Astarte là một vị nữ thần "đa quốc tịch", xách ba lô lên và đi du hí khắp mọi miền Ai Cập - Cận Đông, khu vực Đông Địa Trung Hải, góp mặt trong rất nhiều nền văn hóa. Nàng là nữ thần đại diện cho sự phì nhiêu, tính dục và chiến tranh.
Trong thần thoại Phê-ni-xiên, Astarte là nữ thần của Mặt trăng, của sự phồn thực và tình ái, tương đương với Aphrodite trong thần toại Hy Lạp, nữ thần Tình yêu và sắc đẹp, giống như nữ thần Venus trong thần thoại La Mã.
Astarte được thờ phụng đầu tiên và phổ biến nhất ở Canaan, Assyria và Phoenicia. Người Phoenicia kể rằng nàng là con gái của thần Bầu trời Epigeius và nữ thần Đất mẹ Ge. Astarte có anh trai Elus và hai người em gái. Elus lật đổ ngai vàng của cha rồi cưới cả ba cô em gái làm vợ. Astarte có với anh trai bảy người con gái và hai người con trai. Nhưng sau đó không rõ vì lý do gì mà Elus cho phép Astarte ly hôn, và lấy thần Bão tố Hadad. Hadad và Astarte được Elus ban cho mặt đất để cai trị.
Astarte được coi là một phiên bản tương đương với nữ thần Ishtar nổi tiếng của thần thoại Lưỡng Hà, do cả hai đều chung gốc gác từ nền văn hóa Sumerian. Còn đối với người Do Thái, Astarte được phiên âm là Astoreth trong Kinh Thánh như một vị thần ngoại tộc bị cấm thờ phụng. Tín ngưỡng thờ Astarte lan tới cả đảo Cyprus và được cho là có liên quan tới sự hình thành của hình tượng nữ thần Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Tại Ai Cập cổ đại, hai vị nữ thần xứ Canaan là Astarte và Anat du nhập vào và được thờ phụng như những vị nữ thần chiến tranh. Tương truyền trằng sau khi Set thất bại trong trận chiến với Horus, nữ thần Neith đã an ủi Set bằng cách gả cho hắn cả hai cô vợ nước ngoài là Astarte và Anat.