TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 3/5 - 1 phiếu
Nguồn gốc và nơi phát tích lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng; được tổ chức chính thức vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm; được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 của Việt Nam. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu

Hiện tại, khá nhiều truyền thuyết địa phương có nhắc tới nguồn gốc ra đời của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Cơ bản, có thể chia làm một số truyền thuyết chính:

Huyền tích Bà Đế:

Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, sau trở thành vợ vua Thủy Tề. Do có thai với vua Thủy Tề nhưng dân làng không tin, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, cộng đồng địa phương bèn lập đề thờ, tên gọi đền Bà Đế. Linh thiêng, nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức Lễ hội chọi Trâu, những con trâu thắng mang ra biển cúng tế Bà Chúa.

Di tích đền Bà Đế

Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến; về sau, khi trình độ xã hội phát triển, việc hiến sinh con vật được thay thế.

Tục chọi trâu được tổ chức giữa các vạn chài mỗi năm. Vạn chài nào thắng thì được độc chiếm bãi cá này, đồng thời dùng con trâu thắng cuộc hiến tế thủy thần để mong phù hộ được mùa tôm cá.

Thần tích Tước Điểm Đại Vương:

Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, có đền thờ Thủy Thần. Tương truyền có người bán thổ đi qua, thấy hai con trâu chọi nhau dưới đền,nên hàng năm đến ngày 9 tháng 8, có tục chọi trâu để tế thần” (Theo sách Đại Nam nhất thống chí)

Hiện, nhiều nơi như trung tâm Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên đều thờ chung một vị tôn thần, tên hiệu là Tước Điểm Đại Vương. Sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (biên soạn vào triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19) có ghi lại truyền thuyết rằng một số người dân từng đi qua đền thờ tôn thần này gặp hai con trâu húc nhau. Thấy động chúng bỏ chạy xuống biển. Từ đó, người dân địa phương mở hội chọi trâu vào mùng 9 tháng 8 hàng năm, ngày hội này thường có mưa to gió lớn và là thời điểm thủy thần Đồ Sơn hiển linh.

Thần tích cá kình:

Tục mổ trâu bắt nguồn từ lễ hiến tế trâu để ngư dân Đồ Sơn không bị cá kình ăn thịt. Nhiều lần, khi hiến tế, trâu giật đứt dây để chọi nhau. Từ đó, ngư dân địa phương cho rằng thần linh thích xem chọi trâu và thường tổ chức nghi thức này trong dịp hiến tế.

Quận He - Nguyễn Hữu Cầu

Cũng ở nơi đây, cộng đồng dân cư Đồ Sơn còn lưu truyền sự tích về người hùng áo vải, Quận He Nguyễn Hữu Cầu người làng Lôi Động xã Tân An, huyện Thanh Hà, vì cuộc sống ấm no của người dân vạn chài đã phất cờ chống lại phong kiến thối nát tàn bạo thời kỳ 1741 – 1751. Tưởng nhớ công đức Người, hàng năm nhân dân Đồ Sơn mở hội chọi Trâu, múa cờ. Cũng có tài liệu cho rằng: "Mỗi khi đánh trận thắng ông thường mổ trâu khao quân. Những con trâu chọi mổ bụng dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt. Quân sĩ thấy thế hứng khởi reo hò vang dội. Kể từ đó, hàng năm, Nguyễn Hữu Cầu mở hội chọi trâu để cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ"

Nhìn chung, các truyền thuyết, huyền tích địa phương không có nhiều giá trị trong việc xác định mốc thời gian chọi trâu ra đời. Tuy nhiên, bề dày của các truyền thuyết này, cộng cùng việc được ghi chép trong sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược cho phép khẳng định lễ hội này đã tồn tại hàng trăm năm.
Đó cũng là một trong những lý do để chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013.

Về thăm Đền Nghè, nơi phát tích tục chọi trâu tế thần ở Đồ Sơn

Nằm trên đường Suối Rồng thuộc phường Vạn Hương, đền Nghè là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố gắn liền với nhiều nghi lễ văn hóa, tâm linh quan trọng của người dân Đồ Sơn, nhất là lễ hội chọi trâu truyền thống.

Đền Nghè

Đây là ngôi đền “hàng tổng” của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng. Trong đền còn thờ “Lục vị tiên công”. Đó là 6 vị có công khai khẩn lập nên đất Đồ Sơn ngày nay.

Chọi trâu Đồ Sơn, Xem chọi trâu Đồ Sơn, trực tiếp chọi trâu đồ sơn, Chọi trâu, Chọi trâu 2018, Xem chọi trâu, lễ hội chọi trâu đồ sơn 2018, xem trực tiếp chọi trâu đồ sơn

Đền Nghè là nơi diễn ra nhiều nghi lễ tâm linh quan trọng của người dân Đồ Sơn

Ngược theo dòng lịch sử mới thấy được hết sự độc đáo và tâm linh của ngôi đền nằm ở lưng chừng núi, nơi đất trời, biển cả, núi non giao hòa. Trước năm 1945, tổng Đồ Sơn có 2 xã, 5 làng. Mỗi làng có đình, đền riêng, song cả tổng chỉ có duy nhất một vị thành hoàng. Vị thành hoàng chung của người dân Đồ Sơn xưa được các làng, xã thờ là thần Điểm Tước.

Các bộ quốc chí triều Nguyễn đều ghi: "Điểm Tước là thủy thần, vì ban đêm dân địa phương qua đền thấy 2 trâu chọi nhau nên có tục chọi trâu để tế thần. Xưa, người trong ấp định lập đền thờ, đêm nằm mộng thấy thần bảo dựng đền ở núi Tháp… Hôm sau lên núi Tháp thấy có đàn chim sẻ lớn đến đậu ở đỉnh núi rồi bay đi, người dân ấy đến xem thấy có vết chân chim sẻ lớn cho là ứng với mộng mới báo với dân làng. Dân theo đúng chỗ đó dựng đền thờ thần Điểm Tước. Đêm 10/8 năm đó, dân ấp qua đền thấy 2 trâu chọi để vui lòng thần.

Ngày 27/9/2017, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký công văn số 4076/BVHTTDL-VHCS gửi UBND TP Hải Phòng xung quanh việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, trong đó nhấn mạnh điều chỉnh quy mô và khắc phục thương mại hoá lễ hội.

Từ nguồn gốc của vị thành hoàng làng này, tục chọi trâu được hình thành ở Đồ Sơn và là tập tục rất lâu đời của người Việt cổ được lưu giữ cho đến ngày nay. Trước và sau lễ hội chọi trâu, đền Nghè là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ. Đây là nơi diễn ra lễ dâng hương, lễ rước nước- linh hồn phần lễ của lễ hội chọi trâu hằng năm của người Đồ Sơn.

Với những nghi thức độc đáo mang đậm màu sắc của văn hoá vùng ven biển, tục chọi trâu Đồ Sơn trở thành một lễ hội đặc biệt mang tầm vóc quốc gia. Lễ hội chọi trâu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di tích đền Nghè - Đồ Sơn hội tụ đủ cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể để trở thành di sản quý của người dân Đồ Sơn, được xây dựng và trường tồn trong không gian văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.

Diễn biến lễ, hội

Lễ hội chọi trâu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Sau đó là lễ rước nước, gắn với tục tế Thuỷ Thần. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng mang về đình riêng.

Diễn biến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Tại đình làng, các chủ trâu cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng, sau khi lễ thần, trâu chọi được gọi là "Ông trâu".

Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, khoảng 1 giờ sáng, chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa trâu đi thi đấu. Khoảng 6 – 7 giờ sáng, tổ chức lễ rước “ông trâu” ra đấu trường. Dẫn đầu đám rước là cơ ngũ phương, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu. Người khiêng long đình, long kiệu, trống, chiêng… chít khăn đỏ, mặc áo đỏ viền vàng, thắt lưng và quấn cạp đỏ. Người gọi loa, hay dịch lao đội khăn xếp, mặc áo lương đen, thắt lưng bố hậu đỏ, quần trắng. Theo sau là các bô lão, chức sắc và thứ tự các ông trâu (theo kết quả xếp hạng đấu loại), trên lưng được chùm một tấm vải đỏ, sừng quấn một dải lụa điều. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Lễ rước các "ông trâu" vào các xào xá rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phất phới kèm theo tiếng cổ động của dân cư trong vùng...

Khi ông trâu bước vào xào xá, tiếng trống, tiếng loa nổi lên dõng dạc, đổ hồi như tiếng sóng dội vào Hòn Độc, nơi trâu sẽ được hiến tế Thủy Thần.

Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la; tái hiện lại lễ ra quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu trước giờ xuất trận; thể hiện ước nguyện cầu mong Thần Gió phù hộ cho thuyền bè cưỡi sóng vượt ra ngoài biển khơi.

Múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai "ông trâu" được dẫn vào xới, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông trâu" cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai ông trâu hoàn toàn tự do lao vào chọi nhanh giành thắng bại.

Kết thúc lễ hội, ông trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Sáng ngày 10 tháng 8, toàn bộ ông trâu tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết). Khoảng 12 giờ trưa lễ tế bắt đầu. Sau đó, đĩa mao huyết được đổ xuống biển, phần còn lại được chia lộc thần cho dân với niềm tin một vụ khai thái mới bình an, nhiều tôm cá.

Vào ngày 16 tháng 8, làng tiến hành nghi thức “tống thần” và rã đám, kết thúc lễ hội.

Lễ hội chọi trâu trong quá khứ diễn ra như thế nào?

Theo các tư liệu còn được lưu giữ, diễn xướng chọi trâu thực chất chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo nên lễ hội này. Đặc biệt, phần nghi thức của lễ hội được tổ chức khá trang trọng. Cụ thể, từ 30/7 âm lịch, cộng đồng tại đây đã tổ chức lễ rước thần vị thành hoàng từ Đền Nghè về đình công. Những năm mưa lớn, đường ngập, lễ rước này được thực hiện bằng thuyền đánh cá. Từ 1 giờ sáng ngày 9/8 âm lịch, chủ tế các làng làm lễ trình ở đình, xin phép được đưa “ông trâu” về đình công tham gia hội tổng. Trước mỗi cặp đấu, người dân thường tổ chức lễ múa cờ.

Ngoài việc các "ông trâu" tham gia thi đấu đã được từng cộng đồng phân công mua và nuôi dưỡng, luyện tập từ dịp sau Tết nguyên đán, số phận các "ông Trâu" vô địch tại lễ hội cũng khá đặc biệt.
Theo một số quan điểm chưa được kiểm chứng, ở thời kì ban đầu, những ông trâu này được giết thịt lấy máu làm lễ tế, sau đó cho lên bè mảng, đẩy ra biển để dâng cho thủy thần. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, nhiều ghi chép cho thấy những ông trâu này sau khi giết thịt làm lễ cúng sẽ được mổ ra làm cỗ, mời cả làng cùng ăn lấy may.

Như vậy, việc xả thịt các "ông trâu" giành giải rồi bán cho du khách với giá cao là điều không có trong nguyên gốc của lễ hội này. Tương tự, các vấn đề về nạn cá cược, kinh doanh thịt trâu chọi với số lượng lớn... cũng là những biến tướng nảy sinh ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn theo thời gian.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  10. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn