Ngày xưa có một anh chàng, nhà giàu có nhưng phải cái ngu ngốc thì không ai bằng. Một hôm, nghe nói trong vùng có đám hội lớn mở luôn mười đêm ngày, hắn vội vã thắng bộ cánh rất sang: áo gấm, quần lụa, khăn điều, nón lông, giày hạ. Hắn lại cưỡi một con ngựa có yên khấu trang sức đắt tiền. Dọc đường gặp ai hắn cũng hỏi:
- Ông (hay bà) xem tôi có đẹp hay không?
Và hắn lấy làm đắc chí khi thấy người ta trầm trồ khen ngợi mình.
Lúc đến dãy quán quanh đám hội, hắn gặp một tay đại bợm đang tránh ngựa đứng bên vệ đường. Cũng như mấy lần trước, hắn dừng lại hỏi:
- Ông xem tôi có đẹp hay không?
Hắn không ngờ người kia lại trả lời:
- Đẹp thì đẹp đấy, nhưng chưa biết cách ăn mặc cho ra lối nhà quan.
Nghe nói thế, hắn bèn dừng ngựa, cầu khẩn:
- Ông vui lòng bảo giúp tôi một tí, tôi sẽ không quên ơn ông.
Bợm ta lớn tiếng:
- Thế thì hãy xuống ngựa đi! Cởi áo quần ngoài ra đưa đây ta bày vẽ cho.
Ngốc ta không ngần ngại, lần lượt cởi mọi thứ đang mặc trao cho hắn. Còn tên bợm mỗi lần mặc một cái vào người, hắn lại nói:
- Hãy nhìn đây! Như thế này mới là lối nhà quan.
Cuối cùng hắn nắm lấy cương ngựa, vừa trèo lên yên, vừa nói:
- Mở mắt ra mà nhìn cho kỹ cách người nhà quan họ cưỡi ngựa!
Hắn cho ngựa tế quanh hai vòng, rồi sau đó ra roi cho ngựa tếch thẳng. Ngốc ta vùng chạy theo la làng. Nhưng chẳng có một ai tin lời hắn cả vì không thể nào có một tên cướp lại đủ thì giờ thắng bộ cánh đã cướp được vào người một cách chững chạc như thế kia.
Thế là anh chàng ngốc mất hết cả ngựa nghẽo và bộ cánh, đành khoác bộ quần áo tàng của tên bợm bỏ lại mà kéo bộ trở về nhà. Nghe hắn kể chuyện, vợ hắn mắng cho một trận. Qua hôm sau, người đàn bà bắt chồng phải đưa mình đến đám hội tìm cho ra tên bợm. Nhưng nàng dặn chồng hễ bắt gặp nó thì đừng có hô hoán, chỉ ra hiệu cho mình biết mặt là đủ.
(Đọc truyện cổ tích Người vợ thông minh)
Lại nói chuyện tên bợm từ hôm được ngựa và áo quần thì đắc chí, cho là dầu kẻ bị mất có thấy hắn cũng không thể làm gì được nữa. Bởi vậy hắn ung dung cưỡi ngựa và mặc đồ lề vào, đi dự hội. Khi gặp tên bợm, người đàn bà theo hút không rời. Nàng đã có chủ ý mang sẵn trong người một gói, trong đó có một chiếc hoa tai, một vòng đeo tay bằng vàng. Rồi nàng đứng chực sẵn ở một cái giếng: chờ lúc tên bợm sắp đi qua, lên tiếng khóc rưng rức. Nghe tiếng khóc, hắn bỗng để ý đến nàng, vội dừng ngựa lại hỏi: - "Tại sao lại khóc?". Nàng giơ cho hắn xem những đồ trang sức bằng vàng lóng lánh, rồi đáp: - "Trời ơi! Khổ thân tôi quá! Tôi buột tay để rơi xuống giếng một chiếc hoa tai và một chiếc vòng. Biết làm sao bây giờ?". Rồi nàng nói tiếp: - "Chồng tôi mà biết thì nó làm tội tôi đến khổ. Chàng có biết lội làm ơn mò giúp cho tôi một tí. Rồi tôi xin trả ơn chàng!".
Bợm ta thấy nàng đẹp, lại đánh hơi thấy việc có thể kiếm chác được, bèn xuống ngựa rồi cởi quần áo ngoài ra. Sắp lội xuống giếng, hắn còn hỏi tên người đàn bà. Nàng bảo hắn:
- Chồng tôi là Ngộ Văn Quá, tôi là Lại Thị Coi cũng ở miền này cả thôi!
Đáp xong, chờ lúc hắn ta hụp xuống nước, người đàn bà lập tức vớ lấy tất cả áo quần của tên bợm rồi nhảy lên ngựa phi nước đại về nhà. Bợm vừa nhoi lên thấy mất hút cả người lẫn ngựa, chỉ còn biết hai tay che lấy hạ bộ rồi chạy theo ngựa kêu van inh ỏi:
- Ôi làng nước! Bắt hộ tên Ngộ Quá, Lại Coi!
Nghe thế, những người đi đường xúm lại mắng cho hắn một trận. Hắn biết dại đành câm miệng lủi về nh à[1].
Người Nùng có truyện Cá bống nuốt cá trê:
Một ông lão mang mười lạng bạc đi chợ mua lợn giống, bị một tên đại bợm lấy mất cả. Về, vợ chồng cãi lộn. Đứa con mười ba tuổi mượn bố một chiếc nhẫn vàng và một chiếc nhẫn đồng mạ vàng để tìm cách đi lấy lại bạc. Đứa bé đeo nhẫn thật vào tay làm bợm ta theo hút không rời. Em giả bộ nhờ hắn chỉ chỗ để bán chiếc nhẫn. Bợm ta tận mắt thấy cửa hiệu vàng thử nhẫn của em bé, nhận đúng là vàng mười, trả giá mười lạng bạc. Đứa bé chê rẻ không bán, rồi rủ tên bợm ra bờ giếng uống nước, nhân lúc bợm ta ngoảnh mặt, em rút nhẫn thật giấu đi, đoạn giả lóng ngóng đánh rơi chiếc nhẫn mạ vàng xuống giếng. Thấy đứa bé nhờ mình lấy giúp chiếc nhẫn, bợm ta đắc ý cho là cơ hội tốt đã đến để chiếm lấy chiếc nhẫn, bèn cởi áo quần (trong có mười lạng bạc chưa tiêu) lội xuống giếng. Đứa bé chỉ chờ lúc ấy, vội vơ quần áo chạy và móc túi lấy số bạc của bố mình đã bị nó lấy cắp lúc sáng.
Bợm lội xuống tìm được nhẫn, vùi xuống bùn, định lên nói là không tìm ra. Lên bờ thấy mất quần áo bèn lội xuống lần nữa lấy nhẫn, định đem đi bán hòng bù vào chỗ mười lạng bạc bị đứa bé lấy mất. Nhưng khi thử vào lửa thì mới biết đó chỉ là chiếc nhẫn đồng[2].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn và theo lời kể của người Bình-định. Xem thêm truyện Nói dối như Cuội (số 60) cũng có tình tiết Cuội gạt một ông quan để chiếm lấy ngựa và áo quần.
[2] Theo Hoàng Quyết, đã dẫn.