Triều đại Hùng Vương nối tiếp nhau được 18 đời thì truyền lại ngôi cho Thục Phán An Dương Vương. Nguyên Thục Vương muốn hỏi con gái Hùng Vương thứ 18 không được, sinh lòng oán hận, trước khi chết di huấn lại cho con cháu phải đánh lấy nước Văn Lang để báo thù. Hùng Vương bấy giờ cậy mình có binh tướng hùng mạnh nên bỏ bê việc nước mà đắm đuối tửu sắc. Cháu Thục Vương là Thục Phán dò biết tình thế, ngấm ngầm sửa soạn chờ dịp thuận tiện đem quân đến đánh. Hùng Vương thấy thua, tức giận hộc máu rồi nhảy xuống giếng mà tự tử.
Thục Phán chiếm được Văn Lang đổi tên là Âu Lạc xưng hiệu An Dương Vương, chọn đất Phong Khê (nay là Phúc Yên) để xây thành, đóng đô lâu dài. Nhưng thành vừa đắp lên thì đêm đến lại đổ xuống, liên tiếp ba lần, xây mãi không xong. An Dương Vương mới lập đàn lên cầu khấn, rồi một hôm ra đường phía đông gặp một vị thần báo cho biết là sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp. Quả nhiên sáng hôm sau, vua thấy thần Kim Quy từ mặt sông hiện lên. Thần Kim Quy nói cho vua hay là Thủy Vương phái thần đến. An Dương Vương mời thần về cung, hỏi nguyên do tại sao vua xây mãi thành không được Thần nói:
- Đất này núi sông đầy yêu quái. Chính yêu quái ở núi đã phá đổ thành của nhà vua.
Sau đó thần Kim Quy bầy phép cho vua trừ được yêu tinh ở núi Thất Diệu, bấy giờ thành xây mới không đổ nữa. Thành xây cao hình xoáy trôn ốc, dài hơn ngàn trượng, nên mới gọi là Loa Thành (hiện nay còn dấu tích ở làng Cổ Loa, tỉnh Phúc Yên). Thần trước khi ra về, rút một cái móng chân trao cho An Dương Vương bảo làm cái lẫy nỏ để giữ thành, lúc nào có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng vạn người. An Dương Vương đưa thần ra bờ sông, nhìn theo cho đến khi thần Kim Quy biến mất dưới nước.
Hồi bấy giờ Tần Thủy Hoàng đang thống nhất nước Trung Hoa, bắt đầu đắp Vạn Lý Trường thành, muốn bành trướng bờ cõi về phía nam. Tướng Triệu Đà thống lãnh binh sĩ tiến đánh nước Âu Lạc. An Dương Vương đem chiếc nỏ thần ra, bắn một phát chết đến ba vạn quân Tầu, chúng phải bỏ chạy tán loạn. Triệu Đà biết không thể thắng nổi nỏ thần của An Dương Vương bèn gửi sứ cầu hòa, gửi con trai là Trọng Thủy sang làm tin, nhân thể xin kết thân bằng cách cầu hôn nàng Mỵ Châu, con gái An Dương Vương cho Trọng Thủy. Không ngờ là gian kế, An Dương Vương tin ngay bằng lòng gả con gái và nhận Trọng Thủy qua ở gửi rể.
Trọng Thủy yêu thương vợ, nhưng không quên lệnh cha, dỗ dành Mỵ Châu cho xem nỏ thần, rồi thừa dịp đánh tráo lấy nỏ. Sau đó, Trọng Thủy xin An Dương Vương về thăm nhà ít lâu. Khi từ giã vợ, Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu:
- Tôi về thăm nhà, nếu chẳng may hai nước lại bất hòa, nam bắc xa cách, làm thế nào để tìm nhau?
Mỵ Châu như linh cảm trước tai họa, bảo chồng:
- Nếu có ngày loạn lạc phải chạy khỏi Loa Thành, thiếp sẽ đem theo chiếc áo lông ngỗng này, hễ chạy về đâu, sẽ lấy lông ấy mà rắc ở dọc đường, chàng cứ theo dấu mà tìm nhau.
Trọng Thủy đem nỏ thần về, Triệu Đà bèn lập tức phát binh đánh Âu Lạc. An Dương Vương cậy có nỏ thần không phòng bị, ung dung ngồi đánh cờ, đợi giặc đến. Khi quân phương Bắc tiến đến sát Loa Thành, An Dương Vương mới lấy nỏ ra lắp bắn, thì không còn linh nghiệm nữa. An Dương Vương vội đưa con gái lên ngựa phi chạy về phía nam. Chạy đến núi Mộ Dạ (bây giờ thuộc tỉnh Nghệ An) sát bờ biển, thấy sau lưng quân giặc đuổi gấp, An Dương Vương mới khấn gọi thần Kim Quy lên cứu. Thần Kim Quy hiện lên trên mặt nước, nói:
- Giặc ngồi sau lưng vua đấy!
Bây giờ An Dương Vương mới hiểu sự tình, tức giận rút gươm ra chém chết Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự tận.
Có thuyết lại nói rằng thần kim Quy rẽ nước cho An Dương Vương xuống Thủy cung.
Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc đem quân theo đến núi Mộ Dạ, thấy xác vợ nằm chết trên bờ biến, thương xót ôm khóc rồi đưa về chôn cất trong thành. Xong rồi, Trọng Thủy nhẩy xuống giếng ở Loa Thành tự vẫn.
Ngày nay ở làng Cổ Loa, trước đền thờ An Dương Vương có cái giếng tục truyền ngày xưa Trọng Thủy chết ở đó. Người ta nói máu của Mỵ Châu chảy xuống biển, các con trai ăn phải hóa thành ngọc trân châu. Ngọc ấy đem rửa vào nước giếng Trọng Thủy tự tử thì trong sáng thêm lên.
Còn An Dương Vương vì quá tiếc thương nỗi mất nước, sau khi chết hóa thành con chim ngày đêm khản tiếng kêu: "Quốc! Quốc!"
(Đọc thêm sự tích con chim quốc).