Phù Đổng Thiên Vương, cũng có danh xưng là Sóc Thiên Vương nhưng hay được gọi là Thánh Gióng, là một trong Tứ Bất Tử được tôn thờ trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Trong Tứ Bất Tử, Thánh Gióng được coi là biểu tượng cho sức mạnh tuổi trẻ và tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Tích xưa còn lưu lại trong các thần phả và văn tự cổ như Lĩnh Nam chích quái, kể rằng Hùng Vương thứ 6 thiên hạ bình yên; dân gian sống trong cảnh thái bình. Vua Hùng cậy nước giàu mạnh mà chểnh mảng việc triều cận Bắc phương, lễ cống không nghiêm. Mượn cớ tuần thú, vua nhà Ân (chính là nhà Thương) đem quân sang xâm lược. Hùng Vương và quần thần bèn lập đàn cầu đảo. Quả nhiên ba ngày sau có cụ già cao lớn lạ thường xuất hiện, vào tâu vua, báo rằng ba năm nữa giặc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, cho sứ giả đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ đứng ra dẹp giặc. Nói rồi cụ bay lên không mà đi, bấy giờ mới biết là Long Quân hiển linh.
Ba năm sau giặc Ân tới. Hùng Vương theo lời cụ già dặn dò, sai sứ đi khắp bốn phương tìm bậc hiền tài cứu nước. Tới làng Phù Đổng có một bà mẹ nọ tuổi đã cao, không có con cái, tuyệt nhiên do ướm vào vết chân lạ mà mang thai, sinh ra một đứa con ba tuổi không biết nói cười, nằm ngửa không ngồi dậy được. Đột nhiên nghe tiếng sứ giả, cậu bé ngồi dậy bảo: "Mẹ gọi sứ giả vào đây".
Sứ giả vào gặp, đứa trẻ tâu rằng, xin vua rèn một ngựa sắt, một roi sắt, gươm sắt và nón sắt, đích thân cậu sẽ thân chinh đánh giặc. Sứ vội về tâu vua, vua mừng rỡ tin rằng lời nói của Long Quân ứng nghiệm, sai người làm đúng y lời. Đứa trẻ lại đòi ăn, ăn rất nhiều rất khỏe, mẹ nuôi không đủ, phải nhờ đến cả làng góp gạo thịt mà nuôi. Đứa trẻ ăn vào lớn nhanh như thổi, cao hơn mười thước, mặc giáp sắt, đội nón sắt, cầm gươm sắt, roi sắt, cưỡi ngựa sắt vua ban, tự xưng là thiên tướng nhà trời rồi dẫn quân binh ra trận. Ngựa sắt phun ra lửa, gươm vung lên sáng loáng giết cả vạn quân giặc, chết ngổn ngang như ngả rạ. Bỗng chốc gươm gãy, ngài lại nhổ bụi tre ven đường mà đánh, quật chết cả Ân vương. Quân giặc kẻ tử nạn, kẻ đào tẩu, kẻ quy hàng, quân ta đại thắng. Đánh đến đất Sóc Sơn, thấy giặc giã tan hết, ngài bèn cởi áo rồi cưỡi ngựa bay về trời. Nhân dân nhớ ơn lập miếu thờ phụng cả Phù Đổng Thiên Vương và Thánh Mẫu mẹ ngài. Đời sau vua Lý Thái Tổ phong ngài là Xung Thiên Thần Vương.
Thần tích về Đổng Thiên Vương chưa hết. Ở nhiều nơi quanh vùng Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, những câu chuyện về ngài còn được thêm thắt nhiều tình tiết tô vẽ cho huyền tích của từng địa phương bản xứ. Rằng lửa phun ra từ ngựa sắt thiêu rụi cả một làng nay gọi là làng Cháy. Rằng Thánh Gióng đi qua sông Cầu gặp bà cụ bán nước vối, bèn xin cụ nước. Bà dâng bình rượu, Thánh tạ ơn và đặt tên làng là làng Bầu, dặn khi nào đại hạn hãy cầu mưa Thánh sẽ ban ơn. Từ đó làng có lễ hội cầu mưa. Lại kể ở làng Cáo được đón Thánh Gióng vào nghỉ chân trước khi về trời, dâng lên cơm trắng, cà ngon, ăn xong Thánh cởi áo xuống ao tắm mát rồi mới phi ngựa rời đi. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi, trong đó nổi tiếng nhất là hội ở đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội, nơi Thánh Gióng thác hóa) và đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội, nơi Thánh thác sinh), để nhân dân đời đời tưởng nhớ.