Thời đức phật còn tại thế, có một bà mẹ đau khổ khi đứa con mình mất đi. Bà thì giàu và đông con, nhưng mất một người con bà cũng quá đau khổ, vì tình mẹ lúc nào cũng thương con. Bà ôm cái xác đứa con đến gặp Đức Phật và xin Phật làm cho đứa trẻ sống dậy. Bà cũng biết rằng Đức Phật là người có thần thông siêu Việt.
Bà quá đau khổ, nhưng mà nghiệp quả thì con bà không sống được nữa. Khi đó, Đức Phật biết rằng Ngài nói sẽ vô ích, một người quá đau khổ rồi thì không có lý luận nào có thể chữa được hết những lúc đó. Và Ngài biết để chữa đau khổ của bà chỉ có một cách là làm cho bà biết rằng rất nhiều người cũng đau khổ giống như bà. Ngay khi bà vừa cầu xin thì Đức Phật nói: "Được, con hãy đến nhà nào mà không có ai chết, xin nắm tro về, ta sẽ làm đứa con con sống lại."
Bà mừng quá, để xác đứa con lại cho những người tùy tùng giữ. Bà lật đật chạy đi hết nhà này đến nhà kia xin, đến nhà nào bà cũng hỏi: "Nhà có ai chết không?".
Người kia nói: "Nhà tôi có người chết, ba tôi mới mất, tôi vô cùng đau khổ".
Người khác: "Em tôi mới chết".
Người nọ: "Con tôi mới chết".
Bà đi một loạt hết thì mới biết nhà nào cũng có người chết và ai cũng quá đau khổ. Bà chợt hiểu ra một điều rằng, sống trên đời này cái chết là điều không thể tránh khỏi và ai cũng phải chấp nhận cái đau khổ là người thân mình đều phải chết. Có khi người thân mình chết già, có khi người thân mình chết trẻ, nên bà tỉnh ngộ.
Lúc đó, bà dắt đoàn tùy tùng cùng với xe ngựa trở về Tinh xá. Bà bước xuống với khuôn mặt thanh thản, nước mắt đã khô, lòng đã lắng dịu vì biết rằng đau khổ là một sự thật. Ai cũng phải đau khổ, không phải chỉ có một mình mình.
Nhờ trí tuệ của Đức Phật đã làm cho nỗi đau của bà được vơi xuống, bà bĩnh tĩnh chấp nhận cái chết của con mình. Vì Ngài biết rằng lúc đó Ngài có giảng một bài Pháp mênh mông thiên địa, thì trong hoàn cảnh của bà cũng là vô ích.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy trí tuệ của Đức Phật là vô cùng vĩ đại.