Telipinu là vị thần mùa màng trong thần thoại của người Hittites (một nền văn minh cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ). Ông là con trai của thần bão tố Teshub và nữ thần mặt trời Arinniti.
Thần thoại Hittites lưu truyền câu chuyện về sự biến mất của thần mùa màng Telipinu do chán đời nên lăn ra ngủ, dẫn đến thảm cảnh mất mùa khắp thế gian, động vật ngừng sinh sản, cây cối ngừng ra hoa kết trái, dân chúng đói khổ lầm than. Teshub đi tìm con mà không thấy đâu. Đến lượt nữ thần mẹ Hannahanna (hay còn có tên là Hebat) cũng sai một con ong đi tìm Telipinu. Con ong thấy Telipinu đang ngủ quên, liền chích vào thần một cái. Ông thần đau đớn tức giận vùng dậy và tàn phá tất cả thế giới. Cuối cùng, nữ thần Y học và Ma thuật Kamrusepa phải ra tay, dùng phép chuyển cơn giận dữ của Telipinu sang cho người gác cổng địa ngục.
Vậy là vị thần mùa màng bình tâm trở lại thế gian giúp cho mùa màng nảy nở tốt tươi.
Trong các tài liệu tham khảo khác, có một linh mục là phàm trần, ông đã cầu nguyện cho tất cả sự tức giận của Telipinu được gửi đến các thùng chứa bằng đồng dưới địa ngục và không thoát ra được.
Có ý kiến cho rằng Telipinu bị đồng hóa với thần thoại sau này là thần Telephus của Hy Lạp và Telepia của người châu âu. Ngoài ra, tên của ông đã được một số vị vua sử dụng, chẳng hạn như quốc vương Hittite là Telipinu.