TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 2 phiếu
Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

Mẫu Đệ Nhất Thiên Thiên là mẫu đứng đầu trong Tam tòa thánh mẫu còn có các danh hiệu khác như mẫu Thượng Thiên, mẫu Liễu Hạnh, Mão Khẩu Công Chúa...

Tương truyền, bà vốn là con vua Ngọc Hoàng có tên Đệ Nhị Quỳnh Hoa, bị vua cha phạt giáng trần vì đánh rơi chén ngọc. Bà là một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam, thời nhà Nguyễn sắc phong bà là "mẫu Nghi Thiên Hạ".

Lần giáng sinh thứ nhất:

Vào thời Hậu Lê, tại phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam có ông Phạm Huyền Viên kết nghĩa phu thê với bà Đoàn Thị Hằng. Họ là những người sống hiền lành, tu nhân tích đức nhưng đã ngoài tứ tuần vẫn chưa có con. Vào rằm tháng hai năm nọ bà được Ngọc Hoàng báo mộng sẽ cho công chúa Hồng Liên con Trời đầu thai vào nhà bà, sau đêm đó bà mang thai. Vào ngày mồng sáu tháng ba năm Quý Sửu, trời tỏa hoàng vân, lúc phu nhân trở dạ, ông Huyền Viên trông thấy bóng tiên cô bước xuống bên thềm cửa, lát sau thì phu nhân hạ sinh tiểu thư. Phạm gia vui mừng đặt tên tiểu thư là Phạm Tiên Nga. Tiên Nga lớn lên dung mạo hơn người lại đoan trang thục đức, có rất nhiều công tử nhờ người đến mai mối nhưng đều bị nàng từ chối vì cha mẹ cần người bên cạnh quạt lạnh ấp nồng. Vào năm Nhâm Ngọ, ông Phạm Huyền Viên mãn kiếp từ trần, vài năm sau thì mẹ nàng cũng quy tiên. Tiên Nga an táng cha mẹ, để tang ba năm thì lên đường chu du khắp nơi làm việc phước lành. Bà dùng tiền của bản gia làm việc đắp đê, xây cầu, khai khẩn đất đai, khơi ngòi sông suối, giúp đỡ bá tánh đói nghèo bệnh tật, xây đền cất chùa,... Năm ba mươi sáu tuổi, bà cho dựng ngôi Kim Thoa Tự bên bờ sông Đồi để phụng thờ Bồ tát Quan Âm cùng phụ mẫu quá cố. Sau đó bà cho trùng tu các chùa Sơn Trường, Long Sơn, Thiện Thành. Tại chùa Đồn Xá, bà chiêu dân tha phương lại một nơi, lập ra làng ấp, dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đến mồng hai tháng ba năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức, trời nổi mưa giông kéo đến, bà hóa thân về cõi thiên cung.

Lần giáng sinh thứ hai:

Năm Đinh Tỵ thời Lê Thiên Hựu, bà giáng trần là con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc. Ông Thái Công nhìn mặt con gái giống nàng tiên bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng nên đặt con tên Lê Giáng Tiên. Ở kiếp này, bà kết duyên cùng ông Trần Đào Lang, họ sinh được một người con trai đặt tên Nhân và một người con gái đặt tên Hòa. Vào năm Đinh Sửu thời Lê Gia Thái, bà không ốm đau bệnh tật, thanh thản quy tiên, năm ấy bà vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Giáng Tiên về trời theo lệnh Ngọc Hoàng nhưng lòng thương đối với phụ mẫu song thân cùng phu quân, hài nhi vẫn còn nên lại trở xuống nhân gian, đến nơi là lúc bản gia đang lo ma chay cho nàng. Ai nhìn thấy Giáng Tiên cũng đều vui mừng, nàng đem sự tình kể hết và khuyên nhờ anh chị chăm sóc cho cha mẹ, lần này nàng hạ phàm không thể như lần trước sau đó lại về thăm chồng cùng con. Nàng cũng kể hết mọi việc cho chồng, khuyên chàng cố gắng lập đường công danh, báo đáp song thân, nuôi dạy các con rồi quét dọn nhà cửa, may vá quần áo cho con sau đó lại biến đi mất. Cứ như vậy, thỉnh thoảng nàng lại hiện về chăm sóc gia đình rồi lại đi mất. Mãi đến nhiều năm sau khi hai con đã lớn khôn, Đào Lang cũng công thành danh toại thì nàng mới từ biệt để ngao du thiên hạ.

Lần giáng sinh thứ ba:

Nghĩa tình chưa dứt, vào năm Canh Dần thời Lê Khánh Đức, bà đến làng Tây Mỗ, Thanh Hóa gặp ông Mai Thanh Lâm (hậu kiếp của Trần Đào Lang) và kết duyên, họ sinh ra một người con trai đặt tên là Cổn. Vào năm Mậu Thân thời Lê Cảnh Trị, bà vân du về trời.

Thần tích Đèo Ngang:

Thời vua Lê Thái Tổ, lần ấy Tiên Chúa hóa phép biến thành cô gái hàng nước bên chân Đèo Ngang ở Quảng Bình. Lời đồn đãi về cô gái nhan sắc phi phàm sống đơn độc ở miền sơn cước lan truyền khắp nơi, cuối cùng việc ấy cũng đến tai hoàng tử sắp kế vị. Hoàng tử tìm đến tận nơi, chàng vô tình xuất khẩu buông lời trêu ghẹo bị Tiên Chúa biến thành kẻ lơ ngơ điên dại. Cả triều đình rối loạn, Vua thỉnh mời Bát vị Kim Cương vây bắt và mang nàng về triều. Tại đây Tiên Chúa nói ra tất cả hành vi bất kính của Hoàng tử, Vua biết tội phải hành lễ tạ tiễn nàng về tiên cung.

Gặp gỡ Phùng Khắc Khoan:

Tương truyền, khi Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Hoa về có ghé ngang chùa Thiên Minh ở Lạng Sơn, tại đây ông thấy cô gái dáng vẻ uy nghi, thần thái hơn người ngồi ở gốc cây trước chùa vừa đàn vừa hát. Thấy vậy ông ngỏ lời đối thơ, nào ngờ cô gái ấy phận nữ nhi mà có tài thơ phú hơn người khiến ông cảm phục phải cúi đầu hành lễ, ngước lên thì nàng đã biến mất. Nơi gốc cây đó còn lại bốn chữ khắc lên: "Mão Khẩu Công Chúa", bên cạnh có tấm bảng ghi: "Băng mã dĩ tẩu". Nếu ghép lại, cây này là bộ mộc, chữ Mộc thêm chữ Mão lên sẽ trở thành chữ Liễu, cũng chữ Mộc này thêm chữ Khẩu lên sẽ trở thành chữ Hạnh. Hóa ra đây chính là Liễu Hạnh công chúa hạ phàm. Thi nhân họ Phùng đem lòng kính trọng, cho tu sửa lại chùa Thiên Minh. Lần sau, ông cùng hai bạn dạo bờ hồ Tây, lại được gặp cô gái ngày ấy, họ cùng đối thơ, bài thơ ấy được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ghi lai có tên là "Tây Hồ Quan Ngư".

Quy y Phật:

Tuy đã về trời nhưng tâm nguyện cứu dân giúp đời vẫn còn, Tiên Chúa xin Ngọc Hoàng được giáng thế. Lần này bà có hai thị nữ đi theo hầu cận, Tiên Chúa không những giúp đỡ dân lành mà còn ra tay trừng trị ác bá, lòng dân kính ngưỡng lập nơi phụng thờ. Việc đến tai Chúa Trịnh, ông cho rằng đây là yêu nữ nên cho mời thuật sĩ tứ phương về góp sức cùng quân lực tiến đến vùng Phó Cát khiêu chiến. Biết là không thể chống cự, càng không nên tàn sát sinh linh, Tiên Chúa bảo hai thị nữ lánh mặt, riêng nàng hóa thành hoàng long toàn thân vàng ròng bay lượn và bị quan quân chú ý, trong đó có Tiền Quân Thánh (vốn cũng là con nhà Trời mắc tội phải hạ phàm) vung lưới bắt được. Tiên Chúa hiện ra nguyên hình nữ nhi, không còn cách nào thoát thân. Lúc này một vùng trời chiếu sáng, Như Lai Phật Tổ phóng ngọc hào quang soi rọi giải thoát cho Liễu Hạnh. Tiền Quân Thánh biết ra mọi sự liền dâng lên áo cà sa cùng mũ, Tiên Chúa nhận lấy rồi theo Phật du vân biến mất.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)
  2. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  3. Chu du thiên hạ để học rùng mình (Tạo lúc: 12/03/2015)
  4. Bộ quần áo mới của Hoàng đế (Tạo lúc: 05/04/2015)
  5. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng (Tạo lúc: 20/04/2015)
  6. Truyền thuyết Đèo mụ Dạ (Tạo lúc: 17/05/2015)
  7. Nhất dạ trạch (Đầm một đêm) hay truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử (Tạo lúc: 17/05/2015)
  8. Truyền thuyết Mẫu Thượng Ngàn (Tạo lúc: 22/05/2015)
  9. Sự tích cúng gà đêm giao thừa (Tạo lúc: 07/01/2016)
  10. Truyền thuyết về Mẫu Thoải (Tạo lúc: 08/01/2016)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn