TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Thiền sư báo oán hay chuyện Không Lộ báo oán

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (chữ Hán: 徐道行 1072 – 1116), tục gọi là Đức thánh Láng, tên chữ gọi Lộ, là một vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam thời nhà Lý. Xoay quanh vị thiền sư này là những câu chuyện ly kỳ mang đậm chất tâm linh, huyễn thoại. Một trong những truyền kỳ nổi tiếng nhất có lẽ là ân oán của ông và câu chuyện đầu thai chuyển kiếp làm vua của Từ Đạo Hạnh.

Tập "Lĩnh Nam Chích Quái" và "Việt Điện U Linh tập" đều có ghi chép về chuyện Không Lộ báo oán.

Thiền sư Đạo Hạnh, họ Từ tên Lộ, ở chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích. Cha tên là Vinh, làm chức Tăng Quan Đô Sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Tăng tên là Loan nên sống luôn ở đó. Lộ tức là con bà họ Tăng vậy.

Thuở niên thiếu, thích giao du, lỗi lạc, hào hiệp, có chí lớn, thường kết bạn với nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và con hát Phan Ất. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, nô nức vui đùa. Cha thường trách móc là trễ nải. Một đêm cha Lộ lẻn vào xem trộm, thấy đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha Lộ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên.

Không bao lâu, cha dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành Hầu, Diên Thành sai thiền sư Đại Điên dùng phép thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu Quyết, đến trước nhà Diên Thành Hầu, thì bỗng nhiên đứng dựng lên suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành Hầu sợ hãi liền nói với Đại Điên, Đại Điên đến và hét lên rằng: "Người đi tu không được phép giận quá một ngày". Dứt lời, thây đổ xuống trôi đi.

Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm, rình Đại Điên ra ngoài, định đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng hét ngăn lại "ngừng, ngừng". Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang nước khác cầu học phép lạ để đánh Điên. Đường đi phải qua đất mọi Kim Xỉ (Răng vàng), thấy hiểm trở nên quay trở về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày niệm chú Đại Bi Tâm Kinh Đà La Ni, đọc trọn mười vạn tám ngàn lần. Một hôm, thấy có thần nhân đến trước mặt nói rằng: "Đệ tử là Tứ Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy có công đức trì tụng nên lại đây để thầy sai khiến".

Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu Quyết, cầm gậy chống tay ném xuống dòng nước đang chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước như rùa bò, trôi tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng: "Phép của ta thắng được Đại Điên rồi!". Bèn đi thẳng đến chỗ Đại Điên ở, thấy Điên thì nói rằng: "Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?". Nói rồi, ngưỡng nhìn lên không trung, không nghe động tĩnh gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết. Từ đó, thù xưa đã rửa, chuyện lo lắng trong trần tục đã nguội, mới ngao du các miền rừng rú để tìm dấu Phật.

Nghe tiếng Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình, bèn cung kính tới bái yết và hỏi về chân tâm, đọc câu kệ rằng:

"Cửa hỗn phong trần vị thức kim,
Bất tri hà xứ thị chân tâm.
Nguyện thừa chỉ giáo khai phương tiện,
Tiện kiến bồ đề đoạn khổ tầm"

(Chìm nổi trần ai đâu tiếng kệ
Nơi nào mới ấy thực chân tâm
Mong lời chỉ dạy đường tu đạo
Vạn dặm như không hết khổ tìm)

Trí Huyền đọc kệ đáp lại:

"Ngũ âm bí quyết diễn chân kim
Cá trung mãn nguyệt lộ thiền tâm
Hà sa giác thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đệ cách vạn tầm"

(Bí quyết trong bầu đấy diệu âm
Có đầy trăng tỏ rõ thiền tâm
Cát sông đấy chính là đường đạo
Tâm hướng Như lai khỏi nhọc tìm)

Lộ hoang mang chưa hiểu hết, liền đi tới chùa Pháp Vân, yết kiến thiền sư Sùng Phạm, hỏi rằng "Thế nào là chân tâm?".

Phạm nói: "À, ai mà không có chân tâm".

Lộ bỗng nhiên tỉnh ngộ, hỏi rằng: "Làm thế nào để có chân tâm, để giữ chân tâm?". Phạm nói: "Đói thì ăn, khát thì uống". Lộ bái tạ ra về, từ đó phép lực ngày càng thêm mạnh, càng kết duyên với Phật, với thiền. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quýt bên mình. Lộ đốt ngón tay cầu đảo, chú phép vào nước trị bệnh, không lúc nào không linh nghiệm. Có sư hỏi rằng: "Phải chăng đi, đứng, ngồi, nằm đều là Phật tâm". Lộ đọc kệ đáp rằng:

"Tác hữu trần sa hữu,
Vì không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật chước khá không không"

(Có thì cát bụi có,
Không thì mọi tướng không
Có không trăng dưới nước,
Rõ có nhưng mà không)

Rồi nói thêm:

"Nhật nguyệt xuất nham đầu
Nhân thân thất hỏa châu
Quy nhân hữu câu tử,
Hành bộ bất kỵ câu"

(Trời trăng ở đầu núi,
Mọi người mất khối lửa
Người giàu cưỡi lừa ngựa
Đi bộ không cưỡi chó)

Thiền sư lúc ấy đã bát đại tinh thông, phép thần thông vượt người thường. Thế nhưng nạ vẫn chưa hết, ân oán kết thúc thì lại đến duyên nợ khác. Chuyện tiếp theo, xin đọc chuyện: Vua hoá cọp.


________________________________________
Tư liệu tham khảo:

1. "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư", bản khắc Chính Hòa, NXB Văn học.
2. "Lĩnh Nam Chích Quái", Trần Thế Pháp, NXB Kim Đồng.
3. "Việt Nam Sử Lược", Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa.
4. "Việt Điện U Linh tập", Lý Tế Xuyên, bản pdf.
5. Thiền Uyển Tập Anh, NXB Văn Học.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
  8. Shitakiri Suzume (Tạo lúc: 07/03/2015)
  9. Sự tích mùa xuân (Tạo lúc: 08/03/2015)
  10. Anh chàng chăn lợn (Tạo lúc: 10/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn