Vùng Hoa Lư (Ninh Bình) có tục thờ rái cá, sau đó tục này lan dần về miền trung và miền nam theo chiều mở rộng của đất nước. Lang Lại Nhị đại tướng quân thực ra chính là tước hiệu của hai con rái cá trong tín ngưỡng ở nhiều địa phương của người Việt xưa. Truyền thuyết kể rằng, vùng Hoa Lư xưa kia có bà Đàm Thị, vợ ông Đinh Công Trứ, một lần đi tắm sông gặp con rái cá to lớn, ngờ là một vị thần nước hóa thành. Bà sợ hãi ngất đi, tỉnh dậy thấy mình nằm trên bãi cỏ, con rái cá ấp ủ liếm tay bà. Về sau bà đậu thai, sinh ra một người con trai đặt tên là Đinh Bộ Lĩnh. Lớn lên bà cho con biết về thân thế thật của người cha ruột, trao cho con bộ xương rái cá đem chôn vào long mạch dưới lòng sông, quả nhiên sau này dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng.
Ở Cờn Môn (Nghệ An), trong thần tích về Tứ vị Thánh nương còn lưu truyền rằng xác của Tống thái hậu và các hoàng phi dạt vào bờ được hai con rái cá canh giữ, nên đôi rái cá được thờ tự chung với các Thánh nương. Ở một số đền miếu tại Huế và các tỉnh Nam Bộ cũng có thờ, dựng tượng một hoặc một đôi rái cá, gọi là Đông Nam Sát Hải Lang Lại Đại Tướng Quân, với chức năng tương tự như những vị thủy thần miền sông nước phù hộ muôn dân.
Dân gian Nam Bộ lại có những câu chuyện truyền kì về chúa Nguyễn Ánh thời ngài còn chưa lên ngôi hoàng đế, còn đang trên đường bôn tẩu. Tích kể rằng Một dịp khác nữa, Nguyễn Ánh được đàn cá sấu vây kín thuyền ba lần để cảnh báo về nguy hiểm trước mặt. Tin vào điềm báo, chúa lệnh quay đầu rồi sai người do thám, quả nhiên có quân Tây Sơn mật kích phía trước.
Trong quyển Địa phương Chí của người Pháp, và cũng như các bô lão ngày xưa ở Bạc Liêu thuật lại câu chuyện truyền kì về Vua Gia Long hồi còn là Nguyễn Vương Phúc Ánh, đang nổi trôi trên đường tẩu quốc, trước sự truy nã của quân nổi loạn Tây Sơn.
Nguyễn Ánh đang trên thuyền chạy trốn quân Tây Sơn tại Côn Lôn thì bị lính thủy Tây Sơn vây đánh. Thuyền của Nguyễn Ánh bấy giờ bỗng bị hai con rái cá lội ngang chặn mũi. Ngờ có chuyện bất thường, Nguyễn Ánh cho thuyền quay lại nhưng không kịp. Quân Tây Sơn vây tứ phía, Nguyễn Ánh thất bại cầm chắc trong tay. Bất ngờ giông tố nổi lên, sóng biển dâng cao đánh chìm đoàn quân Tây Sơn, nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Lại có lần khác bị Tây Sơn đuổi kịp, chúa nhìn trời mà than: "Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn xin cho Nguyễn Ánh thoát cơn thập tử nhất sinh này". Vừa dứt lời, bỗng có đôi cá ông đến bên mạn thuyền đưa chúa tới nơi an toàn.
Một hôm Nguyễn Vương cùng tướng sĩ xuống thuyền, định chạy ra đảo Phú Quốc. Đoàn thuyền đang dung ruổi trên sông Ông Đốc, thì bỗng có một đàn cá Sấu nổi lên vây kín thuyền, đặt nghẹt cản đường. Thuyền Chúa Nguyễn không sao vượt qua được. Thấy sự lạ cho là điềm xấu. Nguyễn Vương thấy sự lạ nên đứng trước mũi thuyền lâm râm khấn vái:
- Tôi là Nguyễn Ánh, đông cung thừa nghiệp của Tiên Vương, bị quân Tây Sơn soán nghiệp, yểm bách phải bôn đào, đang vào lúc thế cùng vận bĩ. Nay tôi định ra Phú Quốc , lánh xa cường tặc, chiên binh mãi mã để khôi phục cơ đồ. Đàn Sấu kia sao dám cản đường ta?
Phải chăng lòng trời còn nương tựa nhà Nguyễn, xui kiến đàn Sấu báo điềm nguy hiểm cho tôi đang đón chờ, ở đầu kia là tử lộ? Nếu vậy thì đàn Sấu hãy dang ra đi rồi xuất hiện ba lần. Bằng không, hãy để cho tôi tiếp tục hành trình, vì thời gian rất quý báo.
Chúa Nguyễn khấn xong, đàn Sấu bỗng lặng mất. Nhưng một lát sau lại nổi lên cản đường nữa, làm như vậy đúng ba lần.
Nguyễn Vương tin điềm, liền ra lệnh cho chiến thuyền quay trở lại, đồng thời phái thám tử đi do xét thử. Vài hôm sau trở về, trình tâu có quân Tây Sơn rất hùng hậu phục kích ở cửa sông Ông Đốc.
Lại có phiên chúa chạy trốn đến bờ sông thì không có thuyền, nước xiết, cá sấu lại bơi đầy. Tình thế cùng quẫn, chúa bắt lấy con trâu trên bờ, cưỡi trâu bơi qua sông. Đến giữa dòng, nước xiết cuốn trâu chìm nghỉm. Bỗng một con cá sấu bơi đến đỡ trâu lên, cứu chúa bơi được về bờ.
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Long đã sắc phong cho đàn cá sấu là Tân ngạc ngư long; phong cho hai con rái cá là Lang lại nhị đại tướng quân; còn cá ông được ban tước Nam Hải đại tướng quân. Câu chuyện truyền kì hình thành muộn này có thể đã nảy sinh nhằm củng cố chân mạng đế vương của vương triều Nguyễn.