Nguyệt Nga - Truyền thuyết về Đệ tam cung phi
Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 3 phiếu

Nguyệt Nga - Truyền thuyết về Đệ tam cung phi

Xem thêm:

Thời Bắc thuộc, trong khoảng 50 năm nhà Tống đô hộ nước ta (từ 427 đến 479), ở châu Vạn Chân thuộc phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam Hạ (nay là tỉnh Thái Bình) có viên quan nhỏ bản xứ tên gọi Nguyễn Gia, sinh được người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Tên nàng là Nguyễn Thị Nguyệt.

Năm Nguyễn Thị Nguyệt 16 tuổi, có nhiều đám trong vùng đến mối manh nhưng việc chưa thành, thì cũng là lúc có chiếu chỉ của vua Tống gửi sang, về việc các nơi phải kén chọn mỹ nữ tiến cung.

Viên quan đô hộ nhà Tống lúc ấy là Triệu Thân, vốn cúc cung tận tuỵ, nên sau khi nhận được chiếu chỉ, đã về tận châu Vạn Chân chiêm bái người đẹp, rồi sau thấy ứng ý, đã ra lệnh cho Nguyễn Gia không được gả nàng cho ai, đồng thời cũng viết biểu  tường trình cho người mang về Yên Kinh, dâng lên vua Tống.

Khoảng hai tháng sau, đã có sứ giả mang chiếu chỉ sang, triệu hồi cả hai cha con Nguyễn Gia lập tức lên đường đến Kinh đô nước Tống.

Trong lễ bệ kiến, chỉ vừa giáp mặt người đẹp phương Nam, là vua Tống đã phải siêu lòng. Vua Tống phong ngay cho nàng làm "Đệ tam cung phi", rồi đổi tên thành Nguyệt Nga - ngụ ý coi nàng vốn là người đẹp ở trên cung Quảng hàn (cung trăng) giáng thế.

*

*          *

Kể ra thì Trung Hoa đất rộng người đông, hẳn cung tần mỹ nữ cũng không hiếm. Lại nữa, một khi Hoàng đế lên ngôi thay đời vua trước, thì ngôi Hoàng hậu cùng tam cung lục viện cũng đã lập xong, vậy mà một người con gái từ phương xa, lại được phong ngay làm "Đệ tam cung phi" - tức là ở trên rất nhiều người mà chỉ ở dưới có ba người trong cung, thì hẳn nhà vua phải rất si tình, và người con gái ấy phải là người có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. (Thật vậy, sử sách Trung Hoa có chép về vị vua nhà Tống này tức Tống Thuận đế Lưu Chuẩn, là người vốn rất sủng ái các cung tần mỹ nữ, và vì thế, nên về sau đã để mất nước!).

Vì Nguyệt Nga được vua Tống rất mực sủng ái, nên cha nàng mau được thăng quan tiến chức và được nhận thêm nhiều bổng lộc, thì cũng là theo cái lẽ thường tình. Tuy nhiên, vì "số trời" có hạn, nên chỉ mười năm sau, ông nhuốm bệnh nặng mà qua đời. Khi nhận được tin, vua Tống liền cử một viên Đại thần đi trên thuyền lớn, hộ tống Đệ tam cung phi Nguyệt Nga cùng hai thị nữ, mang theo rất nhiều lễ vật, về tận bản quán để hộ tang. Sự việc ấy, đã gây "xôn xao dư luận" trong giới quan chức cũng như trong dân thường ở cõi Giao Châu vào lúc bấy giờ. Sau lễ an táng người cha, Nguyệt Nga còn được Thái thú Triệu Thân tổ chức đón rước linh đình, rồi sau đó mới trở về đất Tống.

Cũng vì vua Tống, do quá chú trọng đến nghi lễ và sủng ái các người đẹp trong cung, mà để sao nhãng việc quân, nên chỉ hai năm sau (vào năm 479) đã bị vua Tề đánh bại. Tống Thuận đế bị bắt, rồi bị giam trong ngục cho đến chết. Còn các đại thần, các quan lại lớn nhỏ, rồi hoàng thân quốc thích cùng các hoàng hậu và phi tần, người thì bị bắt, bị giết, người thì mai danh ẩn tích, chạy trốn phiêu bạt khắp nơi. Trong tình thế ấy, Đệ tam cung phi Nguyệt Nga cùng hai thị nữ thân tín, tìm được một chiếc thuyền, rồi cùng liều mình dong buồm bẻ lái ra khơi, tiến xuống biển phương Nam. Sau mấy ngày lênh đênh (may mà không có sóng to gió lớn!), thuyền hướng mũi vào bờ, nhưng khi cập bến, lại là ở châu Hoan (thuộc Quỳnh Lưu - Nghệ An bây giờ) chứ không phải ở miền Sơn Nam hạ (tức Thái Bình bây giờ - quê hương của Nguyễn Thị Nguyệt).

Khi thuyền sắp cập bến, thì Nguyệt Nga trông thấy có ngôi chùa ở bên hẻm núi ven bờ. Đến nơi, nàng sai ngay một thị nữ đi tới xin nước uống, vì cả ba đang trong cơn khát cháy bỏng. Vị sư ông coi chùa sai chú tiểu mang nước đến cho, rồi lại mời cả ba người vào chùa, bày cơm chay tiếp đón. Trong bữa cơm, Nguyệt Nga kể lại các việc với nhà sư. Ái ngại cho hoàn cảnh của họ, lại nghĩ trong vùng gần đây thường xuyên xảy ra trộm cướp, nên nhà sư bảo cả ba người hãy nên nghỉ lại trong chùa, rồi nhờ quan quân đưa về bản quán. Thế nhưng, lời khuyên bảo ấy, tiếc thay, lại chẳng được nàng Nguyệt Nga nghe lọt tai. Vị "Đệ tam cung phi" nghĩ mình bây giờ vẫn còn là người quyền quý, lại mang theo nhiều bạc vàng và đồ trang sức quí giá, nên chẳng thể nấn ná lâu ở những nơi không quen biết làm gì. Lại nghĩ, từ đây về quê thì đường thuỷ cũng chẳng bao xa. Đã đi được cả ngàn dặm mà chẳng hề hấn, thì có ngại gì vài chục dặm nữa. Bởi vậy, nàng đã nói với nhà sư là cứ để cho nàng ra đi.

Thấy khuyên bảo như thế mà không được, lại cũng nghĩ nếu nói thêm thì những kẻ khác giới kia sẽ hiểu lầm lòng mình, nên nhà sư đành buông ra câu: "A di đà Phật! Bần tăng xin chúc cho quí vị lên đường bình an, mọi sự tai qua nạn khỏi", rồi đứng lên, cùng chú tiểu đưa tiễn họ.

*

*          *

Ba người phụ nữ bước ra khỏi cổng chùa, đi về phía chỗ chiếc thuyền đang neo đậu. Nhưng khi chỉ còn vài bước chân là đến nơi, thì bỗng đâu một toán cướp xông tới. Bọn chúng toan giở trò ngay, nhưng lại ngại nhà sư còn đứng ở cổng chùa trông thấy, nên lẳng lặng đi theo ba người đến tận chỗ để thuyền.

Khi Nguyệt Nga cùng hai người thị nữ lên thuyền, thì những tên cướp kia cũng ùa lên theo, rồi giằng lấy mái chèo, cho thuyền chạy thẳng ra biển. Từ phía cổng chùa nhìn ra, nhà sư chỉ còn biết buồn bã lắc đầu, rồi quay vào phía trong chốt cánh cổng lại.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi nhà sư cùng chú tiểu đi ra phía biển, đã thấy xác ba người phụ nữ trôi nổi bập bềnh bên mép nước. Hai thầy trò lội xuống, vớt xác từng người lên, rồi đi đào huyệt an táng cho họ. Sau đó nhà sư còn làm lễ cầu siêu cho linh hồn họ được mau chóng thoát khỏi bụi trần, để đến miền cực lạc.

Thế nhưng cũng từ ngày ấy, tiếng đồn về cái chết của bà vương phi, đã mau chóng lan ra khắp vùng. Nguyên do, vẫn là từ chỗ mấy tên cướp: chúng tranh nhau vàng bạc, đồ trang sức, và thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, rồi cuối cùng mỗi tên chuồn mỗi ngả, trốn biệt.

Khi các quan lại địa phương vùng Hoan Châu hay tin, cho lính đi xét hỏi, thì bọn này, do không lần ra được manh mối của bọn cướp, đã kéo nhau về ngôi chùa ở ven bờ biển, hạch sách rồi đánh đập hai thầy trò nhà sư, vì cho rằng họ đã thông đồng với bọn cướp.

Cực chẳng đã, nhà sư đã dùng thuyền bơi mãi ra khơi, rồi lao đầu xuống biển, để ngỏ lời bình lại cho hậu thế muôn đời. Còn chú tiểu, sau đó cũng lặng lẽ rời khỏi chùa, trở về nhà thôi không đi tu nữa.

*

*          *

Sự thật về cái chết của Nguyệt Nga và hai thị nữ, chỉ sau đó khá lâu, mới dần dần được sáng tỏ - cũng vẫn là từ các câu chuyện chắp nối của chính bọn cướp kia.

Chuyện rằng, khi thuyền ra đến ngoài khơi xa, bọn chúng mới giở dao, bắt ba người phải nộp bạc vàng và các đồ trang sức. Sau đó, chúng thay nhau hãm hiếp họ cho đến chết, rồi vứt xác xuống biển.

Vì ngôi chùa lâu ngày không có người trông nom, nên đã thành nơi hoang phế. Lại nữa, cái chết của ba người phụ nữ và nhà sư, đã làm cho dân chúng trong vùng thương tiếc không nguôi. Thế rồi, chỉ thời gian ngắn sau, các việc đã được thiết lập lại: Có vị sư mới đến trụ trì và tu sửa ngôi chùa. Phần mộ của bốn người xấu số cũng được xây cất lại. Cũng từ đó trở đi, hương khói ở nơi này không lúc nào dứt. Các tàu thuyền đi qua hoặc dân chài ra khơi, thường đến đấy dâng hương hoa, cầu mong sự phù hộ độ trì...

Tiếng đồn về câu chuyện nàng Nguyệt Nga cùng ngôi chùa linh thiêng ở miền ven biển Châu Hoan, chẳng mấy chốc cũng lan ra đến tận miền Sơn Nam hạ. Ở phủ Kiến Xương, nơi quê hương của Nguyệt Nga, dân chúng cũng lập nhiều ngôi đền ở ven biển để thờ vọng nàng, và mọi câu chuyện về nàng, cũng được trân trọng ghi lại thành "thần tích", sau khi đã "địa phương hoá" đi ít nhiều.

*

*            *

Cách khoảng 800 năm sau, khi ấy thuộc đời Trần Nhân Tông, vào niên hiệu Thiên Bảo thứ nhất (1279) ở miền ven biển Châu Hoan (thuộc Quỳnh Lưu - Nghệ An bây giờ) lại xảy ra một câu chuyện tương tự, cứ như là lịch sử đã có sự lặp lại!

Ấy là việc ba mẹ con một nàng công chúa thuộc triều Tống thứ hai của Trung Hoa, sau khi bị nhà Kim đánh bại, cũng đã lên thuyền ra khơi, rồi trôi dạt vào đây, được nhà sư trụ trì ở đền Cờn đưa mảng vớt lên. Sau đó cả nhà sư và ba mẹ con nàng công chúa đều bị chết, rất là thương tâm (xem bài "Đền Cờn").

Câu chuyện này về sau cũng lại lan truyền ra tận miền ven biển Kiến Xương - Thái Bình (thuộc Sơn Nam hạ). Và như thế, ở cả hai nơi Kiến Xương (Thái Bình) và Quỳnh Lưu (Nghệ An) đều lưu hành cả hai câu chuyện, còn truyền tụng đến bây giờ.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  2. Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)
  3. Chu du thiên hạ để học rùng mình (Tạo lúc: 12/03/2015)
  4. Truyện anh khờ được kiện (Tạo lúc: 16/03/2015)
  5. Tấm Cám (Tạo lúc: 16/03/2015)
  6. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tạo lúc: 17/03/2015)
  7. Các truyền thuyết về Vua Hùng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  8. Sự tích cây nêu ngày Tết (Tạo lúc: 25/03/2015)
  9. Bộ quần áo mới của Hoàng đế (Tạo lúc: 05/04/2015)
  10. Mưa ngâu (Tạo lúc: 06/04/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: