Truyền thuyết Mai Hắc Đế Mai Thúc Loan
Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 21 phiếu

Truyền thuyết Mai Hắc Đế Mai Thúc Loan

Nước ta trong thời thuộc Tuỳ, Đường (603 - 906), sau cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên - Đinh Kiến năm 687, là đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn, quân số lên tới hơn ba chục vạn người. Sau thắng lợi, Mai Thúc Loan lên ngôi Hoàng đế, ở ngôi mười năm rồi mới mất.

Nhà vua quê ở châu Hoan thuộc quận Nhật Nam, vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhưng là người có tài năng và chí khí lớn. Cha là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị, đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo chí thú làm ăn và làm nhiều việc thiện.

Tương truyền lúc sắp sinh ra nhà vua, bà mẹ nằm mộng thấy một thiếu phụ vận quần áo đỏ, đến trao cho viên ngọc lớn. Bà nhìn xem, thấy đó là viên ngọc bích có năm sắc màu lung linh, hình dáng giống như quả trứng gà nhưng to hơn một chút.

Bà cảm động, giơ tay đón lấy, nhưng chẳng may đỡ hụt, làm viên ngọc rơi xuống đá vỡ tan. Thế là bà tỉnh mộng.

Đến khi sinh, nhận thấy đứa trẻ ở đùi bên trái có vết xanh đen, giống như hình đồng tiền, bà đem chuyện trong mộng nói lại với chồng. Ông Mai Sinh lấy làm lạ, rồi suy ngẫm hồi lâu mà giải đoán như sau:

- Ngọc hình quả trứng gà, lại có năm sắc lung linh, đấy là điềm của loài linh điểu mang năm đức tốt vận vào, lớn lên đứa trẻ ắt có tài năng, chí khí hơn người. Còn ngọc rơi xuống, có tiếng vang lại bắn đi tứ tung, ấy cũng là điềm lành, sau này đứa trẻ nhất định sẽ làm vẻ vang cho nòi giống, tiếng tăm sẽ vang dậy khắp miền và lưu lại đến muôn đời.

Chẳng biết ông Mai Sinh có như người ta nói ''với tay một tấc đến trời'' hay không, nhưng chỉ biết niềm tin của ông là sắt đá. Ông mời mọi người đến ăn mừng, rồi đặt tên cho con là Phượng, tự là Thúc Loan - lấy ngay từ các tích trong mộng.

Nhưng thực không may, đến năm Mai Thúc Loan lên mười thì bà mẹ vào rừng kiếm củi bị hổ vồ, ông bố buồn rầu rồi sinh bệnh, chẳng bao lâu sau cũng mất.

Một người bạn của ông Mai Sinh tên là Đinh Thế, gia tư giàu có và trọng nghĩa khinh tài, liền đem Mai Thúc Loan về nhà nuôi, coi như con đẻ. Đến khi lớn lên, quả nhiên Mai Thúc Loan có tướng quí và có nhiều tài năng xuất chúng, đúng như lời ông bố đã giải đoán mộng.

*

*        *

Mai Thúc Loan có đầu hổ, mặt rồng, tay vượn, bắp thịt nổi cuồn cuộn, dáng đi hùng dũng, hiên ngang, còn tiếng nói thì sang sảng như tiếng sấm. Các môn võ nghệ của chàng như côn quyền, giáo mác, cung kiếm, thì chẳng những cao cường, mà ngay các cách bày binh, bố trận, cũng thực tài tình. Bạn bè của chàng khi ấy rất đông và đều là những trang nam nhi tuấn kiệt, những bậc anh tài trong thiên hạ cả.

Ông bố nuôi Đinh Thế biết tất cả những điều ấy và hiểu rằng Mai Thúc Loan cùng đám bạn bè sẽ hữu ích cho quốc gia: Dân ta đang rên xiết dưới ách thống trị của ngoại bang, phải có những người anh hùng đứng lên để đánh đuổi chúng!

Ông có người con gái xinh đẹp nết na và đảm đang quán xuyến công việc, tuổi cũng xấp xỉ bằng Mai Thúc Loan, tên gọi Ngọc Tô. Chẳng nề hà con nuôi với con đẻ, ông đem tác thành cho đôi trẻ khi họ đến tuổi trưởng thành, rồi chia cho nhà cửa, tài sản, ruộng nương, để họ có cơ sở lập nghiệp.

Từ khi lấy chồng, Ngọc Tô chăm lo quán xuyến công việc làm ăn để cho chồng có thời gian rảnh rỗi tập luyện và gặp gỡ bạn bè thêm. Ấy vậy mà, sản vật trong nhà vẫn ngày mỗi tăng, Mai Thúc Loan thoả lòng thù tiếp bè bạn, còn Ngọc Tô cũng luôn tươi cười, không bao giờ có lời phàn nàn nào, dù nhỏ.

Tháng lại ngày qua, gia đình họ sống yên vui đầm ấm, bề ngoài cũng làm ăn sinh sống và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng bên trong, là cả một sự chuẩn bị ráo riết cho ngày khởi sự: lo rèn đúc vũ khí, lo tích trữ lương thực thực phẩm... Lúc bấy giờ ông bố nuôi cũng đã mất.

Những người cùng chí hướng, kẻ trước người sau lục tục tìm về. Phòng Hậu, Thôi Thặng ở Hoa Dương, rồi Phục Trường Thủ, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sĩ Lâm, Bộ Tân... đều là bạn bè cũ hoặc mới, do mến mộ tài năng đức độ của Mai Thúc Loan mà tìm đến. Đó là những danh sĩ và tráng sĩ nổi tiếng đương thời, quê quán phần lớn đều ở vùng Châu Hoan.

Ban ngày những người này cùng ra đồng làm lụng với vợ chồng Mai Thúc Loan, nhưng đêm về thì họ tập luyện võ nghệ và bàn tính công việc. Thanh thế của họ lớn dần, thanh niên trai tráng trong vùng tìm đến rất đông. Chỉ trong thời gian ngắn quân số đã lên tới mấy nghìn người.

*

*        *

Lúc bấy giờ bên nhà Đường, Võ Tắc Thiên nhiếp chính, đưa anh em họ Võ vào triều đình, khuynh loát họ Lý đang thất thế. Sự lục đục lan ra đến tận các vùng xa xôi. Đất đai cai trị của nhà Đường khi ấy rất rộng, ở phía Nam, bao gồm cả nước ta và Lâm Ấp, Chân Lạp, bọn quan lại thả sức vơ vét bóc lột, khiến cho nhân dân ở cả ba nước đều phải điêu đứng.

Các bạn bè của Mai Thúc Loan đều cho rằng thời cơ khởi nghĩa đã đến, nhưng vốn thận trọng nên Mai Thúc Loan hãy còn cân nhắc đắn đo. Mao Hoành, Tùng Thụ hiến kế:

- Thưa huynh trưởng cùng các anh em. Chúng ta chẳng nên lo lực lượng chưa đủ. Dân ta vốn có câu: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Nay ta cần liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp thì ắt hẳn sẽ đánh đuổi được quan quân xâm lược nhà Đường.

Mọi người khen phải. Tiết Anh, Hoắc Đan tình nguyện xin đi sứ sang hai nước láng giềng. Nhưng Khổng Qua, Cam Hề, Sĩ Lâm, Bộ Tân cùng đứng dậy, rồi một người nói:

- Ta chưa nên cử người đi sứ vội bởi vì danh chưa chính. Trước hết ta hãy dựng cờ nghĩa rồi đem quân đánh chiếm châu thành. Sau đó, huynh trưởng sẽ lên ngôi Hoàng đế, thiết lập giang sơn. Lúc ấy, cử người đi sứ ắt sẽ được hai nước kia hưởng ứng.

Mai Thúc Loan nói:

- Xin đa tạ tấm thịnh tình của anh em. Lời bàn thật chí lý. Nhưng chúng ta đã thề sống chết có nhau, hà cớ gì phải lên ngôi để trong anh em có sự cách bức?

Phòng Hậu, Thôi Thặng, Phục Trường Thủ, Đàn Vân Du thấy vậy, cùng nói:

- Huynh trưởng lâu nay đối xử với anh em thế nào, mọi người đều đã rõ. Sau này nếu huynh trưởng lên ngôi thì chẳng qua cũng chỉ để cho chính lệnh được nghiêm mà thôi. Chúng ta cùng nhau làm việc nghĩa đánh đuổi quan quân đô hộ, ai đáng việc gì thì làm việc ấy, chứ đâu phải để ngồi đấy chia nhau bổng lộc?

Mai Thúc Loan đặt cả hai tay nên ngực:

- Anh em đã nói vậy, tôi cũng chẳng dám thêm nhiều lời. Chỉ xin anh em chứng dám cho lòng này trước làm sao sau làm vậy mà thôi.

Ngay ngày hôm sau, Mai Thúc Loan cùng các bạn bè dựng cờ khởi nghĩa. Rồi tiếp tục chiêu binh mãi mã, đắp luỹ xây thành. Chỉ trong vòng một tuần được các nơi gần xa hưởng ứng, quân số đã lên tới hơn mười vạn.

Mai Thúc Loan chia binh ra làm bốn đạo, mỗi đạo lại chia làm ba quân, mỗi quân một nghìn người do một viên Trung uý chỉ huy.

Sau khi cắt đặt người chỉ huy các quân đạo, Mai Thúc Loan dẫn đại binh tiến đánh thành Hoan Châu. Quan quân nhà Đường hoảng sợ, chống cự yếu ớt rồi cùng nhau bỏ thành mà chạy.

Mai Thúc Loan vào thành, chia quân đóng giữ các ngả, rồi trước lời thỉnh cầu của mọi người, lên ngôi Hoàng đế ở phía nam sách Hương Lãm. Đó là vào đầu mùa hạ năm Quý Sửu, niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất đời Đường Huyền Tông (712). Nhà vua cho mình thuộc về đức thuỷ, tượng trưng bằng màu đen, nên xưng là Hắc đế.

Mai Hắc Đế sắp đặt triều thần vào các chức vụ như sau: Phòng Hậu làm Quân sư, Thôi Thặng làm Thái uý, Phục Trường Thủ làm Tham mưu, Đàn Vân Du làm Tán nghị, Mao Hoành làm Thái trung đại phu, Tùng Thụ làm Thị trung nội sử, Sĩ Lâm là Hộ quân, Bộ Tân làm Lang tướng, Tiết Anh làm Lâm Ấp thông vấn sứ, Hoắc Đan làm Chân Lạp cáo dụ sứ.

Năm sau, năm Giáp Dần, Tiết Anh, Hoắc Đan phụng chỉ đi sứ sang Lâm Ấp và Chân Lạp. Dân hai nước này bấy lâu cũng bị khổ cực vì quan quân nhà Đường, thấy nước ta khởi nghĩa thắng lợi, nên họ nhiệt liệt hưởng ứng. Vua Lâm Ấp Phạm Hề Dĩnh sai tướng Chu Hương An đem mười vạn quân, vua Chân Lạp Hồ A Khiêm sai tướng Tham Ninh cũng đem mười vạn quân, đến Hương Lãm hội kiến.

Uy danh của triều đình Mai Hắc Đế vì thế mà ngày một lẫy lừng. Quan quân nhà Đường hoảng sợ. Viên Thứ sử Hoan châu cũ là Tào Chân Tĩnh phải lui quân về giữ Quế Sơn.

Mai Hắc Đế tiếp tục cho quân tiến đánh Quế Sơn, rồi Long Biên. Quan quân nhà Đường rút chạy về nước. Thành Long Biên về tay quân ta.

Từ đó trở đi, đất nước thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn sinh sống, các bộ tộc thiểu số xung quanh cũng đều về thần phục.

*

*        *

Năm Bính Thìn (715), vua Đường dẹp xong nội loạn, bèn sai Dương Tử Húc làm Tả giám môn vệ và Nguyên Sở Khách làm Đô hộ phủ mang hơn ba mươi vạn quân, chia làm hai đường thuỷ bộ, cùng tiến vào Long Biên. Một trận chiếc đấu ác liệt diễn ra. Cuối cùng, do chênh lệch lực lượng, quân ta thất bại, phải rút chạy về Hương Lãm (Nghệ An).

Quân nhà Đường vào thành Long Biên củng cố, rồi mấy năm sau, mang đại binh tiến đánh Hương Lãm, vây bức phủ thành. Mai Hắc Đế cùng tướng sĩ ngày đêm ra sức cố thủ. Nhưng rồi lương thực ngày một cạn, quân số cũng hao tổn thêm, cuối cùng, thành bị vỡ, Mai Hắc Đế cùng với nhiều tướng sĩ, quân lính bị tử nạn.

Tính ra, từ năm nhà vua lên ngôi (712) đến khi thất thủ (722), là vừa trọn 10 năm, đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp thật là hiển hách.

Để tưởng nhớ công đức của Mai Hắc Đế, các đời sau đã xây dựng đền thờ ở ngay chỗ mà ngày xưa là cung điện của Ngài. Hương khói ở đó quanh năm không lúc nào dứt, mọi người đến để tưởng nhớ và cầu xin sự phù hộ độ trì.

Các triều đại trước kia mỗi khi chính vị đều có sắc tặng phong: "Anh Vũ thần dũng Hoàng đế", "Vĩ tích uy liệt Hoàng đế", "Minh mẫn thần vũ minh đức Hoàng đế" - đó là những mỹ hiệu mà các vua đời Trần đã tặng. Các triều đại về sau cũng đều làm như vậy.

Ngày nay, nhiều đường phố cũng mang tên Ngài.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Thạch Sanh (Tạo lúc: 06/03/2015)
  2. Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)
  3. Chu du thiên hạ để học rùng mình (Tạo lúc: 12/03/2015)
  4. Người nhạc sĩ lang thang (Tạo lúc: 14/03/2015)
  5. Truyện anh khờ được kiện (Tạo lúc: 16/03/2015)
  6. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tạo lúc: 17/03/2015)
  7. Phùng Khắc Khoan (Tạo lúc: 17/03/2015)
  8. Các truyền thuyết về Vua Hùng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  9. Sự tích hoa mai vàng (Tạo lúc: 25/03/2015)
  10. Bộ quần áo mới của Hoàng đế (Tạo lúc: 05/04/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: