TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Sự tích Ao Bà Om
"Sự tích Ao Bà Om" là một truyền thuyết có quá trình lưu truyền rộng khắp không chỉ ở Trà Vinh ở nhiều tình thành có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tích kể về nguồn gốc địa danh Ao Bà Om, một địa danh nổi tiếng thuộc khóm 3, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cũng như lí giải một số phong tục tập quán của người Khmer xưa. Ao có hình chữ nhật, rộng khoảng 300m, dài khoảng 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông).
Chuyện kể lại rằng xưa kia, có một vị hoàng tử tên là Pa-tu-ma-vông trấn nhậm vùng đất Trà Vinh rất độc đoán. Ông bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Ông ta còn bắt đàn bà phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một cô gái xinh đẹp đến bày tỏ sự bực dọc với hoàng tử. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử cho mở một cuộc thi đào ao, bên đào xong trước sẽ thắng cuộc, được bên thua đi cưới, để làm "vừa lòng" người đẹp.
Tham gia cuộc thi có một nhóm con trai và một nhóm con gái thi nhau đào ao. Dẫn đầu phái nữ là Bà Om. Cả hai phái giao ước đến khi sao Mai mọc thì cuộc thi chấm dứt. Cả hai bên bắt đầu đào ao. Phái nữ làm việc rất tích cực trong khi phái nam ỷ sức khỏe nên làm việc bình thường, không vội vã. Đến nữa đêm công việc của bên phái nữ sắp xong, bà Om lấy đèn cột trên ngọn cây giả làm sao Mai. Phái nam tưởng trời đã sáng bèn về, khi hiểu ra thì đã muộn. Bên nam đành chịu thua.
Từ đó có tục lệ người con trai phải đi cưới người con gái. Ao bên phía nam đào còn cạn nên đến nay người ta vẫn làm ruộng. Còn ao bên nữ đào thì lấy tên bà Om đặt cho ao.
Lúc đầu, ao chưa xong. Đêm ngủ, nhân dân vùng bên cạnh ao thấy các vị thần hiện lên quở trách, bảo rằng phải sửa lại cho vuông.
Sáng ra, nhân dân làm đúng như lời thần mách bảo. Ngày nay, cảnh ao bà Om chính là kết quả của cuộc thi tài khi xưa và vì vậy, người ta còn gọi là ao Vuông.
 
Các bản kể khác:
 
Ngày xưa, ông Lũy và bà Om rất thương yêu nhau. Cuộc tình sắp tiến tới hôn nhân thì cả ông Lũy và bà Om đều không biết ai phải đi hỏi cưới ai nên cả hai cùng giao hẹn thi lao động. Ông Lũy đại diện phái nam, chỉ huy những người đàn ông. Bà Om đại diện phái nữ, chỉ huy những người đàn bà. Cả hai bên cùng giao hẹn đến lúc sao Mai mọc thì cuộc thi chấm dứt.

Bà Om nhận đào cái ao còn ông Lũy thì nhận đắp con đê dài. Bên phía bà Om tích cực làm việc trong khi phía ông Lũy ỷ sức mình, chỉ lo nhậu nhẹt. Khoảng 12 giờ đêm, phía bà Om gần xong. Bà nghĩ ra một kế là thả lồng đền gió lên cao để đánh lừa ông Lũy. Ông Lũy nhìn về hướng đông thấy lồng đền gió tưởng là sao Mai đã mọc nên bỏ dở công việc ra về... Bên phía bà Om nhờ cật lực làm việc nên đến lúc sao Mai mọc thì công việc xong xuôi. Ông Lũy thua cuộc và đúng lời giao ước phải đi cưới bà Om. Bắt đầu từ đó mà có tục lệ người đàn ông phải đi cưới người đàn bà. Hiện nay ao Bà Om vẫn còn. Qua nhiều thế hệ, nó được tu sửa lại và trở thành một thắng cảnh. Bờ lũy cách ao Bà Om khoảng 5km về phía tây là một con đường đắp dở đi về phía ông Chích là dấu tích còn lại của công việc mà ông Lũy đã bỏ dở khi xưa. Ngày nay, nhân dân vùng này vẫn đi lại và vận chuyển hàng hóa trên con đường ấy.

Bản kể khác:

1. Bà Om và ông Lũy ở với nhau đã có một đứa con nhưng không biết đặt tên cho nó theo họ cha hay họ mẹ nên mới bày cách thi nhau làm công việc: đào ao (do bà Om chỉ huy) và đắp lũy (do ông Lũy chỉ huy). Về sau, bà Om thắng nên đứa con phải theo họ mẹ. Đó là tục lệ của người Khmer. Mãi đến khi thực dân Pháp xâm lược, theo đúng thủ tục hành chính, người Khmer mới phải theo họ cha.

2. Vào thời Thủy Chân Lạp, nhà vua cho đào ao để công chúa tắm. Trên mặt ao, vào mùa mưa mọc rất nhiều rau mò om (rau để nấu canh chua). Từ đó đời này qua đời khác, nhân dân gọi đó là rau mò om và ao đó về sau cũng gọi là ao Bà Om. Cái ao Bà Om có từ đó và tên gọi là theo nghĩa trên. Cũng có người cho rằng chữ Bà Om là danh từ Pơ-ra-Âng (Prah Âng) tức là chùa Prah Âng đọc trại ra thành Bà Om.     

3. Ngày xưa, có một hoàng tử cùng em gái trấn nhậm vùng đất Trà Vinh xưa. Hoàng tử đóng dinh ở Prasat, tức Sóc Trăng ngày nay, còn công chúa thì chọn khoảng đất gần chùa Âng ngày nay để dừng chân. Do không tìm được người con gái vừa ý để cưới, hoàng tử đã sang hỏi cưới em gái nhưng bị công chúa cự tuyệt vì trái luân thường. Nàng cho binh lính đắp lũy hào quanh dinh thự để ngăn bước anh trai qua quấy rối. Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt dùng trong dinh và giao cho "tứ nữ cận thần", do bà Om chỉ huy, canh gác bốn phía. Dân trong vùng tới lui lấy nước, gọi là ao Bà Om...

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Ba anh em (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  10. Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn