TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Nữ thần tài lộc - Mae Nang Kwak

Ở Thái Lan, Nang Kwak (นางกวัก) - Việt Nam gọi là Mẹ Ngoắc, được xem là nữ thần Tài lộc, biểu tượng của tiền bạc và tình yêu, điển tích về bà thuộc dòng văn học dân gian Thái Lan nên có nhiều biến thể khác nhau.

Nàng xuất hiện với hình ảnh mặc chiếc váy truyền thống Thái Lan, đầu đội mũ chóp vàng, nàng thường quỳ và để một tay ngoắc chào, lòng bàn tay úp xuống. Một vài ý kiến cho rằng, hành động ngoắc tay của Nang Kwak xuất phát từ hình ảnh con mèo Maneki của Nhật Bản.

Theo bài viết “Nang Kwak, Deity of Merchants” (Nang Kwak, vị thần của giới thương nhân) thì có hai truyền thuyết về Nang Kwak hiện phổ biến ở Thái Lan.

Truyền thuyết thứ nhất liên quan đến Phật giáo cho rằng chuyện Nang Kwak xảy trong thời kỳ đạo Phật hình thành cách nay khoảng 2.500 năm. Tại một thị trấn nhỏ có tên là Michigaasandhanakara thuộc tỉnh Sawadtii của Ấn Độ có một đôi vợ chồng lái buôn là ông Sujidtaprahma và bà Sumanta, họ có với nhau một người con gái tên là Supawadee. Gia đình này bán những món hàng nhỏ lẻ ngoài chợ để kiếm sống qua ngày. Một hôm ông Sujidtaprahma bàn với vợ về một kế hoạch tương lai bằng cách cố gắng mở rộng buôn bán để kiếm thêm lợi nhuận và dành dụm tiền cho tuổi già. Thực hiện kế hoạch, họ mua một chiếc xe đẩy để có thể đưa hàng đi bán tại các thị trấn khác và làng quê. Khi trở về họ mua những hàng hóa ở địa phương rồi bán lại ở Sawadtii. Người con gái Supawadee đôi khi cũng theo phụ giúp cha mẹ mình. Một ngày nọ, Supawadee theo cha mẹ bán hàng ở một thị trấn xa, bà tình cờ nghe được những lời giảng của một vị La Hán tên là Phra Gumam Gasaba và nhanh chóng giác ngộ, nên bà đã tìm đến với Tam bảo. Ngài Gasaba nhận ra sự mộ đạo của Supawadee bèn truyền dạy chánh pháp và phép mầu là cách đọc những lời chúc phúc cho các thương nhân và gia đình nàng. Khi gia đình Supawadee đến bán hàng ở một thị trấn khác, nhân duyên lại đến với bà khi gặp được ngài La Hán Phra Sivali là một vị danh tăng du thuyết, đệ tử thân cận của Đức Phật Thích Ca. Phra Sivali là con người kỳ lạ, ông đản sinh sau khi mẹ ông phải mang thai 7 năm, 7 tháng và 7 ngày. Chính điều đã làm cho Sivali sở hữu một năng lực nhiệm mầu và một trí tuệ tuyệt vời, ông đã tập trung tất cả quyền năng hiện hữu để truyền dạy cho Supawadee.
 
Với phép thuật mà hai vị La Hán đã truyền dạy, người ta thấy rằng mỗi lúc Supawadee đến bên chiếc xe hàng của cha mẹ thì việc buôn bán trở nên thuận lợi đến kỳ lạ, tất cả hàng hóa đều được bán hết cùng một lúc. Khi Supawadee đồng hành cùng cha mẹ ra chợ thì hàng hóa của gia đình trở nên khan hiếm, cha mẹ cô bèn quyết định để con gái cùng tham gia buôn bán với họ bởi họ biết rằng phúc lành mà các vị La Hán ban cho đã bắt đầu phát huy hiệu nghiệm. Việc buôn bán thuận lợi đã mang về cho gia đình Supawadee một khối lượng tài sản kếch sù, chỉ trong thời gian ngắn ông bà Sujidtaprahma đã trở thành thương nhân giàu có. Ông Sujidtaprahma bèn quyết định tìm đến chánh pháp (Dharma) của Đức Phật và hành thiện giúp đời. Ông bỏ tiền ra xây công viên “Ampatagawam” thiết lập nhiều chỗ tá túc cho những người nghèo khổ (Bhikkhu), sau đó ông xây Phật điện “Wat Machigaasandharaam” rồi cung thỉnh vị La Hán Phra Sutamma đến trụ trì. Ông luôn tích cực trong công việc từ thiện và sẳn lòng hỗ trợ cho những thương nhân khác bán những loại hàng mà ông đang bán chạy nhất. Ông cũng kêu gọi mọi người cùng đi với ông đến những địa phương mà hàng hóa có thể bán được. Những thương nhân đi theo ông sớm nhận ra phép thuật Metta Mahaniyom của Supawadee qua những lời chúc phúc của bà mà cha mẹ đã trở thành những thương nhân giàu có và họ bắt đầu tôn thờ bà như một biểu tượng của sự may mắn trong buôn bán.

Nhiều năm sau, Sujidtaprahma và vợ lớn tuổi và qua đời, rồi đến lượt Supawadee cũng tạ thế nhưng truyền thuyết về bà vẫn lan truyền không ngừng trong những nhóm người làm nghề buôn bán. Giới buôn bán tôn bà làm thần thương buôn, họ tạc tượng bà ngồi trên xe đẩy để thờ cúng, xin ân điển phước lành và họ thường nhận được những hồi báo tốt đẹp trong buôn bán. Dần dần việc thờ cúng Supawadee trở thành một dạng tín ngưỡng phổ biến, người ta tin rằng sẽ gặp may trong buôn bán nếu tìm một pho tượng Supawadee làm lễ “hô thần nhập tượng” (Pooja) mời bà về chứng giám vì nguồn gốc là Supawadee thường đồng hành cùng cha mẹ mình trên chiếc xe đẩy hàng và bà đã mang đến sự giàu có cho gia đình. Tất cả bốn đẳng cấp trong xã hội Hindu giáo ở Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng tín ngưỡng thờ Supawadee là người Bà La Môn, Chiến sĩ, Thương nhân, Thợ thủ công. Thậm chí cả đẳng cấp nô lệ (Sudra) đã thờ cúng và tôn vinh Supawadee. Việc thực hiện lễ Pooja cho Nang Kwak ngày càng phổ biến hơn, theo truyền thuyết nhiều thương nhân đã trở nên cực kỳ giàu có sau khi làm Pooja cho Supawadee. Đặc biệt khi thực hiện nghi lễ này, pháp sư phải xoay pho tượng theo cả bốn hướng thì mới hiệu nghiệm.

Tín ngưỡng thờ Supawadee ảnh hưởng vào đời sống tinh thần của người Thái Lan từ khi Phật giáo được truyền bá đến đây và sự phổ biến ngày nay có thể bắt đầu từ thời xa xưa. Những tu sĩ Bà La Môn thường rất giỏi nghi thức luyện chú Kata Akom dành cho Supawadee và cũng chính họ đã thay đổi hình dáng của pho tượng từ vị trí của một nữ nhân ngồi trên xe đẩy kiểu Ấn Độ sang hình tượng phụ nữ Thái ngồi trên bệ hoa sen với dáng điệu mời gọi khách hàng. Đầu tiên những người Bà La Môn chỉ sử dụng tượng Supawadee cho riêng công việc làm ăn buôn bán của họ nhưng khi họ nhận thấy nhiều người Thái tin vào quyền năng của Supawadee thì họ bắt đầu làm tượng kiêm luôn nghi thức niệm chú Kata để bán cho giới làm ăn thờ cúng. Chính sự thay đổi vị trí ngồi và tư thế tay mà Supawadee nhận được cái tên mới phổ biến ở Thái Lan là Nang Kwak (Nang nghĩa là Nàng chỉ người con gái, Kwak  nghĩa là vẫy gọi hay ngoắc). Vậy Nang Kwak mang ý nghĩa là Nàng Ngoắc, Nàng Vẫy, khi đến Thái Lan chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh Nàng Ngoắc vẫy gọi chúng ta đến mua hàng trong các cửa hàng của người Thái Lan. Nang Kwak còn được thể hiện dưới dạng tranh vẽ hay khăn bùa (Pha Yant) cùng với cá sấu, nàng tiên cá và những sinh thực khí của nam giới.

Một truyền thuyết thứ hai cho rằng, Nang Kwak có nguồn gốc từ sử thi Ramakien vốn được hoàng gia Thái Lan cải biên từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Câu chuyện kể rằng Nang Kwak là con gái của Phu Jao Khoa Khiaw, vị vua A Tu La (Asura) cai quản cõi Jadra Maha Raachiga nằm bên dưới tầng trời Đạo Lợi (Tavatimsa) của Đế Thích Thiên Indra hay Phra In. Ông còn được người đời gọi bằng tên khác là Phra Panasabodee nghĩa là Chúa Sơn Lâm. Phu Jao Khao Khiaw có một người bạn thân cũng là vua A Tu La tên là Taw Gog Khang (hay Taw Amurach) khai chiến với thần Phra Ram (hoàng tử Rama), hóa thân của thần Vishnu. Taw Gog Khaang bị Phra Ram ném một cái cây xuyên qua ngực rơi xuống từ tầng trời, dính chặt vào sườn núi Phra Sumen. Phra Ram trao cho Gog một lời nguyền: “Hễ chừng nào con cháu của ngươi dệt xong chiếc áo Cà sa Civara bằng cánh hoa sen, rồi mang đến cúng dường cho Đức Phật Pra Ariya Maedtrai (Phật Di Lặc) thì ta sẽ tha tội cho ngươi”.

Nàng Prajant con gái của Gog Khaang muốn sớm cứu cha nên đêm ngày lo dệt áo để kịp làm quà cúng dường cho Đức Phật Di Lặc khi ngài giáng hạ cứu thế. Do Gog Khaang bị treo trên sườn núi Phra Sumen, nàng Prajant phải thay cha lo toan mọi việc. Nàng phải bỏ công sức và thời gian để dệt áo nên không có thời gian buôn bán kiếm sống và điều hành cửa hàng của cha để lại. Khi Jao Kho Khiaw nghe tin này ông cảm động và quyết định cử người con gái tài năng của mình là Nang Kwak đến làm bạn với Prajant và giúp nàng quản lý thương mại. Nang Kwak biết được nhiều phép mầu trong buôn bán, nàng bèn  kêu gọi các thương nhân và những quý tộc giàu có trong vùng cùng đổ về khu vực nhà của nàng Prajant mở cửa hàng buôn bán. Nang Kwak ban cho họ nhiều lợi tức bằng vàng, bạc và tiền. Với sự trợ giúp của Nang Kwak, nàng Prajant đã dệt xong chiếc áo Cà sa giải thoát cho cha và cũng trở nên giàu có với một cuộc sống sung túc.

Khi làm ăn buôn bán xa, người ta thường vào chùa thỉnh nàng kwak (Mẹ Ngoắc) để mang theo cầu may mắn. Mẹ Ngoắc nổi tiếng ở Thái lan và được coi là thần tài lộc kinh doanh, giống như Mèo Thần Maneki neko may mắn của Nhật Bản, mẹ Ngoắc cũng kéo khách và hút tài lộc về cho gia chủ, ngoài ra còn khiến gia chủ được mọi người xung quanh yêu mến và kính trọng...

Người Thái thường đặt tượng Nang Kwak ở nơi mình làm ăn buôn bán như một cách thờ thần tài, một số người còn thỉnh bùa Nang Kwak trấn ở nơi kinh doanh để cầu tài lộc.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  4. Búp bê cầu nắng Teru Teru (Tạo lúc: 07/03/2015)
  5. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  6. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  7. Đức Thánh Gióng (Tạo lúc: 08/03/2015)
  8. Đại thánh Từ Đạo Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  9. Johannes trung thành (Tạo lúc: 12/03/2015)
  10. Người nhạc sĩ lang thang (Tạo lúc: 14/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn