Raijin là vị thần sấm chớp trong tín ngưỡng dân gian và Thần đạo Nhật Bản. Từ Raijin được thành lập bằng cách ghép giữa hai chữ Hán: "Rai" (lôi) và "Shin" (thần). Lôi thần còn được gọi bằng những cái tên khác như: Raiden sama (雷電様), ngài lôi điện; Narukami (鳴神), thần rền vang; Raikō (雷公), lôi công.
Raijin được miêu tả với hình tướng dữ tợn của loài quỷ sứ. Lôi thần Raijin được mô tả với cái đầu mọc sừng trâu, mặt quỷ, mình quấn khố da hổ, tay cầm trống Taiko phát ra sấm chớp khi gõ. Đây là hình dáng quen thuộc của lôi thần đối với người Nhật Bản. Hình dáng này có liên quan đến quỷ môn (Ushitora, tức là hướng Đông Bắc) trong đạo Âm Dương. Khi sấm chớp giáng xuống thì con "lôi thú" (Raijū) cũng theo đó mà giáng trần. Hình ảnh lôi thần còn được miêu tả với vẻ hài hước trong tranh của họa sĩ vẽ tranh phong tục Ōtsue.
Truyền thuyết dân gian truyền lại rằng ngày xưa, Sugawara no Michizane là một quý tộc, học giả, thi nhân và là một chính trị gia thời Heian sau khi chết đã hóa thân thành vị thần sấm chớp ngụ nơi trời cao. Trong dân gian thường gọi lôi thần là "Kaminari sama" (ngài sấm chớp) với ý sợ sệt và thân mật. Truyền thuyết cho rằng lôi thần giáng trần ăn rốn con người nên vào mùa hè, khi trẻ con cởi trần phơi bụng thì người lớn thường dọa rằng "coi chừng lôi thần ăn mất rốn". Người ta cho rằng vào thời gian này, khi sấm chớp xuất hiện cùng đợt không khí lạnh thì trẻ con dễ bị đau bụng nếu để rốn trần nên bịa ra câu chuyện lôi thần ăn rốn để dọa chúng. Dân gian còn tin rằng để tránh không bị Raijin ăn mất rốn thì có thể chui vào trong màn hoặc hô lên từ "Kuwabara". Sugawara no Michizane sau khi chết biến thành thần sấm giáng tai họa xuống kinh đô nhưng không bao giờ động đến Kuwabara là lãnh địa của mình lúc sinh thời. Đối lại với Raijin thì có Fūjin, vị thần cai quản ngọn gió.