Chúa sơn lâm là danh xưng mà mọi người đặt cho loài Hổ, chúa tể của trảng rừng nước Nam. Nguyên về sự tích, có người kể Hổ xưa vốn là quan trên trời, phạm tội mà mắc đoạ nên phải làm kiếp thú, tuy nhiên vốn là thần, lại có sức khoẻ hơn người, khi hoá thân, vị thần nọ nghiễm nhiên mang theo sức mạnh phi thường ấy. Vậy xét về gốc gác, Hổ vốn là tiên, mắc đoạ mà thành. Ngày xưa săn hổ rất khó, vì hổ vừa khoẻ vừa nhanh, lại giết người như nghoé, nhưng, sự nguy hiểm lại đến từ cái đuôi của loài hổ...
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện.
Người ta nói, đuôi hổ chính là
bùa hộ mệnh của giống mình sọc, miễn là hổ còn đuôi, hổ sẽ không bao giờ bị bắt, tại sao lại thế ? Vì trên đuôi hổ, trú ngụ một giống, gọi là Hổ Trành.
Hổ Trành là một loài ma chưa tự do. Khi người ta chết đi, oán khi hay tiếc nuối quá lớn sẽ hoá tạp niệm. Người sống có tạp niệm thì xấu tính, người chết có tạp niệm sẽ hoá ma. Ma ấy loanh quanh trên trần, chẳng bao giờ được vào cõi âm, cũng vì thế mà chẳng siêu thoát, lâu ngày hoá quỷ hại người, tìm ai hợp vía mà đầu thai. Ma nào cũng vậy, ma chết trôi, ma treo cổ, ma chết đường chết chợ, đều tìm người hợp vía bắt đi mà đầu thai. Nhưng với ma Trành, chúng chẳng bao giờ được đầu thai. Ma Trành theo hổ, hầu hạ hổ và bám đuôi hổ.
Ma Trành là linh hồn của người bị hổ vồ oan, khi mà chưa đến số, chết mà vẫn còn tiếc nuối. Lại nói qua về Hổ, vì nguồn gốc linh thiêng, vì sức mạnh mà đôi khi chúng được mượn để trừng phạt kẻ ác. Tuy nhiên, bản chất là loài dã thú của rừng rậm, nên việc vồ người xơi tái là không tránh khỏi. Những kẻ oan uất mà vùi thây bụng hổ, tất sẽ thành Ma Trành.
Ma Trành bám đuôi mà hầu hổ, bảo vệ cho con hổ khỏi các tai ương như bẫy thú, đánh nhau,... tóm lại là như một kẻ tôi tớ. Một số tích còn kể, Ma Trành còn làm nhiệm vụ dụ những người phu đi rừng lạc lối mà vào hang hổ để hổ có thức ăn, thế nên ngày xưa khi đi rừng, người ta sợ nhất là sáng đi 1 đường mà tối đã qua nẻo khác.
Thời Lê, không rõ là năm nào, có ghi lại một câu chuyện khá thú vị về loài ma này.
Ấy là vào thời nhà Lê, ở mạn ngoài vùng kinh Bắc, cũng chẳng rõ là trấn nào, làng nào, chỉ biết đó là nơi giáp ranh với rừng núi, cứ tối đến là nhà nhà gài then, kín cửa mà đi ngủ, ấy là bởi nạn hổ vào làng. Nhà ở mé núi, có một anh tiều nọ, mọi người hay gọi là Ất. Ất nhà nghèo, mà cha mẹ mất sớm, thành ra hai mươi mấy tuổi mà vẫn chẳng lấy được vợ. Nhà nghèo nên cũng không có lấy nhà cửa tử tế, chỉ là túp lều dựng bên cái vách, bên là vách đá, bên là rừng, hẻo lánh mà heo hút.
Đêm nọ, trong thôn có tiếng bắt lợn, người biết thì bảo
ông Ba Mươi đang đói, chớ có ra ngoài, kẻ khù khờ thì bảo là trộm hay phường bất lương, nhưng chẳng ai tỉnh táo mà lại đi ra đường vào ban đêm ở cái nơi mà Hổ ăn thịt người như nghoé cả. Khi ấy, Ất đương thiu thiu ngủ, thì nghe thấy có tiếng tông mạnh vào vách. Biết là hổ đến, lại có một thân một mình, chẳng lẽ cứ chịu dâng mạng cho hổ, nghĩ vậy, Ất vơ tạm lấy cái rìu bổ củi, chờ sẵn. Vách bị phá, trước mặt Ất là con hổ già, lông đã tấm bạc, con hổ này có vết sẹo gần mắt, làm 1 bên trông đục ngầu, con này đui rồi =)), ít nhất Ất còn có hy vọng trụ được rồi hô hoán.
Hổ đui nhưng vẫn khoẻ gấp mấy người thường, nó vả một cái, Ất thấy đau thấu xương, vết cào làm rách cả lưng, vừa chạy vừa hô hoán, tay vung lên doạ hổ, nhưng khổ nỗi giống thú này chỉ sợ lửa, chứ đao kiếm nó coi như không vậy. Lúc ấy người làng ra, đuốc rồi xẻng, cuốc, hổ núng thế, quay đuôi chạy, ngờ đâu đúng lúc Ất khua rìu trúng đuôi, hổ mất đuôi, gầm lên đau đớn mà lẩn vào rừng.
Sau vụ ấy thì Ất được người làng cứu chữa, ai cũng thương cho thân
mồ côi, nhà nghèo mà lại bị hổ vồ, nên người ta cũng chẳng tính toán. Lúc mê man, Ất mộng thấy một người nọ, trông người ngợm gầy gò, quần áo lại rách bươm, chạy tất tả đến bên mà lay:
- Dậy dậy, mấy giờ rồi còn mê man, ta là ma Trành đây, dậy nhanh, bảo cả làng nhanh không chết cả lũ bây giờ.
Ất chưa hiểu gì, chỉ biết hỏi ngu ngơ:
- Ma Trành thì phải theo hầu hổ, sao lại chạy lung tung thế này ?
Ma trành bảo:
- Bác chặt đuôi hổ rồi, thì Trành bám vào đâu, cảm cái ơn giải thoát, mấy người nữa bảo tôi chạy đến đây báo cho bác, rồi tí tiện bọn tôi lên đền
Đức Thánh Tản xin trú ngụ, chờ mà có kiếp mới. Mà quan bác cũng nên bảo mọi người, kíp trong nay mai dọn đi, lâu lâu vài hôm hãy về, con hổ hôm nọ đang kéo bầy đến đấy.
Ất nghe xong cả sợ mà tỉnh, liền báo cho người làng. Dân chúng thì biết là ma Trành như nào, nên cũng sợ lây theo, kíp dọn đồ sang làng bên hay thăm họ hàng mà tá túc nhờ, chứ hổ mà lên đến đây thì chết cả làng cả tổng.
Đêm hôm sau, Hổ kéo đến cả bầy, cắn xé, gầm vang cả một vùng, dân mấy làng bên cạnh còn nghe thấy mà sợ, liên tiếp mấy đêm, không tìm được ai nên chúng bỏ về rừng.
Sau này thì Ất được chữa lành, lại đi kiếm củi, không biết có phải do Ma Trành cảm cái ơn giải thoát, nên có một dạo, Ất tìm được một khúc trầm, mang tiến vua, liền được ban bổng lộc, cuộc sống đỡ khó khăn như trước. Vết sẹo của Ất sau đó thành một thứ bùa hộ mệnh, lên rừng tuyệt nhiên chẳng bao giờ lạc lối, cứ sẩm tối là tìm được lối ra.
Ma Trành là thứ vốn đi với hổ, hổ mất ma Trành, hổ cũng sợ sệt hơn, vì có Trành mà hổ băng qua bẫy, qua đao qua kiếm mà không sao. Càng ăn nhiều người, Trành của hổ càng đông, cũng vì vậy mà hổ càng bất khả chiến bại. Tuy nhiên, chỉ cần đuôi hổ mất, hổ chỉ đáng sợ hơn con mèo một chút thôi.