Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, với hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy.
Từ xa xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén...) và phảng phất nét văn hoá phồn thực ( bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu...) du khách đến Chùa Hương cầu mong được thắp một nén tâm hương trước đấng siêu phàm và lời nguyện cầu mọi sự tốt lành.
Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba. Theo truyền thuyết thì ở vùng "Linh sơn phúc địa này" vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào tu hành 9 năm đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh. (Ngày Phật Đản là ngày 19 tháng Hai hàng năm theo Âm lịch). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ.
Người xưa có câu "Xuân du phương thảo địa". Mùa xuân đến nơi đất có hoa cỏ đẹp. Hoặc quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi", nên các tao nhân mặc khách thường lui tới những nơi có danh thắng đẹp thưởng ngoạn, chính vì thế Chùa Hương là nơi hội tụ của bao người.
Vào tháng 3 năm Canh Dần (1770) Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tuần du Trấn Sơn Nam với cả quân dưới trướng. Nhà Chúa đã vào động Hương Tích thắp hương vãn cảnh và đề lên vách đá cửa động năm chữ "Nam Thiên Đệ Nhất Động". Động Hương Tích đã là nơi linh địa, lại được Nhà Chúa ca ngợi "Nam Thiên Đệ Nhất Động" thì lại càng đắc địa với lòng người. Vì lẽ động Hương Tích thờ Phật Bà Quán Thế Âm, là chỗ dựa tinh thần của lòng dân để cầu bình an và mọi điều tốt lành.
Có thể nói, Chúa Trịnh Sâm là người đưa vị thế động Hương Tích trở thành một di tích lớn, và cũng là đặt nền móng cho sự phát triển lễ hội Chùa Hương về sau và cho tới bây giời, cũng từ đó hàng năm khi mùa xuân đến, dần dần du khách đến với lễ hội ngày một đông vui. Nhưng phải mãi đến năm 1896 niên hiệu Thành thái năm thứ 8 mới chính thức mở hội lớn. Xưa hội Chùa Hương thường được mở sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ vào ngày mùng 06 tháng Giêng.