Dùng nhan sắc, nhà Trần lấy được thiên hạ
Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu

Dùng nhan sắc, nhà Trần lấy được thiên hạ

Nhà Trần là một trong những triều đại hùng mạnh và thịnh trị nhất trong lịch sử nước ta. Từ thuở đầu xưng nền độc lập với chiến thắng của Ngô Vương trên Bạch Đằng giang, qua thanh gươm yên ngựa của Vạn Thắng Hoàng Đế cho đến thời kì đánh Tống bình Chiêm thì nhà Trần xứng đáng là triều đại tiếp nối và nâng cao tầm vóc Đại Việt. Về lịch sử, chúng ta đều biết, nhưng về những huyền sử xung quanh họ, liệu chúng ta có biết? Câu chuyện được ghi chép trong Công Dư Tiệp Kí – Thuần Phủ Vũ Phương Đề.
Ngày xưa ở miền Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định ngày nay) có dòng họ Trần nối nghề chài lưới, một dải Vỵ thuỷ đâu đâu cũng là nhà. Lại nói, họ Trần vốn có gốc ở Phúc Kiến, sau qua Đông Triều, Quảng Ninh rồi cuối an cư ở trấn Sơn Nam Hạ. Người đầu tiên của họ Trần định cư ở Tức Mặc có tên là Trần Kình, vì vốn gắn với nghề chài, nên các con cháu thuở đầu đều được tên theo các loài cá. Trần Kình là loài cá Kình ở ngoài bể, sức mạnh dũng mãnh, báo hiệu sau này sẽ tạo nên cơ nghiệp. Trần Kình gây cơ nghiệp, ba đời sau, có người con là Trần Lý kết hôn với Tô Thị Hiền, chị của Tô Trung Từ  - thái uý triều Lý Huệ Tông và sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung và Trần Tam Nương, ba trong số các nhân vật này đều trở thành những người chủ chốt trong buổi đầu gây nên độc lập nhà Trần. Trần Lý phiên âm ra là cá chép, Trần Thừa là cá Dưa, có hai con là Trần Liễu (từ cá Leo) và Trần Cảnh (cá Lành Canh), Trần Thị Dung vốn tên là Ngừ (cá Ngừ), sau miếu thờ nhân dân hay gọi là bà chúa Ngừ. Đó là những gì lịch sử ghi chép lại…
Ngày xửa ngày xưa, xuôi về khoảng thời gian ở mốc trước khi bốn người con của Trần Lý ra đời. Một hôm nọ có người khách làm nghề địa lý, vốn có tính hay thăm thú để tìm các đất đẹp. Nước Nam nổi tiếng có những huyệt kết Tiến Sĩ, Trạng Nguyên, Thái Sư thậm chí Đế Vương nên rất rất nhiều các thầy địa lý, phù thuỷ của phương Bắc qua đây để tìm huyệt, kẻ muốn hư vinh, kẻ muốn tiền tài, kẻ lại muốn thu phục được địa linh của nước Nam. Người khách ấy tìm ra được ở Tam Đảo có long mạch chủ, chạy dài một dải, đi qua Thăng Long, chạy qua Cổ Bi, đến Kệ Châu rồi đến Cao Xá, Kim Động (Hưng Yên), thấy gò tụ lại, chi chít, hệt như chỗ người ta bắc bếp mà nấu cơm, người khách ấy liền thốt lên: “Quả là nơi đất đẹp, chỗ họ đi tuần và nấu cơm, nếu tang đúng thì muôn đời quan lớn, chữ nghĩa luôn có trong dòng họ, nhưng lại chỉ làm quan, không có Đế Vương”.
Khách xuôi theo long mạch, cuối cùng đến vùng Nam Xương thì không thấy đâu nữa, đi loanh quanh vài dặm cũng không thấy, hoá ra là long mạch ẩn dưới lòng sông kia. Đến vùng Hà Liễu, Ngự Thiên (Thái Bình) thì thấy một ngọn núi cao, chọc thẳng lên các vì sao, vị địa lý kia tâm đắc lắm, đây là thế đẹp vươn đến thiên cung, nếu gìn giữ cơ nghiệp Đế Vương đời đời chẳng dứt.
Đoạn có Nguyễn Cố, vốn là người xã Tây Vệ, đi qua thấy khách nhìn quanh quất, nửa ham muốn, nửa lại lương lự, vốn là người có chí, lại tinh ranh, anh ta biết thầy địa lý kia đã tìm được huyệt quý. Ngay lúc ấy, thầy địa lý ngửa lên mà than rằng:” Nực cười huyệt quý mà chẳng ai thấy, đất đế vương lại hiển hiện nơi biển bằng kia, các thầy địa lý thật chẳng có mắt.” Nguyên là đã có nhiều nhóm của phương Bắc qua để tìm kiếm cũng như xem xét tình hình Đại Việt. Thú thực về thời kì này, đất nước của Triều Lý đã đi xuống phần nào, cuối thời Lý, họ Trần nổi lên, rồi các tướng như Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng lại làm phản.
Quả thực đang đi ngang, lại gặp người có thể nhìn ra huyệt quý, Nguyễn Cố ngay lập tức mời người khách về nhà thiết đãi tử tế, nguyên y cũng là một nhà Nho, nhưng chữ nghĩa chỉ bậc trung, không đỗ đạt cao đủ làm quan, nhưng đủ chữ để về làng dạy dỗ trẻ nhỏ, cũng gọi là biết trên dưới, thiệt hơn. Người khách cũng vốn là hạng không tầm thường, y bảo: “Thầy gặp tôi, cũng coi như có duyên, lại đúng ngôi huyệt tốt, nằm gần nhà thầy, tôi có thể tang của tôi trước, nhưng âu là cái số, nếu tôi làm họ, thầy phải trả tôi một trăm quan, không chậm trễ, còn lấy được thiên hạ thì nhớ chia đôi.”

Xung quanh người khách nọ, có người bảo y chỉ đơn giản là một kẻ có dã tâm xưng vương, nhưng một nửa Đại Việt vốn là dòng dõi chim Lạc cháu Rồng, chẳng bao giờ chịu khom lưng làm thiên hạ cho kẻ Bắc quốc, còn đa số đều bảo hắn vốn là con cháu những kẻ nhăm nhe Đại Việt để cắt từng tấc đất vào Băc Quốc. Hắn là một thầy địa lý của hội kín, giáo phái vốn có từ thời Cao Biền, chúng toả đi khắp nơi, sống lẫn với người Việt, có lần chúng đã suýt thành công khi đúc được một sa bàn bằng đồng đen, từng cây cối, ngọn cỏ, con sông, dãy núi của chúng ta đã được chúng đưa lên sa bàn, chỉ duy có núi Tản Viên, bằng cách nào đó cứ dựng xong lại đổ và may mắn, Lý Quốc Sư đã có chiếc túi thần để mang sạch cả sa bàn và các kho đồng đen của chúng về đúc thành chiếc chuông trấn khí (Kể ở kì sau) và thu lại được một con Nghé Vàng (Đang nằm ở lòng sông Kim Ngưu)
Trở lại mạch truyện, Nguyễn Cố đồng ý với điều kiện của người khách nọ và họ bắt đầu tiến hành việc táng huyệt mộ của tổ tiên vào miếng đất Đế Vương ấy…
Nghi lễ yểm long mạch của người khách phương Bắc khá đầy đủ nhưng lại nhiều tiểu tiết. Ví như y nhất quyết phải làm một con long nhỏ bằng đồng đen chẳng hạn, hay yêu cầu mâm tế lục súc phải có dê trắng, chó đen và hơn nữa lại phải có lưỡi tầm sét.
Con long vốn là một vật bất ly thân của thầy địa lý phương Bắc, đó là một công cụ dùng để dò long mạch, món này những thầy địa lý nhiều kinh nghiệm thì không cần, hoặc chỉ cần tượng trưng, hay bện bằng cỏ. Như Tả Ao hay Cao Biền đều không dùng con long để tìm long mạch mà chỉ dựa vào quan sát sao trời cũng như cách thức tính toán của mình. Thường con long sau này sẽ chôn để làm dấu, đây y lại làm bằng đồng đen, vốn để phá mạch của nước, cũng như tiện bề cho việc dựng sa bàn (sau nhiều nhiều lần thì vào thời Minh chúng thành công). Lục súc có dê trắng, chó đen vốn là các chất đại kị, che mắt địa linh để dễ bề hành động ác ý. Nhìn chung, người khách vốn không có ý định tốt đẹp, vì dù sao y vất vả mãi mới tìm được khu đất nhưng lại có Nguyễn Cố đi qua. Vốn nhà phong thuỷ hoặc thầy địa lý đề cao túc duyên, không tư lợi, ấy mới là cái tinh hoa, nhưng kẻ này tâm địa không sạch, lại vốn là người hội kín nên y toan tính âu cũng dễ hiểu.
Lưỡi tầm sét vốn là thứ Thiên Lôi đánh kẻ ác, mỗi khi đánh xong thì dư lại lưỡi búa, thấy bảo lấy nó mà đúc kiềng thì giữ được con trời, lại tránh được Thiên Lôi, còn với việc đất cát, lưỡi tầm sét và rễ vang có thể hàn lại long mạch sau khi táng huyệt (giờ mình dùng cháo với phẩm màu :v có thể do rễ vang hiếm và lưỡi tầm sét cũng chả có mấy).
Mọi thứ đã đủ, Nguyễn Cố chỉ đợi đến ngày lành mà táng mộ.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Thạch Sanh (Tạo lúc: 06/03/2015)
  6. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  7. Hai Bà Trưng (Tạo lúc: 08/03/2015)
  8. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  9. Khâu Ni Công Chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  10. Đức Thánh Gióng (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: