Thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), ở huyện Nam Xương, thuộc vùng ven sông Hoàng, nay là thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân - Hà Nam, có nhà họ Vũ, tuy gia tư không thuộc loại khá giả, nhưng lại nức tiếng gần xa vì có cô con gái xinh đẹp, nết na, vừa khéo tay, hay làm, lại biết đảm đang quán xuyến các việc. Nàng tên là Vũ Thị Thiết.
Đọc thêm truyền thuyết:
Con trai trong vùng đua nhau đến dạm hỏi. Cha mẹ nàng cũng nhiều phen cân nhắc, đắn đo và cuối cùng nhận lời gả cho một chàng trai cùng làng, thuộc dòng họ Trương. Gia đình chàng Trương này rất giàu có, lại chỉ có hai mẹ con. Tuy nhiên, anh chàng thuộc loại người vai u thịt bắp, không đến trường lớp học hành gì cả.
Sự cân nhắc của cha mẹ cô gái kể ra cũng đã chu đáo. Xưa nay cha mẹ nào chả muốn gả con cho gần? Lại gả vào nơi giàu có và không phải tranh giành với ai thì càng tốt chứ sao? Còn chàng rể tương lai, xem ra cũng vào loại "khá": khoẻ mạnh, chăm chỉ lại hiền lành. Tuy kém về đường học hành, nhưng không ai thấy chàng ta đi ngang về tắt, hoặc sa vào con đường cờ bạc, rượu chè. Ở thôn quê, suốt đời cày sâu cuốc bẫm và lo chí thú làm ăn, thì thử hỏi, chọn được chàng rể và gia đình như thế, có khác nào như bắt được vàng.
Họ nhà gái phấn khởi đã đành, còn họ nhà trai sự vui mừng càng tăng thêm gấp bội. Có cô con gái nhất làng mà về làm dâu họ, thì sao lại không vui mừng? Phen này nhất định sẽ tổ chức đám cưới thật to, các họ khác nhìn vào cứ gọi là lác mắt! Hoa thơm đã có người hái, người họ khác ngồi mà chờ đến mùa quýt sang năm!
Sẵn của, họ nhà trai thịt đến ba bò, bảy lợn. Còn rượu thì hàng trăm vò, thả sức uống say. Các vị chức sắc trong làng trong xã được dịp ra ra vào vào, nên mặt lúc nào cũng đỏ tưng bừng, còn làng nước thì đua nhau kéo đến, đông nườm nượp. Ăn uống dòng dã suốt ba ngày liền. Phường chèo cũng về hát và làm trò suốt ba đêm. Từ các mâm rượu, từ các cuộc vui, mọi người cười nói oang oang. Xóm mạc tưng bừng như mở hội. Ở ngõ ngách nào cũng chỉ thấy bàn tán về đám cưới. Thôi thì đủ các ý đẹp lời hay và các kiểu tán tụng. Rượi thịt nhiều kể ra cũng có khác thật!
Vì thói đời hay phù thịnh, nên trong lúc say sưa, người nào người nấy cũng chỉ thấy nói đến sự tốt đẹp. Nào là môn đăng hộ đối, nào là giai lão bách niên, rồi con đàn cháu đống, rồi như hoa như nụ... Thôi thì chẳng thiếu một mỹ tự nào!
Ngay cả cha mẹ cô dâu cũng thế, cứ đinh ninh là đã chọn được một chàng rể nên người. Họ mừng thầm cho con gái, dẫu chưa được vào nơi sang quí, nhưng chí ít, cũng là chốn mát mặt thảnh thơi. Hỏi thử khắp cả làng này, đã có ai bằng được?
Nhưng thói đời hay phù thịnh, vì thế mà cũng thành ra nông nổi thế nào. Chàng rể của họ, được tiếng rằng hiền, nhưng thực ra lại là một con người rất cục. Nhà con một, được nuông chiều từ nhỏ và chẳng hay tiếp xúc với ai, nên cái cục ấy chưa có dịp phát lộ ra bên ngoài đó thôi.
Không học hành gì, nên sự suy xét của chàng Trương cũng thực xốc nổi, nông cạn, chỉ được cái khôn vặt. Đã thế, đến lúc có vợ, tính khí của anh chàng lại thêm những điểm lạ lùng. Cứ như trên đời này chỉ có mỗi vợ mình là đẹp, nên chàng ta canh chừng, cấm đoán, chẳng muốn cho vợ tiếp xúc, chuyện trò với ai. Đã đành trai gái hay ghen, nhưng ở chàng Trương, sự ghen tuông đã đến mức lố bịch - là sản phẩm của một lòng dạ nhỏ nhen và một đầu óc rất mực u tối.
*
* *
Từ khi về nhà chồng, cô gái họ Vũ quả nhiên đã trở thành một người vợ hiền dâu thảo. Mọi công việc từ trong nhà đến ngoài đồng bãi đều do một bàn tay nàng quán xuyến, đảm đang. Lo ruộng trên ruộng dưới đủ nước đủ phân. Lo con lợn con gà, đường kim mũi chỉ, rồi cơm ngon canh ngọt cho cả nhà. Thôi thì, thượng vàng hạ cám, chẳng thấy lúc nào nàng để chân tay không, công việc nối tiếp công việc, mà việc nào cũng thật chu đáo, đâu vào đấy cả. Mẹ chồng thấy nàng dâu như thế, vui như đang mở hội trong lòng. Còn anh chồng thì được thể, lại càng hay ăn no ngủ kỹ, giao hết mọi công việc cho vợ lo liệu. Duy chỉ có điều, mỗi khi vợ ra khỏi nhà, thì anh chàng cảm thấy lòng dạ chẳng yên, nên tìm mọi cách để đi theo, vì vậy, tiếng là đi làm, nhưng tình thực là để đi canh chừng vợ.
Biết ý chồng, chị vợ mỗi khi tiếp xúc với ai cũng đều hết sức dè chừng. Còn chăm lo công việc thì dường như đã trở thành bản tính của chị. Vì thế, gia đình họ được tiếng là gia đình yên ấm, thuận hoà, đáng để làm gương cho mọi gia đình khác. Lúc này chị vợ cũng đã bắt đầu có mang.
Giá như không có chiến tranh, không có sâu bệnh hạn hán lụt lội để cho dân chúng yên ổn làm ăn, lúc nào cũng ngô lúa đầy bồ, gia súc đầy sân, thì còn có niềm vui nào bằng. Và gia đình chàng Trương, dẫu anh chồng có tính hay ghen, thì cũng chẳng làm sao. Anh ta ghen thế chứ ghen gấp mười lần thế, chị vợ cũng vẫn lường trước được, và gia đình họ sẽ mãi mãi chẳng có hề hấn gì.
Tuy nhiên, tai hoạ đã từ trên cao đổ ập xuống đầu của mọi người: Chiến tranh nổ ra giữa Đại Việt và Chiêm Thành vào đúng lúc mà gia đình chàng Trương này đang xum họp yên ổn.
Vua Lý Thánh Tông Đại Việt cho rằng vua Chế Củ Chiêm Thành không biết giữ "lễ độ": bỏ tình lân bang, chẳng chịu triều cống, lại còn hay cho quân lính sang biên giới cướp phá. Vậy nên cần phải mang quân đi "dạy" cho họ một bài học.
Nhà vua đích thân làm Đại nguyên soái thống lĩnh ba quân. Lệnh ban xuống cho mỗi hương ấp phải lấy cho đủ quân số. Tất cả trai tráng, dù con một mà không học hành gì, cũng phải lên đường. Bà mẹ chàng Trương ở Nam Xương, dù đã khóc đến hết nước mắt, lại mang lễ vật đến các cửa chẳng thiếu thứ gì, vậy mà cuối cùng con trai cũng không thoát được "nạn".
Ngày chàng Trương lên đường, chị vợ nước mắt chạy quanh, lại đang có mang, nhưng cũng làm mấy mâm cơm để mời anh em, họ hàng tới dự. Thôi thì đủ các lời động viên, cho nên bà mẹ phải chờ cho mọi người về hết mới dám khuyên con:
- Thôi thì đành vậy. Nhà vua có lệnh, mẹ cũng chẳng giữ được con ở nhà. Chỉ xin con nhớ rằng nhà mình mấy đời nay chân lấm tay bùn, nên chẳng cần phải xông pha nơi mũi tên hòn đạn để thăng quan tiến chức làm gì. Vinh hoa để giành cho người khác, còn con hãy giữ lấy hai chữ "bình an" mà trở về cho mẹ được yên lòng.
Chị vợ cũng nắm lấy vạt áo chồng, nói tiếp:
-Thiếp chỉ mong chàng làm được như lời mẹ dặn. Ở nhà mọi việc chàng cứ yên tâm, đã có thiếp lo toan. Vợ chồng là nghĩa trăm năm. Chàng cứ an tâm lên đường, gia đình ta mai ngày rồi sẽ lại được đoàn tụ...
Chàng Trương lặng thinh không nói năng gì, cũng chẳng có cử động nào. Chàng ta nhìn chăm chăm vào bụng vợ, rồi đột nhiên đặt tay lên ngực:
- Tôi đã suy tính kỹ cả rồi, chẳng có gì phải lo cho tôi cả. Nàng hãy lo công việc ở nhà. Rừng ruộng nhiều thì cố mà làm, không nên chung đụng với người khác. Khi sinh con, đặt tên cho là thằng Đản, chắc nó sẽ là con trai đấy...
Nói đoạn chàng ta điềm tĩnh bước ra khỏi nhà, không một lần ngoái đầu nhìn lại.
*
* *
Anh lính họ Trương quả nhiên đã là một tay khôn ranh có hạng, cho nên trong suốt cuộc chiến tranh, đều tìm được cách thoát hiểm dễ dàng. Hiển nhiên anh ta không dũng cảm, cũng chẳng hăng máu vịt bao giờ. Luôn luôn tìm mọi cách, mọi cớ để tụt hậu, không phải đánh giáp lá cà. Khi ở tuyến sau, khi vào đội tải lương, lúc thì làm liên lạc. Khi buộc phải xông lên cùng với đội quân đầu tiên, thì chỉ vài chục bước chân, anh ta đã tìm được cách ngã. Nếu quân ta thắng thì anh ta xông lên phía sau, còn quân ta thua thì anh ta chạy lui phía trước. Suốt cuộc chiến tranh, anh ta chỉ ''diễn'' độc có ''trò'' đó mà xem ra cũng thành công mỹ mãn, chẳng phải sứt đầu mẻ trán gì. Sẵn tính dễ ăn dễ ngủ, anh ta bỏ qua mọi lo lắng ưu phiền. Nếu có lúc nào chợt nhớ đến mẹ già, vợ trẻ thì anh ta tặc lưỡi: ''Vẫn thế cả thôi mà'', rồi ngủ tiếp.
Ấy thế mà trong những ngày này, bà mẹ ở nhà lại lo lắng đến phát ốm. Chị vợ đã mệt lại càng mệt thêm ra. Tuy nhiên, là người phụ nữ đảm đang, chị vẫn cố gắng lo toan các việc.
Kể từ ngày chàng Trương ra đi, nửa năm sau, ở nhà người vợ sinh được một mụn con trai. Thằng bé hơi gầy nhưng nét mặt thì giống bố như đúc. Nhớ lời chồng dặn, chị đặt tên cho nó là thằng Đản.
Trong những ngày con dâu nằm ''ổ'', công việc lặt vặt tự nhiên lại phải ''trút'' sang cho mẹ chồng, vì gia đình không nuôi người ở. Bà cụ, tuy mừng thì có mừng, nhưng tuổi cao lại sẵn bệnh tật, nên cũng không thể ''trụ'' được lâu dài. Bởi vậy, khi con dâu rời ''ổ'' thì cũng là lúc bà mẹ bị ốm liệt giường.
Một nách con nhỏ, lại công việc, ấy thế mà chị vẫn chạy vạy, lo tìm thầy tìm thuốc rồi cơm cháo hầu hạ bà mẹ chồng chu đáo hàng mấy tháng trời. Làng xóm thấy vậy ai ai cũng ngợi khen, còn bà mẹ thường nắm lấy tay con mà dặn:
- Mẹ biết sức mẹ cũng chẳng cố thêm lâu được đâu, con đừng lo lắng quá mà sinh ốm sinh đau thì khổ...
Đến khi sắp hấp hối, bà cụ còn căn dặn thêm:
- Mẹ thấy... trong người... yếu lắm..., không còn... được gặp... bố thằng Đản... trở về... Con ở lại... trông nom... nhà cửa... ruộng vườn... Có con có cháu... thế này... mẹ cũng thấy... hả lòng hả dạ... Ới trời ơi... ai gây ra... cuộc binh đao... có thấu cho... mẹ con tôi... nguồn cơn... nông nỗi...
Vừa nói bà cụ vừa nức nở, rồi nấc khan vài tiếng, đoạn, hai tay buông xuôi, vành mắt cũng từ từ khép hờ lại... Bà đã "đi" rồi, trên gò má vẫn còn đọng lại mấy giọt nước mắt nóng hổi.
Chị vật vã than khóc bên xác mẹ. Họ hàng, làng xóm kéo đến, cùng chị lo liệu đám tang. Tuy không có người chồng ở nhà, nhưng mọi việc chị đều lo chu đáo, ai ai cũng phải cảm phục và ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của chị.
*
* *
Từ ngày bà mẹ chồng qua đời, vợ chàng Trương phải một mình đảm đương quán xuyến các việc. Những việc không đừng được, chị mới phải nhờ người, nhưng toàn là đàn bà con gái với nhau cả. Giữ cho được một gia tư bề thế, đầy những ruộng cả ao liền, quả thực là điều không dễ dàng. Lại phải bồng bế, nuôi nấng con thơ nên nỗi vất vả lại càng thêm chồng chất. Đi đến đâu chị cũng phải địu con đi theo. Lúc nào chị cũng tất bật, vội vội vàng vàng... Những khi mưa dầm gió bấc hoặc đêm hôm khuya khoắt, trong căn nhà trống trải chỉ thui thủi có hai mẹ con, thì nỗi buồn nỗi nhớ lại càng thêm nẫu gan nẫu ruột.
Nhưng rồi những ngày ảm đạm nhất cũng qua đi. Đứa trẻ lớn dần. Biết lẫy, biết bò, rồi tập đi, tập nói. Có đứa trẻ trong nhà, thỉnh thoảng lại bi bô, nỗi buồn của chị cũng vơi nhẹ đi và nhà cửa cũng đỡ phần hiu quạnh. Chị lại hay bày ra các trò chơi và đồ chơi để con ngồi một mình, vì dẫu sao cũng phải làm nhiều công việc khác.
Khi đứa trẻ nói sõi và bắt đầu biết nhận xét đôi chút thì một hôm nó hỏi: "Mẹ ơi, bố đi đâu?". Mặc dù biết rồi có lúc con sẽ hỏi đến câu này, nhưng cứ nghĩ là nó còn bé quá, nên chị chỉ trả lời cho xong chuyện: "Bố đi vắng rồi".
Nào ngờ, thằng bé vẫn hỏi tiếp: "Thế bao giờ bố về?".
Chị đâm ra lúng túng, rồi đành phải trả lời thực: "Bố đi đánh giặc xa lắm, chưa về nhà được". Thế là thằng bé lắc đầu quày quạy, rồi lăn ra khóc, đòi mẹ: "Phải đưa bố về! Phải đưa bố về nhà kia!...".
Chị thực sự bối rối, nước mắt chảy quanh, dỗ con mà lòng dạ tan nát. Đứa bé vẫn cứ khóc. Lúc ấy, lợn trong chuồng lại đang rít lên đòi ăn. Không thể ngồi lâu, và thế là chị đã buột miệng thốt ra cái câu tai hại nhất: "Đến tối bố về!".
Đến tối! Khi người mẹ thắp đèn lên để trong nhà sáng sủa thì cũng là lúc đứa bé nhớ ra, và nó lại đòi đến mấy lần:"Mẹ ơi, bố đâu rồi?".
Chị thảng thốt nhìn quanh chờ đợi như thể chờ đợi sự xuất hiện của phép thần. Cửa lúc ấy đã khép và cổng bên ngoài cũng đã đóng... Chợt nhìn thấy cái bóng của mình đang lung linh trên vách, chị nhanh trí chỉ liền cho con thấy:"Đấy! Bố đấy! Bố đã về với Đản đấy!".
Đứa trẻ trố mắt ra ngạc nhiên - mọi lần trước, nó hoàn toàn không để ý đến chuyện này. Thế là nó reo lên, chạy về phía ấy. Biết ý, chị vẫy tay để cái bóng cũng vẫy tay theo, và thằng bé sung sướng, cười lên như nắc nẻ...
Chuyện đời nhiều khi nghĩ cũng thực oái oăm. Cái trò chơi vô hại ấy, cuối cùng rồi cũng trở thành có hại. Nhưng đó là chuyện xảy ra về sau, còn bây giờ, tối nào thằng Đản cũng bắt mẹ thắp đèn lên để cho bố nó về. Tối nào hai mẹ con chị cũng chơi đến tận khuya, chỉ khi nào thằng bé ríu mắt lại buồn ngủ, nó mới chịu thôi. Đấy cũng là cái cách một công đôi việc của người mẹ: trong lúc thằng bé đùa nghịch, chị tranh thủ vá may và làm được vô khối công việc khác nữa.
Kể ra, nếu đầu óc thằng bé bớt đần độn đi đôi chút, chắc trò chơi này cũng chẳng kéo dài được lâu. Cái sự đần độn của nó, cũng như cái tính thiển cận rồi dẫn đến hay ghen của người bố, chắc là do trời định. Và cũng là do trời định, cả cái tài đảm đang tháo vát của người phụ nữ chờ chồng, đã bày đặt ra trò vui, để tự động viên, nhưng cũng là để tự đánh lừa mình vậy.
Giá như người mẹ chẳng nghĩ ra cách tạo thêm nhiều hình thù mới mẻ, ngộ nghĩnh trên vách, thì chỉ mấy lần sau, thằng bé sẽ chán dần. Đằng này, để cho đứa con vui, dường như chị cũng tự huyễn hoặc với ngay cả chính mình nữa: Khi về nhà biết chuyện, chắc chồng chị sẽ mãn nguyện mà cười vang lên hả hê sung sướng lắm...
Vẫn nhớ đinh ninh cái tính hay ghen đến kỳ cục của chồng, tối nào chị cũng gài chặt cánh cổng ngõ. Lại còn tấp thêm mấy ngọn tre gai ở phía trong nữa, cho chắc chắn.
Quả nhiên, đêm hôm chẳng có "kẻ nào" mò tới cả. Thế nhưng tiếng nói tiếng cười của hai mẹ con và ánh đèn, thì chẳng cánh cổng nào ngăn lại được. Theo kẽ vách, ánh sáng hắt cả ra ngoài sân, còn tiếng cười, thì vẳng sang đến tận các nhà hàng chòm hàng xóm...
*
* *
Mấy ngày nay sao có tiếng chim khách về hót trước nhà - Chim báo điềm lành chăng? Lòng người thiếu phụ thấy xốn xang: Chồng chị mãn hạn lính sắp trở về đây. Tính từ ngày chàng Trương ra đi, đến nay đã ngoài ba năm và đứa con cũng đã gần ba tuổi. Nếu lúc này chồng chị về thật, thì còn có niềm vui sướng nào bằng? - Chị nghĩ thầm. Bà mẹ dẫu sao thì cũng mồ yên mả đẹp rồi, và chị cũng đã làm tròn bổn phận nàng dâu của mình, nếu bây giờ chị hay nghĩ đến chồng, cũng có gì là đáng trách? Ôi! Chẳng phải ngựa xe hay võng giá xênh xang, mà chỉ cầu chồng mặt mũi chân tay lành lặn trở về là được rồi. Nghĩ đến đấy, đôi mắt chị long lanh, hai gò má chị ửng hồng, còn trong lồng ngực, trái tim đập thình thịch...
Thế rồi chỉ mấy ngày sau, chàng Trương chồng chị đã trở về nhà thật!
Vua Đại Việt tưởng có thể đè bẹp được ngay vua Chiêm Thành, nhưng nào ngờ, mấy trận đầu đã bị thua liểng xiểng. Nhà vua rút quân về sâu trong lãnh thổ, cách thật xa biên giới để củng cố lực lượng, và có lúc chán nản, đã toan rút quân về. Nhưng rồi sau có quân tiếp viện và lương thực tới, có Thượng tướng Lý Thường Kiệt can ngăn, lại có cả "biểu" khích lệ của bà Nguyên phi Ỷ Lan, nên cuối cùng nhà vua cũng lấy lại được sĩ khí, quyết tâm xuất binh thắng trận.
Khi bài học mà nhà vua "dậy" xong, nghĩa là quân Chiêm Thành đã đại bại, thì bên phía quân ta, thiệt hại cũng không phải là ít. Tính ra, phải gần ba năm cuộc chiến mới thật tàn, cướp đi vô số sinh mạng và của cải.
Anh lính họ Trương, như đã nói, do có mánh khoé, nên cuối cùng vẫn bình an vô sự. Anh ta trở về mà lòng dạ hân hoan. Lại sắp được cặp kè bên vợ. Lại được nhìn thấy mẹ già. Lại có cả thằng con nhỏ lũn cũn chạy theo sau. Nỗi mừng trong lòng anh ta tựa như được chắp cánh mà bay lên trời vậy.
Nhưng nào ngờ, vừa đặt chân tới đầu làng, chàng Trương đã hay tin mẹ mất. Chàng nấc lên nức nở rồi vội vã bước thật nhanh về nhà. Đẩy cổng bước vào, thấy vợ con đang lúi húi dưới bếp, chàng cũng chỉ nhìn qua, rồi vội bước lên nhà trên, quẳng bọc quần áo xuống đất và lăn ra khóc thảm thiết. Về sau trong làng, có người bảo đấy là người con hiếu thảo hết lòng, nhưng có người lại cười thầm: sao mà nông nổi hồ đồ đến vậy!
Chị vợ dắt con từ nhà bếp lên, tần ngần một hồi lâu trước cảnh tượng, rồi cuối cùng cũng phải lựa lời khuyên nhủ chồng. Chàng ta đã thôi cơn khóc, liền xoà tay ôm lấy đứa con như thể cầu mong một sự chở che, nhưng đứa bé lại rãy nảy vùng chạy ra, làm cho chàng ta cảm thấy bị hẫng hụt. Chị vợ chẳng biết làm thế nào, chỉ trơ mắt đứng nhìn chồng. Chàng ta bảo vợ tìm cho nắm hương, be rượu, mấy quả cau và lá trầu không để đi viếng mộ mẹ. Lúc vợ đi chuẩn bị, thì chồng cũng tìm cách dỗ dành đứa con, nhưng hai mắt nó giương thao láo, nghe thấy mà chẳng nói năng gì. Chắc là nó vừa lạ vừa sợ.
Chàng Trương cầm lễ vật, bế cả đứa con để đi viếng mộ mẹ, bởi vì lúc này họ hàng làng xóm cũng đã bắt đầu đến chơi, chị vợ phải lo đun nước, dọn dẹp nhà cửa... nên bế nó không tiện.
Đường từ nhà ra mộ mẹ cũng khá xa, nhưng biết đám ruộng chôn, nên chàng Trương cũng không phải hỏi ai. Vừa đi chàng ta vừa sụt sùi, làm cho đứa bé sợ hãi, hai tay cứ ôm riết lấy cổ bố. Đến mộ, đặt lễ vật và thắp hương xong, chàng ta lại oà lên khóc nức nở. Vừa khóc vừa kể lể nông nỗi nguồn cơn. Rồi vật vã, rồi lại gào lên những hồi thảm thiết. Thấy người lớn khóc, đứa trẻ cũng khóc theo. Một lúc lâu sau, dường như chợt tỉnh ngộ, chàng Trương mới nhớ tới việc dỗ con. Và lần đầu tiên trong đời, đứa bé được nghe chàng ta gọi là "con" và xưng là "bố":
- Thôi, nín đi con, đừng khóc nữa. Bà đã mất rồi, lòng bố cũng đang tan nát đây. Nào đứng lên, về với bố đi con.
Đứa bé lúc này đã nín, nhưng nó lại giương cặp mắt nhìn người bố ngơ ngác. Nó nhớ nó đã có một người bố đen trùi trũi, đêm nào cũng trở về với hai mẹ con nó kia mà. Người bố ấy tuy không bao giờ nói, nhưng lần nào mẹ nó cũng bảo đấy là bố thật, và nó đã tin theo. Bởi vậy, nó trả lời chàng Trương - người bố đang đứng trước mặt:
- Ô... ông ... không phải là bố. Bố tôi đến tối mới về kia!
- Ai bảo thế? - chàng Trương liền sẵng giọng.
Đứa bé giương mắt thao láo đáp: "Mẹ!"
Chỉ mới vừa nghe có thế, đã thấy chàng Trương nổi lên cơn giận dữ điên cuồng. Máu dồn lên mặt, hai tai ù đặc, chàng ta giang tay ra toan tát thằng bé, nhưng rồi chợt tỉnh, hai tay lại buông thõng xuống, lẩy bẩy, và hai tròng mắt cũng tự nhiên ráo hoảnh. Thay vì nỗi đau, bây giờ trong lòng chàng chỉ còn là sự căm giận và cơn ghen thì mỗi lúc mỗi bốc lên ngùn ngụt.
Chẳng nói chẳng rằng, lại quên cả thu lễ vật, chàng ta vội vã bế thốc đứa con về nhà. Do cảm nhận được thái độ của "người bố", đứa trẻ cũng chẳng dám, dù chỉ là cựa quạy. Miệng nó nín câm như hạt thóc còn mặt mũi thì tái xanh tái xám đi.
Chàng Trương dường như đã chạy thẳng về nhà, nét mặt hằm hằm, gặp ai cũng không chào hỏi. Cơn giận dữ của chàng đang lên đến độ điên khùng.
Đặt phịch đứa con xuống sân, cũng chẳng chào hỏi ai, chàng ta vội vàng xuống bếp túm lấy tóc vợ, lôi đi sềnh sệch. Vừa chửi, chàng ta vừa vung tay tát vợ liên hồi. Khách khứa đột nhiên thấy cảnh này, ai ai cũng tròn xoe con mắt, một hồi sau mới dám vào can.
Chị vợ bị đau, bị nhục quá, vừa khóc, vừa chạy thẳng ra khỏi nhà... Cơn giận của chàng Trương vẫn chưa hả, lại chợt nhớ nỗi đau mất mẹ, chàng ta còn quát với theo sau:
- Bước! Bước đi! Đồ đĩ! Giá mày chăm sóc mẹ tao tử tế thì đâu đến nỗi này. Mẹ tao vừa nằm xuống mà mày đã vội rước trai về nhà. Thật là đồ quạ tha. Bước! Bước!...
Lúc ấy, họ hàng làng xóm mới bắt đầu bình luận. Những người ở xa thì bảo: "Xưa nay có thấy chị ấy chuyện trò lâu với ai đâu?" hoặc: "Bận việc nhà, việc đồng bãi, lại nách con nhỏ như thế, hỏi còn bụng dạ nào mà nghĩ đến chuyện trai trên gái dưới?" Nhưng những người láng giềng lại nói: "Đêm nào cũng thấy cửa đóng im ỉm, mà trong nhà đèn thắp sáng trưng, đến khuya vẫn còn có tiếng cười tiếng nói". Chưa ai hiểu thế nào. Thế rồi có người độc mồm độc miệng đã hạ một câu: "Tâm ngẩm mà đấm chết voi. Loi choi đấm voi không chết". Lại một người nữa: "Xưa nay ai biết ma ăn cỗ bao giờ?". Thật rõ là "miệng lưỡi thế gian!", và mọi người vẫn còn ngồi bàn tán mãi...
*
* *
Chị vợ chàng Trương vùng chạy ra khỏi nhà để thoát khỏi bị chửi bới đánh đập, để thoát khỏi con mắt nhìn khinh rẻ của những người đến chơi. Khi đã mệt, sức không còn chạy tiếp được nữa thì chị lảo đảo rồi ngồi bệt xuống bên vệ đường, và những ý nghĩ lộn xộn cũng từ đâu kéo về dồn cả lại. "Sao thằng chồng lại vũ phu, đểu giả đến thế? Vừa về đến nhà, chưa kịp hỏi han đầu đuôi xuôi ngược ra sao, mà hắn đã chửi đã đánh?".
Chị hiểu ngay là do đứa con nói "Đến tối bố mới về", nên hắn tưởng thật mới đánh đòn ghen, nhưng lúc này đây, nỗi phẫn uất tím ruột bầm gan khiến chị không thể quay về để thanh minh với chồng và với mọi người. "Ta không thèm trở về nhà hắn nữa" - chị nghĩ, rồi đứng dậy, lững thững bước ra mé bờ sông Hoàng vắng vẻ.
Ở phía dưới, nước sông vẫn cuồn cuộn, vô tình trôi như bao giờ. Chị nhìn quanh, xa xa có vài bóng người vẫn đi lại làm lụng như mọi khi, nhưng ở phía nhà "hắn", lại tịnh không có ai chạy lại đây cả. "A! Thế nghĩa là tất cả anh em họ hàng xa gần nhà hắn cũng đều nghi cho ta đêm hôm rước trai về nhà - chị nghĩ - Được, các người cứ ngồi ở đấy mà bàn tán với nhau đi, ta đây chẳng thèm phải nói lại nửa lời. Ta khinh thường tất cả các người! Nào giỗ tết, nào ma chay, sao kéo đến ăn thì đông, mà bây giờ lại không có ai đứng ra để nói được một lời cho tử tế?".
"Ruộng cả ao liền, tưởng như thế mà muốn chửi bới đánh đập ta lúc nào cũng được à? Bao mồ hôi công sức vất vả khó nhọc mấy năm nay của ta, sao các người không mở mắt ra mà nhìn cho kỹ?"
Đến lúc này, khi cơn giận dữ người chồng đã chuyển sang giận dữ cả anh em họ hàng nhà chồng, thì lập tức chị cũng hiểu ngay: con đường rút trở về nhà bố mẹ đẻ của mình đã hết. "Về lúc này chỉ chuốc thêm lấy nhục nhã ê chề - chị nghĩ tiếp - Họ hàng có người sẽ bảo "không có lửa thì làm gì có khói?", vậy ta biết ăn nói thế nào? Dẫu "cây ngay không sợ chết đứng", nhưng làm sao mà tránh khỏi được sự nghi ngờ?".
Càng nghĩ chị càng thấy mình đang lâm vào tình cảnh cùng quẫn, không còn lối thoát nào. Nhớ lại đoạn đời từ khi bước chân về nhà chồng đến nay, chị cũng chỉ cảm thấy ghê tởm. "Nhà con một giàu có, bố mẹ ta cứ ngỡ là vàng, nhưng nào có biết hắn chỉ là thằng đần độn, vũ phu, còn ta thì chẳng khác gì cái thân tù, đi đâu cũng phải xét nét. Bây giờ mà hắn đánh đập thế, thì thử hỏi mai sau, liệu có thể thoát ra khỏi cái cảnh như vậy không?"
Thôi! Chẳng thà chết quách đi cho rảnh, còn sống làm gì nữa? - Cuối cùng chị đi tới quyết định - Ta chết đi để cho bố con hắn được sống một mình". Ôi! Thằng con! "Đản ơi! Sao ba tuổi rồi mà mày không phân biệt nổi một người với một cái bóng? Mặt mũi mày giống mặt mũi bố mày thế, thì thử hỏi mai sau tao còn biết trông cậy vào ai?..."
Người thiếu phụ loạng choạng đứng dậy, nhìn xuống dòng sông một hồi như thể còn cân nhắc thêm điều gì, đoạn thấy chị ngoái nhìn lại phía sau và khắp bốn xung quanh. Trong sâu thẳm cõi lòng, chị vẫn còn le lói một tia hy vọng cuối cùng - tia hy vọng của sự sống, và đấy là cái bản năng muôn thuở của con người ta, dù rằng về lý trí thì đã quyết một bề: chết! Nếu lúc ấy một người ở phía gia đình nhà chồng hay một người thân nào đó của chị, hoặc thậm chí một người không quen biết xuất hiện, thì có lẽ sau đó chị cũng chẳng nhảy xuống tự tử ở dưới dòng sông, nhưng hỡi ôi, dường như tất cả mọi người đều đã quay lưng lại với chị - dù vô tình hay hữu ý!
Ở phía gia đình chàng Trương, cho đến lúc này mọi người vẫn còn ngồi đấy mà bàn tán, rồi đoán già đoán non mãi. Không một ai nghĩ đến cái điều tai hại nhất có thể xảy ra, và do vậy, hệt như điều người ta vẫn nói "cha chung không ai khóc", nên đã không một ai nói và bàn tới chuyện đi tìm chị về.
Ở phía gia đình bố mẹ đẻ của chị, do ở xa, nên đến lúc này cũng chưa ai hay biết điều gì. Còn những người đi làm đồng bãi - những người không quen biết, trước đó dẫu có đi qua cũng không ai hiểu chị ngồi đó là vì sao. Đến lúc chị đứng dậy nhìn quanh thì ba bề bốn bên, lại tịnh không có một người nào ở gần. Thế là hết! Hỡi ôi! Thế là niềm hy vọng cuối cùng của chị đã hết!
"Ai nghi ta, cười ta rước trai về nhà thì chỉ đến tối nay thôi, hãy mở mắt to ra mà nhìn, xem có phải như thế không? Ta đây đâu phải hạng lang chạ. Ta đây đâu phải loại con nhà mèo mả gà đồng? Bao công phu khó nhọc bỏ ra vun đắp cho cái nhà ấy, kể từ nay, ta cũng coi như đã đổ xuống sông xuống biển. Cậy giầu cậy có thì hai bố con cứ ngồi đấy mà ăn, ta đây chẳng thèm ngõi nữa. Ôi, cái số ta sao lại phải sa vào với cái giống vừa ngu đần, vừa vũ phu và bạc ác đến thế? Thật ghê tởm! Vĩnh viễn từ nay ta ghê tởm!".
Vừa nghĩ, người thiếu phụ vừa loạng choạng bước xuống dòng sông, tới thẳng mép nước và lội ra một đoạn. Chị cúi xuống, lấy hai tay vốc nước rửa mặt, rồi trong cơn khát, uống liền một hơi nước đầy bụng, cảm thấy cái mát đang thấm sâu vào trong cơ thể mình. Ôi khoan khoái quá, chị nghĩ, và chị muốn mình cũng được mát mẻ mãi mãi như dòng nước này!
"Ơi sông ơi, nước ơi... hãy đón ta vào lòng. Hãy giúp ta quên đi cõi đời ngang trái này...". Vừa lẩm nhẩm, hai bàn chân chị vừa đạp mạnh xuống đất, rồi cùng lúc, dang tay nhoài người ra như thể định ôm lấy dòng nước vào lòng.
Chỉ trong chốc lát, dòng sông đã cuốn trôi đi thân thể của chị.
*
* *
Khi nghe bên nhà chàng Trương có tiếng ồn ào, làng xóm thi nhau kéo đến, mỗi lúc mỗi đông. Chẳng hỏi han, chẳng nước nôi, cũng chẳng tiếp đón mà lẽ ra khi trong nhà có người đi xa trở về, phải có. Người ta đến là vì tò mò, vì chàng Trương mới ở lính về mà đã đánh đòn ghen. Lúc chị vợ vùng chạy được ra khỏi nhà thì cơn giận của anh chồng cũng phải một hồi lâu sau mới hả. Giá không có người khuyên can ngăn lại, chắc chàng ta sẽ đuổi theo mà đánh cho vợ đến chết. Có người hỏi vì sao lại thế thì chàng ta hất hàm: "Hỏi thằng Đản ấy!" Thế là mọi cặp mắt đổ dồn về phía đứa trẻ, khiến nó sợ hết hồn. Lúc nãy, khi chàng Trương đánh mẹ nó, nó khiếp hãi quá khóc thét lên, còn bây giờ, nó hoàn toàn ngơ ngơ ngác ngác, hệt như "mèo cắt tai".
Khi có người đánh bạo đến bên nó hỏi: "Đản ơi, thử nói xem ai đêm nào cũng đến nhà mày đi" thì thấy mặt nó bần thần, chỉ giương mắt ra nhìn lại. Điều nó thực sự không hiểu là vì sao "ông kia" lại đánh mẹ nó, và vì sao mọi người lại kéo đến đây đông thế? Ấy vậy mà, căn cứ ở thái độ bề ngoài ấy, mọi người lại bàn tán rồi phỏng đoán ra lung tung.
Hàng tiếng đồng hồ sau, cuộc bàn tán cũng nhạt dần, các cặp mắt nhìn nhau đã thoáng phần e ngại. Thế rồi người ta lục tục ra về, cũng nhộn nhạo y như hồi mới đến. Và thật đáng buồn: không ai nói và bàn tới chuyện đi tìm chị vợ cả.
Đến lúc chỉ còn lại hai bố con, chàng Trương mới đi xem xét, thu dọn nhà cửa. Thằng Đản đang ngồi thu lu ở xó nhà, ngủ gà ngủ gật. Chàng Trương đến bên, bế nó lên giường rồi lấy chiếu đắp qua cho khỏi ruồi. Chẳng biết làm gì, lại thấy đói bụng, chàng ta mới đi tìm gạo thổi cơm. Khi cơm chín, chàng lên nhà, thấy thằng bé vẫn ngủ, bèn lấy bát đũa rồi xuống ăn ngay tại bếp. Bát vục thẳng vào nồi, y như hồi còn ở lính. Khi đã no nê, chàng ra bể uống một gáo nước, rồi cứ thế lên nhà, xoa hai chân vào nhau, leo lên giường nằm ngủ. Chỉ một lát sau, tiếng ngáy đã vang ra khắp nhà.
*
* *
Đứa con cựa mình rồi thức dậy vào lúc chập tối. Đói, mệt và sợ, khiến nó ngủ li bì. Chỉ đến khi chàng Trương, do quá say sưa gác chân lên người nó, thì nó mới tỉnh. Nó dụi mắt nhìn quanh thấy lạ lùng quá, rồi gọi: "Mẹ ơi" một hồi không thấy gì bèn khóc thét lên, làm cho chàng Trương giật mình tỉnh dậy. Trong nhà tối hum hủm, tiếng khóc của đứa bé lại càng làm tăng thêm vẻ thê lương.
Chàng Trương ghé sát mặt vào để nhìn cho rõ, làm cho nó sợ quá, nín bặt. Bỗng nhiên, chàng cảm thấy có cái gì đó đang đổ sụp trong lòng. Ôi sao mà ngao ngán, mà tủi nhục cái ngày đầu tiên ở lính trở về nhà!
Chàng lập cập bước đi tìm đèn, rồi châm lửa. Căn nhà đang tối tăm bỗng sáng bừng lên như có phép thần, và cái bóng của chàng cũng in rõ lên trên vách. Thằng bé, dụi mắt mấy cái, ngơ ngác một lúc, rồi bỗng thét lên: "A! Mẹ ơi! Bố về! Mẹ ơi! Bố đã về!" Vừa thét, nó vừa chạy lại ôm chầm lấy cái bóng.
Chàng Trương vừa nghe vừa dõi mắt nhìn theo con, bàng hoàng, và bỗng nhiên thấy tim mình thắt lại. Lát sau, nước mắt chàng ứa ra...
Dù có đần độn đến mức nào thì cuối cùng chàng cũng đã hiểu: đứa bé gọi cái bóng là bố - thế nghĩa là đêm hôm chẳng có ai mò đến nhà này cả!
Chàng khóc lên như mưa. Càng khóc càng cảm thấy xót xa ân hận trong lòng. "Phải đi tìm vợ! Phải đi tìm vợ gấp!"- Chàng chợt nghĩ.
Chàng lật đật chạy sang các nhà hàng xóm, nhờ họ đi tìm cho. Đèn đuốc thắp lên rồi mọi người bủa đi các nơi, các ngả. Có người còn chạy đến cả nhà bố mẹ đẻ của nàng. Chó sủa lên inh ỏi. Người gọi nhau í ới. Nhưng đến hết đêm hôm ấy cũng chẳng có ai tìm thấy được nàng. Nét mặt ai nấy đều ngơ ngơ ngác ngác. Và người ta bắt đầu bàn tán, chê cười chàng Trương.
Mờ sáng hôm sau, bấy giờ chỉ còn anh em họ hàng nội ngoại, cùng nhau đi tìm nàng. Do đoán rằng nàng đã ra sông tự tử, nên mọi người đi dọc theo hai bên bờ sông, dùng sào dùng gậy gạt bèo gạt cỏ, để nhìn cho rõ hơn. Quả nhiên, đến quãng gần trưa, người ta tìm thấy xác nàng lẫn vào một vạt bèo, ở khúc sông ngoặt phía dưới, cách khoảng hai cây số. Khi vớt lên, mặt mũi tay chân nàng nhợt nhạt, tím tái, hai cặp mắt nhắm nghiền.
Chàng Trương hớt hơ hớt hải chạy tới, lăn lộn bên xác vợ mà vật vã, than khóc. Vừa than khóc chàng cũng vừa tự xỉ vả mình, nhưng được một hồi thì ngất xỉu. Người ta phải dùng đến hai cái cáng để cáng cả hai vợ chồng chàng về nhà.
Đám tang vợ chàng Trương sau đó, được tổ chức rất to, theo như ý nguyện của chồng - nghĩa là cũng thịt đến ba bò bảy lợn như ngày lễ cưới, nhưng chỉ có điều khác: không còn những lời tán tụng nữa! Sau lễ an táng, chàng Trương còn mời cả thầy phù thuỷ về lập đàn tràng và bắc cầu giải oan cho nàng ở bến sông Hoàng - nơi phỏng đoán là nàng đã nhảy xuống tự tử. Trong những ngày này, nét mặt chàng ủ rũ, tiều tuỵ - thật tương phản với cái vẻ hùng hùng hổ hổ xảy ra mấy hôm trước đây.
Tiếng đồn về vợ chàng Trương chết oan, mấy ngày sau, đã lan ra khắp trong phủ ngoài huyện. Lý ra chàng phải vào tù, nhưng quan trên xét thấy chàng vừa đi chiến trận về lại đang bận con nhỏ, nên đã tha cho. Từ đấy tính tình của chàng cũng điềm đạm hơn, không còn nông nổi cục súc như trước. Ba năm sau chàng lại lấy vợ mới...
*
* *
Nhưng bến sông Hoàng từ đấy trở đi đã không còn bình thường như trước nữa. Đây là bến đò đông, người của mấy xã thường xuyên qua lại, đi làm lụng, buôn bán qua đây. Lẽ tự nhiên, người ta nói và bàn nhiều về vụ tự tử vừa mới xảy ra. Lại nói và bàn cả về lễ giải oan, mời được ông thầy cao tay, gọi "hồn" về ngay giữa ban ngày ban mặt. Thế rồi tiếng đồn ngày mỗi lan xa, và càng về sau, càng nhiễm thêm màu huyền bí. Người ta bảo rằng tờ mờ sáng nào cũng thấy "nàng" hiện về, có khi còn đứng nói chuyện hay cùng đi chợ với người này người khác, nhưng chỉ được một thoáng là đã biến mất. Người ta lại bảo nàng "đòi" được lập đền thờ, nếu không bến sông này còn xảy ra nhiều vụ tự tử, hoặc đò đầy sông sâu, có khi còn bị lật thuyền v.v...
Thế rồi mấy tháng sau, người dân trong vùng góp công góp của dựng một ngôi đền ở bến sông Hoàng để thờ "nàng" - từ nay được gọi là bà Thiết. Hương khói ở đó quanh năm không lúc nào dứt - do ngày nào cũng có người đi chợ, đi buôn bán ngang qua.
*
* *
Đến đời Lê Thánh Tông, nhà vua lại mang quân đi đánh Chiêm Thành như thời nhà Lý, với ông vua có cùng miếu hiệu với Ngài, cách đó bốn trăm năm.
Khi thuyền rồng đi ngang qua bến sông Hoàng, ngoảnh lên thấy ngôi miếu dưới bóng cây cổ thụ, lại thấy dân chúng và cả quân lính ra vào khấn vái tấp nập, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm. Ngài ra lệnh mời quan sở tại đến để hỏi han. Sau khi nghe quan sở tại tâu trình về xuất xứ, hành trạng của vị thần được thờ, Ngài chau mày như thể không vừa ý điều gì lại cũng như thể đang suy nghĩ điều gì. Thế rồi người ta thấy Ngài đứng dậy đi quanh một vòng, đoạn ngồi xuống bàn, quẹt đầu bút vào nghiên mực, rồi đề ngay một bài thơ Đường luật lên tờ giấy đã để sẵn. Xong xuôi, Ngài đọc lại một lần, vừa đọc vừa gật gật đầu - dấu hiệu của sự tự tán thưởng. Lát sau, có mấy vị trong hội Tao đàn đi theo xuất chinh đến, Ngài đưa bài thơ cho họ truyền nhau đọc. Ở đây chẳng nói thì ai cũng rõ: Tất cả bọn họ đều cúi đầu bái phục tài xuất khẩu thành thơ và khẩu khí đế vương trong bài thơ của Ngài.
Sự thực thì trong bài thơ ấy, nhà vua chẳng hề nhắc đến chiến tranh, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của người thiếu phụ. Điều này có thể giải thích được: việc nhà vua đi xuất chinh lần này cũng giống như việc đã xảy ra cách đó bốn năm năm, do vậy, Ngài thấy trực tiếp nói ra e không tiện. Hơn nữa xưa nay, cái mạng của dân chúng đối với vua chúa thì có đáng giá gì đâu. Mạng một người lính hay mạng vợ một người lính, đều "chả là cái gì" so với công việc "thế thiên hành đạo" của Ngài. Bởi vậy, việc vợ một người lính tự tử sau đó được tôn lên làm thần, làm cho Ngài cảm thấy không hài lòng - nếu ta không muốn nói thẳng ra là Ngài thấy khó chịu. Đối với Ngài, dù ai đó có là thần thì cũng chỉ ở dưới tầm mắt của Ngài, do bộ Lễ của Ngài cai quản và phong tặng. Cái "khẩu khí đế vương" của Lê Thánh Tông chẳng những thể hiện ở việc xem thường thần, mà còn thể hiện cả ở chỗ: nhân dịp này Ngài muốn dạy cho tất cả thần dân của Ngài một bài học nhớ đời. Ấy là bài học: ''Đừng bao giờ nghe trẻ con mách'' - nhưng xem ra, đấy lại là một bài học không ''chuẩn'', nếu không muốn nói thẳng ra là bài học tầm phào.
Nguyên bài thơ của vua Lê Thánh Tông, về sau được khắc đặt ở "Đền bà Thiết" ấy, như sau:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Dòng nước can chi luỵ đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Người ta kể rằng: sau khi có bài thơ của vua Lê Thánh Tông, các vị chức sắc ở Nam Xương đã ra lệnh ngay cho tổng và xã sở tại tu sửa lại ngôi đền cho thật khang trang, đàng hoàng - không phải để xứng đáng với vị thần được thờ mà là để xứng đáng với bài thơ của nhà vua sẽ được khắc, đặt ở trong đó. Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi vì, xưa nay "ngọc bút", "châu phê" có bao giờ lại không quan trọng?