Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời, khi đã lao vào cuộc đánh khăng, đánh đáo hay bày trận, thả diều thì chẳng còn biết gì trời đất. Vì thế đã nhiều phen anh để cho trâu ăn lúa, ăn khoai và cũng nhiều phen, anh bị chủ nọc đánh dữ dội.
Một hôm, Đê cùng các chúng bạn bày cuộc thi bơi lội. Đàn trâu thả trên đồi vắng. Cuộc tranh lèo giật giải đã đến độ làm cho Đê không dứt ra được. Hết lặn đến hụp, bơi sấp đến bơi ngửa, cuộc vui kéo dài mãi đến gần trưa. Bỗng nhiên khi nhìn lên đàn trâu thì thấy mất hút một con. Con trâu ấy lại là con của Đê chăn. Bọn trẻ hoảng hốt chia nhau đi tìm hết bụi bờ này đến lùm đồi kia, chẳng thấy tăm hơi đâu cả. - "Thôi rồi, trâu thằng Đê bị kẻ trộm dắt đi rồi!" Bọn trẻ la lên như vậy rồi đứa nào đứa nấy dong trâu của mình về nhà. Chỉ một mình Đê ở lại vật vã kêu trời khóc đất. Khóc một hồi lâu rồi ngủ quên.
Đang ngủ, thốt nhiên anh tỉnh dậy vì có cái gì chạm vào mặt. Anh hé mắt nhìn thấy một đàn quạ đang xúm quanh. Thì ra chúng tưởng có xác chết nên kéo đến định làm bữa chén. Một con sà vào toan mổ mắt. Thấy thế, Đê lập kế thình lình vùng dậy chụp được chân một con quạ, còn những con khác thì bay tán loạn.
- Hừ, ta sẽ cho mày hay. Dám đến mổ vào mắt ta ư!
Nghe nói thế, quạ hết lời van vỉ:
- Xin ngài tha cho tôi, tôi sẽ biếu ngài một vật quý.
- Vật gì, đưa đây xem!
Quạ vội nhả từ trong miệng ra một viên ngọc nhỏ nhưng sáng lấp lánh, đưa cho anh và nói:
- Đây là viên ngọc nhỏ nhưng quý nhất thế gian. Ngài muốn cầu xin việc gì sẽ có ngay vật đó!
Đê nghĩ:
- Vậy sẵn ta đang mất con trâu, thử cầu xem có hiệu nghiệm chăng. Bèn nói to:
- Ngọc! Ngọc! Ta muốn được một con trâu thay cho con vừa mới mất!
Bỗng chốc từ dưới chân đồi lững thững đi lên một con trâu. Vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, anh vội trả tự do cho quạ rồi cưỡi trâu về.
* * *
Từ đó Đê trở lên sung sướng, giàu có. Anh trả trâu cho trọc phú rồi trở về nhà ở với cha mẹ. Nhưng anh chỉ mới dám cầu những cái lặt vặt. Một hôm anh lấy ngọc đặt trong lòng bàn tay mình rồi nói:
- Ngọc! Ngọc! Ta muốn có một tòa lâu đài lộng lẫy và giàu có.
Tự nhiên sáng hôm sau ngủ dậy, anh không thấy mái nhà tranh lụp xụp của bố mẹ nữa, thay vào đó là một ngôi lầu cao ngất, mái ngói tường hoa, cột kèo trạm trổ tinh vi. Đặc biệt là trong nhà mọi thứ bày biện rất sang, kẻ hầu người hạ nhộn nhịp, ngoài vườn cây cối um tùm, trước sân hoa thơm cỏ lạ không thiếu thứ gì. Đê chưa bao giờ thỏa thích đến thế.
Chẳng bao lâu Đê lại lấy ngọc ra cầu:
- Ngọc! Ngọc! Ta muốn có một người vợ đẹp.
Lời ước vừa dứt thì anh đã thấy có một người từ ngoài cửa bước vào. Đó là một mụ mối tìm đến đánh tiếng cô con gái một vị trưởng giả trong vùng. Sau khi cùng mụ đi chợ coi mắt, anh thấy cô gái đúng là một giai nhân mày ngài mắt phượng, xem chừng thiên hạ khó có ai hơn. Mụ mối còn nói:
- Trưởng giả đang lác mắt về sự giàu có của anh. Nếu anh muốn, tôi sẽ lo liệu chu toàn và nhanh chóng.
Đê hết sức mừng rỡ, bèn giao cho mụ mối và người hầu thay mình định liệu mọi việc. Quả như lời mụ nói, không đầy một tuần, cô gái tuyệt sắc nọ đã trở thành vợ anh. Nhưng anh đâu có ngờ vợ mình lại là một người xấu bụng. Lấy chồng, nàng chỉ muốn giúp bố nàng khám phá cho ra cái bí quyết làm giàu nhanh chóng của chồng. Vì vậy, sau khi về làm vợ Đê, nàng thường tỷ tê dò hỏi mọi việc. Nhưng Đê không muốn để ai biết được điều bí mật của mình. Anh chỉ đáp giả lả cho qua trước những câu hỏi tò mò của vợ. Viên ngọc quý anh luôn luôn cất vào một nơi kín đáo. Tuy vậy vợ anh vẫn cố công dò la tìm hiểu không nản. Một hôm vợ mua rượu phục cho chồng uống bí tỉ. Trong cơn say, anh quên hết mọi việc, có gì bí mật đều phun cho vợ biết cả. Nhè lúc Đê nằm mê man, người vợ bèn lấy trộm viên ngọc, rồi lẻn về nhà trưởng giả.
* * *
Khi Đê tỉnh dậy, chàng thấy vắng bóng vợ. Đi tìm ngọc cũng không thấy đâu. Biết vợ mình đã lấy trộm mất viên ngọc quý, chàng đành sang nhà trưởng giả mong lấy nghĩa lý làm cho vợ hồi tâm. Nhưng không những vợ anh không chịu nhận việc lấy viên ngọc, mà anh còn bị ông bà trưởng giả xua đuổi thậm tệ. Vừa mất ngọc vừa mất vợ. Đê buồn quá đỗi, thất thểu ra về. Qua một ngôi đền, anh ghé vào nghỉ chân, rồi khi nghĩ đến ngọc, anh khóc tức tưởi. Bỗng có một vị thần râu dài tóc bạc hiện ra trước mặt hỏi:
- Làm sao con lại khóc?
Đê kể lại tình đầu, không giấu giếm một tý gì.
Vị thần bảo:
- Con đừng buồn! Ta sẽ bày cho con một cách lấy lại vật quý.
Nói rồi vị thần bước tới chỗ bình hoa trên hương án, bẻ một bông hoa trắng và một bông hoa đỏ, và nói:
- Con hãy mang bông hoa trắng này gài vào cửa nhà nó. Nhất định nó sẽ gặp chuyện không hay. Lúc đó con sẽ dùng bông hoa đỏ để lấy lại viên ngọc.
Nói xong vị thần biến mất. Theo đúng lời thần dặn, Đê bèn đem bông hoa trắng lén đến gài ở cửa sổ nhà trưởng giả, chỗ buồng của vợ rồi ra về.
Lại nói chuyện vợ Đê bấy giờ đang ngồi mân mê viên ngọc quý, chợt ngửi thấy mùi thơm ngạt ngào tỏa khắp gian phòng. Theo mùi tìm kiếm, chẳng mấy chốc nàng đã thấy bông hoa gài ở cửa.
- Quái, làm sao lại có thứ hoa thơm kỳ lạ thế này.
Vừa nói nàng vừa cầm hoa lạ đặt vào mũi hít lấy hít để. Vợ chồng trưởng giả thấy mùi thơm cũng chạy vào cầm lấy bông hoa xem và cũng đưa lên mũi thưởng thức mùi thơm. Nhưng chẳng mấy chốc, họ cảm thấy đầu mũi ngứa ngáy, họ bèn ra sức gãi, nhưng càng gãi mũi càng sưng, và dần dần mọc dài ra. Họ cùng la lên:
- Ôi! Cái hoa này có ma. Mũi tôi làm sao lại thế này.
Ba người nhìn nhau vô cùng hoảng sợ, vì thấy mũi của người nào người ấy không ngừng nhô thêm mãi. Trước chúng còn dòm mồm, sau đã dài quá cằm. Nhưng chúng vẫn chưa chịu dừng. Mũi vẫn thòng xuống quá ngực rồi quá bụng, và còn dài xuống nữa, xuống nữa, gần chấm đất mới chịu thôi.
- Ôi! Xấu hổ quá, trông như cái vòi voi!
Vợ Đê nước mắt đầm đìa nghĩ đến nhan sắc có một không hai của mình trước đây. Cả mẹ lẫn con vội trốn vào buồng tránh mặt kẻ hầu người hạ. Chỉ có trưởng giả lấy khăn che mặt, hối hả bảo người nhà đi mời thầy thuốc. Nhưng khi nhìn thấy bệnh lạ, thầy thuốc nào cũng lắc đầu:
- Cái mũi này của cụ chỉ còn có nước cắt, nhưng cắt chưa chắc đã lành, nó chỉ làm xấu thêm và nguy hiểm nữa là khác.
* * *
Hai ngày sau, Đê mới chạy sang nhà bố mẹ vợ, trong bọc có thủ sẵn bông hoa đỏ. Khi thấy cái mũi dài của trưởng giả, Đê không nhịn được cười, hiểu rằng đó là do sự mầu nhiệm của bông hoa thần. Trước câu hỏi của Đê, trưởng giả kể lại đầu đuôi. Đê đáp lời:
- Cái đó không có gì lạ. Nó do việc lấy trộm ngọc của vợ tôi mà ra. Nếu trả lại viên ngọc ấy cho tôi, tôi sẽ có phép làm cho mũi ngắn lại và lành lặn như cũ.
Trưởng giả không còn cách nào khác, đành giục con gái trả món bảo vật lại cho chồng. Sau khi đã nhận đúng viện ngọc của mình, Đê bèn đưa bông hoa đỏ ra cho họ ngửi, chỉ trong chốc lát, cái vòi dần dần co lại, co lại cho đến khi mũi trở lại nguyên hình như xưa.
Đê đưa vợ về, hai vợ chồng từ đó sống với nhau hòa thuận, vui vẻ. Mỗi lần làng xóm có việc gì khó khăn, họ lại cầu xin với Đê để nhờ viên ngọc giúp đỡ.
Về sau, lúc Đê đã già yếu, một hôm đang nằm trên giường bệnh, bỗng thấy con quạ năm xưa đến đậu ở cửa sổ nói với vào:
- Trả ta viên ngọc! Trả ta viên ngọc!
Nghe nói, Đê liền thò tay xuống dưới gối lấy viên ngọc giơ ra cho quạ, nhưng chưa kịp trao thì quạ đã nhảy vào chộp lấy ngọc trên tay rồi bay đi mất[1].
Cổ tích Việt Nam còn có truyện Mẹ con hoàng hậu bị dài mũi là một dị bản của truyện trên:
Có hai bố con nhà kia, bố sắp chết dặn con mình chôn mình xuống ao trước nhà, ba năm sau tát ao thấy cái gì thì cứ lấy mà dùng. Người con theo đúng lời dặn, tát ao được một cái túi, một thắt lưng và một chiếc sáo. Túi càng giũ càng ra tiền bạc; thắt lưng thắt vào, người tự nhiên nhẹ bỗng chạy nhanh như bay; sáo thổi lên, có nhiều quan quân hiện ra xung quanh bảo vệ. Gặp dịp nhà vua kén rể, người con mang cả ba thứ đó đến trổ tài. Anh dùng thắt lưng chạy vù đến kinh đô. Rồi trước mặt vua, anh giũ túi ra một đống bạc. Khi người của vua xông lại, anh thổi sáo liền có quân gia hiện ra canh giữ không cho lấy. Vua sợ, cho anh đính hôn với công chúa, bảo công chúa và hoàng hậu đánh cắp các bảo vật rồi đuổi đi. Thất vọng, anh đi hái củi để sống. Gặp một cây na, ăn thử một quả thấy ngứa mũi, càng gãi mũi càng dài, tới một nơi nọ khát nước, anh vục xuống một cái ao giải khát, không ngờ nước ao ấy lại làm cho mũi anh ngắn lại như cũ. Anh lấy những quả na và một lọ nước, đưa về kinh cải trang, rao bán cho vua. Mẹ con hoàng hậu ăn na vào, mũi mọc dài thêm. Tìm thầy chữa, mũi càng dài thêm đến một sải. Bấy giờ anh chàng đóng bộ một người con gái ăn mày xin vào chữa, bảo là phải đánh vào người, đem phơi nắng ba ngày mới khỏi. Anh đánh công chúa trước, sau đó bôi một tý nước, mũi có co lại. Qua ngày thứ ba, anh không bôi, chỉ nói: - "Thế là không thể khỏi hẳn được, chắc là có phạm một lỗi gì đó, như lấy cái gì của ai chẳng hạn". Công chúa thú nhận có lấy chiếc sáo, rồi thắt lưng. Đưa trả, anh chữa thêm cho công chúa và nói: - "Còn gì nữa, trả cho hết mới khỏi hẳn". Cuối cùng công chúa trả cái túi. Anh nói: -"Chúng mày là đồ gian ác, phải chịu số phận dài mũi là đúng rồi bỏ đi."[2].
Truyện trên cũng khá phổ biến ở Âu và Á. Hình ảnh của các dị bản có khi là chiếc mũi mọc dài như vòi voi giống truyện của ta. Đó là truyện của Đức (do Grim (Grimm) sưu tập), truyện của Ý (Italia) ở La-mã và truyện của Iếc-lăng (Irlande), nhưng không phải ngửi hoa mà là ăn phải quả táo hay quả vả. Có khi là đầu mọc sừng, như truyện của Pháp, của Ả-rập (Arabie). Có khi mọc đuôi như truyện của Ý (Italia) ở Mác-sơ (Marche), hay hóa thành đầu nai như truyện Ê-cốt-xơ (Écosse). Lại cũng có khi hóa khỉ như truyện của Ấn-độ, hay hóa lừa như truyện của người Can-múc (Kalmouks), v.v... Sau đây là một số truyện có hình ảnh đầu mọc sừng. Trước hết là truyện của Pháp: Túi tiền, cái còi và cái mũ, gần với dị bản của ta vừa kể:
Có ba anh em: một người là đội, một người là cai và một người coi phu dịch, đều có nhiệm vụ luân phiên gác rừng. Một hôm đến lượt người thứ ba. Đang gác bỗng thấy một bà già đến nhà xin sưởi, anh nói: - "Đừng có vào, các anh tôi mà dậy thì chúng giết bà mất". Bà già đáp: - "Ta sẽ cho anh một cái túi". - "Để làm gì?" - "Hễ thò tay vào khi nào cũng có năm lu-i". - "Đưa đây!". Anh cho bà già vào để được cái túi. Tối mai, đến lượt người thứ hai. Chuyện cũng xảy ra như trên, nhưng lần này không phải túi tiền mà là một cái còi, thổi vào có thể xuất hiện binh lính. Đêm khác lại đến lượt người thứ nhất, nhưng lần này lại là chiếc mũ đưa đi bất cứ đâu.
Một hôm, người thứ ba chơi bài với một công chúa. Công chúa có một tấm gương nhìn vào có thế thấy được bài của đối phương. Thế là anh thua, mất cả túi tiền. Trở về rừng gặp lại bà già, bà già hỏi tại sao mà buồn. Anh cho biết sự thật, bà bảo mượn cái còi sẽ gỡ lại cái túi. Nhưng anh lại thua cay, mất luôn cái còi. Bà già bảo đi mượn cái mũ, lại đến lượt mất cả mũ. Bà già bèn cho anh mấy quả táo: - "Đây có năm quả, đem bán cho công chúa". Công chúa mua táo, cho người nữ tỳ hai quả, mình ăn ba. Kết quả nữ tỳ mọc hai sừng trên đầu, công chúa mọc ba. Gọi thầy thuốc đến cắt, càng cắt càng mọc khỏe. Lúc này bà già lại trao cho anh hai chai nước: - "Đây, chai này làm mọc sừng, chai kia làm mất sừng, anh liệu mà đến lấy lại các vật đã mất". Cải trang đến lâu đài, anh tự xưng là lang y có thể chữa rụng các sừng. Anh hữu ý cho người nữ tỳ uống nước rụng sừng, còn công chúa uống nước mọc sừng. Công chúa hỏi: - "Tại sao đối với tôi, thuốc không công hiệu?". Đáp: - "Ấy, chắc có chuyện gì đó thuộc về lương tâm". - "Không có". - "Thế thì tại sao một người lành bệnh, một người lại mọc thêm. Phải thành thực hối lỗi mới xong". - "À, tôi có lấy của người ta một cái túi quái ác". - "Đưa đây cho tôi, cần phải trả lại cái gì không phải của mình". Anh chỉ cho công chúa uống rụng một cái sừng sau khi nhận lấy cái túi. Rồi lại nói: - "Dường như chưa hết tội lỗi". - "Ta có lấy một cái còi dơ bẩn", công chúa tiếp, -"Đưa đây, phải trả lại chứ". - "Ừ thì trả". Anh lại cho uống rụng sừng thứ hai. Lại nói như trên. Công chúa thú nhận: - "Ta có lấy cái mũ thổ tả". - "Đưa đây". Nhưng khi lấy lại chiếc mũ, anh ba chân bốn cẳng bỏ đi, mặc kệ công chúa với chiếc sừng còn lại[3].
Giống với các truyện trên là truyện cổ tích đồng bào Thái (Nghệ-an): Quả chuối tiêu kỳ lạ:
Có bốn cha con được ông thần thưởng cho về nết không tham: một cái "nắp ép khẩu" có thể làm ra gạo, một con dao cùn có thể hạ bất cứ cây rừng nào và một cái gậy có thể đi bất cứ đâu; nhưng thần lại không cho biết tính mầu nhiệm của chúng. Hai người anh từ khi thấy "nắp ép khẩu" làm ra gạo thì sinh lười và hư, trừ người em siêng năng nên phát hiện ra sự mầu nhiệm của hai vật sau. Anh dùng dao cùng với bố vỡ nương, lại dùng gậy đi đến cung vua, được công chúa yêu, nhưng vua - bố công chúa - thấy anh thuộc dòng hèn hạ thì không bằng lòng, đòi phải làm một con đường bằng gạo mới gả công chúa. Nhờ "nắp ép khẩu", anh làm không khó khăn. Khi đánh hơi thấy anh có vật quý thì vua thuận gả, nhưng lại ép anh rượu say để anh phun mọi bí mật. Rồi làm bộ không tin, vua bảo anh mang đến làm thử cho xem. Thế là tiếp đó anh bị giam cầm, mọi bảo vật đều bị tước đoạt. Nhờ người canh ngục giúp đỡ, anh thoát khỏi ngục lên rừng, không ngờ bắt gặp một cây chuối tiêu có quả to kỳ lạ. Anh ăn một quả tự nhiên đầu mọc nhiều sừng.
Sau đó gặp một cây cam có quả ăn vào thì sừng lại rụng. Anh bèn cải trang mang chuối về dâng vua làm cho cả hoàng gia đều mọc sừng, trong cung rối rít cả lên. Anh lại đóng bộ thầy thuốc vào chữa, và cũng như các truyện trên, cho bệnh nhân biết chỉ có bày dàn cúng oan hồn chàng rể với những vật của nó thì mời hy vọng lành. Vua chỉ đưa con dao cùn. Anh cho ăn một múi cam, sừng rút ngắn một tí. Anh làm bộ không chữa nổi, bỏ về. Vua cuống quýt mang nốt hai vật kia ra trả, nhưng anh mắng cho vua một trận rồi cưỡi gậy thần mà đi. Vừa xấu hổ, vừa uất ức, vua hộc máu mà chết. Còn anh sau đó lấy được một cô gái khác nết na làm vợ[4].
Truyện cổ tích người Pháp còn có một truyện Phor-tuy-na-tuyx (Fortunatus) xuất bản từ năm 1530, nội dung cũng là một dị bản của các truyện trên:
Một anh chàng phiêu lưu tên Phor-tuy-na-tuyx lạc vào rừng, nhận được của bà Tài thần một cái túi không bao giờ cạn tiền. Sau hắn lại dùng mẹo chiếm được của một ông vua (xuyn-tăng) ở A-lếc-xăng-đri một cái mũ có thể chở đi theo ý muốn. Hắn chết để hai vật quý lại cho con trai Ăm-pê-đô và Ăng-đa-lô-si-a. Người con đi du lịch với cái túi bị A-grip-pin, con gái vua nước Anh biết và chiếm lấy túi. Trở về lấy cái mũ thần của người anh, anh vào lâu đài vua Anh, dùng mũ đưa công chúa đến một nơi hoang vắng ở Hi-béc-ni. Ở đây có những cây táo sai quả. Công chúa đòi ăn, anh gửi mũ để trèo lên cây. Lập tức công chúa ước một mình trở về lâu đài. Ăng-đa-lô-si-a hoảng quá, nhưng họa vô đơn chí, anh ăn táo và đầu mọc hai sừng, đành ngồi than khóc. Một tu sĩ đi qua nghe tiếng khóc, bèn chỉ cho một loại táo khác ăn có thể làm mất sừng. Thế rồi cũng như các truyện trên, anh cũng trảy cả hai loại táo, tìm cách về Luân-đôn bán loại thứ nhất cho công chúa, rồi giả đóng bộ lang y chữa cho rụng sừng trước khi lấy lại các vật quý. Đoạn bảo mũ mang cả mình và công chúa đến một nhà tu kín, rồi bỏ nàng lại đấy mà đi.
Trong văn học phương Tây thời Trung đại cũng có một quyển truyện kể một hoàng tử nhận của cha mình ba vật quý. Anh bị rơi vào bẫy của một cô gái đẹp; cô này đánh hơi biết được giá trị của ba vật bèn tìm cách chiếm đoạt. Cuối cùng hoàng tử bị cô gái phản bội mang đi bỏ trong một sa mạc. Đói quá, anh đi thất thểu, dọc đường thấy có loại quả cây, ăn vào không ngờ bị bệnh hủi. Lại ăn một quả khác thì lành. Khi đến một xứ nọ, anh thử dùng loại quả thứ hai chữa cho một người hủi, được họ coi là bậc đại lang. Về đến thành phố cũ, đại lang y (hoàng tử) được cô gái đón vào nhà chữa bệnh, nhưng cô ta không nhận ra diện mạo của anh. Vị đại lang nói: - "Bệnh này sẽ lành nếu bà biết sám hối những tội lỗi đã phạm trước đây, nếu không tôi cũng bó tay". Cô kia thú nhận. Nhưng ở đây sau khi đã lấy lại ba bảo vật, hoàng tử cho kẻ thù ăn quả cây hóa hủi rồi bỏ đi biệt[5].
Truyện cổ tích Ấn Độ:
Một ông vua chuẩn bị một chuyến du lịch. Bèn giao ước lại cho quan đầu triều, bảo rằng nếu quá một năm mà mình chưa về, thì y phải giao nước cho quan thứ hai của triều đình để đi tìm mình. Vua đi đến nơi gặp bốn tên trộm, trộm được bốn vật quý, đang cãi nhau không ai chịu ai. Bốn vật quý là: một gươm có thể chặt đầu kẻ thù ở cách xa, một bát sứ chỉ cần ra hiệu là có thức ăn ngon, một tấm thảm có thể hái ra tiền và một cái ngai có thể mang người đi bất cứ đâu. Được chọn làm trọng tài, vua bảo ai lặn xuống nước được lâu hơn thì kẻ ấy chọn lấy cái quý nhất, v.v...Khi họ hụp đầu, vua vội cướp lấy tất cả, rồi trèo lên ngai bảo nó đưa mình đến một thành phố xa. Ở đây vua mê một gái đĩ nổi tiếng đẹp và lấy vàng từ tấm thảm để cung phụng. Ngạc nhiên vì tấm thảm lạ, cô gái sai đầy tớ rình biết được giá trị tấm thảm và các vật khác, bèn dỗ cho vua mang mọi thứ tới, đoạn rủ đi gặp vua nước mình để cùng nhau đi săn. Khi hai ông vừa ra đi thì nàng lấy trộm giấu kín các của quý, đoạn nổi lửa đốt nhà. Từ xa nhìn thấy lửa vua vội chạy về thì đã thấy cô gái làm bộ xõa tóc nằm giữa đất than khóc. Vua hỏi: - "Những vật kia đâu?" - "Không biết". Thế là hết tiền, vua bị gái đĩ hắt hủi và cũng không có cách nào để trở về nước.
Một năm trôi qua, quan đầu triều bèn bỏ đi tìm vua. Đến một nơi nọ có một cái giếng nước đen sôi sục, một con chồn đến uống nước bị một vài giọt bắn lên đầu nó, tự nhiên nó hóa thành khỉ. Thấy vậy ông quan bèn múc lấy một bình mang đi. Khi gặp vua, ông đưa cho vua vàng, bảo tìm đến nhà gái đĩ và đưa mình đi theo giả làm đầy tớ. Trong lúc nói chuyện, quan đầu triều lén nhỏ nước lên đầu cô gái và cô liền hóa khỉ. Người nữ tì thấy vậy sụp lạy xin làm cho chủ trở lại nguyên hình. - "Phải đưa đây cây gươm, bát sứ, tấm thảm mới được". Người nữ tì mang đến, hai người vội trèo lên ngai, chỉ một lúc sau đã trở về nước cũ.
Những truyện dưới đây đều kết hợp một phần với mô-típ truyện Con chim khách mầu nhiệm (số 153). Ví dụ một truyện khác của Ý (Italia).
Một chàng trẻ tuổi ăn quả tim một con chim mầu nhiệm nên mỗi sáng đều nhặt được ở dưới gối một hộp tiền. Trong khi đi du lịch đến một thành phố nọ, chàng trai nghỉ ở nhà một người đàn bà và cô con gái của bà. Cô gái rất đẹp làm cho anh vui miệng khoe khoang số phận của mình và còn nói toạc cái bí mật của món của cải thu hoạch đều đặn hàng ngày. Mẹ con động lòng tham, bèn cho anh chàng ăn một thứ thuốc làm cho quả tim chim bật ra ngoài để chiếm lấy, đoạn đuổi anh ra khỏi cửa. Nhờ được một bà tiên thương hại cho một chiếc nhẫn thần có phép đưa người đi xa, anh lại trở lại nhà cô gái, không ngờ cô gái cũng lại biết được. Cô đề nghị đi chơi núi. Cuối cùng cô bỏ anh trên núi cao rồi trộm nhẫn thần trở về một mình. Ở đây anh chàng đói bụng cũng tìm ăn, nhưng không phải táo mà là một thứ xà lách, tự nhiên hóa thành lừa. Lừa đi dần xuống chân núi gặm cỏ. Không ngờ ăn phải một thứ cỏ lạ, lại hóa thành người. Anh hái cả hai thứ về, cải trang, rao bán xà lách trước nhà mẹ con cô gái. Cô gái mua xà lách ăn, hóa thành lừa. Anh cũng chữa cho cô lành với điều kiện phải trả lại tất cả các vật quý.
Truyện của người Can-muc (Kalmouks) trong sách Cái chết mầu nhiệm:
Có hai chàng trẻ tuổi: một người là con vua (khan) và một người là bạn của người kia, bị bắt, sắp bị đem làm mồi cho hai con nhái dữ tợn từng bắt dân địa phương mỗi năm nộp một mạng người. Nghe nói ai ăn được thịt hai con vật ấy sẽ nhả ra vàng và đá quý, hai chàng bèn tìm cách giết chết hai nhái rồi ăn thịt. Đoạn ra đi sau khi nhả ra vô số báu vật. Đến chân một hòn núi nọ hai chàng trọ tại nhà hai mẹ con làm nghề bán rượu. Biết khách có báu vật, mẹ con bèn phục rượu cho say, cướp lấy, rồi đuổi ra khỏi cửa. Hai chàng đi một đoạn đường khá xa, gặp một bọn trẻ đang tranh nhau một cái mũ có phép làm cho người ta tàng hình. Họ bảo chúng: - "Mũ sẽ về tay đứa nào chạy đến đích trước nhất". Chúng nghe lời, nhưng khi chúng chạy, họ cướp lấy mũ, cũng bằng cách ấy họ chiếm được một đôi hia bảy dặm mà hai con quỷ đang tranh nhau. Qua nhiều cuộc phiêu lưu, một hôm họ ghé vào một ngôi đền. Nhìn qua khe của thấy người giữ đền đang giăng một tờ giấy rộng rồi quấn vào người, quấn xong tự nhiên hóa thành lừa. Lại quấn giấy vào lần thứ hai thì trở lại thành người. Họ vào đền lấy trộm cuộn giấy, mang đến nhà mẹ con người bán rượu bảo nếu dùng giấy ấy cuốn vào người sẽ được nhiều vàng. Hám của, mẹ con nghe theo, đều hóa thành lừa cái. Để trừng phạt chúng, họ bắt chúng làm công việc nặng nhọc trong hai ba năm, chờ đến khi hối lỗi mới cho trở lại nguyên hình. Kết thúc truyện này giống với một truyện của Pháp Con chim xanh (xem Khảo dị truyện số 123, tập III).
