Lê Nại nổi tiếng là thần đồng nhưng cũng nỏi tiếng với tài ăn khỏe của mình, dân gian thường gọi ông là trạng ăn.
Ông sinh năm 1479 người làng Mộ Trạch huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Dương). Năm 27 tuổi Lê Nại đỗ Hội nguyên rồi Đình nguyên Trạng nguyên khoa thi Ất sửu (1505) niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất đời Lê Uy Mục. Làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hộ, khi mất được truy tặng tước Đại trạch bá.
Lê Nại là anh của Hoàng giáp Lê Dĩnh - một người ngày còn trẻ cũng nổi tiếng "thần đồng", là cha của Hoàng giáp Lê Quang Bí - chánh sứ đi sứ nhà Minh đời Mạc Phúc Nguyên, đã bị giam cầm ở Trung Quốc tới 18 năm.
Tương truyền tổ tiên của Lê Nại vốn là người xã Lão Lạt huyện Thuần Hựu, nay là Hậu Lộc - Thanh Hoá, sau đó đã dời quê đến ở làng Mộ Trạch.
Theo các nhà phong thuỷ thời trước thì Mộ Trạch có thế đất của một "lò Tiến sĩ" - không biết điều ấy có đúng hay không, mà chỉ biết trong khoảng 200 năm từ đầu nhà Lê đến cuối nhà Mạc, Mộ Trạch có 1 Trạng nguyên, 6 Hoàng giáp và hàng chục Tiến sĩ nữa, chủ yếu trong hai họ Lê và Vũ, thường có quan hệ thông gia với nhau.
Lê Nại là cháu bốn đời của Lê Cảnh Tuân -người khai khoa của làng Mộ Trạch và là danh sĩ thời nhà Hồ, có sách "Vạn ngôn thư" nói về việc lập lại con cháu nhà Trần, sau bị giặc Minh bắt đưa về Kim Lăng cùng con trai đầu là Thái Điên - đều bị chết tại Trung Quốc.
Là cháu ba đời của Lê Thiếu Dĩnh (con thứ Lê Cảnh Tuân) - đã theo giúp Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh có nhiều công trạng, về sau làm Tuyên phủ Lạng Sơn.
Lê Nại thuở nhỏ cũng nổi tiếng "thần đồng" - học đâu nhớ đấy, sau được Thượng thư Hoàng giáp Vũ Quỳnh người cùng làng gả con gái cho, nhưng phải đến ở rể.
Ngoài tài học "thần đồng" ra, ở tuổi thanh niên, Lê Nại cũng nổi tiếng là một người ăn khoẻ, do vậy, trong dân gian cũng lưu truyền câu chuyện sau đây, có liên quan tới tài ăn khoẻ của chàng.
*
* *
Số là, từ ngày ở trong nhà bố vợ, không hiểu sao, Lê Nại lại trở nên biếng nhác - không chịu khó học hành như trước.
Thượng thư Vũ Quỳnh có phần lo lắng, một hôm nhân đến nhà bố mẹ đẻ của Lê Nại chơi, đã hỏi ông thông gia:
- Ông ạ. Từ ngày cháu về nhà tôi, không biết có chuyện gì mà chẳng thấy cháu nhìn ngó tới sách vở mấy?
Ông thông gia hỏi lại:
- Thế Tướng công cho cháu ăn uống ra làm sao?
Ông Vũ Quỳnh chép miệng:
- Ông tính, nhà nho mình ăn uống có đáng là bao, nên hàng ngày bà nhà tôi vẫn bảo các cháu thổi nấu theo lệ thường.
Ông thông gia cười bảo:
- Tướng công ơi, không phải vậy đâu. Cháu nhà tôi ăn uống gấp mấy người ta. Chắc Tướng công cho rằng nó chỉ ăn uống bình thường, thổi nấu ít, nên không đủ sức mà học hành đấy.
Ông Vũ Quỳnh cũng cười:
- Ô hay! Tôi tưởng chuyện gì. Nếu thế thì có khó gì đâu?
Trở về nhà mình, ngay ngày hôm ấy ông Vũ Quỳnh bảo người nhà thổi thêm cơm cho con rể ăn, thì sau đó, thấy chàng học hành cũng chăm chỉ thêm đôi chút. Ông vẫn chưa hài lòng, hôm sau bèn bảo thổi riêng cho chàng một nồi ba cơm - thấy chàng ngồi học đến trống canh ba (tức nửa đêm). Hôm sau nữa, bảo thổi nồi bốn - thấy chàng ngồi học đến trống canh tư. Lại hôm sau nữa bảo thổi nồi năm - thì chàng đã ngồi học đến suốt sáng.
Ông cảm thấy hài lòng, tự nhủ thầm: "Con rể ta chắc phải có tài cán lạ"
Quả nhiên, ba năm sau, trong kỳ thi Hội, Lê Nại đã đỗ Hội nguyên, rồi sau đó thi Đình cũng đỗ luôn Đình nguyên, và được xếp danh vị Trạng nguyên.
*
* *
Về chuyện học hành, thi cử của Lê Nại cùng với em trai là Lê Dĩnh (hay Lê Tư) còn có câu chuyện sau đây:
Vì Lê Dĩnh cũng nổi tiếng thông minh lanh lợi như người anh, nên khi học tập, hai anh - em thường hay ganh đua tranh tài cao thấp. Có lần anh hơn; có lần em hơn, nhưng người em vì hay kiêu ngạo, nên làm cho người anh nhiều khi cũng phải mếch lòng.
Ngày vào thi Hội, vừa đến trường thứ nhất, gặp phải chỗ khó hiểu, Lê Dĩnh liền nói vọng sang lều của anh, nhờ giảng hộ. (Tất nhiên là chỉ vừa đủ nghe, không để cho giám thị biết!). Chẳng ngờ, Lê Nại nghe xong, lại thủng thỉnh trả lời:
- Lần này đi thi, xem ra chỉ có ta với chú là cùng đua tài với nhau. Vậy nếu ta bảo chú, thì thử hỏi còn biết đua tài với ai nữa?
Vừa nghe thấy thế, Lê Dĩnh giận sôi lên cổ, đứng liền dậy, hất tung cả lều chõng đi, rồi bước ra khỏi trường thi. Ba năm sau, do tu chí học hành, chàng đã đỗ Hoàng giáp.
Còn về tài ăn khoẻ của Trạng nguyên Lê Nại, về sau đã lan truyền ra khắp trong triều ngoài nội. Tuy nhiên mặc cho thiên hạ nói gì, thì chàng cũng chẳng lấy đấy làm điều. Ở chốn quan trường, gặp khi phải thù tiếp bạn bè, người ta thấy chàng thường cười xoà, rồi sau đó kể vui sang các chuyện khác. Còn trong dân gian vùng Hải Dương, từ thời ấy cũng lưu truyền mấy câu thơ, mà tương truyền là do chính Lê Nại đã làm ra, để tự trào về mình.
(Xem thêm Lương Hữu Khánh hay Thượng thư bộ Binh nổi tiếng thần đồng ăn khỏe)
Dĩ thực vi danh
Thập bát phạn
Thập nhị canh...
(Nghĩa: Tiên sinh làng Mộ Trạch (tức Lê Nại)
Nổi tiếng vì tài ăn
Mười tám bát cơm
Mười hai bát canh...)