Thuở xưa, lâu lắm rồi, trong một khu rừng hoang dại, cạnh con sông lớn từ núi đổ ra, có đôi vợ chồng con voi (chỉ có hai con thôi, chớ không nhiều như ngày nay) hiếm hoi không sanh đẻ chi cả. Voi đực rất buồn, ngày đêm cầu trời khấn Phật cho có một mụn con. Trời Phật thương tình vợ chồng voi phúc hậu, nên cho voi cái sanh được một mụn con. Chú voi này thật là liếng lắc hằng ngày chạy nhảy khắp rừng, hết húc đầu vào cội cây, lại đi tìm hươu, nai, hổ, báo mà đùa bỡn, đôi khi lại đánh nhau với heo rừng, làm voi mẹ phải chạy đến cản ngăn giảng hòa, mới chấm dứt được sự xung đột. Sợ liếng láo của chú voi con mà các thú rừng ít ai ưa gia đình voi, và các loài thú cũng xa lánh dần chú voi con nữa.
Buồn tình voi con đi lang thang ra bờ sông. Gặp một con cá sấu khổng lồ, đang nằm trên bãi, quen tánh đùa nghịch, voi con bước tới cười nói:
- Kìa bác cá sấu, cái mũi của bác thò lò thế kia làm sao mà ăn uống. À bác ăn gì mà sống?
Cá sấu không khỏi bực tức vì sự kiêu ngạo của chú voi con, mới trả lời rằng:
- Cái mũi của ta như vầy mà xấu lắm ư? Coi chừng ngày kia cái mũi của ngươi còn thò lò hơn mũi của ta, nó giống như con đĩa chứ chẳng vừa.
Con sấu lại tiếp lời:
- Ngươi muốn biết ta ăn gì mà sống thì hãy xích lại gần đây, đưa mũi vào miệng ta mà ngửi thì sẽ biết ngay.
Voi con ngây dại không biết mưu mô thâm hiểm của cá sấu, nên bước lại gần đưa mũi vào miệng cá sấu mà ngửi. Cá sấu liền ngoạm lấy ngậm chặt cứng.
Thuở đó voi chưa có vòi, chỉ có cái mũi cũng như mũi lợn. Khi mũi voi con bị kẹp vào miệng cá sấu thì đau điếng, tê dại cả mình. Đang lúc đó cá sấu lại hầm hừ:
- Ngươi muốn biết ta ăn gì mà sống ư? Mạng mi đã tiệt rồi, lâu nay ta ăn thịt cọp, bây giờ ta ăn thịt ngươi...
Voi con nghe nói rụng rời kinh khủng, cố giật mũi ra khỏi miệng cá sấu mà giật không ra. Mũi voi bị dính trong miệng cá sâu. Rồi đằng trì, đằng kéo, đôi bên giằng co từ trưa cho tới chiều tối. Mũi voi dần dần giản ra thành một cái vòi.
Thấy voi con đi biệt, trời gần tối vẫn chưa về, voi mẹ sanh nghi chạy đi tìm, đến bờ sông nghe tiếng kêu la của voi con, voi mẹ liền áp tới đánh đuổi được cá sấu, cứu sống voi con, nhưng đến lúc đó cái mũi voi biến thành cái vòi trông rất dị kỳ.
Voi con lấy làm xấu hổ, nên ngày nào cũng đập vòi vào thân cây to lớn, mong cho chiếc vòi rụng đi mà không được.
Từ đó loài voi đều có vòi, và hay lấy vòi quấn vào thân cây là do một thói quen.