- Trang chủ >
- Cổ tích Việt Nam >
- Phân xử tài tình
Xưa có một vị quan huyện rất giỏi trong việc phân xử, xét xử, tất cả những vụ án khó nhất ông đều có cách để tìm ra chân tướng của sự việc và mang lại sự công bằng cho người bị hại.
Một ngày nọ, có hai người phụ nữ cùng nhau tới công đường để kiện. Quan liền thăng đường xét xử vụ án. Một người mếu máo tâu quan:
- Bẩm quan, xin quan hãy xét xử trả lại công bằng cho con. Chuyện là sáng hôm nay con có mang một tấm vải ra chợ để bán. Người đàn bà này hỏi ngỏ ý muốn mua tấm vải thì con đưa cho bà ấy xem. Thế rồi bà ấy cướp lấy tấm vải của con rồi bảo là tấm vải chính là của bà ấy, con có đòi lại nhưng nhất quyết bà ta không trả. Làm gì có chuyện ngược đời đến thế quan, xin quan hãy soi xét công bằng.
Vị quan nhìn người đàn bà kia thì bà ấy cũng rưng rưng nước mắt kể lại:
- Bẩm quan, chuyện không phải như bà ta nói đâu ạ. Bà ta dựng chuyện vu khống cho con ăn cắp vải của bà ấy chứ thực sự tấm vải này là của con, hôm qua con vừa mới dệt xong nó và dự định sáng nay đem ra chợ để bán. Khi đi con còn để tấm vải vào một chiếc thúng khảo thế mà trong lúc không để ý, thoắt cái bà ta đã thò tay vào lấy ngay tấm vải của con. Đã ăn cắp lại còn la làng, bà ta còn vu khống cho con ăn cắp của bà ý.
Vị quan ngắt lời của hai người đàn bà. Ông nói:
- Giờ hai ngươi hãy đưa ra ít nhất là một người chứng kiến sự việc rằng vải của mình bị người kia lấy cắp.
Cả hai người đàn bà không người nào có thể đưa ra người làm chứng vì sự việc xảy ra ở chỗ vắng vẻ, khi đó trời vẫn sớm và ít người qua lại. Quan cho gọi hai người lính lệ và bảo họ về tận nhà của mỗi người để xem có đúng là tấm vải này do họ dệt không. Nhưng sau khi hai người lính trở về và thuật lại chuyện cho vị quan nghe thì ông rất ngạc nhiên khi hai người này đều có khung cửi giống như nhau, khổ vải cũng bằng nhau và cả hai cũng đều dự định sáng nay đem vải ra chợ để bán. Vụ án đi vào ngõ cụt khi cả hai đều có những manh mối như nhau, không bên nào kém bên nào.
Vị quan quan sát thần sắc của cả hai để xem có người nào run sợ mà để lộ sơ hở qua ý tứ. Nhưng quan sát một hồi lâu, vị quan chỉ thấy trên nét mặt của cả hai đều hiện lên vẻ đau đớn vì mất của. Suy nghĩ một lát, vị quan phán:
- Cả hai ngươi đều có lý do cả, giờ rất khó để phân định được tấm vải thuộc về bên nào. Giờ ta cho người cắt đôi tấm vải ra chia đều cho cả hai.
Phán xong quan sai lính đo và xé ngay tấm vải để đưa cho cả hai. Nhưng khi người lính chuẩn bị xé thì một người đàn bà bỗng ôm mặt khóc nức nở. Biết người đàn bà này là chủ nhân thực sự của tấm vải, vị quan cho người trói người đàn bà kia lại để tra khảo ngọn ngành. Quả nhiên sự việc đúng như vị quan suy đoán, người đàn bà kia đã cúi đầu nhận tội vì chỉ có chủ nhân thực sự của tấm vải mới bật khóc lên như vậy.
Một hôm khác, khi vị quan tài giỏi này đi ngang qua một cái chợ. Bỗng nghe thấy tiếng chửi rủa huyên náo, vị quan cùng lính tiến lại để xem xem có chuyện gì. Tới nơi thì ông thấy có một người đàn bà đã gân cổ rất lớn chửi rủa kẻ nào đã ăn trộm con gà của bà ta. Vị quan hỏi những người xung quanh thì mới biết rằng bà ta đã chửi như thế này được hai ngày rồi, ai ai cũng cảm thấy khó chịu nhức óc vì tiếng chửi của bà ta. Vị quan sai người hầu tới gần người đàn bà và khuyên can:
- Này mụ kia, sao mụ chửi gì mà lắm thế?
- Tôi mất của thì tôi xót, liên can gì đến chú. Người đàn bà đáp
Nói xong người đàn bà lại tiếp tục bài chửi của mình. Vị quan cử chức dịch gọi người đàn bà lại hỏi:
- Sao mụ chửi gì mà dai thế, mụ mất có mỗi một con gà, cũng có đáng bao nhiêu tiền lắm đâu mà mụ chửi tới tận hai ngày rồi mà vẫn không dừng?
Người đàn bà nói:
- Bẩm quan, phải mất biết bao nhiêu công sức con mới chăm chút được một ổ gà. Nhưng tên nào độc ác nó lại ăn cắp cả gà lẫn trứng, mất của như vật con không căm phẫn sao được.
Vị quan hất hàm bảo chức dịch:
- Ta thấy con mụ này ngoa ngoắt quá, có mỗi con gà bị mất mà mụ ta độc mồm độc miệng chửi um cả xóm làng. Phải trị tội mụ ta vì tội gây mất trật tự ảnh hưởng xóm làng. Ngươi hãy cho người đi rao khắp xóm gọi tất cả người dân lại đây. Mỗi người phải tát vào mặt mụ ấy một cái để cho mụ ta bỏ đi cái tính ngoa ngoắt ác khẩu.
Lệnh quan đã đưa ra, mọi người không thể không theo. Mặc dù ai cũng ghét mụ quá chua ngoa nhưng vì cũng thấy thương mụ vì mất của, nay lại bị đánh cho nên ai cũng tát nhẹ vào má mụ một cái để cho xong. Chỉ có duy nhất một tên tát mụ một cái đau điếng người. Vị quan lệnh cho lính lập tức bắt tên đó lại để vạch đúng tội trạng và tâm lý của hắn. Chỉ có hắn mới căm phẫn mụ đến vậy vì suốt hai ngày hắn bị mụ chửi. Mụ chửi là chửi thằng ăn trộm, người khác thì chỉ thấy nhức tai vì nghe mụ chửi chứ không ai cảm thấy tức tối trong lòng.
Một hôm khác, vị quan lại có việc đi qua một ngôi chùa rất lớn, thấy chùa đẹp và rộng, vị quan ghé vào để vãn cảnh chút ít. Sự cụ trong chùa thấy quan ghé liền ra tiếp đón kính cẩn, mời vị quan vào trong thượng phòng để dùng trà. Vị sư than thở với quan rằng, ông có cất giữ cho chùa một số tiền khá lớn nhưng giờ không may lại bị kẻ trộm đánh cắp mất hết cả. Nhưng vì không biết ngờ cho một ai, lại không muốn trình lên quan điều tra vì sợ làm khổ lây cho các đồ đệ của mình. Nay sư muốn nhờ quan bí mật điều tra hộ vụ án trong kín đáo.
Vị quan hỏi rõ sư về các tình tiết trong vụ trộm, sau đó ông chỉ tay lên tượng đức phật và nói với sư cụ:
- Đức phật ở trên cao, ngài nhìn thấy hết. Sao ngài không cầu cho người giúp, ngài chắc chắn sẽ rõ hơn cả tôi? Đức phật có phép làm cho kẻ gian cầm hát thóc trong tay, hạt thóc sẽ nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ xin vì nhà chùa để thử phen này.
Nói rồi, vị quan bảo sư cụ cho làm lễ để cúng đức phật, cầu ngài giúp đỡ tìm ra kẻ trộm tiền. Trong khi vị sự cụ làm lễ, vị quan cho gọi tất cả các sư sãi, người ăn kẻ ở trong chùa ra để chay đàn. Vị quan đưa cho mỗi người một tay cầm cành phan, tay còn lại cầm một nắm thóc đã được ngâm nước. Vị quan nói:
- Sự cụ vừa cho ta biết rằng trong chùa vừa sảy ra một vụ trộm, kẻ trộm đã đánh cắp một số tiền lớn của nhà chùa nhưng nay vẫn chưa rõ ai là thủ phạm. Ta thì nghĩ kẻ trộm là người trong chùa mà thôi. Ta đã bảo sự cụ lập lễ này để nhờ đức phật, ngài thiêng lắm. Ta vừa trao cho mọi người mỗi người một nắm thóc đã được ngâm nước, giờ mọi người hãy vừa chạy vòng quanh vừa niệm phật. Nếu người đó là kẻ gian, đức phật sẽ làm cho thóc trong tay người đó nảy mầm.
Cả đoàn người theo lời quan nói chạy vòng quanh, vừa chạy họ vừa niệm phật. Nhưng chạy được vài vòng thì vị quan đã quan sát thấy một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc ra xem. Thấy thế biết đã tìm ra được thủ phạm, vị quan sai lính bắt lấy chú tiểu vì chỉ có kẻ trộm thực sự mới run sợ mà thi thoảng lại xem thóc có mọc mầm thật không.
Chú tiểu thấy vị quan vạch đúng lý nên đã nhận tội.
Xem ngay truyện hay khác
- Sự tích mùa xuân (Tạo lúc: 08/03/2015)
- Hên xui (Tạo lúc: 12/03/2015)
- Chú thỏ tinh khôn (Tạo lúc: 20/04/2015)
- Chuyện xử án như thần của quan đốc trấn Sơn Tây Hoàng Giáp Nguyễn Mại (Tạo lúc: 27/02/2016)
- Truyền thuyết thiếu phụ Nam Xương (Tạo lúc: 03/03/2016)
- Truyện xử kiện của tri huyện Nguyễn Danh Cử (Tạo lúc: 30/03/2016)
- Sơn Công, Thủy Công và 18 vị tinh quân ở Đằng Xá (Tạo lúc: 22/04/2016)
- Sự tích điệu nhẩy của bộ xương (Tạo lúc: 03/05/2016)
- Cái tai có phép lạ (Tạo lúc: 24/05/2016)
- Sự tích hoa Ban trắng mùa xuân (Tạo lúc: 10/01/2017)