Asclepius hay còn được gọi là Hepius, là một anh hùng và thần y trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp cổ đại. Ông là kết tinh của mối tình giữa thần Apollo và người phụ nữ phàm trần Coronis. Giữa lúc mang bầu, Coronis lại phải lòng chàng trai Ischys và tư thông với chàng. Chuyện bị phát giác, thần Apollo cả giận mất khôn, sai em gái Artemis tới thiêu rụi Coronis trong ngọn lửa. Bấy giờ Apollo mới hối hận, vội vàng cứu bào thai còn trong bụng Coronis ra và giao cậu bé yếu ớt cho gã nhân mã thần y Chiron chăm sóc. Chiron nuôi dưỡng cậu bé đặt tên là Asclepius và truyền dạy y thuật cho cậu.
Lớn lên, với y thuật tài tình, Asclepius du hành khắp các đô thành chữa bệnh cho dân chúng. Ông chống theo một cây gậy có con rắn quấn quanh, con rắn này được Asclepius cứu sống, nó liếm tai Asclepius và dạy cho anh ta kiến thức bí mật (đối với rắn Hy Lạp là những sinh vật thiêng liêng của sự khôn ngoan, chữa lành và phục sinh).
Phiên bản khác nói rằng khi Asclepius được lệnh làm cho Glaucus sống lại, anh ta bị giam trong một nhà tù bí mật và phải ở đó suy nghĩ cách cứu chữa. Một con rắn đã cắn chết người hầu của anh ta. Trong lúc tức giận, Asclepius vô tình đánh chết con rắn. Sau đó, một con rắn khác đến mang theo một loại thảo mộc trong miệng của nó, và đặt nó trên đầu của con rắn đã chết, nó đã sớm sống lại. Thấy vậy, Asclepius đã sử dụng loại thảo dược này để hồi sinh Glaucus. Theo đó, một loài rắn không có nọc độc ở Địa Trung Hải, rắn Aesculapian (Zamenis longissimus) được đặt theo tên của vị thần.
Rắn cắn là thương tích thuộc dạng "vô phương cứu chữa" thời bấy giờ, nhưng cây gậy biểu tượng cho việc Asclepius có thể chế ngự được ngay cả những bệnh tật hiểm nghèo nhất. Vì thế mà "cây gậy của Asclepius" vẫn là biểu tượng của ngành y tế tới ngày nay. Asclepius còn có "đôi bàn tay vàng" với biệt tài phẫu thuật, chữa khỏi những ca bệnh hiếm. Đã thế, ông còn như hổ thêm cánh khi được nữ thần Athena tặng cho chai máu Gorgon có khả năng hồi sinh người chết. Nhà nhà, người người biết ơn vị thần y đã cứu sống muôn dân.
Vợ của Asclepius là Epione, nữ thần giảm đau. Ông có 9 người con: 4 trai, 5 gái; mỗi người được ông truyền cho một phần y thuật của mình, bao gồm:
1. Hygieia: nữ thần Vệ sinh.
2. Iaso: nữ thần Hồi sức
3. Aceso: nữ thần Hồi phục
4. Algea: nữ thần Sức khỏe
5. Panacea: nữ thần Phương thuốc
6. Machaon: nam thần Phẫu thuật; chàng đã chữa trị cho các chiến binh Hy Lạp trong chiến tranh thành Troy, nhưng đã hy sinh trong trận chiến.
7. Podalirius: nam thần Phẫu thuật; chàng cùng anh trai chữa trị cho các chiến binh Hy Lạp trong chiến tranh thành Troy, và đã sống sót sau chiến tranh.
8. Telesphorus: một gã thần lùn đại diện cho sự hồi phục, thường đi theo giúp đỡ các chị.
9. Aratus: một thầy lang, con riêng của Asclepius với người tình Aristodama.
Việc Asclepius cứu chữa quá nhiều mạng sống khiến cho thần Hades bị thiếu thốn việc làm, liền khiếu kiện lên Zeus. Zeus nhận thấy việc giữ trạng thái cân bằng sinh lão bệnh tử là điều cấp bách, lập tức hạ lệnh giết chết Asclepius. Để bảo vệ con trai, thần Apollo đã giết chết đám Cyclops chuyên rèn tia sét cho Zeus. Zeus tức giận đày Apollo xuống trần bắt lao động công ích cho vua Admetus một năm rồi hồi sinh đám Cyclops, và dùng lưỡi tầm sét giết chết Asclepius. Để ghi nhớ công lao của ông, Zeus đã đưa ông lên trời làm chòm sao Ophiuchus (Xà Phu). Ngày nay, Chòm Xà Phu là chòm sao thứ 13 của cung Hoàng đạo theo thiên văn học hiện đại.
Sau cái chết của ông, Asclepius được dân chúng tôn làm vị thần y học. Những ngôi đền mang danh ông mọc lên khắp nơi để dân chúng tới cầu mong sức khỏe và chữa khỏi bệnh tật. Và từ một trong những ngôi đền đó đã sản sinh và đào tạo ra ông tổ của ngành y - Hippocrates.