TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 1/5 - 1 phiếu
Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb. KHXH, 1991) ghi tóm tắt tiểu sử và đánh giá sự nghiệp của Vũ Phạm Hàm như sau:

"Vũ Phạm Hàm (Giáp Tý 1864 - Bính Ngọ 1906). Danh sĩ. Tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì. Quê xã (làng) Đôn Thư huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (cũ).

Năm Giáp Thân 1884 đỗ giải nguyên. Năm Nhâm Thìn 1892 đỗ Đình nguyên Thám Hoa. Làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy, rồi Đốc học Hà Nội, kiêm Sung quán đồng văn, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Đương thời giới trí thức rất hâm mộ tài học và đức độ của ông. Mất năm 1906, thọ 43 tuổi. Các tác phẩm gồm có:

- Kinh sử thi tập

- Tập đường thuật hoài

- Mộng hồ gia tập

- Hưng hóa phú

- Thám hoa văn tập

- Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách.

(Cầu Đơ một thời gian là tên của tỉnh Hà Đông cũ).

Thơ văn của ông còn truyền tụng nhiều vì nội dung, nghệ thuật sâu sắc, có nhiều hình tượng mà giới yêu thơ thán phục (tiêu biểu như các bài Mã yên sơn lăng (Lăng Đinh Tiên Hoàng ở núi Mã Yên), Hương Sơn phong cảnh...)"

Xem thêm:

*

*        *

Vũ Phạm Hàm vốn gốc họ Phạm ở làng Chuông ngay phía dưới Đôn Thư, từ nhiều đời trước lên đây, làm con nuôi họ Vũ (thuộc dòng Vũ Công Trấn, nguyên Đông các đại học sĩ, Đô ngự sử, Tả thị lang Bộ binh đời chúa Trịnh Doanh). Đến thời Nguyễn, dòng họ Vũ (Phạm) ở Đôn Thư đã có một số vị hiển đạt, tiêu biểu như cụ Phạm Quyền, tuy chỉ đỗ Hương cống nhưng dạy học trò có nhiều người đỗ đại khoa, rồi được mời vào Huế dạy cho các Thế tử, Hoàng tôn tới 26 năm. Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và cả Tôn Thất Thuyết, đều là học trò của cụ.

Cha của Vũ Phạm Hàm là một thầy đồ hay chữ nhưng nhà nghèo, còn bà mẹ làm ruộng và làm thêm cả nghề nón, vốn là nghề truyền thống của dân hai làng Chuông, Đôn Thư. Vũ Phạm Hàm là con thứ, nhưng đã nổi tiếng "thần đồng" và hiếu học ngay từ khi còn rất bé. Truyền thuyết và truyện kể về ông từ nhiều đời nay ở trong làng, do vậy, đã như một lời giải thích theo cách dân gian, khi họ chứng kiến một hiện tượng "lạ".

"Tương truyền từ thời Lê Sơ, "đất học" trong vùng là thuộc làng Tràng Cát (cách Đôn Thư khoảng 5 cây số, ở phía trong), nhưng dân làng này không biết, cho là "ma", đã làm lễ xua đuổi. "Ma" từ Tràng Cát dạt về khu Đầm Sen trước cửa làng Đôn Thư, "ẩn" vào trong một cái gò ven đường (về sau dân làng gọi gò này là gò "Thần Đồng"). Từ đấy, đêm đêm mọi người nghe có tiếng trẻ học bài từ khu Đầm Sen vọng về làng - hiện tượng cũng giống như ở Tràng Cát.

Bà mẹ Vũ Phạm Hàm vốn là người nhân đức lại tần tảo, nên sáng sớm vào phiên chợ Chuông nào cũng đi từ nhà qua khu Đầm Sen để xuống chợ bán nón và mua sắm các vật liệu làm nón. Thế rồi bỗng đến một hôm, khi đi qua cái gò cạnh đầm, thì bà nghe có tiếng gọi: "Mẹ ơi. Đi chợ về mẹ nhớ mua quà cho con với nhé".

Bà không để ý, do đang vội đi, nhưng trong bụng thì đã có phần hồ nghi. Đến phiên chợ sau, qua đây, bà lại nghe có tiếng gọi như lần đầu. Lần này thì bà dừng hẳn lại, lắng nghe thêm nhưng không thấy gì, bèn lại đi tiếp. Lần thứ ba, cũng vẫn tiếng gọi ấy, nhưng do đã quen và bạo dạn hơn, nên bà dừng lại và hỏi: "Thế con ở đâu, để mẹ mua bánh về cho?". Lập tức có tiếng trả lời: "Mẹ cứ để ở gần chỗ mẹ đang đứng ấy".

Từ đấy trở đi, lần nào đi chợ về, bà cũng mua quà, đem đặt ở cạnh gò ven đường, rồi mới về nhà. Về sau, bà nhớ lại, được bốn mươi ba lần như vậy.

Sau đó ít lâu thì bà có mang. Cũng từ đấy, đêm đêm ở phía Đầm Sen, không còn tiếng trẻ học bài vọng về làng nữa.

Chín tháng mười ngày sau thì bà sinh hạ một bé trai, thật khôi ngô tuấn tú, và đó là vị Thám Hoa tương lai...

*

*        *

Mới 2 - 3 tuổi, Vũ Phạm Hàm chơi trong nhà, nghe cha giảng bài cho các học trò, vậy mà đã hiểu, đã nhớ mặt chữ. Năm lên 4 tuổi, thì một hôm Vũ nói với mẹ:

- Mẹ ơi, đến phiên chợ Chuông này thì mẹ mua cho con một con gà trống, một chai rượu, để lên xin học thầy ở làng Kim Bài (phía trên làng Đôn Thư) nhé.

Ông bố, bà mẹ thật ngạc nhiên, nói lớn lên thêm mới đi học được, nhưng cậu bé bảo: "Các chữ bố dạy cho các anh đến học, con đều thuộc cả rồi".

Ông bố gọi con đến bên bàn, giở sách ra khảo hạch lại, thấy đúng như vậy, bèn nói với bà mẹ: "Thôi, bà cứ đi sắm sửa lễ vật, đúng như con nó dặn".

Đến đêm trước ngày hai mẹ con mang lễ vật lên làng Kim Bài, thì Thần làng này đến báo mộng cho các nhà chức sắc: "Sáng mai cho người quét tước sửa sang đường sá, để đón thần đồng nhập trường".

Sáng hôm sau, khi dân làng Kim Bài theo lời nhà chức sắc, đang quét đường, thì thấy hai mẹ con Vũ Phạm Hàm mang lễ vật đến, hỏi thăm vào nhà thầy đồ. Dân làng tin lời, bèn cử người dẫn đường cho hai mẹ con họ. Đến nơi, ông thầy nhìn mặt Vũ thấy thông minh sáng láng lại lễ phép ứng đáp trôi chảy, bèn cho làm lễ nhập trường ngay.

Đến năm Vũ lên 6 tuổi, học hành đã rất giỏi, lại có tài ứng đối, nên ông thầy rất yêu qúy, đi đâu cũng cho theo hầu.

Kíp vào khi ấy, có quan Ngự sử Lê Văn Xuân người làng Kim Lâm (phía ngoài làng Kim Bài), vốn là chỗ bạn bẽ cũ của thầy đồ làng Kim Bài, từ kinh đô Huế về thăm nhà. Ông thầy dẫn Vũ Phạm Hàm sang chơi, cũng là có ý giới thiệu rồi gửi gắm cho quan Ngự sử, để Vũ có cơ hội được theo học ở trường Quốc tử giám Huế.

Lúc hai thầy trò đang còn đứng ở sân, quan Ngự sử từ trong nhà ra đón, nhìn thấy Vũ Phạm Hàm, đoán là "học trò cưng", bèn chỉ ngay vào cái hàng rào trước vườn mà đọc:

"Phên đan mắt cáo, mèo chui lọt"

Rồi nói thêm: "Con thử đối lại cho hai thầy nghe".

Ông thầy có phần lo lắng, vì sự việc diễn ra quá đột ngột. Nhưng liền khi ấy, đã thấy trò chắp hai tay lại, cúi đầu, rồi đọc luôn:

"Đó dóc lòng tôm, tép nhảy qua"

Quan Ngự sử vỗ hai bàn tay vào nhau, cười khen hay, rồi mời hai thầy trò vào nhà. Chủ, khách ngồi trên sập uống nước, tay cầm quạt, còn trò thì đứng hầu bên thầy.

Quan Ngự sử muốn thử thêm chí của cậu bé nữa, bèn nói:

- Lần này ta ra vế đối nhanh, con cũng phải đối lại thật nhanh đấy.

Nói đoạn, Ngài gập ngay chiếc quạt đang xoè, chìa ra phía trước mà đọc: "Quạt đầu bống".

Vừa nghe xong, Vũ liền chắp hai tay lại, cúi đầu xuống như lần trước, nhưng khi ngẩng lên thì miệng cũng đọc luôn: "Cờ đuôi nheo".

Quan Ngự sử gật gật đầu, tấm tắc khen tài. Đang lúc vui vẻ, ông thầy học thưa ngay:

- Hôm nay đệ đến đây cũng còn có ý muốn gửi trò Hàm lại cho huynh đấy.

Quan Ngự sử cười vang, rồi trịnh trọng nhận lời. Sau đó, Ngài bảo người nhà chuẩn bị cơm nước. Đến chiều, khi hai thầy trò ra về, Ngài bảo Vũ Phạm Hàm:

- Con về chuẩn bị đi cho kịp, vì ngày kia ta đã phải lên đường.

*

*        *

Vũ Phạm Hàm sau đó đã được học tại Quốc tử giám Huế, do có sự bảo trợ của quan Đô ngự sử Lê Văn Xuân. Năm 13 tuổi ông đã dự thi hương, nhưng vì ít tuổi quá, nên không được lấy đỗ. Mấy năm sau, ông có việc nhà, phải về quê. Đến năm 1884 khi ông 21 tuổi, mới lại đi thi và đỗ giải nguyên (đỗ đầu thi hương). Năm ông 26 tuổi dự kỳ thi Hội, nhưng năm ấy, do có chuyện các sĩ tử phá trường thi, nên kết quả thi bị triều đình bác bỏ. Ba năm sau, mở thi hội lại, ông dự thi và đỗ Hội nguyên (đỗ đầu thi Hội). Tiếp đó thi Đình ông lại đỗ Đình nguyên, và được xếp ở bậc "Thám hoa", năm ấy ông 29 tuổi. Sau đó, Vũ Phạm Hàm trở thành con rể của quan Ngự sử làng Kim Lâm - Lê Văn Xuân.

Về chuyện thi cử và quan hệ của Vũ Phạm Hàm với Nguyễn Thượng Hiền, có câu chuyện sau đây cũng cần được nhắc lại.

Nguyễn Thượng Hiền là con của Tiến sĩ Nguyễn Thượng Phiên, một vị Đại thần có uy tín thời vua Thành Thái, quê ở làng Bặt (Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông (cũ)). Giống như Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền cũng nổi tiếng thần đồng và hiếu học ngay từ nhỏ.

Trong lần thi Hội trước, khi tính điểm thì Nguyễn Thượng Hiền xếp trên Vũ Phạm Hàm, nhưng sau đó, kết quả bị bãi bỏ. Đến lần thi sau, khi tính điểm thì Vũ Phạm Hàm lại được xếp trên Nguyễn Thượng Hiền. Cụ Nguyễn Thượng Phiên khi ấy làm chánh chủ khảo kỳ thi. Nguyễn Thượng Hiền có ý không chịu bèn nói với cha, xin nhà vua khảo hạch lại.

 Vua Thành Thái khi ấy còn trẻ, nhưng cũng muốn thử tài thêm hai vị tân khoa đỗ cao, Ngài chấp thuận lời tâu trình và truyền cho hai vị vào ra mắt. Giấy, bút được đưa ra, rồi nhà vua bảo:

- Hôm nay trẫm không ra đề, nên cho phép hai khanh được tuỳ ý viết.

Lúc đầu, hai vị Tân khoa hết sức ngạc nhiên, nhưng rồi sau đó, đều cúi đầu xuống trước trang giấy mà viết lia lịa.

Vũ Phạm Hàm dường như chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều. Ông viết toàn là Kinh nhà Phật, do đã đọc mà thuộc từ lâu. Còn Nguyễn Thượng Hiền thì viết truyện và lời bình, lúc đầu có vẻ rất hăm hở, nhưng sau đó, chốc chốc lại phải dừng để suy nghĩ đắn đo. Do vậy, đến lúc hết giờ trình lên, Vũ được ba mươi tờ, còn Nguyễn chỉ được trên một chục.

Vua Thành Thái đọc cả hai. Ngài khen Vũ có trí nhớ giỏi, còn Nguyễn có tài biện bác hay. Cuối cùng, Ngài phê cho Vũ đỗ Thám hoa, còn Nguyễn thì đứng đầu Hoàng giáp.

Chuyện tranh tài giữa Vũ và Nguyễn tưởng rồi sẽ dẫn đến chỗ đố kỵ ganh ghét nhau, nhưng trên thực tế đã không diễn ra như vậy. Hai ông rất hiểu và phục tài của nhau, rồi trở thành thông gia với nhau. Con gái đầu của Vũ lấy con trai trưởng của Nguyễn.

Sau thời phong trào Cần Vương tan rã, Nguyễn Thượng Hiền quyết chí ra đi làm cách mạng. Trên đường từ quê (Liên Bạt) ra Hà Nội để đi tiếp, ông có ghé vào Đôn Thư, rủ Vũ Phạm Hàm cùng lên đường. Vũ bịn rịn trả lời: "Đệ còn có mẹ già ở nhà, nên chưa thể đi ngay được". Vũ mất khi 43 tuổi, lúc ấy bà mẹ của ông hãy còn sống.

*

*        *

Hồi Vũ Phạm Hàm đang làm Đốc học ở Hà Nội, có viên công sứ người Pháp biết tiếng ông hay chữ, đến nhờ viết cho mấy chữ đại tự. Ông nhận lời, rồi viết ngay cho hai chữ "Ngọc Đại" vừa đẹp vừa to. Viên công sứ hí hửng ra về, nhưng sau đó có viên quan ghen ghét với ông, mách với công sứ Pháp: "Ngọc là ám chỉ Ngọc hành".

Viên công sứ vội tìm đến tận nhà Vũ để trách móc. Ông điềm tĩnh  giảng giải: "Đấy là tôi ví ngài như viên ngọc lớn rất quý, chứ người nào bảo ngọc hành, thì chỉ là do cố ý mà bẻ quẹo ra thôi". Viên công sứ không biết nói làm sao, đành phải xin lỗi, ra về.

Vũ Phạm Hàm có ba bài thơ "Thu" để nói lên tâm trạng của mình trước thời buổi đất nước bị đô hộ. Ông lại có nhiều câu đối, đề ở các di tích, như đền Trấn Vũ, Kiếp Bạc, chùa Bà Đá (Hà Nội) cũng vẫn thể hiện tâm trạng trên. Đặc biệt, bài "Mã Yên Sơn lăng" rất được giới sĩ phu đương thời ngưỡng mộ, lưu truyền. Bài "Hương Sơn phong cảnh" vừa là thơ nhưng cũng vừa là phú, được viết bằng chữ quốc ngữ với bút pháp giản dị, phóng khoáng, mang âm hưởng vừa bác học vừa dân gian, được rất nhiều người truyền tụng, sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã viết hẳn một bài bình đăng trên báo Văn nghệ. Về tỉnh nhà (Hà Đông cũ) Vũ có công trình sưu tầm, nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên, cảnh quan, cư dân và phong tục.

Khi Vũ làm Đốc học ở Hà Nội, thì cũng là lúc người Pháp đặt ra lệ phí thi cử, bắt mọi người phải theo. Nhân đó, có nhà nho làm thơ đả kích: "Thám hoa chi rứa Thám hoa xòe. Thi cử hai đồng nộp chẻ hoe". Nhà nho tưởng rằng ở chức Đốc học Vũ có thể thay đổi được tình thế, nhưng cho như vậy chỉ là không thực tế. Vũ rất hiểu tâm trạng của mọi người khi nhìn nhận sự tình này, vì vậy ông đã viết các bài thơ Con cua, Con ong, Con muỗi, Cái trống  để gửi tâm tư, chí hướng của mình vào, nhưng đồng thời, cũng còn là cách ngầm phúc đáp lại.

Vũ trước sau toàn tâm toàn ý với nghề dạy học (Học quan) và là người giàu tâm huyết với quê hương, đất nước. Hiện nay ở Hà Nội, có đường phố mang tên ông, các con của ông, thời trước cách mạng, tuy giữ những chức vụ khá cao (có người làm đến tri phủ), nhưng khi cách mạng đến thì đều vui lòng ngả sang Mặt trận Việt Minh, và từ đấy, có những đóng góp tích cực cho phong trào. Các thế hệ thứ ba, thứ tư của ông, hiện nay cũng có nhiều người thành đạt.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)
  4. Vua ếch (Tạo lúc: 11/03/2015)
  5. Con chim họa mi (Tạo lúc: 12/03/2015)
  6. Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa (Tạo lúc: 13/03/2015)
  7. Mười hai hoàng tử (Tạo lúc: 14/03/2015)
  8. Chơi khăm kiểu gà vịt (Tạo lúc: 14/03/2015)
  9. Lê Quý Đôn giai thoại: Biết thì nói là biết (Tạo lúc: 17/03/2015)
  10. Phùng Khắc Khoan (Tạo lúc: 17/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn