Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, có câu:
Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
Dấm chua là điển tích được thông dụng để ám chỉ người đàn bà ghen quá mực. Nhiều người cho rằng "chua" là chua chát, chanh chua, tức là nói mỉa mai cay độc. Nhưng có điển tích lý thú như sau, đáng tin cậy hơn: Vua nước Kim có bà hoàng hậu quá ghen. Hằng ngày, vua ấp yêu hai người cung phi xinh đẹp, tươi trẻ. Hoàng hậu không cản ngăn được, vì luân lý thời xưa không cấm đoán việc đa thê.
Khi lâm bệnh nặng, biết mình sắp băng hà, nhà vua nói với hoàng hậu:
- Sau này, hoàng hậu phải chôn hai người cung phi ấy bên cạnh ta để săn sóc ta.
Hoàng hậu nhận lời. Khi vua băng hà, bà mừng rỡ vô cùng và xem đó là dịp để giết hai người cung phi. Bà truyền lịnh: - Quân sĩ đem chôn sống hai đứa đó, theo lời di chúc.
Nhưng bà không yên tâm, máu ghen khiến bà suy tính lợi hại:
- Nếu ta chôn sống thì hai đứa cung phi sẽ hầu hạ nhà vua, nhà vua sẽ hưởng hạnh phúc riêng với bọn nó mà quên ta.
Nghĩ vậy, bà ra lệnh giết chết hai cung phi rồi lóc thịt, cho hình hài người chết trở nên xấu xí, khiến vong hồn nhà vua chán chê, không yêu nữa.
Lóc thịt xong, hoàng hậu vẫn chưa hết cơn ghen. Bà đề phòng trường hợp những bộ xương này sẽ... trở nên mập mạp, có da thịt khi xuống âm phủ. Sau rốt, bà truyền lệnh ngâm hai bộ xương nọ vào dấm, loại dấm thật chua để xương tan mất. Sau đó bà đem chôn bên cạnh lăng nhà vua, tin rằng nếu muốn hóa ra người đẹp thì bộ xương nọ đã bị nát rồi, không tài nào đầu thai, hoàn cốt được.