Ostara hay Eostre là nữ thần mùa xuân trong thần thoại Germanic, một nhánh chị em với thần thoại Bắc Âu.
Theo quan niệm dân gian, Ostara là người đem đến gió ấm mùa xuân, bà đưa đàn chim trở về, đánh thức muôn loài, trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi, muôn loài giao phối. Đi cùng với Ostara có chú thỏ cưng Easter Bunny, mang theo giỏ trứng Easter Eggs đầy màu sắc được tô vẽ bằng những nguyên liệu từ thiên nhiên như ớt, bồ công anh... Thỏ là loài vật mắn đẻ, trứng là biểu tượng của sự sinh nở. Cả thỏ và trứng đều đại diện cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật muôn loài.
Có một câu chuyện dân gian kể rằng, một mùa xuân nọ Ostara đến muộn, và khi tới nơi đã thấy một chú chim nhỏ chết cóng trên nền tuyết lạnh giá, đôi cánh đã đóng băng. Bà đau lòng khi nhận thấy do mình mà chú chim không thể cất cánh bay cao được nữa, nên đã biến nó thành một con thỏ tuyết và ban cho nó khả năng chạy nhanh để trốn tránh thợ săn. Vì nó từng là một con chim, nên bà ban cho chú thỏ đặc biệt này khả năng đẻ những quả trứng màu sắc, mang tặng lũ trẻ con mỗi dịp xuân về.
Người Anglo-Saxon và người German sống ở Đức từng tôn vinh bà trong những lễ hội mùa xuân vào tháng tư hàng năm, nhưng truyền thống này mai một dần theo thời gian, đặc biệt là từ khi những mục sư Kito giáo ở Anh ghép ngày lễ mang tên bà (Easter Day) với ngày Phục sinh của chúa Jesus và coi ngày lễ này là ngày lễ nhân danh Chúa. Vậy nên chủ nhân của ngày lễ này bị lãng quên ngay trong chính ngày lễ mang tên mình, thậm chí đến sự tồn tại của bà cũng là một đề tài tranh cãi trong giới học thuật suốt vài thế kỷ. Easter trở thành một trong những vị thần bị hiểu lầm nhất trong lịch sử.
1. THẦN THOẠI GERMANIC
Germany là tên tiếng Anh của nước Đức ngày nay, nhưng cái tên đó thật ra còn mang nghĩa rộng hơn thế. German vốn là một tộc người lớn ở châu Âu, sống chủ yếu ở vùng Tây và Bắc Âu, trải dài từ các vùng Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy tới đảo Anh ngày nay.
Thần thoại Germanic là thần thoại của người German, có thể được chia thành 3 nhánh chính do khác biệt về văn hóa và lịch sử giữa các nhóm người German:
• Thần thoại Norse (Na Uy), hay ta quen gọi là thần thoại Bắc Âu, là nhánh thần thoại lớn và phổ biến hàng đầu thế giới cùng thần thoại Hy Lạp hay Ai Cập. Ngoài ra, khá nhiều vị thần Bắc Âu cũng được tôn thờ "ké" bởi người Anglo-Saxons hay Germanic Lục Địa, do sự giao thoa văn hóa của các tộc người German, chẳng hạn như Odin (người Đức gọi là Woden), Thor, Tyr (người Anh gọi là Tiw, người Đức gọi là Ziu),...
• Thần thoại Anglo-Saxons của người Anglo-Saxons, trước sống chủ yếu ở Đan Mạch, sau xâm chiếm và trở thành dân tộc chính của Anh.
• Thần thoại Đức Lục Địa (Continental Germanic) là tập hợp thần thoại của rất nhiều bộ tộc German sống trên lục địa.
Tuy nhiên các nhóm Anglo-Saxons và Đức Lục Địa di sản về thần thoại để lại rất nghèo nàn, một phần do sự thịnh vượng của Thiên Chúa Giáo đã xóa sổ và cải biên những vị thần cổ xưa, chủ yếu ta chỉ còn biết về những vị thần "xài ké" từ pantheon Bắc Âu như Woden, Thor, Tiw, cùng vài thần riêng khác nhưng cũng không được nhắc đến nhiều như Ostara, Baduhenna, Hretha, Sinthgunt, Saxnot...
Ostara (tiếng Đức) hoặc Eastre, Eostre (tiếng Anh cổ) là nữ thần mùa xuân của nhóm Anglo-Saxons và Đức Lục Địa.
2. MỐI NGHI HOẶC VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA OSTARA/EOSTRE:
Tài liệu cổ xưa duy nhất còn nhắc đến cái tên của Eostre là tác phẩm "The Reckoning of Time" của thầy tu Bede người Anglo-Saxons ở thế kỷ VIII. Trong đó, ông viết rằng vào ngày Chủ Nhật trước hoặc sau ngày Xuân Phân, người Anglo-Saxons mở tiệc ăn mừng nhân danh nữ thần Eostre, và tháng Tư lúc đó được gọi là Eostremonth.
Khi Thiên Chúa Giáo du nhập, ngày lễ của Eostre đã được sáp nhập vào ngày Chúa Jesus phục sinh, và từ đó được tưởng niệm như một ngày truyền thống của Thiên Chúa Giáo.
Tuy nhiên, do tài liệu của Bede là nguồn duy nhất nhắc tới Eostre/Ostara trước khi đạo Thiên Chúa phổ biến, nên nhiều học giả nghi ngờ rằng nhân vật Eostre có thể do Bede bịa ra chứ chưa chắc bà ta đã có thật. Cuộc tranh luận này diễn ra hàng thế kỷ.
3. MINH OAN CHO OSTARA
Một số học giả đã đứng lên "minh oan" cho sự tồn tại của Ostara. Trong đó nổi bật là công trình nghiên cứu Thần thoại Đức của học giả Jacob Grimm – đồng tác giả của bộ Truyện cổ Grimm lừng danh.
Thông qua các bằng chứng về ngôn ngữ học, Grimm chỉ ra rằng, trong thần thoại Bắc Âu có một vị nam thần ánh sáng tên là Austri, chuyển sang dạng nữ giới là Austra – và đó có thể chính là gốc gác của cái tên Ostara qua quá trình biến đổi ngôn ngữ. Ngoài ra có những học giả khác chỉ ra mối liên hệ giữa Ostara/Eostre với một số vị thần Bình Minh trong các thần thoại khác.
Tóm lại, theo Grimm, Ostara/Eostre đã được người dân thờ phụng thật, ngày lễ của bà trước khi biến thành lễ Phục Sinh của Chúa Jesus là có thật. Những nghiên cứu này vẫn được chấp thuận rộng rãi cho tới ngày nay.
4. OSTARA – NỮ THẦN MÙA XUÂN
Vậy là giờ đây ta đã có thể tóm tắt những gì ta biết về nữ thần Germanic của mùa xuân – Ostara:
Ostara là người đem đến gió ấm mùa xuân, bà đưa đàn chim trở về, đánh thức muôn loài, trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi, muôn loài giao phối. Nước sương, nước suối là nước thánh của Ostara, rửa bằng nó sẽ giúp con người hồi xuân. Những người hầu gái của Ostara được cử đến dòng suối để lấy nước về mỗi mùa xuân. Giống như mùa xuân, cô ấy thất thường, ngây thơ và tươi trẻ tràn đầy sức sống.
Đi cùng với Ostara có chú thỏ cưng Easter Bunny, mang theo giỏ trứng Easter Eggs đầy màu sắc được tô vẽ bằng những nguyên liệu từ thiên nhiên như ớt, bồ công anh.... Thỏ là loài vật mắn đẻ, trứng là biểu tượng của sự sinh nở. Cả thỏ và trứng đều đại diện cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật muôn loài.
Có một câu chuyện dân gian kể rằng, một mùa xuân nọ Ostara đến muộn, và khi tới nơi đã thấy một chú chim nhỏ chết cóng trên nền tuyết lạnh giá, đôi cánh đã đóng băng. Bà đau lòng khi nhận thấy do mình mà chú chim không thể cất cánh bay cao được nữa, nên đã biến nó thành một con thỏ tuyết và ban cho nó khả năng chạy nhanh để trốn tránh thợ săn. Vì nó từng là một con chim, nên bà ban cho chú thỏ đặc biệt này khả năng đẻ những quả trứng màu sắc, mang tặng lũ trẻ con mỗi dịp xuân về.