Ở Đà Nẵng, nằm ngay dưới chân ngọn Hỏa Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, có ba cái lăng nhỏ được xây cất theo lối kiến trúc và diện tích giống nhau. Thứ tự từ trái qua phải là lăng Ông Chài, lăng Ông Ngư và lăng Bà Chúa. Trong đó, lăng Ông Chài gắn với những truyền thuyết đậm màu giáo dục luân thường, đạo lý.
Các bậc cao niên trong vùng kể rằng ngày xưa, dân làng quanh ngọn Hỏa Sơn rất thưa thớt, sống bằng nghề chài lưới trên sông Cổ Cò. Một hôm bỗng thấy ông lão có chòm râu dài, khuôn mặt đen sạm đầy khắc khổ và toát lên sự thật thà, chất phác cùng cô con gái từ đâu không ai rõ đến neo đậu chiếc ghe nan dưới bến sông, gần chân núi. Hằng ngày, cha con họ chèo ghe đi đánh cá đến tối mịt mới về lại bến quê. Một số người chỉ biết ông góa vợ từ lâu và vì sợ cảnh dì ghẻ, con chồng, ông không dám đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi con.
Sau một thời gian, cha con ông lên núi cắt lá, đốn cây dựng một túp lều dưới vách đá núi chênh vênh, sát bên bờ sông để trú mưa, tránh nắng. Ông có tên hẳn hoi nhưng dân làng cứ gọi ông theo cái nghề lam lũ cùng sông nước là ông Chài. Cô con gái của ông càng lớn, càng xinh đẹp, hết mực thương yêu, kính trọng người cha. Thấy cha đêm ngày vất vả với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, cô con gái thầm khóc và ước mong mình có phép mầu nhiệm nào đó làm cho cha có cuộc sống no đủ hơn để trả công ơn dưỡng dục sinh thành.
Chiều nọ, mây đen từ đâu ùn ùn kéo tới, gió gào rít dữ dội, sấm chớp ầm ầm, mưa dội xuống sầm sập làm cho khúc sông Cổ Cò tối tăm, mờ mịt. Ngồi trong căn lều thồng thộc gió lạnh, lòng cô con gái đầy nỗi lo lắng cho người cha già tròng trành cùng chiếc ghe nan, cô gái liền băng dưới cơn mưa xối xả chạy đi tìm cha. Khi đến nơi, thấy cha vác cái chài, bên hông lủng lẳng chiếc giỏ cá mà chân tay run cầm cập, cô lao tới ôm cha rồi dắt đi. Do mưa lớn, đường trơn, chẳng may ông Chài trượt chân ngã chúi đè lên người đứa con gái. Bàn tay ông chạm ngay bộ ngực, làm đứt mấy cái cúc áo, để lộ đôi nhũ hoa ngọc ngà của con gái.
Ông Chài cảm thấy vô cùng xấu hổ. Ông nghĩ, do mình té ngã mới nhìn được cái đáng lẽ ra không bao giờ được phép nhìn thấy khi đứa con gái đã khôn lớn. Tuy không phải hành động cố ý, song ông Chài luôn dày vò, day dứt, coi đó là tội lỗi giữa phu tử, không thể tha thứ.
Những ngày tiếp theo, cô con gái dọn cơm ra mâm ông không ăn, nước rót ra gáo ông chẳng uống mà cứ ngồi thừ thở ra đầy đau khổ. Ông đứng dậy, đội nón rồi nói với con gái lên núi tìm rau rừng. Đợi mãi không thấy cha về, cô gái bèn chạy lên đỉnh Hỏa Sơn tìm cha thì phát hiện ông Chài tự đập đầu vào tảng đá to nằm chết dưới gốc cây vô cùng thê thảm. Cô đau đớn khóc gào về sự ra đi đột ngột của người cha. Tiếng khóc của nàng dội vào vách đá, văng vẳng đến tai dân làng, mọi người chạy lên núi khiêng xác ông Chài về lều để chôn cất.
Sau khi mãn tang ông Chài, dân làng không còn nhìn thấy hình bóng cô con gái của ông đâu cả. Có người nói rằng cô gái đã tìm tới một ngôi chùa thật xa rồi xuống tóc để nương tựa cửa Phật sau cái chết oan khiên của người cha mà cô hết mực thương yêu. Biết chuyện tự kết liễu đời mình của ông Chài và sự ra đi biền biệt của cô con gái đều khởi nguồn từ truyền thống thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người của dân tộc, dân làng đã cảm kích, dựng cái lăng ngay trên nền túp lều ngày xưa để hương khói cho ông Chài.
Một câu chuyện khác thì lại cho rằng ngày xưa tại địa điểm này có hai cha con ông Chài đánh bắt tôm cá. Một buổi chiều, cha con ông Chài cập ghe tại bến về mái nhà tranh dưới chân núi. Ông Chài lúi húi dưới bếp lo cơm nước, cô gái ra bến sông tắm rửa, giặt giũ. Mặt trăng tròn nhô khỏi đỉnh đầu mà chưa thấy con gái trở vào, ông Chài sốt ruột, tưởng con gặp chuyện gì bèn chạy ra bến sông quen thuộc xem thử.
Khi đến nơi, thấy con gái đang xì xụp tắm gội, để lộ thân hình trần trụi, dục vọng trong ông bao năm bị vùi lấp bỗng trỗi dậy. Nhưng ông liền nghĩ đó là con gái mình, ông không bao giờ được phép. Ông cắm đầu chạy về nhà lấy con dao dưới bếp cắt phăng bộ phận sinh dục của mình để không bao giờ nghĩ tới chuyện này nữa, song bị máu chảy nhiều, ông trút hơi thở cuối cùng khi cô con gái từ bến sông vừa bước về tới cửa.
Lại có câu chuyện truyền miệng khác: ông Chài cùng hai vợ chồng đứa con trai ngày trước sống trong ngôi nhà nhỏ bên bến sông Cổ Cò, làm nghề đánh cá. Ngày nọ, đứa con trai chèo ghe đi thả lưới, cô con dâu ở nhà nằm ngủ sơ ý để lộ những vùng nhạy cảm. Sự ham muốn trong người nổi lên, ông Chài bước tới, song ông tự nhủ đó là đứa con dâu của mình, không bao giờ được phép. Ông lùi lại chộp con dao làm cá rồi cắt ngay "của quý" mình ném ra sân, bởi vì ông nghĩ chính "cái đó" mới là kẻ xúi giục, nếu ông không tỉnh táo phân biệt đúng sai thì luân thường đã bị đảo lộn, có tội với dòng tộc, tổ tiên.
Tuy các truyền thuyết kết cấu khác nhau nhưng đều có chung sự đồng nhất về nền đạo đức xã hội. Đã là con người thì cái đầu tiên phải được hướng tới, đó là nhân cách làm người. Sự rời bỏ trần gian của ông Chài để trở về với cát bụi là sự đấu tranh, giằng xé giữa bản năng với lý trí, giữa cái đúng với cái sai, giữa cái thiện với mầm ác.
Các mẩu chuyện ở trên không chỉ có giá trị về giáo dục trong mối quan hệ, luân lý gia đình phải được đề cao, tôn trọng mà còn nhắc nhở cộng đồng luôn đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau, nhất là lúc sa cơ, hoạn nạn. Đó chính là vốn quý về truyền thống tốt đẹp của cha ông có từ ngàn đời...