Tương truyền, xưa kia Hộ Minh Bồ Tát tu tập ở cung trời Đâu Suất đã sắp viên thành đạo quả, trải qua hằng hà sa số kiếp cũng chỉ còn một kiếp cuối cùng để chứng đắc thành Phật. Lúc này ở thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), đức vua Tịnh Phạn đang âu lo vì ông đã đến tuổi xế chiều mà hoàng hậu vẫn chưa hạ sinh được một vương tử để kế nghiệp ngai vàng. Lại nói, từ xa xưa cách lúc đó chín mươi mốt đại kiếp, vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thy đang tại thế, một nữ nhân đã đến cúng dường và tỏ lòng mong ước rằng muốn sau này được làm mẹ của một vị Phật và sau vạn kiếp luân hồi người ấy đã thác sinh vào hoàng tộc và trở thành vợ vua Tịnh Phạn, chính là hoàng hậu Maya.
Đến một đêm, hoàng hậu nằm chiêm bao thấy bốn vị thiên vương nâng bốn chân giường của bà bay thẳng lên đỉnh núi Himalaya. Từ trên trời có một con voi trắng rẽ mây bay xuống, voi đưa cho hoàng hậu một cành hoa sen rồi chui vào hông phải của bà. Hoàng hậu Maya tỉnh giấc, chợt thấy hân hoan trong lòng, bà kể lại cho các đại thần và họ đều đoán mộng rằng bà đã thụ thai, hoàng gia sắp có tin vui.
Theo phong tục nước Ấn lúc bấy giờ, hoàng hậu phải trở về quê hương của mình để hạ sinh hài nhi. Khi đoàn xe đang đi ngang vườn hoa Lumbini (Lâm Tỳ Ni_Nepal ngày nay), bà cho lệnh dừng lại và đi dạo quanh vườn. Hoàng hậu Maya dừng lại bên một cây to, bà nhìn thấy những bông hoa vô ưu đang nở. Cổ nhân bảo rằng loài hoa này đúng ba ngàn năm mới nở một lần và chỉ nở khi có bậc thánh nhân ra đời. Bà nhẹ nhàng ngắt một bông hoa. Đúng lúc ấy hoàng hậu trở dạ và hạ sinh thái tử ngay dưới gốc cây, từ trên không có chín con rồng bay xuống phun ra hai dòng nước nóng lạnh tắm cho thái tử, các vị thánh hiện ra trỗi nhạc và rải hoa mừng bậc giác ngộ giáng thế. Cùng hôm ấy, có những sinh mệnh khác cũng ra đời, đó chính là cây bồ đề_nơi Ngài thiền định, công chúa Yashodhara (Da Du Đà La_vợ của Ngài), con ngựa Kantaka (ngựa Kiền Trắc đưa Ngài trốn khỏi kinh thành), Channa (Xa Nặc_người hầu cận Ngài), con voi Kaludayi_người bạn thân thuở nhỏ của Ngài. Điều kì lạ xuất hiện, thái tử vừa chào đời đã đứng dậy và bước đi, nơi mỗi dấu chân của Ngài trên mặt đất lại nở ra một đóa hoa sen. Đến bước thứ bảy thì Ngài dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn."
Tin vui về đến kinh thành, vua cho kiệu mừng nghênh đón Ngài về cung điện, cả kinh đô nhộn nhịp, thần dân ca hát chào đón thái tử điện hạ. Sau khi hội họp cùng các vị quan tinh thông văn học, nhà vua quyết định đặt tên con là Siddhartha (Tất Đạt Đa), theo họ Gautama (Cồ Đàm), là nói dõi của dòng tộc Sakya (Thích Ca). Từ trên núi cao, một vị đạo sĩ có khả năng nhìn được quá khứ và vị lai tên là Asita (A Tư Đà) đã quyết tìm đến kinh thành để được chúc phúc cho thái tử. Khi vừa diện kiến tiểu thái tử, ông bật khóc, cúi xuống hành lễ và nói: "Thái tử có đủ ba mươi hai hảo tướng và tám mươi vẻ đẹp, trong tương lai nếu bước lên ngai vàng thì sẽ làm vua của những vị vua và nếu tu hành thì sẽ chứng đắc trở thành bậc đại giác ngộ xưa nay chưa từng có. Tiếc là tôi đã già yếu, có lẽ sẽ không sống đến khi thái tử thành đạo để được lĩnh hội giáo pháp của Ngài."