Amun (tên khác Amon, Amen; tiếng Hy Lạp cổ đại: Ammon, Hammon) là một vị thần của Thebes. Vị thần này đã được thờ cúng từ thời Ai Cập cổ đại cùng với vợ của mình, nữ thần Amaunet. Đến triều đại thứ 11 (thế kỷ 21 TCN), Amun đã trở thành thần bảo trợ của Thebes thay thế Monthu.
Theo truyền thuyết, trên vùng đất khô hạn được sông Nile nuôi dưỡng sự sống ở châu Phi, ánh sáng của thần Amun từng một thời tỏa ra rực rỡ, che chở cho người dân nghèo. Chính vì vậy, Amun đã trở thành một vị thần bảo hộ, được coi là vua của các vị thần và được người dân ở lưu vực sông Nile tôn thờ.
Amun là một vị thần lớn của người Ai Cập và người Berber (sống ở Bắc Phi). Được phát âm "Amana" trong tiếng Ai Cập cổ, cái tên Amun có ý nghĩa "người ẩn thân" hay "tàng hình". Theo truyền thuyết, thần Amun tự tạo ra chính mình trước khi sáng tạo ra những vật xung quanh. Vai trò của Amun được chứng nhận kể từ thời kỳ Cổ Vương quốc (thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên).
Vào vương triều thứ 11 (khoảng thế kỉ 21 trước công nguyên), Amun trở thành vị thần bảo hộ của thành phố cổ đại Thebes (Ai Cập), thay thế thần chiến tranh đầu chim ưng Monthu. Gia đình thần Amun có cả vợ Mut và con trai - thần mặt trăng Khonsu - tạo nên "Bộ ba Theban". Sau cuộc nổi dậy của Thebes chống lại người Hyksos và dưới sự trị vì của Pharaoh Ahmose 1, sự ảnh hưởng của thần Amun vươn lên tầm quốc gia và vị thần này được hợp nhất với thần Mặt trời Ra để trở thành Amun - Ra (hoặc Amun - Re).
Sau cuộc nổi loạn của Thebes chống lại Hyksos và với sự cai trị của Ahmose I, thần Amun nâng tầm quan trọng lên quy mô quốc gia, thể hiện việc kết hợp với thần Mặt trời, Ra, trở thành thần Amun-Ra.
Amun có tầm quan trọng lớn trong Tân Vương Quốc. Thần có trí tuệ siêu việt, là đấng anh hùng trong mắt người nghèo khổ, người ốm đói, người gặp khó khăn. Đồng thời còn rất nhân nghĩa.
Trong suốt thời kì Tân Vương quốc (từ thế kỉ 16 - 11 trước công nguyên), Amun - Ra duy trì vị trí đứng đầu trong số các vị thần của người Ai Cập (ngoại trừ giai đoạn dưới thời Pharaoh Akhenaten vốn bị lịch sử Ai Cập gọi là dị giáo). Amun - Ra trong giai đoạn này được xem là một vị thần huyền ảo, sáng tạo đệ nhất, là chúa tể của người nghèo hay người gặp khó khăn và là vị thần có được sự tôn thờ ở mọi cấp độ. Tín ngưỡng thờ thần Amun - Ra - Vua của các vị thần - đã phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đơn thần, khi các vị thần khác trở thành hiện thân của Amun - Ra. Bộ đôi Amun - Ra và thần của cõi âm Osiris là hai vị thần được ghi nhận rộng rãi nhất trong số các vị thần của người Ai Cập cổ đại.
Nhờ vai trò là vị thần chính của Tân Vương quốc, Amun - Ra có được sự tôn thờ ở cả những khu vực nằm bên ngoài lãnh thổ Ai Cập, tại Libya và Nubia cổ đại, và còn được ghi nhận là Zeus Ammon, tức vị thần được người Hy Lạp cổ đại biết đến dưới cái tên Zeus.
Ngay cả trong những thăng trầm của lịch sử với sự cạnh tranh giữa hai nhà nước Ai Cập và Nubia cổ đại, Amun - Ra vẫn là vị thần ngự trị trên cao. Lịch sử vương quốc kéo dài 3.000 năm của Ai Cập cổ đại ghi nhận những mối quan hệ phức tạp, liên tục thay đổi với các vương quốc láng giềng. Với người Libya ở phía tây hay người Babylon, Hittites, Assyria và Ba Tư ở phía đông bắc, Ai Cập đều lần lượt tiến hành các cuộc chiến tranh, kí các hiệp ước và tham gia vào nhiều mối giao thương đem lại lợi ích chung. Nhưng trong số đó, quan trọng nhất, lâu đời nhất và vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, là mối quan hệ với người hàng xóm Nubia trấn giữ khu vực ở phía nam (ngày nay là Sudan). Dòng sông Nile với những cơn lũ hàng năm là khởi nguồn của sự sống trong môi trường sa mạc khắc nghiệt, đồng thời cũng chính là dòng chảy kết nối hai nền văn hóa. Chia sẻ dòng chảy chung đó của lịch sử, người Ai Cập và người Nubia cùng thờ chung một vị thần tối cao, thần Amun, vốn liên kết chặt chẽ với việc sùng bái đức vua và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tranh giành vị trí tối cao của hai nền văn minh này.