Truyền thuyết kể lại rằng: vào thời Hồng Bàng, sau khi mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở được 100 người con - Lạc Long Quân đem 50 người con xuống biển, còn mẹ Âu Cơ đem 50 người con lên núi.
Khi trang ấp ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân Mẹ Âu Cơ mơ thấy Tiên ông bảo rằng "Ngày mai con phải đi về phương Nam gặp tiên". Tỉnh giấc mẹ đi về phương nam, đến chân một trái núi nhìn lên mẹ thấy trái núi như một ngai vàng - bỗng Tiên ông xuất hiện tay cầm gậy, tóc trắng râu dài, xung quanh mây vần vũ. Tiên ông bảo rằng:
- Ngọc Hoàng sai con xuống hạ giới này sản sinh ra một giống người. Nay đã đông đàn dài lũ, chúng đã biết làm ăn sinh sống. Vậy đến ngày 07 tháng giêng này con phải về trời theo lệnh vua cha - nghe con, trước khi về trời lên núi Nỏ ta cho người đón.
Nói rồi, Tiên hòa vào đám mây biến mất. Mẹ Âu Cơ bỗng bừng tỉnh, bà thắp một nén ngang và quay về nơi ở. Nay dãy núi đó gọi là Núi Ông (thuộc địa phận xã Xuân Áng ngày nay). Rồi đến tết năm đó, mẹ cho gọi đông đủ con cháu trong vùng về ăn tết, thật vui vẻ, thật nhiều trò chơi hấp dẫn: Chơi vật, đánh đu, kéo co... Sáng ngày 7 tháng giêng, mẹ Âu Cơ dặn các con ở nhà chăm chỉ làm ăn và phải thương yêu lấy nhau, Mẹ lên núi ít ngày hái thuốc. Thế rồi mẹ đi theo hướng tây lên núi Nỏ (Đời sau gọi là Núi Nả) gặp một khe đá, mẹ đi ngược theo triền đá, khi mặt trời lên bằng lẩy, mẹ cũng vừa thấm mệt, bỗng nghe thấy có tiếng rúc rích cười: Thì ra một bầy Tiên nữ đã đem xiêm váy xuống đón mẹ: Một tiên nữ quỳ lạy trước mẹ thưa rằng:
- Chúng con tuân lệnh Ngọc Hoàng về đây đón mẹ. Mời mẹ xuống Ao Tắm và thay áo để về trời cho kịp.
Các tiên nữ đã đem cả áo từ trời xuống cho mẹ tắm và thay. Dòng nước mẹ tắm chảy xuống chân núi tạo thành một con suối. Người đời gọi đó là Ao Trời - Suối Tiên là như vậy (Ngày nay Ao Trời - Suối Tiên thuộc xã Quân Khê - Huyện Hạ Hòa). Sau khi thay xiêm áo, mẹ giữ lại dải khăn đào và ngước nhìn về phía chân núi xa xa. Nơi mẹ đã nuôi dậy cháu con - nơi có trại mà mẹ đã gắn bó cả đời trần gian đầy quyến luyến.
Khi theo các tiên nữ bay về Trời, mẹ cố lượn thật thấp để nhìn thấy cháu con và nơi ở lần cuối. Bất thần mẹ thả dải khăn đào xuống như để lưu lại tình thương yêu vô bờ cho con cháu.
Con cháu đang vui chơi, bỗng trời tối xầm, bão tố nổi lên. Rồi một dải lụa đào bay lượn trên không - bay mãi lượn mãi rồi từ từ rơi xuống lấy cả ngôi nhà và đàn cháu đang nhảy múa. Ai cũng hiểu: Mẹ đã về Trời!
Đàn con thắp nhang cầu nguyện cho mẹ và trời mạnh khỏe, rồi họ gặp dải khăn của mẹ đặt lên bàn thờ (Tại đây con cháu đã thờ mẹ và sau này xây thành Đền Mẫu Âu Cơ).
Từ đó đến bây giờ, dân trong vùng cứ đến ngày 7 tháng giêng lại làm lễ linh đình, tưởng nhớ mẹ tại Đền Mẫu Âu Cơ và bao giờ cũng đem dải lụa đào trải lên ngọn cây đa cổ thụ tại đền, để ghi nhớ công ơn cao dầy của mẹ Âu Cơ...
Truyền thuyết khác kể rằng, xưa kia có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời - Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng đẹp thơm.
Có lẽ, chính vì vậy mà Suối Tiên luôn hút các cô nàng xinh đẹp từ khắp trong Nam ngoài Bắc đến đằm mình trong suối. Khách nước ngoài biết đến truyền thuyết cũng không bỏ qua một kỳ quan của tạo hóa như Suối Tiên.