TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Truyện trạng Lợn

Trạng Lợn tên thật là Dương Đình Chung (chuyện câu đối "Thiên lý trọng kim chung") quê ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, trong loạt truyện Trạng Lợn, chỉ có truyện liên quan đến lợn, đó là chuyện "Mua lợn", trong đó cậu bé Chung với sự thông minh, nhanh trí của mình đã "gài bẫy" vợ chồng vị quan để mua được lợn với giá rẻ.

Về nguyên mẫu của nhân vật Trạng Lợn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (1383 – 1471), quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông này tuổi lợn, sinh năm Quý Hợi (1383) đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), đời Lê Nhân Tông khi 65 tuổi, làm quan Hàn lâm trực học sĩ, An phủ sứ lộ Tân Hưng (tức vùng Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh ngày nay).

Nguyễn Nghiêu Tư tuy học giỏi, làm quan to nhưng tư cách thấp kém. Đại Việt sử ký toàn thư có viết rằng: "Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, nên bị người đời khinh ghét, bấy giờ có kẻ đề vào chuồng lợn là "Buồng trạng nguyên", lại có người hát ngoài đường cái rằng: "Trạng nguyên trư, Nguyễn Nghiêu Tư" là chế giễu hành vi xấu đó".

Tất nhiên, truyện dân gian được hình thành từ rất nhiều câu chuyện, nhân vật khác nhau. Riêng truyện Trạng Quỳnh, thì có một nguyên mẫu là Nguyễn Quỳnh (1677–1748), quê ở làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông từng thi đỗ Hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh, và do nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

Kho tàng truyện Trạng Quỳnh có những câu chuyện liên quan đến lợn, như chuyện cậu bé Quỳnh đối đáp với ông Tú Cát. Trong câu chuyện đó, ông Tú ra vế đối "Lợn cấn ăn cám tốn", với hai chữ Cấn và Tốn là hai quẻ trong Bát quái, thì chú bé Quỳnh đã đối lại câu "Chó khôn chớ cắn càn", trong đó hai chữ Khôn và Càn cũng là hai quẻ trong Bát quái, và vế đối tuy có tính xấc xược, ương ngạnh nhưng cũng đủ để người ra đối cứng họng.

Một truyện khác được gán cho liên quan đến Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, trong đó cô Điểm thách anh Quỳnh đối lại một vế đối "vô tiền khoáng hậu" về độ khó trong lịch sử Việt Nam, là "Da trắng vỗ bì bạch". Vế đối không nói trực tiếp đến lợn, nhưng "bì bạch" thì người ta thường chỉ nói về... lợn mà thôi. Vế đối khó ở chỗ, "bì bạch" vừa là có nghĩa da trắng, lại là một từ láy tượng thanh, mô tả hành động vỗ lên da thịt khi tắm mà không thể tìm ra được từ nào tương tự trong tiếng Việt. Có người cho rằng vế đối "Rừng sâu mưa lâm thâm" là chuẩn nhất, nhưng so với vế đối ra thì vẫn còn ở khoảng cách khá xa.

Truyện Trạng Quỳnh còn còn một câu chuyện khác liên quan đến lợn rất "phạm thượng", là chuyện "Tiên sư thằng Bảo Thái", trong đó Trạng lừa cho các nhà hàng thịt chửi khắp kinh thành một tên vô lại nào đó "bảo" họ "thái" hết thịt ra để trong cung mua. Bảo Thái là niên hiệu thời vua Lê Dụ Tông, được sử dụng từ năm 1720 đến 1729. Tất nhiên đây chỉ là câu chuyện đời sau sáng tác, chứ trong thời phong kiến, không ai dám nói đụng đến vua chúa như thế.

Như vậy, các truyện dân gian liên quan đến lợn kể trên đều ra đời trong thời Lê. Thậm chí, đến bài thơ nói về lời than thở của một cô gái bị cha mẹ gả ép cũng nói đến thời vua Lê:

Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng Em đã bảo mẹ rằng đừng Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào Bây giờ kẻ thấp, người cao Như đôi đũa lệch so sao cho bằng!

Thì tiền Cảnh Hưng là tiền mang niên hiệu của vua Lê Hiển Tông, vị vua áp chót của nhà Lê trung hưng, với thời gian trị vì từ năm 1740 đến năm 1786.

Như trong câu thơ trên, thì lợn là một loại lễ vật quan trọng trong lễ cưới cheo của người Việt, do đó, mà dân gian có hẳn truyện cười về "lợn cưới – áo mới" để nói về tính hay khoe của người dân.

Trong kho tàng truyện tiếu lâm, chuyện cười Việt Nam, cũng có rất nhiều truyện liên quan đến lợn. Truyện "Quan lớn lại, cụ trong dân" cũng là một dạng "truyện Trạng", trong đó các nhà nho, tiêu biểu cho trí tuệ dân gian, đã cho gã nhà giàu hống hách xuất thân từ nghề lái lợn đôi câu đối có chữ "quan lớn lại", nói lái của từ "quan lái lợn".

Còn truyện "Đừng kể nữa tao thèm" có lẽ chỉ diễn tả nỗi... thèm thịt lợn của người dân, khi họ sáng tạo ra câu chuyện con lợn chết kể lể với Diêm vương rằng "Thịt tôi họ xẻ ra từng mảnh, chặt nhỏ bỏ vào rổ. Rồi thì... họ bắc chảo đổ mỡ vào, phi hành cho thơm, thêm muối mắm xào lên...", khiến Diêm vương phải quát lên: "Thôi! Thôi... Đừng nói nữa mà tao thèm!".

Truyện "Trả ơn con lợn" cũng là những lời than thở của tầng lớp nho sĩ, để chê trách những người sau khi đỗ đạt, làm quan đã quên bạn cũ, chỉ sáng mắt với những lợi lộc vật chất khiến bạn cũ phải dâng một con lợn quay để làm lễ mới xin gặp mặt được. Khi gặp bạn rồi, nhà nho kia mới cho bạn cũ một vố điếng người khi đem trầu cau đút vào miệng con lợn quay mà nói rằng: "Tao trả ơn mày! Nhờ mày tao mới lại lọt vào đến cửa quan để nhìn mặt bạn cũ!".

Với truyện "Không phải thịt lợn sề", các tác giả dân gian muốn chê trách thói mua bán điêu toa của người Việt, khi đa phần thịt lợn cũ sẽ biến thành thịt mới, thịt lợn sề thành thịt lợn lợn non trên phản, và bị lật tẩy bởi sự ngây ngô của trẻ con.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Anh chàng chăn lợn (Tạo lúc: 10/03/2015)
  2. Con lợn ống tiền (Tạo lúc: 12/03/2015)
  3. Truyện anh khờ được kiện (Tạo lúc: 16/03/2015)
  4. Sự tích con dã tràng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  5. Sự tích mặt trăng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  6. Con rắn trắng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  7. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tạo lúc: 17/03/2015)
  8. Trạng nguyên Giáp Hải: Bài thơ vịnh bèo (Tạo lúc: 17/03/2015)
  9. Ba chiếc lông chim (Tạo lúc: 17/03/2015)
  10. Các truyền thuyết về Vua Hùng (Tạo lúc: 17/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn