Vận khí
nhà Lê sơ đến đời Lê Cung Hoàng thì đứt đoạn. Mạc Đăng Dung soán ngôi vua Lê khiến nhiều triều thần cảm thấy bất bình, trong đó có võ tướng Nguyễn Kim, cha của nàng Ngọc Bảo.
Lúc bắt đầu trưởng thành, nàng đã hiểu được cha mình đang cố gắng mưu sự nhằm gây dựng lại cơ nghiệp đã trải trăm năm của nhà Lê. Dưới ngọn cờ tụ nghĩa của cha nàng, rất nhiều hào kiệt đã về tụ hội, họ dần dần tạo được thế đối kháng với nhà Mạc. Trong ấn tượng của Ngọc Bảo, người tên Trịnh Kiểm là phó tướng đắc lực được cha nàng coi trọng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến khi Ngọc Bảo cập kê, cha nàng quyết định gả nàng cho Trịnh Kiểm. Dù thân là trưởng nữ cao quý, nàng vẫn phải chấp nhận lấy người đã lập gia đình, hơn nữa còn phải làm vợ thứ. Không thể phủ nhận, nhờ vào thế lực nhà vợ, đường công danh của Trịnh Kiểm lên nhanh như diều gặp gió. Đến năm 1539, trong hàng võ tướng, Kiểm chỉ đứng dưới mỗi nhạc phụ.
Mặc cho Kiểm phong quang vô hạn, Ngọc Bảo vẫn chỉ là một người vợ thứ. Nàng không đòi hỏi vị trí chính thất, cũng không can hệ gì đến thế sự đang dần tới lúc biến đổi. Nàng luôn tuân theo tam cương ngũ thường cùng nữ tắc, giữ gia phong an ổn, chăm sóc con cái. Chỉ hiếm nỗi, sóng gió không ngừng ập đến, họa diệt tộc bỗng có khả năng ập xuống gia đình nàng. Năm 1545, cha nàng bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất sát hại. Quân không thể một ngày không có tướng lãnh đạo, binh quyền rơi vào tay phó soái là chồng nàng. Và cũng từ đây, nàng dần dần thấy được sự tàn nhẫn của phu quân. Trịnh Kiểm trước đây và bây giờ, không còn giống nhau nữa…
Ngọc Bảo có hai người em trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Uông và Hoàng đã theo cha ra trận diệt địch từ nhỏ, sớm thể hiện tài năng cũng như tạo uy danh nơi trận mạc nên dân và quân đều kính nể. Nhưng Kiểm lại lo sợ điều đó. Kiểm lo sợ binh quyền mình mới có được sẽ bị hai người em vợ âm mưu đoạt lại nên đã lên kế hoạch trừ khử. Sau khi Nguyễn Uông bị hại, Ngọc Bảo không thể làm gì khác hơn là vờ như không hay biết, dù lòng nàng trăm ngàn lo lắng. Đến khi Nguyễn Hoàng vì quá lo sợ mà xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Ngọc Bảo liền đánh tiếng với chồng. Nhờ lời lẽ khôn khéo, Trịnh Kiểm đồng ý.
Năm 1550, Ngọc Bảo sinh Trịnh Tùng. Bấy giờ, Ngọc Bảo có muốn làm một người vợ không tham vọng cũng không được nữa. Năm đó nhờ cha nàng cất nhắc mà Kiểm mới có được hoan lộ như hôm nay. Nàng có thể cam tâm làm vợ thứ, cam tâm chỉ làm một người vợ không màng danh vọng, nhưng làm sao cam tâm khi người chồng đầu ấp tay gối nhẫn tâm lập kế giết em nàng chỉ vì quyền lực? Là do quân đa mưu túc trí, trừ khử mầm họa hay do thiếp đã quá ngây thơ đây? Quyền lực, quả nhiên là thứ có thể làm con người ta thay đổi.
Đến khi Kiểm chết, sóng gió lại nổi lên trong Trịnh gia. Cối – con bà chính thất vốn là con trưởng, được giao lại binh quyền. Tiếc thay Cối lại là kẻ không có tài dụng binh, chính vậy mà bị Tùng – con của Ngọc Bảo đánh bại. Thế đạo thật biết trêu người. Không biết người chồng đã chết của nàng thấy được cảnh thủ túc tương tàn sẽ thế nào đây. Có lẽ là
quả báo cho nghiệp chướng mà Kiểm tạo ra khi phụ sự kỳ vọng của cha nàng.
Sau khi con trai lên nắm quyền, Ngọc Bảo lui về hưởng tuổi già. Cuộc đời nàng Ngọc Bảo từ trước đến nay vốn chẳng có gì nổi bật, chỉ đơn giản là một bông hoa bị cuốn vào dòng nước dữ mang tên thời cuộc mà thôi.
Cứ ngỡ đời nàng từ đây lại tiếp tục bình lặng mà sống, không ngờ ngày 17 năm 1586, dinh Yên Trường – phủ đệ của chúa Trịnh Tùng cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín thái dương, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ Thân lửa mới tắt. Nàng Ngọc Bảo bị chết trong đám cháy.
Vốn vẫn hay rằng thói đời lắm nỗi trái ngang, nhưng đời Ngọc Bảo lại không có mấy khắc thật vui vẻ. Đến lúc chết cũng không thể chết theo vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử! Có lẽ là bởi thời cuộc, cũng có lẽ là bởi số kiếp của nàng vốn phải trải qua lắm nỗi tai ương. Phận nhi nữ tuân theo nữ tắc, được mấy khi mãn nguyện đây?