Hà Nam là tỉnh có nhiều ngôi chùa cổ và chùa Bà Đanh tọa lạc tại thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với diện tích 10ha, được xem là ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất gắn liền với câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh". Khuôn viên chùa bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Chùa có một vị trí sơn thủy hữu tình, phía sau quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy, phía trước tiếp giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan.
Ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo, đậm nét kiến trúc đình chùa Bắc Bộ
Theo quốc lộ 1A cũ từ Hà Nội đến thành phố Phủ Lý, men theo đường 21B khoảng 10km khách tham quan có thể nhìn thấy ngôi chùa thấp thoáng qua những bóng cây, chùa Bà Đanh hay còn gọi "Bảo Sơn Tự". Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Trung tâm của chùa là pho tượng Bà Đanh mà dân gian xưa tương truyền rằng bà là một người con gái được trời phật ban xuống trông coi mảnh đất này. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải là toà sen), với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, chứ không có dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh. Chùa Bà Đanh nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, gắn liền với những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, với cuộc sống lao động của nhân dân. Huyền tích trên khiến ngôi chùa có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của bà con, đem lại vẻ thư thái thanh tịnh cho du khách thập phương.
Khung cảnh tĩnh mịch tại ngôi chùa
Không phải ngôi chùa này nổi tiếng vì khách hành hương hay khách thăm quan lũ lượt kéo nhau đến mà di tích này được biết đến bởi câu ví von "Vắng như chùa Bà Đanh".
Vậy một câu hỏi lớn đặt ra tại sao một ngôi chùa đẹp, linh thiêng lại vắng vẻ, đìu hiu đến như vậy?
Sự tích "Vắng như chùa Bà Đanh"
Đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau lý giải cho điều này nhưng có lẽ thuyết phục nhất là do chùa Bà Đanh rất linh thiêng. Người dân địa phương thường kể lại rằng, Bảo Sơn Tự rất linh thiêng, người đi đường nếu dám cười cợt, bất kính dù chỉ 1 câu cũng sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Có lẽ vì thế khách hành hương ngày càng ít ghé thăm ngôi chùa này, nhằm tránh những tai hoa ập xuống do nhũng câu vạ miệng mà ra.
Chùa Bà Đanh với mái ngói cổ kính
Bên cạnh phần linh thiêng, nhiều người cũng truyền tai nhau xung quanh chùa bà Đanh là rừng rậm, có nhiều thú dữ, hay tấn công con người, cộng thêm con đường đi lại khó khăn bất tiện (thường phải đi đường sông dể tránh thú dữ) nên càng ngày càng vắng vẻ, ít người lui tới.
Một góc chùa Bà Đanh
Có rất nhiều giai thoại về chùa Bà Đanh được dân gian truyền miệng và các sự tích ấy đều chỉ mang tính tham khảo, tương đối do có nhiều dị bản khác nhau, khó chính xác hoàn toàn.
Tại sao lại gọi là "chùa Bà Đanh"?
Cũng có nhiều cách giải thích về tên gọi này tuy nhiên theo truyền thuyết của địa phương là vì: Chùa được đặt tại thôn Đanh, xã Ngọc Sơn và chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh. Và người dân gọi tắt là chùa Bà Đanh nên chùa mới có tên gọi như ngày nay.
Ngày nay, thì câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh" đã không còn đúng nữa vì chùa đã được đầu tư xây dựng với kiến trúc rất đẹp. Hiện nay, chùa Bà Đanh đang còn lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật, tượng
Bồ Tát, khánh đá, đại tự, câu đối và nhang án…
Khánh đá tại chùa Bà Đanh
Hàng năm, từ ngày 9 đến 11 tháng 2 (
âm lịch), Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức đã trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương xa gần đến chiêm bái và cầu bình an.