"Bách nghệ khôi hài" hay còn gọi "trình nghề", một trò vui được diễn vào mỗi dịp xuân về tết đến có gốc từ thời Hùng Vương dựng nước.
Trình nghề tái hiện lại bức tranh cuộc sống của người dân nông thôn với muôn sắc màu từ làm nông, làm sơn, đến dạy học... Đây là những nghề đã gắn bó bao đời với người dân, đã trở thành nét đẹp văn hóa, ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân để mỗi dịp lễ hội, họ lại có dịp trình làng và tự hào về nghề truyền thống của cha ông. "Bách nghệ trình làng" thực chất là các tiểu phẩm hài được tái hiện lại trong quá trình lao động, sản xuất, mang lại tiếng cười cho Nhân dân, giúp mọi người lạc quan yêu đời hơn trong cuộc sống.
Chuyện kể rằng: Mỵ nương Ngọc Hoa sau khi lấy Sơn Tinh, ở núi Tản được ít lâu thì về với bố mẹ ở thành Phong Châu. Ba năm sau vẫn chưa trở lại với chồng, Tản Viên phải về thành Phong Châu xin vua cha cho đón nàng về.
Ngọc Hoa ra khỏi cung điện, tới làng Trẹo thì nhất định không chịu đi nữa, Tản Viên dỗ thế nào cũng không nghe, chỉ cúi đầu, nước mắt chảy ướt má. Ngọc Hoa nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ nơi nàng đã sống không nỡ rời.
Tản Viên không biết làm thế nào, mới vào trong thôn tìm người giúp. Dân làng mừng rỡ ra đón Ngọc Hoa, bấy giờ mọi người bầy ra các trò vui, để Ngọc Hoa nguôi lòng thương nhớ. Người thì múa nhảy, người kể chuyện cười. Các cô gái hát với trai làng. Công chúa vui vẻ cười và hát theo, mọi người rước Ngọc Hoa lên kiệu.
Đám rước có người già làm kẻ đánh cá, đi săn, lại mang những dụng cụ nhà nông đã hư hỏng, vừa đi vừa nói những câu bông lơn cho công chúa cười. Ngọc Hoa trong lòng vui vẻ cùng với Tản Viên trở về quê chồng...