Sinh ra tuy không làm vua, phải chịu phần nào sự nhúng nhường đối với em mình nhưng Hồ Nguyên Trừng vẫn tỏ rõ là người của dân tộc, một lòng nghĩ đến đất nước và một thứ mà cha ông không quan tâm đến đó là "Lòng dân".
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) nguyên họ Lê, tự là Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ông là con cả của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương
Ông là con trưởng nhưng không làm vua, không phải vì không được mà là do chính ông đã từ chối ngôi vị Thái tử để nhường lại ngôi cho em mình là Hồ Hán Thương. Vì Hồ Quý Ly vẫn muốn lập Hồ Hán Thương làm Thái Tử hơn nên đã ra vế đối với Hồ Nguyên Trừng như sau: “Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vũ dĩ nhuận sinh dân” (Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân). Hồ Nguyên Trừng khiêm tốn trả lời: “Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc”. (Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường làm cột để chống nâng xã tắc) biết ông không màng đến ngôi báu mà chỉ một lòng chỉ mong được phụng sự đất nước, nên họ Hồ quyết định truyền ngôi cho Hán Thương.
Về mặt thủy lợi và quân sự, ông cho đắp những con đê lớn, đào một số kênh và vét lại một số con sông. Đặc biệt, những công trình kiến trúc ở thời nhà Hồ, chẳng hạn như thành Tây Đô đồ sộ... đều do ông chỉ huy xây dựng.
Năm 1406, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, vua Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh xua quân sang đánh nước ta. Hồ Nguyên Trừng thống lĩnh binh mã kháng cự 10 vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sang. Trận đầu ông thất bại ở khu vực Đáp Cầu (Bắc Ninh ngày nay), vì khinh quân địch ít. Sau đó ông cũng đuổi được chúng ra khỏi bờ cõi. Cuối năm 1406, tướng Minh xua tiếp 80 vạn quân sang nước ta. Ông được giao chỉ huy một cánh quân tiên phong dọc sông Cái.
Ông tỏ rõ là một nhà quân sự kiệt xuất qua việc lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) đến Bình Than dài trên 400km. Ông cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm.
Trở về 2 năm trước, khi quân Minh lăm le xâm lược nước ta, cuối năm 1405, Hồ Quý Ly cho triệu tập triều thần để bàn kế chống giặc. Các quan trong triều chia thành hai phái đánh và hòa. Hòa tức là chấp nhận sức ép của Bắc triều, cắt đất, cống nộp từ con người đến sản vật. Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Nghe thế, Hồ Quý Ly liền ban thưởng cho ông một cái hộp trầu bằng vàng. Hồ Quý Ly cũng không ngờ rằng đó chính là lời tiên đoán của vận mệnh nhà Hồ Dù rằng cha con Hồ Quý Ly đã xây dựng đội quân tinh nhuệ, được các nhà sử học đánh giá là mạnh nhất so với các thời kỳ trước đó, nhưng khi lòng dân không theo, đội quân đông đảo đó nhanh chóng thất bại. Nhà Hồ sụp đổ chỉ sau 7 năm thành lập, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị quân Minh bắt sống và giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc).
Một cuộc chiến dù thành công hay không vận mệnh nằm ở lòng dân rất nhiều. Thế nhưng, do một phần nhà Hồ chưa quan tâm đến lòng dân, một phần trúng kế ly gián của quân Minh mà nhà Hồ đã thất bại gần như toàn diện, cả nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh. Câu nói của Hồ Nguyên Trừng vẫn lưu truyền đến ngàn đời như kim chỉ nam và là minh chứng cho lịch sử của dân tộc có được lòng dân là có tất cả.