Theo phật thoại ngày xưa, vào đời vua Dịêu Trang Vương ở nước Hương Lâm kể rằng: thời trị vì nhà vua không có con để kế vị ngai vàng nên nhà vua bèn đến miếu Tây Nhạc cầu tự. Lòng thành nhà vua cảm động tới Thiên Đế. Nhân lúc ở dưới trần gian có gia đình họ thị có ba người con trai bị Ngọc Hoàng giáng tội vì gia đình ăn ở không tốt và cho nhốt vào ngục tối. Được tin ở hạ giới có nhà vua đang cầu xin con nên Nam Tào xin Ngọc Hoàng cho ba anh em họ thi đầu thai vào gia đình nhà vua, nhưng phải chuyển kiếp thành nữ giới.
Thế rồi thời gian trôi qua Hoàng Hậu cũng mang thai. Nhưng sau nhiều năm sinh nở, Hoàng Hậu chỉ sinh được ba người con gái và đặt tên là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diêu Thiện. Vì không sinh được con trai để nối ngôi nên nhà vua rất buồn phiền. Rồi thời gian qua đi, các công chúa cũng đã khôn lớn. Trong ba cô công chúa thì Công Chúa thứ ba vừa đẹp người lại vừa đẹp nết lại có tâm hướng thiện sâu sắc, nàng chỉ mong được xuất gia tu hành.
Vì không có con trai nối ngôi nên nhà vua gả chồng cho các công chúa hy vọng có kén được rể tốt để nhường ngôi báu. Nhưng thật đáng tiếc, hai người rể họ Triệu và họ Mã đều là nhưng người tham lam nên không xứng đáng để nhà vua nhường ngôi. Chính vì vậy, nhà vua bắt Công Chúa thứ ba phải lấy chồng hy vọng có người rể tốt để truyền ngôi. Nhưng công chúa một mực cự tuyệt không muốn xuất giá mà muốn xuất gia tu hành. Nhà vua tức giận bèn nhốt công chúa vào vườn sau cách ly với mọi người, nhưng công chúa lại thấy nơi đây rất yên tĩnh để tu hành. Nhà vua thấy vậy bèn đưa nàng tới chùa Bạch Tước và bảo các nhà sư bắt nàng làm nhiều việc nặng nhọc mong nàng nản chí từ bỏ việc tu hành. Thế nhưng lại càng mừng rằng đó là quy luật (Hữu Thân, Hữu Khổ) không tiếc thân mình hằng mong đắc đạo. Nhà vua thấy vậy lại càng tức giận bèn sai quan quân đốt chùa, giết sư. Công chúa thấy vậy bèn cắt tay chảy máu và vung lên trời. Ngọc Hoàng thấy vậy biến những giọt máu thành mưa dập tắt lửa. Việc làm của nàng càng làm cho nhà vua tức giận cho dù Hoàng Hậu và mọi người can ngăn nhưng nhà vua vẫn sai quan quân đưa nàng ra pháp trường xử chém vì nàng chống lại lệnh của nhà vua. Ngọc Hoàng thấy vậy liền sai thần linh hóa thành mãnh hổ biến thành trận cuồng phong tối tăm và mãnh hổ lao ra cõng nàng công chúa vào rừng cứu thoát khỏi sư truy đuổi của quan binh. Sau đó nàng được sứ giả của Diêm Vương đưa xuống thăm 18 tầng địa ngục. Ở đây, nàng chứng kiến rất nhiều sự tra tấn và cực hình của những tội nhân rất thương tâm và đau lòng, nàng cầu xin được xá tội cho những tội nhân và nàng than rằng:
Ước sao tù ngục vắng không
Bao nhiêu tội chúng sạch trong lầu lầu.
Lòng thành của nàng được Thượng Đế cảm động liền sai Diêm Vương xá tội cho những tội nhân. Sau đó nàng được đưa lại dương gian và được thần hổ đưa về chùa giải oan để tu hành. Ở đây nàng được Đức Phật thử lòng son sắt xem nàng có thực sự có tâm hướng Phật hay không hay vẫn vướng vân tình ái nhân gian. Nhưng nàng một lòng một dạ muốn được tu hành để cứu độ chúng sinh, Đức Phật thấy nàng một lòng hướng thiện bèn sai thần hổ đưa nàng vào động Hương Tích để tu hành. Trước khi vào động nàng được Đức Phật cho tắm ở suối giải oan mong rằng nàng sẽ chút bỏ mọi muộn phiền để hướng tâm vào tu hành.
Sau chín năm tu hành bà đã có nhiều phép thuật, được chư phật kính trọng và tôn bà là Bồ Tát Quán Thế Âm (còn có tên gọi: "Bà Chúa Ba" ứng với mong ước của bà tu hành là để độ cho chúng sinh được an bình.
Cùng lúc đó tại quê nhà, nhà vua thì lâm bệnh nặng, đất nước thì loạn lạc vì sự tranh giành ngôi báu của hai người con rể. Thấy vua cha như vậy, Bà Chúa Ba đã cải trang đến chữa bệnh cho nhà vua và giúp gia đình tránh khỏi cảnh loạn lạc. Vì để chữa bệnh cho vua cha mà bà đã chặt tay, móc mắt để làm thuốc chữa bệnh. Sau khi vua cha khỏi bệnh bà lại quay lại động Hương Tích để tu hành. Khi nhà vua đã khỏi bệnh và đất nước cũng trở lại thái bình, nhà vua đã dò hỏi và dẫn cả gia đình tới động Hương Tích để cảm tạ, lúc đó nhà vua mới nhận ra người chữa bệnh cho mình chính là Công Chúa thứ ba ngày xưa mà mình đã hắt hủi. Cả nhà khi nhìn thấy Bà Chúa Ba bị mất cả tay và mắt thì rất đau lòng, nhưng bà khuyên mọi người đừng quá đau lòng vì bà đã mãn nguyện tu hành. Sau bao nhiêu năm xa cách gia đình mới được đoàn tụ, lúc này nhà vua thức tỉnh và mong được xuất gia tu hành để được chuộc lại lỗi lầm. Thấy tấm lòng của cả gia đình bà như vậy chúa trời đã hóa phép cho bà được trở lại như xưa. Cảm động trước tấm lòng của cả gia đình một lòng hướng thiện tu hành, chúa trời đã sắc phong cho Công Chúa thứ ba là Quán Thế Âm Bồ Tát, Công Chúa thứ nhất là Văn Thù Bồ Tát, Công Chúa thứ hai là Phổ Hiền Bồ Tát, nhà Vua là Thiện Thông Bồ Tát, Hoàng Hậu là Khuyến Thiện Bồ Tát.
Vậy là cả gia đình Bà Chúa Ba được vinh hiển thơm tho lưu truyền hậu thế và trở thành một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Dân gian còn lưu truyên câu thơ:
Rằng trong bể nước nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm.
Ở Chùa Hương còn có một nơi hiện giờ vẫn lưu truyền thờ phụng gia đình Bà Chúa Ba đó là Động chùa Tiên Sơn - Chùa Hương.
Và từ xa xưa nét đẹp đó đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc. cứ mỗi độ xuân về thì du khách cả nước lại nô nức về đây trẩy hội, thắp một nén hương thơm cầu mong người mẹ của tâm linh luôn che chở cho họ được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người vượt qua những khó khăn.