- Trang chủ >
- Truyền thuyết Việt Nam >
- Danh tướng Yết Kiêu
Yết Kiêu, một danh tướng thời Trần, anh hùng chống quân Nguyên, tên thật là Phạm Hữu Thế, con ông Phạm Hữu Hiệu, người thôn Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà. Cha làm nghề chài lưới bên sông Quát, mẹ bán hàng nước ở bến đò. Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội "nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng) đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).
Trong dân gian, câu chuyện về danh tướng Yết Kiêu đã được truyền miệng lại qua nhiều đời, thể hiện sự ngưỡng mộ và biết ơn của nhân dân ta đối với vị tướng tài năng có công lớn với nước nhà.
***
Ngày xưa có một người tên là Yết Kiêu ở làng Hạ Bì làm nghề đánh cá.Một hôm, ông ta đi dọc theo bờ biển về làng bỗng thấy trên bãi có hai con trâu đang ghì sừng húc nhau dưới bóng trăng khuya. Sẵn đòn ống, ông cầm xông lại phang mạnh mấy cái vào mình chúng nó. Tự dưng hai con trâu chạy xuống biển rồi biến mất. Ông rất kinh ngạc đoán biết là trâu thần. Khi nhìn lại đòn ống thì thấy có mấy cái lông trâu dính vào đấy. Ông mừng quá bỏ vào miệng nuốt đi.
Từ đó sức khỏe của Yết Kiêu vượt hẳn mọi người, không một ai dám đương địch. Đặc biệt là có tài lội nước. Mỗi lần ông lặn xuống biển bắt cá, người ta cứ tưởng như ông đi trên đất liền. Nhiều khi ông sống ở dưới nước luôn sáu bảy ngày mới lên.
Hồi ấy có quân giặc ở nước ngoài sang cướp nước ta. Chúng cho một trăm chiếc tàu lớn tiến vào cửa biển Vạn-ninh vây bọc, bắt tất cả thuyền bè, đốt phá chài lưới. Đi đến đâu, chúng cướp của giết người gây tang tóc khắp mọi vùng duyên hải. Chiến thuyền nhà vua ra đối địch bị giặc đánh đắm mất cả. Nhà vua rất lo sợ, sai rao trong thiên hạ ai có cách gì lui được giặc dữ sẽ phong cho quyền cao chức trọng.
Yết Kiêu bèn tìm đến tâu vua rằng:
- Tôi tuy tài hèn sức yếu nhưng cũng quyết cho lũ chúng nó vào bụng cá.
Vua hỏi:
- Nhà ngươi cần bao nhiêu người ? bao nhiêu thuyền bè?
- Tâu bệ hạ - ông đáp - chỉ một mình tôi cũng có thể đương được với chúng nó.
Nhà vua mừng lắm, liền phong cho ông làm Đô thống cầm thủy quân đánh giặc.
Ông đến Vạn Ninh cho quân sĩ nghỉ ngơi, chỉ bảo họ sắm cho mình một cái khoan, một cái búa. Đoạn, một mình ông lặn xuống đáy biển đi ra chỗ tàu giặc. Ông tìm đến đáy tàu vừa khoan, vừa đục. Ông làm rất lẹ và im lặng, tàu giặc cứ đắm hết chiếc này đến chiếc khác. Trong một hôm, chúng bị đắm luôn một lúc hơn hai mươi chiếc. Thấy thế, quân giặc hoảng loạn cả lên. Chúng sai những tên quân có tài bơi lặn lặn xuống nước do thám. Mấy tên quân đó tìm mãi mới thấy Yết Kiêu đang khoan một chiếc tàu. Bọn chúng xông lại nhưng chúng đâu có phải là địch thủ của ông, cho nên cuối cùng ông không để cho một đứa nào trở về.
Quân giặc vô cùng sợ hãi. Mãi về sau tên tướng giặc đem một cái ống dòm thủy tinh có phép nhìn được thấu qua nước đến đáy biển. Chúng thấy ông đi lại thoăn thoắt như đi trên bộ. Chúng bèn đem cái vó bằng sắt nhân lúc ông đang mải đục một chiếc tàu, buông xuống chụp lấy ông. Nhờ thế chúng bắt sống được Yết Kiêu. Lập tức chúng tra khảo ông:
- Trong nước mày những người lặn như mày có bao nhiêu người?.
Ông bảo chúng:
- Không kể những người đi lại dưới nước suốt 10 ngày không lên, còn như hạng ta thì một trăm chiếc tàu của chúng bay cũng không thể chở hết. Hiện giờ ở dưới đó hết lớp này xuống lại lớp kia lên không mấy khi vắng người.
Nghe nói thế, bọn giặc kinh sợ cuối cùng chúng dỗ dành:
- Mày muốn tốt phải đưa chúng tao đi bắt sẽ có hậu thưởng, bằng không thì sẽ giết chết.
- Được, theo ta, ta chỉ cho!.
Quân giặc tưởng thật, bắt ông cùng với mười tên quân đem vó sắt ngồi trên thuyền nhỏ ra biển dò tìm. Thừa lúc chúng vô ý, ông nhảy tòm xuống nước trốn đi. Chúng nó trông nhau ngơ ngác. Bấy giờ quân giặc đã bị thiệt hại khá nặng, lại nghe Yết Kiêu nói nước Nam có nhiều người tài lặn nên cuối cùng chúng đành phải quay tàu trở về không dám quấy nhiễu nữa.
Nhà vua mừng quá, khen ngợi Yết Kiêu vô cùng, phong ông làm đại vương. Sau khi ông mất, mọi người nhớ ơn lập đền thờ ở cửa Vạn Ninh và ở nhiều cửa biển khác.
Không chỉ nổi tiếng về tài bơi lặn và chiến công hiển hách, trong dân gian còn truyền lại một giai thoại về ông và mối tình với ba nàng công chúa.
Từ chối ba vị công chúa chỉ để... yêu hết đời một người thường
Người ta quý trọng tướng quân Yết Kiêu không chỉ vì tài "đi dưới nước như đi trên cạn" mà người ta còn cảm phục tấm lòng của ông. Nổi tiếng khắp thiên hạ, thế nhưng ông chỉ yêu một người phụ nữ duy nhất tên là Vân (con của ông lái đò ở Bến Đá Bạc, Quảng Ninh). Tình yêu của hai người được coi là bất tử vì nàng nguyện chết vì chàng.
Tương truyền cô Vân là con của lão bộc ở Quảng Ninh, người có tấm bản đồ được vẽ ở sau lưng. Đây là tấm bản đồ dẫn đến nơi có sắt để mọi người lấy để bịt đầu nhọn cắm sông Bạch Đằng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Ít ai biết ông lái đò ấy chính là một tướng giỏi ở ẩn. Sau khi giặc xâm lấn đất nước, vị tướng ở ẩn ấy quay trở lại phò trợ Yết Kiêu đánh giặc. Trong thời gian ấy, Yết Kiêu có dịp gặp gỡ người con gái tài sắc vẹn toàn tên Vân. Hai người đều cảm mến nhau nhưng chưa kịp nói thành lời. Nàng Vân là người không tiếc tính mạng của mình, lao ra đỡ mũi tên cho Yết Kiêu trong một trận đánh, để rồi chết trên tay Yết Kiêu. Khi nàng Vân "ra đi", trái tim của Yết Kiêu cũng "đi theo" nàng. Thế nên, đến cuối cuộc đời mình, Yết Kiêu không lấy bất kỳ ai làm vợ.
Cảm biệt tài của Yết Kiêu, rất nhiều công chúa, quận chúa của triều Trần và công chúa con gái vua Nguyên Mông đem lòng thương yêu, đòi lấy làm chồng. Thế nhưng, ông kiên quyết không lấy họ dù có bị chém đầu. Tương truyền khi Yết Kiêu hộ giá hoàng tộc nhà Trần về Nam Định, khi trực tiếp chứng kiến cảnh ông lặn xuống sông giết chết Giảo Long rồi mang đầu về cho nhà vua xem, công chúa An Tư và quận chúa Đinh Lan cùng cảm mến ông. Quận chúa Đinh Lan liền tâu với triều đình xin được lấy Yết Kiêu làm chồng, thế nhưng Yết Kiêu một mực từ chối. Ông từ chối việc thay tên, đổi họ để lấy quận chúa khiến nàng vô cùng tức giận hạ lệnh chém đầu ông.
Khác với quận chúa Đinh Lan, công chúa An Tư chỉ dám thầm thương trộm nhớ Yết Kiêu. Nàng yêu Yết Kiêu, thế nhưng tình yêu ấy chỉ dám để ở trong lòng bởi nàng luôn đặt đất nước lên hàng đầu. Nàng cam tâm làm vật cống nạp sang nước Miên để đem tin tức về cho đất nước. Trước khi sang, nàng yêu cầu Trần Hưng Đạo cho gặp Yết Kiêu. Sau khi gặp xong, An Tư yêu cầu Trần Hưng Đạo cho Yết Kiêu làm cầu nối đem những tin tức nàng thu thập được về nước. Nàng giao cho Yết Kiêu bông lan đá và coi nó là vật đính ước giữa hai người. Sau nhiều lần đem tin tức từ trại giặc về nước, do sơ hở, Yết Kiêu bị giặc bắt được. Khi bắt được Yết Kiêu, chúng đem ông đến cho công chúa An Tư nhận diện. Đến nơi, công chúa An Tư nói:
- Ta quyền cao chức trọng, làm sao biết đến hạng tiểu tốt. Nếu đúng là Yết Kiêu, môi trường sống là dưới nước.
Nghe nàng nói đến đây, Yết Kiêu vùng dậy nhảy xuống sông thoát.
Không chỉ được hai vị công chúa đem lòng yêu thương, Yết Kiêu còn được cả công chúa Ngọc Hoa, con gái của vua Nguyên đem lòng yêu thương và đòi lấy làm chồng. Sau khi đánh thắng giặc, Yết Kiêu được cử đi sứ. Sang đó, vua Nguyên có ý định ép gả công chúa Ngọc Hoa cho ông. Ông không muốn lấy nhưng không thể từ chối thẳng thừng, Yết Kiêu mới xin phép vua Nguyên để trở về nước xin phép vua Trần. Nghe hợp tình, vua Nguyên cho ông về nước. Sau khi về nước, ông không sang nữa. Đã lâu mà không thấy Yết Kiêu sang, công chúa Ngọc Hoa xin phép vua cha cho sang nước Nam tìm. Khi thuyền sang đến Móng Cái, có người nói Yết Kiêu đã "về trời". Hay tin ông chết, công chúa Ngọc Hoa liền lập đền thờ cúng ông trong 7 ngày. Khi cúng, nàng nói:
- Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi,
Nói rồi nàng gieo mình xuống sông. Thấy nàng gieo mình tự vẫn, 9 nàng hầu cùng hai bá quan theo hầu cũng gieo mình xuống sông theo nàng.
Yết Kiêu yêu nàng Vân, thế nhưng ngày nay, trong đền thờ Yết Kiêu chỉ có công chúa Ngọc Hoa được thờ cùng Yết Kiêu cùng những linh vật khác. Theo lý giải của nhiều người, việc công chúa Ngọc Hoa được thờ tự chính là thể hiện mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước. Bức tượng gỗ hiện nay của công chúa Ngọc Hoa tương truyền được đẽo từ khúc gỗ nổi lên nơi Ngọc Hoa trẫm mình chết.
Xem ngay truyện hay khác
- Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Chơi khăm kiểu gà vịt (Tạo lúc: 14/03/2015)
- Ông tướng gầy (Tạo lúc: 17/03/2015)
- Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tạo lúc: 17/03/2015)
- Các truyền thuyết về Vua Hùng (Tạo lúc: 17/03/2015)
- Con voi với người quản tượng già (Tạo lúc: 22/04/2015)
- Truyền thuyết Đèo mụ Dạ (Tạo lúc: 17/05/2015)
- Nhất dạ trạch (Đầm một đêm) hay truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử (Tạo lúc: 17/05/2015)