chồng, con cái đến nhờ thuyền môn.
Lòng riêng báo quốc không chồn,
Bình lương chứa chất luôn luôn đã nhiều.
Ai tài chửa thấy ai theo,
Một mình công việc trăm chiều khó đương.
Đến năm nàng được 16 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng nhờ có cá tính mạnh mẽ nên dân làng ai cũng nể phục, đồng lòng tôn làm Nữ Chủ và tặng biệt danh Nàng Chủ.
Vốn là con nhà võ, tinh thông võ nghệ, lại căm ghét quân xâm lược Đông Hán nên bà quyết định kêu gọi dân làng cùng nổi dậy. Sau vài trận đánh, bị tổn thất vì yếu thế hơn nên bà tự giải tán.
Ít lâu sau Thánh Thiên nghe tin cậu mình vì căm ghét Tô Định (người nhà Đông Hán, sang làm Thái thú Giao Chỉ) từ quan, chiêu mộ trai tráng chống nhà Hán thì nhanh chóng kéo quân đến Ngọc Lâm hội cùng cậu.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, bà cho xây dựng một căn cứ lớn ở Ngọc Lâm. Ở đây, bà xây dựng căn cứ lớn, ngoài thời gian rèn tập binh mã, bà còn chia quân đi khai hoang để tích trữ lương thảo, lập lò xưởng để rèn vũ khí, v.v...
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nên quân của Thánh Thiên đã có nhiều trận đánh lớn ở vùng Yên Dũng (Bắc Giang), uy danh vang đội một phương Lĩnh Nam. Thời điểm này các cuộc khởi nghĩa rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết các nơi. Chính vì vậy vào cuối năm 39 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu các thủ lĩnh cùng quy tụ về một mối đánh đuổi quân nhà Đông Hán. Thánh Thiên cũng như hàng chục thủ lĩnh khác đã kéo quân về quy tụ dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Sử chép, ở Đại hội quân sĩ trên đất Hát Môn, Trưng Trắc đã lập đàn, cáo lễ trời đất, khao thưởng tướng sĩ, tự xưng là Trung nữ vương, chia quân khởi nghĩa. Thánh Thiên công chúa mình cưỡi ngựa hồng xông vào trận địa, chém đầu ba tướng giặc.
Các đạo theo đánh Tô Định chém được mấy nghìn thủ cấp. Quân giặc bị giết rất nhiều, thây nghẽn đầy sông. Tô Định phá vòng vây trốn về nước. Trưng Vương quét sạch quân Hán, khôi phục giang sơn, đóng đô ở Mê Linh, xây thành đắp lũy, mưu hạnh phúc cho dân, lại phong Thánh Thiên công chúa làm Thái Bảo chư hầu.
Thánh Thiên về Hải Dương, bái yết từ đường, Trưng Vương ban thưởng 300 nén vàng, vải vóc, voi ngựa. Làm xong các việc tại quê, Thánh Thiên xin lập cung điện và dời kinh đô sang Hợp Thố. Trưng Vương truyền cho dân dựng ngay Hoàng Hoa lâu tại đó.
Vào năm Tân Sửu (năm 41 sau Công nguyên), vua Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Đoàn Chí đem ba vạn sang đánh Trưng Bương. Lúc này, Trưng Vương họp đình thần bày mưu tính kế đánh Mã Viện.
Thánh Thiên công chúa liền đem quân giao chiến với quân Hán ba, bốn lần, một tay chém non ngàn quân giặc khiến cho quân Hán sợ hãi lùi về vùng Mã Giang, biểu tấu về vua Hán rằng: "Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức". Vua Hán cho tướng sĩ sang ứng cứu và mật truyền nên dùng mưu mà đánh.
Mã Viện dàn quân và cho phao tin là đang đánh các đạo, Trưng Vương tưởng thực truyền Thánh Thiên công chúa hỏa tốc đem quân lên cứu miền thượng du. Không ngờ Mã Viện cho đánh thẳng quân doanh của Trưng Vương. Trưng Vương không kịp đề phòng, vội vàng đem quân ra chống đỡ nhưng không kịp.
Thánh Thiên công chúa ở miền thượng được tin Trưng Vương đang ở trong tình thế cấp bách bèn cải trang đem quân kíp về giải nguy. Khi tới thành Ái Châu thì gặp Trưng Vương bại trận. Thánh Thiên công chúa liền dàn quân, ngăn cản quân Hán để Trưng vương lánh đi nơi khác. Hai Bà chạy về đến Hát Môn thế cùng phải gieo mình xuống sông Hát giữa ngày 6 tháng hai năm Quý Mão (năm 43 TCN).
Sau khi Hai Bà Trưng mất, Thánh Thiên công chúa một mình cầm cự với quân Hán. Nhưng quân Hán mỗi lúc một đông, bốn phía giáp công khiến quân sĩ của nữ danh tướng mệt mỏi phải lui vào thành.
Thế nhưng khi về tới thành thì quân Hán đã vây đầy. Thánh Thiên công chúa một mình và số binh sĩ còn lại xông pha trận địa, phá vòng vây, chém tướng nhà Hán. Nhưng quân Hán quá đông, Thánh Thiên công chúa vượt qua vòng vây chạy thẳng ra bờ sông Nhật Đức, phóng ngựa nhảy xuống sông tuẫn tiết. Nước ta từ đó lại rơi vào tay nhà Hán.
Cảm phục khí tiết của Thánh Thiên công chúa, dân làng Ngọc Lâm đã dựng miếu nhỏ bên bến Ngọc để thờ tự. Về Sau, miếu ấy được xây kiên cố thành đền Ngọc lâm, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài ra, đình Ba Nóc ở Ngọc Lâm cũng là nơi thờ Thánh Thiên.
Trong đền hiện còn đôi câu đối ca ngợi bà:
Nhân khí bể Đông, trời giúp nhà Trưng sinh nữ tướng,
Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến Ngọc ngưỡng thần uy.
Và trong dân gian cũng còn lưu truyền lời thơ nói lên khí tiết của bà:
Trời đất sinh ta thân con gái
Trung lòng với nước, hiếu mẹ cha
Trời đất chẳng phụ người có chí
Chẳng bỏ việc quân, việc nước cần
Hàng năm, lễ hội đền Ngọc Lâm được tổ chức lớn vào ngày 11 tháng 2 (âm lịch), là ngày sinh của bà Thánh Thiên. Ngoài ra, đình Ba Nóc ở Ngọc Lâm cũng là nơi thờ Thánh Thiên. Tên bà cũng đã được dùng để đặt tên một con phố ở thành phố Bắc Giang.