Hàng năm, ở miền Bắc và miền Trung nước ta, cứ đến tháng bảy âm lịch (ngày Thất tịch - cũng có thể coi là Ngày Valentine châu Á) lại thấy xảy ra những đợt mưa rất lạ. Lúc đầu, quãng từ mồng ba đến mồng bẩy, mưa ồn ào từng cơn một, đột ngột xuất hiện rồi lại đột ngột dừng, mưa - tạnh, tạnh - mưa, có ngày đến ba, bốn lượt. Rồi quãng từ mồng tám trở đi, đến hết trung tuần tháng bảy, cũng vẫn những đợt mưa nhue thế, nhưng kéo dài hơn. Thường là những đợt mưa nhỏ dầm dề, nhưng xen vào giữa, lại là những cơn mưa to, đột ngột. Mưa ướt đường ướt sá, "mưa thối đất thối cát" - như có người nói, và người ta thường hay chép miệng: "Chà! Năm nay ông Ngâu bà Ngâu nhớ nhau ghê quá!".
Cũng thời gian từ mồng ba đến mồng bảy, quan sát bầu trời vào ban đêm, thường là quang đãng bởi chỉ có một vài đám mây mỏng lươt qua, người ta thấy hai ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Ngưu - Mã, trước đó ở cách xa, thì nay bống nhiên xích lại gần nhau, mỗi ngôi ở một bên của bờ sông Ngân - Hà. Ngay cạng ngôi sao sáng ở phía tả ngạn, được gọi là sao Ngưu, còn có một ngôi sao nữa, nhỏ hơn. Và giữa hai ngôi sao sáng, tức là giữa hai dải sông Ngân, có một dãy sao nhỏ, lúc ẩn lúc hiện, tựa như một chiếc cầu nối.
Sự kỳ lạ và có thể nói là kỳ diệu của bầu trời, cộng với sự kỳ lạ của những đợt mưa ở mặt đất trong những ngày tháng bẩy ấy, khiến cho bao đơi nay mọi người suy nghĩ không thôi. Tình quyến luyến của những đôi trai gái dưới trần thì ai cũng rõ. Tình cảm ấy thấy cả ở muôn vật. Thế nhưng, cũng tình cảm ấy, còn có thể thấy ở những loài tưởng như vô tri vô giác, hay không?
Nhưng kìa, tinh tú đã xích lại gần nhau. Tinh tú cũng có tình cảm ấy, chẳng khác con người. Và thế là câu chuyện Mưa ngâu (hay là chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ) nay đã ra đời, như một sự phát hiện độc đáo. Đây không phải là câu chuyện trai gái thông thường mà đã được "đẩy" lên tầm vóc vũ trụ.
Chức Nữ (hay còn gọi nàng Chức, ả Chức - tùy theo từng nơi) là con gái út của Ngọc Hoàng Thượng đế. Xinh đẹp, nếp na, lại khéo tay, chăm làm. Nàng thích nhảy mua ca hát, lại cũng thích cùng chị cùng em bầu bạn đ thăm thú khắp nơi. Trên trời, dưới đất - những miền danh lam thắng cảnh, chỗ nào cũng có mặt.
Mỗi khi đường xa mệt nhọc, hoặc trời nóng oi bức, các nàng tiên lại rủ nhau đi tắm. Thường là ở những hồ nước lớn, nhưng đôi khi cũng xuống một hồ nhỏm nước thật mát thật trong, do từ nhiều khe suối chảy về, trong một vùng thung lũng, thuộc địa giới của nước Nam ta.
Thủa ấy, ở vùng này, cũng có một chàng trai tài tuấn, hào hoa, hay đi chăn thả đàn gia súc đông đúc của nhà mình. Tên chữ của chàng là Ngưu Lang.
Hàng ngày, Ngưu Lang cưỡi trên lưng con trâu đầu đàn, có cặp sừng hình cánh cung, và khoác bên mình chiếc sáo trúc. Giữa cảnh thanh bình trời đất bao la, chàng dùng sáo diễn tả nỗi niềm sâu kín trong lòng mình. Đàn gia súc thản nhiên gặm cỏ. Ngày tháng êm ả trôi qua...
Đôi khi, đàn gia súc kéo nhau vào sâu mãi trong thung lũng. Những lúc như thế, chàng Ngưu thường ngồi trên một phiến đá phẳng, vừa để trông coi gia súc, lại vừa để ngắm nhìn hồ nước trong xanh ở phía xa xa. Giữa cảnh núi non trùng điệp, nhiều khi chàng cảm thấy cô đơn, rồi mang sáo ra thổi, diễn tả nỗi khát khao của lòng mình. Tiếng sáo của chàng lúc vút cao lên đến tận chín tầng trời, lại có lúc chúng xuống như thấm sâu vào trong lòng đất. Chẳng biết có phải vì như thế, mà thình thoảng các nàng tiên cũng giáng thế xuống nơi này?
Chỉ biết có một lần chàng Ngưu vừa ngồi trên phiến đá và mang sáo ra thổi, thì từ phía bên trên hồ nước, bỗng thấy một đàn thiên nga bay lượn. Cảnh tượng thật ngoạn mục, khiến chàng phải dừng sáo lại để quan sát. Chàng thấy, một lúc lâu sau, cả đàn thiên nga cùng đổ xuống ở bên mép nước. Lạ thay, khi trút bỏ những bộ cánh trắng muốt, thì bầy thiên nga lại hóa ra bày tiên nữ. Rồi các nàng tiên nữ cũng ùa xuống tắm ở dưới hồ.
Từ trên phiến đá, chàng Ngưu vẫn để mắt theo dõi; và lần đầu tiên trong đời, chàng kinh ngạc nhận ra các nàng tiên cũng chẳng khác với người thường, nhưng điều đặc biệt, là tất cả các nàng đều xinh đẹp.
Một nỗi ao ước chưa từng thấy, bỗng nhiên dâng lên trong lòng chàng... Từ ngày còn tấm bé, chàng đã từng được nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện về thần tiên và các nàng tiên nữ. Thì đây, ngay bây giờ, các nàng tiên ấy đang ở trước mặt chàng, chẳng phải trong mơ ước. Chàng tự nhủ thầm: "Phải lấy được một nàng tiên làm vợ".
Ước muốn ấy thôi thúc chàng hành động, không thể để chậm trế, bởi vì chàng biết thời cơ chỉ đến một lần trong đời. "Các nàng tiên bay lên trời được là nhờ đôi cánh. Vậy phải tìm cách đánh tráo bằng được đôi cánh mới xong" - chàng chợt nghĩ.
Ngay lập tức, chàng nhẩy xuống phiến đá, gài chiếc sáo lại, rồi lách qua những bụi cây rậm rạp, tiến về phía hồ nước. Trước mắt chàng hiện ra la liệt những bộ xiêm áo trắng muốt mang hình dáng đôi cánh, đang vắt lên trên các lùm cây. Ghé mắt xuống hồ, thấy các nàng tiên vẫn còn mải mê bơi lội; ngay tức khắc, chàng lách đến một bụi cây vừa gần vừa bị che khuất, gỡ lấy bộ xiêm áo đang mắc ở phía trên, đem cuộn lại. Xong xuôi, chàng lách trở lại, qua những lùm cây, theo lối tắt, chạy thẳng về nhà.
Chàng gấp bội bộ xiêm áo, gói kín lại, rồi nhét xuống đáy bồ thóc giống. Ra ngoài hiên, vơ vội bộ quần áo của em gái đang treo, vo tròn lại, rồi chàng chạy ngược về phía hồ nước. Lúc ấy, các nàng tiên vẫn đang nô đùa, té nước nhau. Yên trí, chàng đặt bộ quần áo của nhà mình lại, bên trên lùm cây lần trước, rồi nhanh chóng lách trở về, ngồi trên phiến đá, mang sáo ra, vừa thổi vừa quan sát.
Chàng thấy khi tắm xong, các nàng tiên ùa nhau lên bờ. Ai nấy mặc xiêm áo của mình vào, rồi quay lập tức cùng nâng bổng người lên bay liệng một vòng quanh hồ, đoạn, nhỏ dần, rồi cuối cùng biến mất trên nền trời rộng.
Chàng Ngưu bàng hoàng khồng còn tin ở mắt mình, nhưng đồng thời trong long chàng cũng dấy lên nỗi niềm thích thú, khi thấy ở bên hồ, một nàng tiên đang còn mải mê đi tìm xiêm áo...
Nàng tiên ấy chính là Chức Nữ, con gái út của Ngọc Hoàng thược đế. Sau một hồi tìm kiếm không được, cuối cùng nàng đành phải mặc vào mình bộ quần áo trần gian, và ngồi ở dưới lùm cây bên mép nước, thình thoảng lại ngước mắt lên nhìn trời...
Lúc ấy, ở phía tây, mặt trời đã gác núi. Cũng là lúc Ngưu Lang phải đưa đàn gia súc về nhà. Chàng lùa chúng đến bên hồ uống nước. Khi đến trước mặt Chức Nữ, chàng dừng lại, làm ra bộ sửng sốt, hỏi nàng:
- Ô hay, trời sắp tối rồi, nàng còn chờ ai mà ngồi mãi ở đây?
Chức Nũ ngẩng mặt nhìn chàng - một vẻ đẹp mê hồn nhưng thoáng chút buồn - rồi đáp:
- Thiếp là người... trời, đang ngồi chờ các chị em đem xiêm áo tới.
Ngưu Lang vẫn "tỉnh" như không:
- Thê lúc trước nàng xuống đây bằng cách nào? Chắc là xiêm áo đã lẫn ở đâu đó, để tôi đi tìm cho.
Nói rồi, chàng tiến về phía các bụi cây, vạch lá để tìm xiêm áo thật. Chức Nữ cũng đứng dậy, đi tìm cùng với chàng. Nhưng sau hàng giờ tìm kiếm, tuyệt nhiên cũng chẳng thấy xiêm áo đâu. Trời lúc ấy đã chạng vạng tối, không còn nhìn thấy dấu vết nào của một cánh thiên nga. Chức Nữ đã thất vọng ra mặt, nhưng Ngưu Lang thì trong bụng lại khấp khới mừng lắm. Chảng bảo Chức Nữ:
- Thôi, trời đã tối rồi, có tìm nữa cũng chẳng thấy gì. Chi bằng mời nàng hãy về nhà tôi tạm nghỉ. Sáng mai cả nhà lại ra đây tìm kiếm.
Thấy chẳng còn cách lựa chọn nào khác, nên sau một hồi lưỡng lự, cuối cùng Chức Nữ đành phải nhận lời, cùng Ngưu Lang dồn gia súc về nhà.
Tối hôm ấy, thấy Ngưu Lang "Đi một về hai", mọi người trong nhà chàng, lúc đầu còn ngạc nhiên, nhưng sau đó đều vui mừng ra mặt. Một bữa cơm vừa chu đáo vừa thân tình được bày ra để tiếp đãi khách. Ngưu Lang vừa ăn vừa thuật lại câu chuyện từ đầu cho cả nhà nghe, nhưng đoạn đánh tráo xiêm áo thì tuyệt nhiên chàng chẳng hề đả động tới. Em gái Ngưu Lang nhìn thấy quần áo Chức Nữ đang mặc trên người, biết ý, nhưng cũng chẳng nói gì, hơn nữa, nàng lại còn mừng thầm cho anh trai mình. Còn Chức Nữ, khi mới đến nhà Ngưu Lang, nàng thấy lạ lùng, nhưng sau mọi người vui vẻ, thân mật, nên nàng cũng bớt đi vẻ bỡ ngỡ, ngại ngùng. Trong lòng nàng, đã bắt đầu có cảm tình với Ngưu Lang. Đây không phải lần đầu nàng xuống trần, cũng không phải lần đầu nàng tiếp xúc với nhiều người dưới trần, nhưng việc có tình cảm với một người, thì đây mới chỉ là lần thứ nhât. Nàng nhớ lại khi ở trên trời, nhiều vị thiên lôi, thầm tướng cũng từng theo đuổi nàng, nhưng tuyệt nhiên nàng chưa từng có tình cảm với một ai. Tuy là người trời, nhưng họ đều là những người mặt mũi dữ tợn, tính tình nóng nảy, làm sao có thể sánh được với chàng - một người vừa đẹp vừa biết thổi sáo, lại ăn nói và đối xử dịu dàng đến như thế?
