Thuở ấy có một trưởng giả ở Ấn Ðộ giàu nứt đố đổ vách nhưng hết sức keo kiệt, thường cắt cổ, lột da thiên hạ với cách cho vay nặng lời. Tánh ông ta rất hung tợn, tàn ác. Thật đúng với câu: "Vi phú bất nhân" ông không có chút từ tâm. Mỗi khi có những kẻ mang công thiếu nợ không lo trả nổi theo lời hứa hẹn, thì ông sai lũ gia nhân đánh đập một cách tàn nhẫn, thậm chí ông còn đối đãi với kẻ ăn, người ở trong nhà một cách hết sức tệ bạc, xem họ như loài thú vật không hơn không kém.
Trong nhà có một bà lão bộc, làm công việc nhà quần quật suốt ngày không có một lúc hở tay. Nhưng không phải chỉ vậy mà thôi đâu, mỗi khi có sơ sót, hay lỡ tay làm hư hỏng việc gì, thì ông chủ miệng chửi, tay đánh không mảy may thương xót. Áo quần không đủ để che kín tấm thân gầy, cháo cơm không đủ làm no dạ dày lép xẹp. Lại còn tuổi già sức yếu mà phải chịu bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, vì sức chịu đựng của con người có hạn, cho nên bà thường bị đau yếu luôn. Có lẽ vì đau khổ quá, cực nhọc quá, nên nhiều khi bỗng không bà rơi nước mắt, rồi bà khóc thực sự, khóc cho thân thế bị bày vò, khóc cho tình đời đen bạc, trọng phú khinh bần.
Có một hôm nọ, nhân lúc mang bình ra mé sông múc nước, được ít phút rảnh rang khỏi cặp mắt gầm gừ của ông chủ, bà yên tâm tạm ngồi nghỉ chân dưới cội cây bàng. Trong đầu óc bà lúc ấy lại thoáng hiện ra những sự hành hạ, đập đánh, chửi rủa, tàn nhẫn vô lương tâm của ông chủ. Trong một phút suy ngẫm về giá trị đời sống, bà bỗng rùng mình. Tội nghiệp bấy giờ bà chán sự sống lắm, một ý nghĩ đen tối thoáng hiện trong óc bà, bà muốn quyên sinh. Bà nghĩ bà phải chết đi, chết để giải quyết tất cả mọi nỗi đau khổ loài người đen bạc đã cố ý đày đọa bà. Bà nghĩ những nỗi nọ niềm kia, nghĩ đủ thứ, nước mắt hai bên khóe tự nhiên ràn rụa tràn ra, lăn dài xuống hai má hóp. Bà để mặc cho hai dòng lệ tự do tuôn chảy không buồn chậm lau. Bà vẫn cố muốn khóc cho thật nhiều, khóc cho hết nưóc mắt để rồi bà chết, phải rũ hết nợ đời, chớ sống mà thân xác cũng như linh hồn bị dày vò đày ải quá sức, thì thà chết đi còn hơn.
Bà khóc mùi mẫn cho đến đỗi Tôn giả Ca Chiên Diên đi đến tận bên, bà cũng không hay biết gì. Mãi đến lúc Tôn giả cất tiếng hỏi bà mới giật mình.
- Sao thế? Sao bà khóc lóc quá như thế? Ai ăn hiếp bà, ai hành hạ đánh đập bà?
Bà lao vẫn còn nghẹn ngào, không nói được ra lời để đáp lại những câu hỏi của Tôn giả. Bà chỉ giương đôi mắt mờ lệ nhìn Ngài.
- Tội nghiệp quá, xem bà nghèo khổ, gian truân quá, nhưng tình cảnh nhà bà ra sao? tại sao bà lại ngồi đây một mình mà khóc, bà cho tôi biết đi, bà nói hết nỗi khổ của bà cho tôi nghe đi, may ra tôi có phương chước gì để giúp ích phần nào cho bà.
- Bạch Ngài, Ngài xem tôi từng này tuổi mà vẫn phải làm tôi mọi cho người ta, công việc làm việc vất vả suốt ngày thâu đêm, lại còn bị chủ nhà ác nghiệt, bó buộc, đánh đập hành hạ khổ sở. Thân thể già yếu, nay đau mai mạnh, thế hằng ngày cơm chẳng đủ no, áo không đủ ấm, thì làm sao mà sống cho nổi!
Bà vừa nói vừa khóc trông thảm thiết lắm.
- Tội nghiệp bà nghèo từng này tuổi mà còn phải làm tôi tớ cho người để bị nhiều điều cơ cực, đau đớn, sao bà không bán quách cái nghèo đi, để đeo nó theo làm gì cho thêm khổ sở?
- Trời ơi! Sao Ngài bảo lạ thế? Ai thèm mua nghèo mà hòng bán?
- Bà ạ! Tôi nói thật đấy, nghèo có thể bán được như thường tôi thấy bà khổ sở, tôi khuyên bà bán ngay nó đi, tôi thương bà, tôi bảo thật đấy. Tôi nói gạt bà có ích lợi gì cho tôi đâu?
Nghe giọng nói quả quyết và trông gương mặt hiền từ, thành thật của Tôn giả, bà già hết sức ngạc nhiên, nhìn Tôn giả trân trân, hồi lâu mới thốt được lời:
- Nếu Ngài có phương kế gì bán được cái nghèo, mong Ngài thương xót chỉ cho, tôi xin ngậm vành kết cỏ, cảm đội ơn đức suốt đời, không lúc nào quên được.
- Ðược, tôi xin hứa chắc với bà và nếu bà thật tình muốn bán, thì tôi bảo thế này, bà phải làm đúng y như vậy mới có kết quả tốt đẹp được.
Bây giờ bà hãy xuống sông tắm cho thật sạch sẽ, thân thể bẩn thỉu quá có thể sinh ra nhiều bệnh tật, lại ai cũng chán mà chẳng dám đến gần.
Bà già vâng lời tôn giả xuống sông tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, bà liền đến bên bạch rằng:
- Bây giờ Ngài dạy tôi cách nào để bán?
- Bây giờ bà phải bố thí. Vì Phật đã dạy: pháp bố thí là để cho người vượt khỏi lòng tham lam, mà tham lam là cái nhân bần cùng khổ sở. Tôi đã dùng huệ nhãn quán sát thấy bà nhiều kiếp về trước tánh tình tham lam keo kiệt, nên kiếp này bà phải chịu quả báo cơ cực nghèo cùng. Vì vậy muốn hết nghèo cùng bà phải dứt lòng tham lam, còn phải thật hành phương pháp bố thí. Nhân nào thì quả nấy, chắc chắn không sai.