Truyện cổ tích Ả-rập (Arabie):
Một người trẻ tuổi sau khi ăn cổ họng một con chim lạ, bỗng nhiên trở nên có sức khỏe hơn người. Anh đến một nước nọ, ở đây có niêm yết ai thắng công chúa trong một cuộc thi vật sẽ được kết hôn cùng công chúa, nhưng nếu thua thì bị mất đầu. Anh xin đấu. Công chúa (vốn khỏe nổi tiếng, từng làm cho các đối thủ rơi đầu) không thắng nổi anh. Hai bên nghỉ sức đợi mai đấu tiếp. Đoán trong người chàng trai có cái gì lạ, buổi chiều người ta cho anh uống một thứ thuốc mê; khi mê, thầy thuốc cởi áo khám, biết sức khỏe của anh là do cái họng của con chim lạ mà có. Họ bèn dùng phép lấy cái họng ấy ra khỏi dạ dày. Tỉnh dậy thấy mất sức khỏe, anh bèn bỏ trốn. Ở đây cũng có truyện dọc đường anh gặp ba người đang tranh nhau ba vật quý (một tấm thảm bay, một cái bát gọi thức ăn ngon, và một cối xay tay có thể quay ra tiền). Anh bèn ném một hòn đá ra xa, bảo ai nhặt đưa về trước sẽ được làm chủ các vật quý. Thế rồi trong lúc họ chạy, anh ước tấm thảm cho mình lên núi Cáp, rồi lại đưa về chỗ công chúa, đề nghị tiếp tục vật trên tấm thảm của anh. Khi cả hai người bước lên thảm, anh ước cho thảm mang cả hai lên núi Cáp. Thấy vậy công chúa cả sợ, hứa trả họng chim cho anh nếu anh đưa nàng trở về. Tưởng thế là xong, nhưng anh lại để lộ hai vật quý kia làm cho công chúa động lòng tham, bèn bảo anh đưa mình đi dạo chơi. Trong một lúc anh bước chân ra khỏi tấm thảm, lập tức công chúa ước trở về với bố. Thế là mất tất cả mọi thứ, chàng trẻ tuổi chỉ còn biết ngồi mà khóc. Cũng gần giống các truyện trên, trong khi đi thất thểu dọc đường, anh tìm được hai cây chà là: một màu vàng, ăn quả vào bị mọc sừng; một màu đỏ, ăn vào thì sừng rụng. Anh hái đầy túi mang về, cải trang, rao bán ở cửa lầu. Công chúa ăn mười sáu quả mọc luôn tám sừng. Mọi thầy thuốc đều bó tay. Vua hứa gả công chúa cho kẻ nào chữa lành. Anh chàng tới, bắt đầu cho ăn một quả chà là đỏ, một sừng rụng xuống, tiếp tục mỗi ngày một quả cho đến ngày thứ tám thì được lấy công chúa làm vợ, và nhờ đó chiếm lại mọi vật quý[6].
Một số truyện dưới đây cũng có tình tiết trừng phạt kẻ xấu bằng cách làm cho dài mũi, nhưng không thuộc loại mô-típ trên, chỉ có kết hợp phần nào với mô-típ truyện Tam và Tứ (số 149):
Người Dao có truyện Quả lúc lắc:
Có hai anh em nhà kia, người anh chiếm đoạt tất cả tài sản của bố mẹ để lại, lại còn bắt em lao động nặng nhọc. Một hôm người em một mình canh lúa nương, đuổi theo con chim ri ăn lúa, tình cờ leo núi đến một nhà nọ có bảy cô tiên, lại có một quả lúc lắc, khi ước thì có cơm dọn ra. Anh chàng trộm lấy quả quý về nhà nhờ đó ăn uống thỏa thích, lại còn thết đãi bà con làng xóm. Biết em mình nhờ đuổi chim mà được của quý, người anh cũng đi canh lúa đêm và cũng đuổi theo chim ri, nhưng lúc đến nơi không ngờ vì lần trước mất quả lúc lắc nên bảy cô tiên lập tâm rình. Bắt được hắn, mỗi cô véo mũi một cái, mũi hắn tự nhiên sưng tấy dài tới rốn. Người anh về cầu cứu em, em lại đi rình ở nhà bảy cô tiên, nghe lỏm được phép chữa lành mũi sưng là gõ quả lúc lắc vào mũi với câu thần chú: "Sống thật thà! Sống thật thà". Nhờ đó anh chàng chữa được cho anh mình lành lặn như cũ, sau khi bắt anh chịu sự nhức nhối của cái mũi sưng trong nhiều ngày để trừng phạt[7].
Người Miến-điện (Myanmar) có truyện Chàng nghiện rượu và chàng nghiện thuốc phiện rất giống chuyện vừa kể:
Có một anh chàng nghiện rượu và một anh chàng nghiện thuốc phiện, bị làng xóm ruồng bỏ thành đôi tri kỷ. Họ đi lang thang bạ đâu ngủ đấy. Một hôm chàng nghiện rượu ngủ quên ở một quán gần bãi tha ma. Đêm lại, có mấy con quỷ vào, nói: - "Có mùi thịt sống". Chúng đi kiểm soát, nhưng anh bắt chước chúng rất khéo. "Một, hai, ba, bốn, một tý không sai", nên chúng không ngờ gì nữa, lại mách cho biết có một hũ vàng dưới chỗ ngồi. Sáng dậy, anh đào lấy đưa về và trở lên giàu có. Chàng nghiện thuốc phiện cũng bắt chước ngủ ở quán, hy vọng được của, nhưng không may, lũ quỷ vì mất của nên lần này để tâm rình. Bắt được anh, chúng kéo mũi dài đến chín thước để trừng phạt. Chàng kia lại đi chơi với lũ quỷ, nhân hỏi cách chữa, quỷ bày cho lấy chày cọ vào mũi thì lành[8].
Việt-nam có truyện Chàng tẹt mũi cũng tương tự như hai chuyện trên.
Một người cha sắp chết để lại 30 nén bạc cho hai đứa con trai. Hai anh em rủ nhau đi lập nghiệp. Nhưng người anh cướp lấy tất cả. Người em ngủ trong một cái miếu nghe các vị thần kháo chuyện. Một vị hỏi: - "Cây bưởi ở một làng nọ đang xanh tốt tại sao lại héo?". Đáp: - "Nếu giết được hai con chuột bạch cắn mất rễ thì cây xanh trở lại". - "Có bà già làng nọ có cây dưa mỗi năm ra hai quả bằng vàng, cớ sao nó cứ héo mòn?". - "Nếu bà ấy chăm sóc con ngựa cẩn thận thì cây lại xanh". Một vị khác lại nói: - "Tôi có cái trống đánh ba tiếng thì có thức ăn". Nói rồi lấy trống ra đánh để dọn cỗ mời nhau chén. Sáng dậy, người em thấy các vị thần đã biến đi đằng nào, bèn lấy cái trống thần rồi tìm đến làng có cây bưởi bày cho dân làng ấy bắt giết hai con chuột bạch, rồi lại đi đến làng có bà già, bày cho bà ta cách cứu chữa cây dưa quý. Bà ta gả con gái cho anh, hai người sống sung sướng.
Khi gặp lại người anh tham lam, người em kể cho nghe câu chuyện của mình. Người anh cũng tìm đến ngôi miếu cổ. Lúc này các vị thần tỏ ra bực tức và chỉ nói với nhau về những câu chuyện của họ không hiểu sao bị tiết lộ. Tìm thấy anh chàng, họ lôi ra đánh túi bụi, bắt phải trả cái trống thần. Hắn khất sẽ về lấy. Các vị thần bèn kéo dài cái mũi của hắn. Hẹn khi nào trả xong trống sẽ hóa phép làm cho ngắn lại. Nghe chuyện người em lại đến ngôi miếu cổ. Nghe các vị thần bảo nhau nếu dí trống vào mũi, mũi sẽ trở lại nguyên hình. Người em bèn về, dí trống vào mũi anh mình, nhưng ở đây hắn dí quá tay làm cho mũi tẹt lõm vào[9].
Xem thêm các truyện ở Khảo dị truyện số 149.
[1] Theo Lê Doãn Vỹ. Sách của trẻ nhỏ, số 8 (1940) và Nguyễn Văn Ngọc, sách đã dẫn.
[2] Theo Truyên cổ Hà-sơn-bình, Ty Thông tin - Văn hóa Hà-sơn-bình, 1977.
[3] Một dị bản sưu tầm ở Ê-cu-rây (Écoureil) đại khái cũng có ba người đều là lính từ chiến trường về, vào một lâu đài đẹp thấy có cơm dọn sẵn bèn cùng nhau ăn. Ăn xong, họ dạo vườn được một con mèo cho ba vật quý: người thứ nhất được một túi luôn luôn có đầy tiền, người thứ hai được một chiếc đũa có thể gọi ra quân lính, người thứ ba được một tấm phiếu có phép mang người đi bất cứ đâu. Sau đó cũng có tình tiết chơi bài với một công chúa. Công chúa vét bàn và lấy làm ngạc nhiên thấy anh thứ nhất không khi nào hết tiền. Bèn làm một cái túi y như thế đánh tráo. Mất cái túi mầu nhiệm, anh mượn chiếc đũa thần của bạn, cũng mất. Sau nữa mượn tấm phiếu thần mời công chúa đi chơi biển. Tấm phiếu đưa họ ra đảo. Thấy một cây táo có quả, công chúa bảo anh trèo lên hái. Anh trèo, vô tình đánh rơi tấm phiếu. Công chúa nhặt lấy và hô lên để phiếu đưa một mình mình trở về. Anh chàng ở lại hái táo ăn, không ngờ đầu mọc sừng. Anh lại đi lang thang chỗ khác thấy cây lê, hái lê ăn thì những sừng trên đầu lại rụng đi. Anh gặp một bà tiên, bà bảo anh cải trang thành người bán hoa quả, hái quả ấy về bán. Người nữ tỳ mua táo cho công chúa ăn, công chúa mọc sừng. Trong khi thầy thuốc bó tay thì cũng như truyện trên, anh chàng đóng giả lang y, được mời vào lâu đài chữa cho công chúa. Lần đầu, thầy cho uống thuốc nhì nhằng không công hiệu. Thầy bảo: - “Nếu trong lòng có tội lỗi mà không sám hối thì bệnh này rất khó chữa”. Công chúa nói: - “Để mai tôi sẽ đi xưng tội”. Sáng mai anh đến trước nấp vào chỗ rửa tội, bảo công chúa: - “Có chuyện gì thuộc về lương tâm cứ nói thật thì sừng mới rụng”. - “Tôi có lấy một cái túi quái ác”. Anh đưa cho ăn hai quả lê làm rụng một số sừng. Và cứ thế cho đến khi anh lấy lại được cả ba vật quý. Anh bảo tấm phiếu mang mình đến nhà các bạn để trả lại. Sau đó cả ba trở lại và họ được kết duyên với các cô công chúa.
[4] Theo Truyện cổ Thái, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà-nội, 1980.
[5] Trong Ghe-xta Rô-ma-nô-rum (Gesta Romanorun).
[6] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ dân gian miền Lo-ren, tập I.
[7] Theo Truyện cổ Việt-bắc, tập II, nhà xuất bản Việt-bắc, 1974.
[8] Theo Miến-điện dân gian cố sự.
[9] Theo Cây đàn kỳ diệu