TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Bà chúa Me hai lần cứu vãn cơ đồ Chúa Trịnh

Bà Chúa Me, tôn hiệu mà nhân dân trong vùng dành cho Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên hay còn gọi là Ngọc Mị, Ngọc Quyến, vốn là con gái của ông Tuấn Trạch công Vũ Tất Tố. Bà chào đời ngày 21 tháng 3 âm lịch năm thứ 10 niên hiệu Chánh Hòa đời vua Lê Hy Tông. Khi đến tuổi cập kê, bà vâng lời cha vào phủ chúa và được tuyển làm vợ của chúa Trịnh Cương (1686-1729), phong hiệu làm Chiêu viện.

Bà lần lượt hạ sinh cho chúa 2 người con trai là Trịnh Giang (1711) và Trịnh Doanh (1719) cùng một người con gái là Thái trưởng quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cư. Ngoài ra bà còn nhận thập nhất hoàng tử của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Thận làm nghĩa tử.

Năm 1729, chúa Trịnh Cương mất, Thế tử Uy quận công Trịnh Giang thuận lợi lên ngôi chúa, tôn phong tổ mẫu Trương Thị Ngọc Chử làm Thái tôn Thái phi, còn bà Ngọc Nguyên thì tôn làm Vương Thái phi. Trước có người tấu Trịnh Giang tính ươn hèn không hợp ngồi ngôi cao, Trịnh Cương vốn định phế đi nhưng chưa kịp thực hiện thì chết trên đường tuần du.

Quả thật, chúa Trịnh Giang tính tình bạo ngược vô đạo, từ lúc lên làm chúa đã khiến người người bất bình. Trịnh Giang có hành vi dâm ô với vợ lẽ của tiên vương Trịnh Cương là bà Kỳ viên họ Đặng. Chuyện trái cương thường như vậy, nếu để đến tai quan Ngự sử cùng những bề tôi vốn bất bình với chúa thì thiết tưởng ngày chúa còn ở ngôi sẽ sớm kết thúc.

Xưa kia chuyện vua Tương Dực dâm ô tham tàn có ai không biết? Kết cục của ông ta nào có tốt đẹp chi: bề tôi tạo chính biến, bản thân ông ta lại bị bỏ xác vào họng pháo mà bắn đến thịt nát xương tan. Thế nên lúc bà Thái phi biết chuyện, bèn ép bà Kỳ viên phải tự sát trước khi mọi chuyện vỡ lở.

Nếu nói về tâm cơ, thì bà chúa Me Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên vốn là người có tâm cơ sâu nhất chốn hậu cung phủ chúa. Có chăng, bà ta không muốn lưu lại mối họa có thể ảnh hưởng đến mình và đứa con trai mà thôi. Vốn dĩ sự sung túc bà đang có là dựa trên việc dẫm đạp lên người khác, lúc cần nhẫn tâm thì cớ sao lại phải quảng đại từ bi?

Năm 1735, vua Lê Thuần Tông băng hà, Trịnh Giang đưa Lê Duy Thận lên làm vua, tức Lê Ý Tông. Chuyện Trịnh Giang đưa Duy Thận lên ngôi tất có sự chỉ bảo từ bà Thái phi. Trịnh Giang vốn là hôn quân vô đạo, sớm chiều chìm đắm trong hoan lạc, sao có thể tự chủ trương được việc như thế? Vì có ơn dưỡng dục với tân đế nên bà được tặng danh hiệu là Ý Công Hậu Đức Trang Hành Đoan Nghi Khuông Vận Diễn Phúc Hoàng Du Dụ Trạch Sùng cơ Thái từ Quốc thánh mẫu.

Trịnh Giang ở ngôi đã lâu, lại làm nhiều việc vô đạo dẫn đến thiên nộ, bị sét đánh gần chết, từ đó sinh ra chứng bệnh kinh quý (sợ sấm sét). Sau Giang lại nghe lời tên hoạn quan Hoàng Công Phụ xây cung Thưởng Trì ở dưới lòng đất để tránh tiếng sấm, hại nhân dân lao khổ phu phen thổ mộc.

Từ sau khi cung Thưởng Trì hoàn công, chúa không còn thiết gì đến chính sự, tối ngày chui rúc trong đó. Vương đệ của chúa là Trịnh Doanh khi đó là Ân quốc công, là người kiêm tài văn võ, được giao phó giữ chính quyền, nhưng bị Hoàng Công Phụ ngăn trở nên không thể nắm được thực quyền.

Thái phi thấy đứa con trai trưởng đã không còn cách cứu vãn, vào đầu năm 1740, bà cho triệu Bồi tụng Nguyễn Quý Cảnh vào phủ, bảo Quý Cảnh đứng ra khuyên Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang để trừ hoạn nạn trong cung phủ. Quý Cảnh ngầm xếp đặt hương binh, dự chia thành từng bộ phận, rồi nhân lúc nhàn rỗi nói với Doanh, nhưng Trịnh Doanh còn do dự.

Quý Cảnh đem việc ấy nói với Bồi tụng Nguyễn Công Thái và thân thần là bọn Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đinh Hoàn, họ đều cùng tán thành cả. Nhân ngày Khai Bảo (trăm quan vào triều sau kỳ nghỉ Tết), bọn Quý Cảnh đưa Trịnh Doanh vào phủ đường phò lập lên nối ngôi giữ quốc chính. Doanh nhún nhường nhiều lần rồi chấp thuận, xưng là Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Cơ đồ nhà họ Trịnh được cứu vãn.

Lúc bấy giờ trong kinh ngoài trấn nông dân đứng lên dựng cờ khởi nghĩa khắp nơi, chống lại chính quyền họ Trịnh. Chúa Trịnh Doanh sau khi lên ngôi quyết tâm đánh diệt tất cả những cuộc khởi nghĩa này. Mỗi khi ngự giá của chúa xuất kinh, đều do Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên đứng ra lo liệu việc trong triều. Mùa đông năm 1741, nhân lúc chúa mang đại quân đánh dẹp bọn giặc Vũ Đình Dung ở Ngân Già, quân Ninh Xá của Nguyễn Cừ nhân sơ hở mà tiến quân vào Bồ Đề, uy hiếp Thăng Long.

Trong thành khi đó không có quân trấn giữ, lòng người nơm nớp lo sợ như đứng trước vực sâu, đi trên băng mỏng. Vũ Thái phi sai khiến bọn Trịnh Đạc chiếu theo địa giới mà giữ bốn cửa thành; lại phân phối sai quan văn là bọn Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông bố trí hàng ngũ, để làm nghi binh, đề lãnh Đặng Đình Mật đem quân trong cơ của mình sang qua sông, đánh với quân Ninh Xá nhưng bị bại phải quay về.

Diệu quân công Trần Cảnh ở Lang Tài, Dận quận công Đặng Đình Miên ở Sơn Tây biết tin đều đem quân đi đêm vào hộ vệ kinh thành, giặc hay tin liền mất hết nhuệ khí. Chúa Trịnh Doanh vừa diệt được giặc Ngân Già lại nghe tin cấp báo từ kinh thành đưa đến, cũng vội vã quay về kinh. Giặc đều phải bỏ chạy, vì thế kinh sư được yên ổn. Bọn quan lại phủ chúa nể phục bà Thái phi lắm, vừa nhanh trí lại đủ quyết đoán để ứng biến với tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Ngày 21 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 12 đời vua Lê Hiển Tông, tức 8 tháng 11 năm 1751, Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên qua đời, hưởng thọ 63 tuổi, ban tên thụy là Từ Đức, an táng ở thôn Thanh Chương, xã Kim Hoạch, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thiệu Hóa), trấn Thanh Hoa. Đến đời Tĩnh vương Trịnh Sâm thì dời mộ phần sang xã Bổn Thủy, huyện Vĩnh Lộc.

Bà được tôn phong danh hiệu cao quý: Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh mẫu, đủ thấy công lao, sự ảnh hưởng của Bà đối với đất nước thời đó. Quốc Thánh Mẫu là một tôn hiệu cao quý. Trong lịch sử phong kiến, có đến hàng trăm, hàng nghìn hậu phi của vua chúa, nhưng được phong Quốc Thánh Mẫu thì không phải là nhiều. Theo sách Lịch Triều hiến chương loại chí, lịch sử phong kiến cũng chỉ nhắc đến 4 người được phong tôn hiệu cao quý này. Sách Lịch triều hiến chương loại chí còn nhận định: "Còn như vợ Dương vương [Trịnh Tạc] là họ Trịnh (người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương) có công nuôi Gia Tông, được tôn phong là Quốc Thái Mẫu, vợ Nhân vương, họ Vũ (người làng My Thữ, huyện Đường An) có công nuôi ý Tông, được tôn phong là Quốc Thánh Mẫu, vì đã là vợ chúa tôn quý, lại nuôi nấng con vua, đức ý rõ ràng, cho nên được vinh tôn huy hiệu quý như thế, cũng chả lấy gì làm quá đáng"

<khamphalichsu>

Xem ngay truyện hay khác

  1. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Ba anh em (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Chú mèo đi hia (Tạo lúc: 06/03/2015)
  10. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn