Thời bà Khổng Ôn sống là thời kỳ đất nước mới thành hình, đất còn thấp, nước chiếm phần nhiều. Nước thường xuyên cậy thế mạnh gây ra những trận lũ lụt hòng dìm đất xuống. Lần ấy, sau một trận lụt rất lớn, nhà cửa đồng điền đều bị dòng nước bạc nhấn chìm. Bà Khổng Ôn cũng chạy lụt với mọi người. Bỗng nhiên bà thấy ở một cánh đồng cao còn sót lại hai bông lúa lạ đứng bên cạnh nhau, vươn hẳn lên khỏi mặt nước. Bà liền đưa tay ngắt lấy thì thấy một bông hạt to bằng đầu đũa, một bông hạt nhỏ bằng chân hương. Buồn miệng bà lấy một hạt lúa to ăn chắt, không ngờ, hạt gạo vừa nuốt xuống bà bỗng thấy người mình cao lớn hẳn lên, bà to cao nhanh đến nỗi chỉ một lúc sau đầu đã đụng phải tầng mây cao, tay có thể với tới cả những vì sao lạnh buốt. Bà đưa mắt nhìn xuống dưới thì làng mạc, cây cỏ, thú vật chỉ bé không bằng con kiến, con trùng đến nỗi bà không dám bước đi nữa vì sợ giẫm phải người ở dưới. Bà cứ đứng mãi như thế, lẻ loi, cô độc, lo lắng trước bốn bề chỉ có gió với mây... Bỗng bà nhớ đến hai bông lúa đang cầm trên tay bèn lại bứt một hạt của bông nhỏ nhấm thử. Thì lại một điều kỳ diệu nữa là khi hạt gạo trôi qua khỏi cổ bà lại dần dần thu nhỏ lại như người bình thường. Biết đấy là hai bông lúa thần, bà mừng quá, bèn giấu kỳ vào người. Từ đó bà gìn giữ hai bông lúa quí để đi khắp nơi cứu giúp thiên hạ. Những này mưa to có lớn, hoặc những lần hạn cháy đồng khô, bà lại ăn một hạt thóc lớn để có thể chắn gió ngăn bão cho cả một vùng hoặc kéo mây đong nước về cho đồng ruộng. Xong việc, bà lại ăn hạt lúa bé để thành người bình thường trở về sống với bà con trong xóm ngoài làng.
Vốn là một cô gái xinh đẹp, dịu hiền, đến tuổi trưởng thành bà cũng tươi trẻ như nhiều cô gái cùng lứa tươi và cũng có những ước mơ về một tấm chồng, về những đứa con như mọi người con gái lúc bấy giờ. Nhưng khốn thay, hết thảy mọi chàng trai, anh nào thấy bà cũng len lén tránh né, vì họ biết bà có lúa thần, thỉnh thoảng lại vụt to lớn lạ thường. Làm sao có thể làm vợ, làm chồng trong một hoàn cảnh như vậy được?
Nhưng rồi cuối cùng cũng có một chàng trai đến xin cưới bà. Chàng chỉ ra có một điều kiện là bà phải bỏ bông lúa thần đi để giữ mãi dáng vóc thon thả bình thường như mọi cô gái trong làng. Bà Khổng Ôn vì cũng muốn có chồng, có con nên đã nhận lời. Nhưng bà vẫn lén giấu chồng hai bông lúa ở một nơi kín đáo. Một hôm, vợ chồng đang ân ái thì trời nổi một cơn giông ghê gớm. Giông bão đến bất ngờ làm bay cả nhà cửa, đổ cả cây cối, và bốn phía nước cuồn cuộn dâng lên, sóng réo ầm ầm. Dân tình xao xác, kẻ kêu, người khóc ồn ã khắp nơi. Bà Khổng Ôn thương dân quá bèn lấy một hạt thóc to, giấu chồng để cứu nạn.
Trong khi ân ái, người chồng cứ thấy vợ mình to mãi ra, thoáng chốc ông đã không tài nào nhìn thấy đầu, thấy chân tay vợ nữa. Bấy giờ ông mới hiểu ra là bà dám làm trái lời mình, ông bực lắm. Nhìn quanh, bỗng ông thấy được bông lúa to bà chưa kịp giấu bèn giật phăng lấy và hất tung lên trời làm cho tất cả các hạt lúa bắn tung toé. Biết chồng giận mình lắm nhưng bà vẫn cố hứng lấy một hạt thóc to nữa rồi mới quay lưng chắn gió, xua mây gạt giông bão cứu dân lành.
Vài giờ sau, mưa tạnh, gió ngừng, bà lấy hạt thóc nhỏ ăn cho người bé lại. Vừa ăn xong định vào nhà thì chợt bà nhận ra nhà đang bị nước cuốn trôi, ở giữa dòng nước ông chồng cũng đang ngoi ngóp sắp chết đuối cùng với rất nhiều người nữa. Bấy giờ bà đành phải ăn nốt hạt thóc to cuối cùng rồi lội ra giữa dòng nước để cho mọi người bám lấy mà leo lên. Ông chồng nhờ đó mà thoát nạn và mới thấy công lớn của người vợ. Ông hối hận vì sự nóng nảy của mình, nhưng đã muộn rồi, những hạt thóc to mầu nhiệm đã không còn nữa. Sóng nước đã cuốn trôi bởi một chút giận dữ thường tình. Chỉ còn những hạt thóc bé nhỏ vừa đủ nuôi những vóc dáng tầm thường, không đủ sức để cho bà Khổng Ôn to lớn như những lần trước nữa.