Hồi quân Pháp dô hộ, lúc chúng mới xâm chiếm nước ta, ở tỉnh Long Hồ (Vĩnh Long) có ông Tôn Thọ Tường là người rất giỏi về thi phú.
Dưới triều Tự Đức, ông làm đến chức huyện. Sau đó ông bị bắt tội đưa về kinh. Được ân xá, ông từ quan. Khi Đề đốc Thủy sư Lagrandière cai trị ba tỉnh miền Đông, Tôn Thọ Tường ra đầu hàng, làm huyện.
Bị các nho sĩ thời bấy giờ chê bai là phản quốc, Tôn Thọ Tường ví mình như Từ Thứ quy Tào trong truyện Tam Quốc nên làm bài thơ này:
Hiếu đâu dám sánh kẻ cày voi!
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi!
Ở Hớn còn nhiều trang cột cả!
Về Tào chi xá một cây còi.
Thức tình nhớ mẹ không nâng chén,
Chạnh nhớ thương vua biến dở roi.
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy,
Thân này khác thể ngoại vòng thoi.
Bài thơ này biện hộ khéo léo cho hoàn cảnh của Tôn Thọ Tường. Vần voi, mòi, coi, roi, thoi, thật khó gieo, vậy mà Tôn Thọ Tường dùng rất tự nhiên. Các sĩ phu miền Nam bắt đầu lấy mấy vần đó mà hạn lệ, gọi là Từ Thứ.
Theo vận Từ Thứ nói trên, ông cử Phan Văn Trị có làm mấy bài thơ dưới đây:
Thơ hát bội
Đứa bị ghẻ ruồi, đứa lác voi,
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi.
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc,
Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.
Trên trính 1 có nhà còn lợp lọng,
Dưới sân không ngựa lại giơ roi.
Hèn chi chúng nói bội là bạc,
Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi.
Đồn lính mã tà
Quan truyền lính thú tại mô voi,
Làng nhắm chỗ ni đã phát mòi.
Sớm đón ghe lên xin quít núm,
Chiều ngăn thuyền xuống kiếm dưa còi.
Tả biên nghiêm chỉnh chiên cùng trống,
Hữu dực phô trì giáo với roi.
Dọa hẩm đàn bà nên quá giỏi,
Nghe hơi ăn cướp chạy dường thoi.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
[1] Trính: một phần tạo nên khung nhà gỗ (cột, kèo, trính).