Ngưu Lang quan sát, hiểu rất rõ những cử chỉ, thái độ của nàng, Chàng điềm tĩnh nói:
- Ngày mai, cả nhà tôi sẽ cùng đi tìm xiêm áo cho nàng. Nhưng chỉ sợ lúc thấy xiêm áo rồi, nàng lại không quay trở lại đây nữa.
Chức nữ đáp:
- Xin chàng đừng lo. Nhất định tôi sẽ quay lại.
Hôm sau, cả nhà Ngưu lang đều ra phía hồ nước để tìm kiếm áo cho nàng, nhưng suốt buổi mà chẳng một ai tìm ra dấu vết. Ngày thứ hai, cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Sang ngày thứ ba tuy vẫn tìm nhưng tuyệt nhiên xiêm áo vẫn chẳng thấy đâu. Chức Nữ lại có vẻ chán nản. Thấy vậy, Ngưu Lang tìm cách động viên khuyến khích nàng. Cuối cùng, khi thấy Chức Nữ vui vẻ, như có điều gì đó thực sự quến luyến với cõi trần, thì Ngưu Lang mới nói:
- Âu đây cũng là duyên trời, xin nàng hãy suy nghĩ kỹ. Liêu chúng ta có thể lên vợ lên chồng được không?
Chức Nũ cúi đầu một hồi lâu không đáp, nhưng khi ngẩng mặt lên, mắt nàng nhìn chàng chan chứa tình yêu rồi lặng lẽ gật đầu.
Mấy ngày sau, đám cưới Ngưu Lang - Chức Nữ được tiến hành, đông vui như mở hội. Cau trầu, rượu thịt bày ra. Anh em, họ hàng, làng xóm... tất cả đều cùng đến tham dự...
Sau lễ cưới, gia đình Ngưu Lang sống với nhau những ngày thật hòa thuận, đầm ấm. Những gì tốt đẹp nhất ở cõi người, cõi tiên, đầu được họ trân trọng, giữ gìn. Một năm sau nàng sinh cho Ngưu Lang một đữa con trai vừa giống chàng lại vừa giống nàng - nghĩa là một cậu bé thật xinh đẹp và kháu khỉnh. Tuy thế, nỗi nhớ cha mẹ, anh chị em và bầu bạn nơi tiên giới, thình thoảng cũng đến xâm chiếm cõi lòng nàng.
Chàng Ngưu vẫn đi chăn thả gia súc như ngày trước. Còn nàng ở nhà, vừa trông con vừa đảm đang quán xuyến công việc trong nhà. Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, chị dâu - em chồng trong nhà nàng, thảy đều rất tốt đẹp...
Thường thì Ngưu Lang chiều tối nào cũng về, nhưng khi chăn thả xa, chàng phải ngủ lại ngoài lán trại, có khi đến hai, ba ngày liền.
Vào một lần như thế, trời nắng ráo, lại sắp đến kỳ gieo mạ, nên hai mẹ con nàng ở nhà xúc thóc giống ra phơi. Nào ngờ, vừa đến lớp đáy, bống gói nhỏ hiện ra. Ngạc nhiện, nàng mở ra xem thì thấy bộ xiêm áo cũ của mình.
Thật khó mà nói hết tình cảm của Chức Nữ lúc này. Một mặt, nỗi nhớ nơi tiên giới bỗng chốc trở da diết đối với nành. Mặt khác, nàng cũng giận chàng Ngưu bấy lâu nay sao không nói thật cùng nàng. Và thế là trong lúc bồng bột không kìm nổi lòng mình, nàng đã mặc bộ xiêm áo ấy, rồi... bay bổng lên trời - điều mà sau này sẽ làm cho nàng, mỗi khi nhớ lại đều cảm thấy hối hận vô cùng.
Khi chàng Ngưu lùa đàn gia súc về nhà, thấy bồ thóc đang phơi và thấy đứa con nhỏ bơ vơ thì chàng đã hiểu điều tai hại nhất đã xảy ra: nàng giận chàng bỏ về trời rồi. Ôi! Phải chi chàng đã nói thực cùng nàng! Chàng vội đi vào phòng, thấy còn chiếc trâm dể ở trên bàn - chắc khi phơi thóc nàng đã gỡ ra cho đỡ vướng.
Nỗi hối hận ngày đêm vò xé tâm can chàng. Chàng không nhân tâm đến mức đốt bỏ bộ xiêm áo ấy, nhưng rõ ràng chàng đã lần nữa... để rồi cuối cùng, phải chuốc lấy cơ sự này.
Chàng chẳng thiết ăn uống, cũng chẳng thiết làm lụng - đêm ngày chỉ thui thủi cùng đứa con thơ. Mấy ngày sau, chàng trao đàn gia súc lại cho gia đình, rồi dắt con đi tha thẩn khắp nơi, ngõ hầu có thể tìm lại dấu vết của nàng. Nhưng tìm đâu cho thấy?
Nhớ lại kỉ niệm sưa, chàng lại cùng con đến bên hồ nước. Hồ nước vẫn như xưa, những bụi cây cũng vẫn như xưa, nhưng sao chàng cảm thấy vô tình. Những đám mây trắng bay ngang qua, gợi nhớ những cánh thiên nga thủa nào, chỉ làm cho chàng thêm sầu thêm tủi. Những sỏi đá bên hồ cũng chẳng còn lưu dấu bàn chân nàng. Phiến đá phía xa xa kia, chàng dõi nhìn mà chỉ thấy mở mờ ảo ảo... Thê là hết! Và chàng đem cây sáo ra thổi cho vơi nỗi cô đơn, cô quạnh của lòng mình.
Ôi! Tiếng sáo! Chỉ có tiếng sáo mới diễn tả được nỗi buồn, nỗi nhớ và sự ân hận của chàng. Nó vút cao lên và ngân dài ra mãi, rồi đột ngột, nó chùng xuống, để rồi thổn thức những lời tắc ngẽn, tựa như tiếng trái tim đang đập khắc khoải trong lồng ngực chàng. Tiếng sáo như hòa vào làn nước, như thấm vào kẽ đá, tưởng chừng rồi nước sẽ khô đi, đá sẽ tan ra...
Cứ như thế, đã mấy ngày trôi qua. Nỗi buồn của chàng cũng đã đến độ tột đỉnh - chàng không còn thấy thiết sống nữa... Thế rồi bỗng một hôm, khi chàng đang bải hoải cả tâm hồn lẫn thể xác, thì từ trên trời cao, có một cánh thiên nga xuất hiện. Cánh thiên nga mỗi lúc một lớn dần, rồi cuối cùng, đỗ xuống trước mặt chàng là một nàng tiên quẩy đôi thùng gánh nước.
Khi nàng tiên múc nước xong quay lên bơ, thì chàng Ngưu đã dắt con chạy ngay tới trước mặt. Chàng hỏi xem nàng có biết nàng Chức, con gái út của Ngọc Hoàng, hiện đang có mặt ở thượng giới hay không? Nàng tiên lắng nghe rồi lặng lẽ gật đầu. Ngưu Lang bèn kể lể rồi trao cho nàng chiếc trâm của Chức Nữ khi trước.
Nàng tiên ấy chính là một thị nữ, hàng ngày vẫn ở bên nàng Chức. Khi tiếng sáo của chàng Ngưu thấu đến cõi thiên cung thì nàng Chức cầm lòng chẳng được, bèn xin với mẫu hậu bí mật cho nàng thị nữ xuống trần.
Khi trở về cõi trời, Chức Nữ chỉ vui vẻ được có mấy ngày đầu. Sau bao năm xa cách, nay gặp lại cha mẹ, anh chị em và bầu bạn thì còn nỗi mừng nào hợn? Nhưng rồi mấy ngày ấy cũng mau chóng qua đi, để thay vào, là nỗi buồn, nỗi nhớ và niềm xót xa ân hận. Hình ảnh chàng Ngưu và đứa con thơ chẳng khi nào rời khỏi tâm trí nàng. "Đúng! Chàng đá giấu ta, không nói thật về bộ xiêm áo. Nhưng thử hỏi chàng làm như thế để làm gì? - Chàng không muốn ta về trời, là để muốn ta ở bân chàng mãi mãi. Chàng yêu ta thực lòng. Và ta, ta cũng yêu chàng đúng như vậy".
Nhưng khi Chức Nữ hối lại thì tất cả đều đã muộn. Từ khi biết chuyện nàng xuống trần rồi để mất xiêm áo, Ngọc Hoàng tức giận đã ra lệnh từ nay cấm chỉ các nàng tiên dong chơi xuống trần, và lệnh ấy được các vị thiên lôi, thần tướng thi hành nghiêm cấm.
Đến khi Ngưu Lang dắt con đến bên hồ nước, cất tiếng sáo ai oán, não nùng, thì Chức Nữ nghe thấy, tưởng như trái tim mình đang bị xé rách ra từng mảnh. Nàng năn nỉ với mẫu hậu, trộm phép vua cha, cho nàng thị nữ thân tín xuống trần, giả là đi gánh nước. Khi nàng thị nữ trở về, thuật lại những điều trông thấy và đưa chiếc trâm, thì nàng không cầm lòng được, khóc lên những hồi thảm thiết...
Thương con gái út bé nhỏ tội nghiệp, mẫu hậu cũng rầu rĩ, đững ngồi không yên, cuối cùng bà cũng phải tính nước "liều". "Nếu Chức Nữ không xuống dưới ấy được thì ta đưa hai cha con Ngưu Lang lên trên này thôi" - bà nghĩ.
Mẫu hậu được Ngọc Hoàng trao cho việc tay hòm thìa khóa của cung đình, nên bà đã vào trong kho tìm thấy hai bộ "quần áo", một lớn một nhỏ - của tiên nam và tiểu đồng - đưa cho nàng thị nữ, bảo mang xuống, cho hai cha con Ngưu Lang mặc.
Quả nhiên chưa đầy một giờ sau, hai cha con Ngưu Lang đã có mặt ở thiên đình, mẹ gặp con, vợ gặp chồng, mừng mừng tủi tủi, thật không bút nào tả xiết.
Nào ngờ, giữa lúc đang diễn ra cuộc đoàn viên, thì có mấy vị thiên lôi đi canh gác ngang qua. Các vị nạt nột một hồi, khiến mọi người sợ đến hết bóng vía. Sợ chuyện đến tai Ngọc Hoàng, mẫu hậu đành phải cất vội "quần áo" tiên vào kho, rồi bảo Chức Nữ hãy mau thu xếp để cha con Ngưu Lang trở lại cõi trần. Cực chẳng đã, Chức Nữ phải đi nấu bữa cơm tiễn biệt. Nàng khồng quên bớt lại một bát đem gói chặt, để trên đường về đứa con ăn cho đỡ đói lòng.
Vì hai cha con Ngưu Lang bây giờ chỉ mặc quần áo cõi trần, nên cuộc đi về phải chuẩn bị cũng thật nhiêu khê phức tạp. Chức Nữ phải xin mẫu hậu một chiếc mảnh có dây rất dài để dòng xuống. Lại xin một chiếc trống để khi chạm đất, Ngưu Lang gõ vào làm tín hiệu, ở trên Chức Nữ còn biết mà cắt dây.
Đường từ cõi tiên xuống cõi trần thật xa xôi muôn dặm, cách trở ngàn trùng. Nếu có quần áo tiên cũng chỉ bay trong chốc lát, nhưng vì mặc quần áo trần, nên thật chậm chạp, lại vất vả, nhọc nhằn. Khi gần cuống đến nơi, đã trông thấy mặt biển mênh mông bát ngát ở phá dưới, thì đứa trẻ mệt quá rồi bỗng nhiên kêu đói. Nó quằn quại khiến Ngưu Lang không thể đành lòng, vội giở gói cơm, đặt trên miệng trống cho con ăn. Nào ngời, giữa lúc đứa bé đang ăn, có một đàn quạ đói bay ngang qua, ngó thấy. Chúng tranh nhau nhào xuống, giương mỏ mổ lấy bổ lấy bổ để. Tiếng trống liên hồi từ đấy phát ra, khiến cho Chức Nữ ở trên tưởng đã chạm đất, bèn cầm dao cắt dây. Thế là hai cha con chàng Ngưu cùng chiếc trống, chiếc mảng rơi tõm xuống biển, trôi nổi bập bềnh... Thấy thế, bầy quạ sợ quá bay túa lên, vừa bay vừa kêu quang quác, làm náo loạn cả một góc trời.
Nghe thấy tiếng quạ, nàng Chức cho là điểm gở, vội vàng ngó xuống và nhận ra hai cha con chàng Ngưu trên chiếc mảng, đang bị sóng biển sắp sửa nhấn chìm. Nàng cả sợ, vội đem việc ấy bẩm báo với vua cha. Thương tình con gái, Ngọc Hoàng phái hai vị thiên lôi vào kho lấy hai bộ quần áo tiên có cánh, đem xuống cho hai cha con chàng Ngưu để bay về trời. Ngài chưa cho hai vợ chồng chàng gặp nhau vội, mà bắt mỗi người ở một nơi, để chờ xét hỏi.
Mấy ngày sau, khi nghe hai vị Nam Tào Bắc Đẩu đi điều tra về bẩm báo, Ngọc Hoàng sai thiết triều quyết án. Mặc dù rất thương con gái, nhưng ngài không thể không xử cho thật công minh. Là người nắm luật pháp cao nhất trên trời, Ngài không chấp nhận có ngoại lệ nào kể cả với con gái - điều mà nhiều tòa án dưới trần đã không học được. Nhiều tòa án dưới trần chằng những nương nhẹ cho người thân, mà có khi, còn đầu hàng trước cả quyền lực, tiền bạc, và chính vì vậy, đã không trừ diệt được tận gốc tệ nạn tham nhũng và tệ nạn khác.
Trước những chứng cứ không thể bác bỏ của Nam Tào Bắc Đẩu: Ngưu Lang Chức Nữ đều cúi đầu thừa nhận những sai phạm của mình, nhưng họ cũng nói: "TÌnh yêu giữa hai người là chính đáng, dám mong Bệ hạ minh xét".
Ngọc Hoàng gật đầu công nhận, rồi Ngài đứng dậy quyết án: "Ngưu Lang - Chức Nữ từ nay vĩnh viễn được nên vợ nên chồng", nhưng do đã phạm "giới luật thiên đình", nên "gia đình không được thường xuyên đoàn tụ".
Đã là con rể của Ngọc Hoàng, nên Ngưu Lang không phải về cõi trần, mà ở lại "trông coi đàn gia súc của thiên đình". Còn Chức Nữ, từ nay đã có gia đình nên cũng bớt chơi bời, mẫu hậu sẽ giao cho nàng "quay tơ dệt vải", để có công ăn việc làm. Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ ở hai bên bờ của sông Ngân Hà, hàng năm chỉ được đoàn tụ trong năm ngày, "từ mồng ba đến mồng bảy tháng bảy" (tính theo âm lịch ở hạ giới). Trong những ngày này, lũ quạ vì tham lam tranh cơm của đứa trẻ, nên phải "lấy đầu ra để làm cầu bắc qua sông Ngân", cho Ngưu Lang, Chức Nữ và đứa con qua lại gặp nhau.
Đứa con của hai người, vì còn bé, nên được quền lựa chọn: ở với cha hay ở với mẹ cũng được. Nhưng vì là con trai thích chạy nhảy nên khi được hỏi, nó đã nói: "Xin cho cháu được ở với bố".
Ngọc Hoàng vừa giảng giải vừa phán quyết xong, không thấy các "đương sự" có thắc mắc gì. Ngài bèn cho gọi các vị tinh tú đến để giao cho thi hành công vụ.
Xưa nay tính tú vẫn được dùng để định vị các quyết định của Ngọc Hoàng, để người hạ giới trông lên còn biết, bởi vậy ngài đã ra lệnh:
- Sao Khiên Ngưu là biệt tượng của chàng Ngưu, ở bên tả (trái) sông Ngân, có một ngôi sao nhỏ đi kèm, là biểu tượng của đứa trẻ.
- Sao Chức Nữ là biểu tượng của nàng Chức, ở bên Hữu (phải) của sông Ngân.
- Hàng năm từ mồng ba đến mồng bảy tháng bảy, hai ngôi sao Ngưu Lang - Chức Nứ sẽ về "đóng" tại hai bên bờ sông Ngân, ở giữa là một dãy sao nhỏ - biểu tượng của đàn quạ.
Từ rất lâu rồi, người ở hạ giới đã truyền nhau coi Ngưu Lang - Chức Nữ là những vị thần, vĩnh hằng cùng trời đất. Vì vậy, khi nhắc đến họ, người ta đã gọi trệch là "vợ chồng Ngâu". Các vị thần thánh cùng các vị vua chúa ở phương Đông, chẳng bao giờ muốn bàn dân thiên hạ gọi thẳng tên mình, vì cho như thế là phạm thượng, và điều đó từ lâu đã thành luật lệ rồi.
Tuy vậy, lòng người hạ giới, nhất là ở đám bình dân, bao giờ cũng thực độ lượng, bao dung. Mặc dù Ngưu Lang - Chức Nữ đã là thần thánh, nhưng hằng đêm, mọi người vẫn dõi nhìn lên bầu trời, để chia sẻ nỗi niềm với hai vợ chồng cùng đứa trẻ bất hạnh. Và họ cũng gọi những cặp vợ chồng ở dưới trần có hoàn cảnh tương tự, là "Vợ chồng Ngâu".
Từ mồng ba đến mồng bảy tháng bảy âm lịch, thường có những đợt mưa ngắn - ấy là nước mắt của vợ chồng chàng Ngưu và đứa con, trong những ngày gia đình đoàn tụ, mừng mừng tủi tủi...
Còn từ mùng tám trở đi, có khi đến trung tuần tháng bảy (tức là ngay 20), mưa những đợt dài hơn hoặc mưa dầm dề - ấy là nước mắt của họ trong cảnh chia ly bắt buộc. Trong những ngày này, nàng Chức vừa khóc vừa quay tơ kéo sợi - những sợi tơ rối trắng ngần hòa lẫn cùng nước mắt, rải đều xuống khắp các miền của cõi nhân gian (1).
Người ở hạ giới tuy nhớ rất kỹ và biết rất rõ chuyện tình của Ngưu Lang - Chức Nữ nhưng khi nói ra thì lại ngắn gọn. Họ gọi: "Tháng bảy là tháng mua ngâu". Họ gọi những ngày hai vợ chồng chàng Ngưu gặp nhau rồi lại chia xa, đơn giản là: "vào mồng ba ra mồng bẩy, dẫy mồng tám".
Chỉ có như vậy thôi, nhưng chứa đựng trong đó, muôn thủa là một câu chuyện tình yêu, vừa say đắm và cũng vừa cay đắng!
(1) Trong tháng có mưa Ngâu, các loài giáp xác (chủ yếu là niềng niễng) đang kỳ sinh nở, chúng "tiết" ra hàng mớ tơ rối trắng ngần, hòa lẫn cùng nước mưa hoặc theo gió, tung bay vương vãi khắp nơi. (T.G)