TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Thử thách trong tu hành

Tu tâm tính trước tiên phải bố thí hành thiện chính, bởi vì để làm người có thể dễ dàng cho đi tất cả mọi thứ và luôn biết nghĩ cho người khác hoàn toàn không dễ.

Theo ghi chép trong kinh Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng một câu chuyện như thế này:

Trước đây có một vị quốc vương tên là Tát Thứ Đàn. Quốc vương này lòng dạ thiện lương, thương xót những người cô độc nghèo khổ, thường hay chu cấp và bố thí cho mọi người, chỉ cần họ có yêu cầu gì, quốc vương đều sẽ tận sức mà đáp ứng, vì vậy danh tiếng tốt đẹp của ông vang khắp thiên hạ, vượt khỏi biên giới, truyền đến tận tai của chúng Thần trên thiên thượng.

Văn Thù Bồ Tát được biết nhân gian có một vị quốc vương từ bi như vậy, trong lòng rất vui, đồng thời Ngài cũng muốn đích thân thử quốc vương này một lần, để xem rốt cuộc ông có phải thành tâm hành thiện hay không.

Một ngày nọ, Văn Thù Bồ Tát lắc mình một cái, biến thành một thiếu niên Bà La Môn, từ nước láng giềng đi sang nước Tát Thứ Đàn, rồi đến trước cửa hoàng cung, xin được bố thí.

Quốc vương nghe nói có một thiếu niên Bà La Môn từ nước khác đến tìm ông, nên rất lấy làm vui mừng mà tiếp kiến người đến, còn vô cùng quan tâm mà hỏi rằng: "Chàng trai trẻ, cậu từ đâu đến đây? Có gì cần ta dốc sức giúp đỡ cậu đây?"

Thiếu niên Bà La môn đáp: "Tôi ở nước khác nghe nói đến công đức thiện danh của Ngài nên đã không quản vạn dặm xa xôi đến đây, muốn nhận được sự bố thí của Ngài".

Quốc vương nghe xong, mừng rõ nói: "Được thôi! Cậu có yêu cầu gì, muốn được bố thí cái gì, cứ việc nói là được, đừng ngại. Thần dân của ta yêu cầu ta bố thí, ta đều sẽ đồng ý, huống hồ cậu còn là khách đến từ nước khác".

Văn Thù Bồ Tát nghe thấy thế, nghĩ thầm: "Quả nhiên danh bất hư truyền, nếu đã như vậy, ta cứ mạnh dạn mà thử ông ta xem sao".

Thế là Ngài liền nói: "Đại vương, ngài phải là bậc quân tử không được nuốt lời. Yêu cầu mà tôi đề xuất cũng có phần quá đáng, đó là tôi muốn ngài hãy làm nô lệ cho tôi, còn hoàng hậu thì làm tì nữ cho tôi!"

Quốc vương nghe xong, không hề tức giận, nổi cáu, ngược lại còn rất vui vẻ mà nhận lời: "Được thôi! Cậu bảo cá nhân ta làm nô lệ, ta có thể đồng ý với, kể từ bây giờ ta sẵn lòng nghe cậu sai khiến, hầu hạ cho cậu, nhưng hoàng hậu vốn là công chúa của một vị vua nước lớn, xa xôi mà gả đến đất nước ta, nàng có thể làm tì nữ cho cậu hay không, điều này ta không thể làm chủ được nên phải thỉnh ý của nàng ấy xem sao".

Thế là quốc vương liền đến nội cung, đem nguyện vọng bố thí mà thiếu niên Bà La Môn yêu cầu nói với hoàng hậu, rồi còn hỏi nàng có thể là tì nữ cho y hay không. Hoàng hậu cũng là người phụ nữ tâm địa hiền lương, một lòng muốn phổ độ chúng sinh, huống hồ ở bên cạnh quốc vương, mưa dầm thấm đất, nàng không muốn phụ tâm ý của quốc vương, nên đã đồng ý với yêu cầu của thiếu niên Bà La Môn.

Quốc vương và hoàng hậu cùng nhau từ trong cung đi ra, nói với thiếu niên Bà La Môn: "Chúng tôi đã thương lượng xong rồi, cả hai cùng nhau nguyện ý làm nô bộc và nô tỳ cho cậu!"

Lúc này, thiếu niên Bà La Môn liền nói: "Nếu đã đồng ý làm nô lệ cho tôi, vậy thì các người nên cởi dép ra, cần phải giống như những người nô bộc thật sự".

Quốc vương, hoàng hậu cùng nhau nói: "Vâng, thưa chủ nhân, chúng tôi cần phải giống với tất cả những nô lệ khác, họ như thế nào, chúng tôi cũng sẽ như thế nấy".

Thế hai người là liền cởi bỏ dép, quần áo cũng thay bằng những bộ y phục làm bằng vải thô mà những người nô lệ thường mặc.

Văn Thù Bồ Tát chỉ là để khảo nghiệm quốc vương, hoàng hậu, nên để không tạo thêm phiền phức cho quốc gia này, Ngài liền kiếm hai người khác, dùng phép biến họ thành quốc vương, hoàng hậu, xử lí triều chính như trước đây. Còn quốc vương, hoàng hậu thật thì đã gia nhập vào đoàn người đến nước khác làm nô lệ.

"Ngai vàng điện ngọc đâu dễ bỏ, tế thế độ nhân chẳng thể nhàn".

Lại nói vợ của quốc vương vốn là quý nhân trời sinh, nguyên là công chúa của nước khác, từ nhỏ đã được thương yêu chiều chuộng, sau khi gả cho quốc vương càng thêm hào hoa tôn quý, đâu từng chịu qua cái khổ đi chân trần lặn lội đường xa như thế!

Hơn nữa bà lại đang có mang, thân thể nặng nề, đi lại bất tiện. Vậy nên khi đi cùng với đoàn người nô lệ, mệt đến thở không ra hơi, toàn thân tê nhức, lòng bàn chân sớm đã bị cỏ dại và đá nhọn đâm rách, đau đớn đến tận tim gan, thật là mỗi bước càng khó đi, dần dần đã bị bỏ lại phía sau đội ngũ.

Văn Thù Bồ Tát sớm đã nhìn thấy những điều này. Bồ tát tấm lòng vốn dĩ từ bi tuy rằng thật sự không nhẫn tâm, nhưng vì để khảo nghiệm sự thành tâm của quốc vương, hoàng hậu, Ngài vẫn cứ làm ra vẻ hung ác, vừa quay đầu lại hét lớn: "Đi mau lên, đi mau lên!", vừa trách mắng hoàng hậu: "Nhà ngươi bây giờ là nô tì của ta, thì phải giống với dáng vẻ của một nô tì, theo phép tắc của nô tì mà làm việc. Bây giờ ngươi vẫn còn giống như khi làm hoàng hậu hay sao, yêu kiều ủy mị cho ai coi chứ!"

Hoàng hậu nghe xong, tủi thân trong lòng đều tuôn ra, thế là quỳ mọp xuống đất, nước mắt lưng tròng nói rằng: "Chủ nhân ơi, chủ nhân, tôi thật sự không dám chậm trễ, cũng thật sự không dám làm biếng gì đâu, chỉ là bây giờ tôi thật sự rất mệt, xin cho tôi nghỉ một chút rồi đi tiếp, mong ngài hãy mở lòng thương!"

Không ngờ, chàng trai Bà La Môn này lòng dạ sắt đá, không những không động lòng thương, trái lại còn nói với hoàng hậu rằng: "Được rồi, được rồi, ngươi hãy đứng dậy, đi theo ta nào. Hạng thị tỳ như vậy, sau này ta cũng không cách nào sai bảo được, chi bằng dứt khoát đem ngươi bán đi cho xong!"

Thế là, liền đem hoàng hậu ra chợ, lớn tiếng rao lên: "Mau đến xem đi, mau đến xem đi, có một thị tỳ ta muốn bán đây! Giá tiền rẻ mà người lại đẹp, ai mua được thì người đó có phúc lắm thay!"

Hoàng hầu vốn dĩ ‘ở dưới một người, trên cả vạn người’ , cả đời sống trong hoàng cung, đâu có gặp qua tình cảnh này bao giờ; nhưng giờ đây sự đời đã khác, nàng bây giờ chỉ là một nô tì, mà nô tì thì chính là bị bán như vậy đấy. Còn người chồng quốc vương của nàng, lúc này cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cùng bị đem ra chợ bán.

Quốc vương, hoàng hậu vốn dĩ còn ở cùng nhau. Bị bán như vậy, hai người lần lượt bị người ta mua đi, mỗi người mỗi ngả, không còn có thể chăm sóc cho nhau được nữa. Quốc vương bị một ông già để ý đến, sau khi bị mua đi thì bị bắt làm người trông coi nghĩa địa, chuyên môn phụ trách việc thu phí an táng chôn cất người chết. Nơi này vừa lạnh lẽo vừa hoang vu, nhất là mỗi khuya đến, ma trơi tán loạn khắp nơi, cộng với tiếng sói tru chó sủa, không gian chẳng mấy khi yên tĩnh, không sao ngủ được. Ông lão đó còn thỉnh thoảng đến kiểm tra ngài có giấu của riêng sau mỗi lần thu phí hay không. Vậy mà lòng quốc vương không hề oán trách nửa lời.

Ngài nghĩ: "Nếu đã là nô lệ, thì hãy gắng sức làm hết trách nhiệm của người nô lệ, đây mới là tu luyện công đức, bố thí với tất cả tấm lòng chân thành."

Tình cảnh của hoàng hậu còn bi đát hơn cả quốc vương. Hoàng hậu bị một nhà quyền quý mua đi. Vợ của người quyền quý này xấu xí chẳng khác nào quỷ dạ xoa, sau khi mụ ta trong thấy hoàng hậu là bậc giai nhân tuyệt sắc, diễm lệ yêu kiều, trong lòng vô cùng đố kỵ, thường xuyên  kiếm cớ đánh đập hành hạ nàng, cố ý bắt nàng làm những công việc bẩn thỉu nặng nhọc. Mỗi ngày, trời còn chưa sáng, mụ đã la lối om sòm bắt nàng thức dậy làm việc, mãi cho đến tận đêm khuya, hơn nữa còn không được chậm trễ chút nào, nếu có gì không ưng ý thì nàng liền bị mụ chửi mắng đánh đập thậm tệ.

Mấy tháng trôi qua, hoàng hậu đã mang thai được mười tháng, đến ngày sinh nở, nàng đã sinh hạ được một đứa bé trai trắng trẻo mập mạp. Nữ chủ nhân nhà này vốn dĩ không có con cái, nhìn thấy thị tỳ lại sinh được một đứa bé trai xinh xắn đáng yêu ngay trước mặt, ngọn lửa đố kỵ bất giác dâng trào, giận đến không muốn sống, mụ lớn tiếng quát mắng hoàng hậu rằng: "Hạng tỳ nữ thối tha như nhà ngươi thế này mà cũng xứng đáng sinh con sao?"

Sau đó, liền bức ép hoàng hậu đem đứa bé giết đi.

Thời bấy giờ, thị tỳ cũng là nô lệ, hoàn toàn bị buộc phải nghe theo lời sai bảo của chủ nhân. Chủ nhân bảo họ chết, thì họ không thể sống. Hoàng hậu lúc này không còn cách nào khác, đành phải cứng rắn cõi lòng, ngậm ngùi nước mắt mà giết chết đứa bé mới sinh, rồi mang thi hài đứa nhỏ đến nghĩa địa chôn cất.

Hoàng hậu đi chôn cất đứa bé, đúng lúc gặp lại quốc vương đang trông coi nghĩa địa. Sau khi gặp nhau, cả hai đều chất chứa muôn vàn lời nói nhưng không hề lộ ra bất kỳ ủy khuất và bất mãn nào, cũng không một lời oán trách.

Hai người nói chuyện trong chốc lát, rồi bỗng nhiên mọi thứ trở nên mơ hồ như một giấc mơ, mới nãy còn ở trong nghĩa địa hoang vu lạnh lẽo, bây giờ lại về đến vương quốc của mình, trên mình đang mặc trang phục của quốc vương và hoàng hậu, ngồi trên ngai vàng ngay giữa cung điện, tất cả đều đã trở về hình dáng như ban đầu. Điều khiến họ vui mừng hơn cả chính là đứa con đã được chôn cất, khiến họ ngày đêm mong nhớ, tiếc nuối khôn nguôi, giờ đây lại sống sờ sờ ngay trước mắt, đứa bé đang chìa ra bàn tay nhỏ nhắn, vui tươi nhìn họ mỉm cười.

Quốc vương, hoàng hậu chưa hết ngỡ ngàng, vẫn không biết đây rốt cuộc là chuyện thế nào, chỉ thấy Văn Thù Bồ Tát ngồi trên một đài sen lớn đứng giữa không trung, hiện ra chân thân ngũ sắc, khen ngợi hai vợ chồng họ rằng: "Thiện tai! Thiện tai! Quả thật là danh bất hư truyền, các vị phổ cứu chúng sinh, bố thí rộng khắp, quả thật là chí tín chí thành, thật lòng thật dạ, thật là xuất sắc thay!"

Quốc vương, hoàng hậu lúc này mới ngộ ra, thì ra tất cả đều là Bồ tát hiển linh, đang khảo nghiệm xem họ có phải là thật lòng hay không. Lúc này, họ không khỏi cảm thấy mừng vui từ tận đáy lòng về những thử thách mà họ đã trải qua, vội vàng hướng về Văn Thù Bồ Tát mà hành lễ cung kính.

Văn Thù Bồ Tát thấy quốc vương, hoàng hậu quả nhiên là những người chí thiện chí thành nhân gian hiếm có, tự nhiên cũng mừng rỡ vô cùng. Khi Ngài giảng Pháp bốn phương, thường lấy những việc của quốc vương, hoàng hậu làm dẫn chứng để tuyên dương Phật Pháp, truyền bá rộng rãi.

Những việc làm của quốc vương, hoàng hậu cũng khiến người dân các nước khác vô cùng chấn động; còn người trong nước thì càng không phải nói nữa, đều lấy quốc vương, hoàng hậu làm gương, làm nhiều việc thiện, về sau trên con đường tu đạo đều có được thành tựu nhất định. Quốc vương và hoàng hậu về sau đều tu thành chánh quả.

Kể xong câu chuyện, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với A Nan rằng: "Quốc vương lúc bấy giờ, chính là tiền thân của ta. Hoàng hậu lúc đó chính là Cù Di bây giờ, thái tử chính là La Vân hiện nay".

Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times

Xem ngay truyện hay khác

  1. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Thạch Sanh (Tạo lúc: 06/03/2015)
  5. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
  6. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  7. Đức Thánh Gióng (Tạo lúc: 08/03/2015)
  8. Đại thánh Từ Đạo Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  9. Johannes trung thành (Tạo lúc: 12/03/2015)
  10. Đôi giày bát kết tự đi được (Tạo lúc: 13/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn