Bác thợ giày và bác thợ may đi chu du thiên hạ hành nghề.
Núi non không giáp mặt nhau được, nhưng con người ta, dù là kẻ xấu hay người tốt, thế nào cũng có lúc gặp nhau. Trên đường đi chu du hành nghề có lần bác thợ giày và bác thợ may lại gặp nhau. Bác thợ may dáng người nhỏ bé đẹp trai, tính hay bông đùa nhưng tốt bụng.
Nhìn hòm đồ người kia mang theo, bác thợ may đoán biết được người kia làm nghề gì, bác cất giọng hát một cách giễu cợt:
Khâu cho tôi một đường,
Rút sợi này cho tôi,
Vuốt chỉ bằng sáp nhé,
Nhớ đóng đanh cho chắc.
Vốn tính không ưa đùa giỡn, bác thợ giày nhăn mặt như đã uống phải dấm, lăm lăm xông tới như muốn vặn ngược cổ bác thợ may. Bác thợ may nhỏ nhắn nhoẻn cười, đưa rượu mời làm lành:
- Có chi mà giận nhau thế? Uống thử chút đỉnh, nuốt giận làm lành người anh em.
Bác thợ giày tu luôn một hơi dài, cơn giận trên mặt cũng biến luôn theo, bác trao trả bác thợ may bình rượu và nói:
- Tôi đã tu một hơi dài cẩn thận. Người ta thường nói uống nhiều, chứ không nói khát nhiều. Nào, giờ chúng ta cùng đi chu du thiên hạ chứ?
Bác thợ may trả lời:
- Tôi thế nào cũng được, miễn là bác cũng có hứng cùng đi tới thành phố lớn, nơi sẵn công ăn việc làm.
Bác thợ giày nói:
- Chính tôi cũng định tới thành phố lớn. Ở những nơi nhỏ bé hẻo lánh khó kiếm ăn lắm, còn ở nhà quê thì toàn người chân đất với nhau.
Hai người lại tiếp tục cuộc hành trình, nối gót nhau như chân chồn chạy trên tuyết.
Thời giờ thì sẵn, đồ ăn gặm cho qua ngày thì thiếu. Đến thành phố nào cũng vậy, cả hai bác đều đi dạo một lượt rồi đến chào phường thợ cùng nghề. Bác phó may lúc nào cũng tươi cười, đôi má ửng hồng, nom nhanh nhẹn nên hễ có việc là phường thợ gọi ngay đến làm. Bác cũng có duyên lắm. Cô con gái thợ cả lén cha mình ôm hôn bác phó may ở sau cửa ra vào. Mỗi khi hai người gặp nhau, ruột tượng của bác phó may lại phồng thêm lên một chút. Bác thợ giày vốn hay cau có, thấy vậy mặt càng nhăn nhó, bác thở dài:
- Càng láu cá ranh mãnh, lại càng hay gặp may!
Bác phó may lúc nào cũng tươi cười, ca hát, kiếm được bao nhiêu là bác chia ngay cho bạn. Hễ có dăm ba đồng xủng xẻng trong túi là bác móc ngay ra gọi món nhậu, khoái chí khoa tay đập bàn, đập ghế làm cho cốc chén nhảy múa trên bàn. Bác luôn nghĩ: Có đồng vào phải có đồng ra chứ. Sau một thời gian đi lang thang hai người tới một khu rừng rộng. Qua khu rừng là tới kinh đô, nhưng ngay cửa rừng lại có hai đường mòn dẫn tới kinh đô, một đường đi mất bảy ngày, con đường kia chỉ mất có hai ngày. Cả hai bác đều không biết đường nào là ngắn hơn. Họ ngồi xuống dưới gốc một cây sồi để bàn tính nên mang bao nhiêu ngày lương khô đi theo thì đủ để ăn dọc đường. Bác thợ giày nói:
- Người ta phải biết lo xa. Cứ tính dư ra một chút. Theo tôi thì nên mang bánh mì cho bảy ngày đi đường.
Bác thợ may nói:
- Lo xa cái gì nào? Còng lưng ra mà tải bánh bảy ngày như một con lừa, không hề được nhìn ngang, nhìn dọc. Tôi không có theo ai hết. Tiền để trong túi thì mùa nào cũng vậy, mùa hè cũng như mùa đông. Nhưng mà bánh mì, trời oi bức có khi vỏ khô, ruột mốc. Tôi không thể tính quẩn như vậy được. Tại sao chúng ta lại không tìm ra được con đường ngắn mà đi? Chỉ phải mang bánh mì ăn hai ngày, thế có phải là tốt không nào?
Thế rồi ai lo phận nấy, chỉ mua phần bánh như mình tính. Xong xuôi, cả hai băng rừng, phó mặc số phận cho trời.
Trong rừng yên tĩnh như trong nhà thờ. Không có gió thổi, không có tiếng suối róc rách, cũng chẳng có tiếng chim hót líu lo, và không một ánh nắng nào chiếu lọt qua được cành lá rậm rạp, bác thợ giày chẳng nói lấy một lời, vì bánh mì nặng trĩu trên lưng làm cho bác mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mồ hôi chảy từng giọt trên bộ mặt cau có, tối xầm của bác. Trái lại, bác phó may vẫn tươi tỉnh, tay chân vung vẩy lấy lá thổi kèn hay cất giọng ca một bài, bác nghĩ bụng:
- Trời thấy ta vui nhộn thế này ắt trời mừng lắm!
Thoắt đã hai ngày trôi qua. Sang ngày thứ ba, bác thợ may đã ăn hết sạch cả bánh mà vẫn chưa đi hết cánh rừng, bác đã bắt đầu cảm thấy lo lo, nhưng rồi bác vẫn không nản lòng, còn tin mình sẽ gặp may. Tối thứ ba, bác đành nhịn đói nằm ngủ dưới gốc cây, sáng hôm sau đứng dậy đi tiếp với cái dạ dày lép kẹp. Ngày thứ tư cũng trôi qua y như thế. Khi bác thợ giày ngồi lên thân cây đổ ngang đường, lấy bánh ra ăn thì bác thợ may đành ngồi nhìn. Mỗi khi bác xin bánh thì người bạn đồng hành kia lại cười chế giễu và nói:
- Bác lúc nào cũng vui nhộn lắm cơ mà? Giờ thử nếm mùi xem khi người ta chẳng còn gì để vui nhộn nữa thì sẽ như thế nào? Loài chim sớm ra đã hót thì tối đến sẽ bị diều hâu ăn thịt.
Nói tóm lại, bác thợ giày là một con người nhẫn tâm.
Nhưng tới sáng ngày thứ năm thì bác thợ may khốn khó kia không đứng dậy nổi nữa, mệt lả không nói nổi lấy một lời, mắt đỏ ngầu, hai má trắng bệch. Lúc đó bác thợ giày bảo bác thợ may:
- Ngày hôm nay tôi đưa cho bác một miếng bánh, nhưng để đền bù vào đó bác phải để cho tôi chọc lấy mắt bên phải.
Bác thợ may bất hạnh kia chẳng biết cứu mình bằng cách gì nữa, bác muốn sống nên đành đồng ý. Bác khóc, hai mắt giàn giụa nước mắt, đoạn rồi bác dướn người, giơ mắt dể tên thợ giày - con người có trái tim đá - lấy mũi dao sắt khoét mắt phải. Chợt bác thợ may nhớ tới lời mẹ bác thường nói khi bác còn bé bị mẹ bắt quả tang ăn vụng trong bếp. "Ăn thì ăn cho căng bụng, nếu có bị đòn thì cắn răng mà chịu đựng nhé."
Đổi miếng ăn bằng một giá quá đắt, khi ăn xong, bác thợ may lại đứng dậy đi, quên ngay điều bất hạnh của mình, chẳng những thế bác còn tự an ủi:
- Còn một mắt cũng quá đủ để nhìn.
Nhưng sang ngày thứ sáu, cơn đói lại kéo đến, đói cồn cào, tim như muốn ngừng đập. Tối đến bác không còn đủ sức để ngồi xuống, cứ để mặc cho thân mình đổ vật xuống một gốc cây mà ngủ. Sáng ngày thứ bảy, sức đã kiệt, bác thợ may không đứng dậy nổi nữa, cảm thấy lưỡi hái thần chết đã nằm kề bên gáy. Lúc đó tên thợ giày nói:
- Tôi cũng muốn làm ơn làm phúc, cho bác một miếng bánh nữa, nhưng làm gì có chuyện cho không, bác phải để tôi khoét một mắt kia.
Bây giờ bác thợ may mới thấy mình sống không biết lo xa, đành ngồi cầu chúa tha lỗi cho mình và nói:
Được, bác cứ làm,
Những điều bác muốn,
Tôi đành cam lòng
Chịu theo số phận
Nhưng bác nhớ lấy,
Sự đời đổi thay
Ác giả ác báo.
- Tôi có làm gì bác đâu? Tôi đã từng chia ngọt xẻ bùi với bác trong những ngày tôi ăn nên làm ra. Nghề tôi phải khâu từng mũi kim, đường chỉ. Tôi mất đôi mắt sẽ không khâu được nữa, chỉ còn cách đi xin ăn. Khi tôi đã mù cả hai mắt, xin bác đừng bỏ tôi một mình ở lại đây, kẻo tôi chết vì đói khát.
Tên thợ giày lấy dao khoét nốt mắt trái của bác thợ may, đoạn đưa cho bác một miếng bánh để ăn, trao cho cái gậy và dắt đi theo mình.
Lúc mặt trời lặn thì hai người vừa ra khỏi rừng. Trước mặt họ là một cánh đồng, cách đó không xa, là một cái giá treo cổ. Tên thợ giày dẫn bác tới gần giá treo cổ, bỏ mặc bác ở đấy, rồi đi tiếp.
Mệt mỏi, đói khát, đau nhức làm cho bác thợ may khốn khổ kia ngủ thiếp đi một giấc cho tới sáng. Hôm sau, lúc tảng sáng, bác thức dậy, chẳng biết mình đang ở nơi nao.
Thấy đau rát ở mắt, bác thợ may liền lấy khăn tay thấm xuống đám cỏ có sương đọng, rồi đưa lên lau hai hốc mắt. Chỉ một lát sau, xảy ra một điều kỳ lạ: Nằm trong hai hốc mắt bây giờ là hai con ngươi đen lánh - Hai mắt bác thợ may đã sáng lại! Sau khi đã định thần, bác trông thấy mặt trời mọc sau lưng núi, dưới đồng bằng trước mặt là kinh đô to lớn, có thành quách nguy nga, có hàng trăm tháp chuông, trên ngọn tháp là chữ thập mạ vàng óng ánh dưới nắng mặt trời. Giờ bác đã nhìn rõ được từng chiếc lá trên cây, những đàn chim đang bay qua, thấy cả muỗi đang bay vo ve trong không khí. Bác lấy một chiếc kim khâu ở túi ra, xâu chỉ thấy lẹ như khi xưa, lòng bác tràn ngập vui sướng. Rồi bác quẩy gói lên lưng, quên ngay hết nỗi khổ đau vừa mới trải qua. Bác lại tiếp tục lên đường, vừa đi vừa ca hát, huýt sáo vang lừng.
Trước tiên, bác gặp một con ngựa non lông màu nâu đang chạy lăng xăng ngoài cánh đồng. Bác nắm bờm nó, định nhảy lên cưỡi để đi vào thành phố, nhưng ngựa van bác:
- Tôi còn bé bỏng, một người nhỏ nhắn như ông cưỡi lên cũng đủ gãy lưng. Xin ông để cho tôi chạy nhảy cho tới khi tôi tráng kiện. Có lẽ sau này thế nào cũng có lúc tôi có thể đền ơn ông.
Bác thợ may nói:
- Thôi được, thế thì chạy đi! Tao thấy mày cũng còn đang tuổi chạy nhảy nhởn nhơ.
Bác cầm roi đánh nhẹ vào lưng nó, ngựa mừng quá, cất vó chạy nhảy tung tăng qua các bụi thấp và qua các hố, rồi phi thẳng ra cánh đồng.
Từ ngày hôm sau đến giờ bác thợ may chưa có miếng nào vào bụng. Bác nghĩ:
- Ánh mặt trời chiếu vào đầy mắt ta, nhưng ta vẫn bị treo mồm. Giờ hễ gặp cái gì ăn tạm được là ta túm lấy ăn ngay.
Vừa lúc ấy có một con cò đi bệ vệ trên cánh đồng, hướng về phía bác thợ may. Bác nắm ngay chân nó và bảo:
- Đứng lại, đứng lại! Ta chẳng biết thịt ngươi ăn có ngon không nhưng cơn đói không cho phép ta kén cá chọn canh được nữa, ta đành phải cắt tiết ngươi, làm lông rồi đem quay mới được.
Cò đáp:
- Xin đừng có giết tôi, tôi là chim thần, loại chim có ích cho loài người, không ai dám đụng đến đâu. Nếu ông để tôi sống thì rồi thế nào cũng có lúc tôi có thể đền ơn ông.
Bác thợ may nói:
- Thế thì xin mời ông anh họ Cao kều bay đi!
Cò xoè cánh, thong thả bay đi, buông thõng đôi cẳng dài xuống.
Bác thợ may tự nhủ:
- Tình cảnh cứ như vậy, biết làm gì bây giờ? Cơn đói cứ mỗi lúc một tăng, bụng đã lép lại càng lép hơn. Giờ con nào tới gần thì con đó toi mạng.
Ngay lúc đó, bác nhìn thấy hai con vịt con ở ao đang bơi về phía bác. Bác nói:
- Ta vừa nói xong thì các chú bơi tới, thật đúng lúc quá.
Rồi bác túm luôn lấy một con, sắp vặn cổ thì vịt mẹ ở trong đám sậy vội bơi đến, há mỏ van xin bác hãy rủ lòng thương con nó. Vịt mẹ nói:
- Bác thử nghĩ xem, mẹ bác đau đớn biết chừng nào khi thấy người ta bắt bác đem đi giết.
Bác thợ may tốt bụng đáp:
- Thôi bà cứ yên tâm. Tôi trả con cho bà nuôi.