Hoàng đệ Vi Ta gò cương ngựa, quay sang lão tướng Kiên Đà:
-Ta muốn đi tản bộ để được cùng lão tướng đến cạnh các đạo sĩ tu khổ hạnh trong rừng già này.
Ðội ngựa dừng lại ngoan ngoãn, hai người cùng nhảy xuống đất. Trong khi chờ đợi vị lão tướng của mình buộc xong ngựa vào gốc cây, Hoàng đệ Vi Ta đưa mắt nhìn theo con đường mòn sâu thẳm, mơ màng suy tưởng đến những cảnh trí mình sắp được trông thấy: "Dưới tàn cây, hốc đá của rừng xanh vắng lặng, thân đạo sĩ uy nghi như thần tượng.
Ðiệu nhạc thoảng lên từ hơi gió ngàn phương, thanh tịnh vô cùng như nâng hồn người thoát tục cao thêm mãi tận hư vô. Thật là huyền diệu".
- Xin mời Ngài đăng trình.
Vi Ta bỗng quay lạ, nhìn lão tướng Kiên Đà và nói với giọng u buồn:
- Lão tướng ạ! Lâu nay ta ôm ấp một mối băn khoăn khó giải. Ta tưởng đến một hướng đi cho cuộc đời. Phải chọn một trong hai con đường: Một là bằng mọi cách, chiếm đoạt tất cả những gì mình ao ước để tạo được hạnh phúc hiện tiền, hai là ép buộc thân xác vào cảnh thiếu thốn, khổ hạnh để hủy diệt thân này mà được hạnh phúc trong tương lai. Ta không tán thành cách tu tập của các vị Sa môn theo đạo Phật, vẫn ăn uống đầy đủ mà luyện tâm thanh tịnh.
Lão tướng có hiểu được ta chăng!
Ta buồn vì anh ta Hoàng Ðế A Dục, một bậc trí tuệ, một vị anh hùng cái thế lừng danh của Ðại quốc Magada này lại bị cám dỗ bởi những lời đường mật của hàng đệ tử của Phật. Nhưng mà thôi, ta không nên nhắc chuyện ấy lại làm chi, lão tướng hãy dẫn ta vào tận núi thẳm rừng sâu để ta được chiêm ngưỡng các đạo sĩ tu khổ hạnh.
Lão tướng Kiên Đà đăm chiêu nghĩ ngợi, lão vẫn giữ im lặng khi bước đi bên cạnh ông Hoàng. Nhưng bỗng vị cận thận chỉ về hốc đá, cung kính:
- Tâu Hoàng đệ, dưới hốc đá, một bóng hình đạo sĩ.
Ông Hoàng tiến nhanh về phía hốc đá. Dưới tàn cây rậm rạp, một đạo sĩ gầy như một bộ xương khô. Ðôi mắt sâu như hai vực thẳm, và cái đầu tóc, tóc dài quanh rối ghê gớm, phủ kín cả đôi vai, tỏa xuống bộ sườn trần trụi. Thân thể đạo sĩ ở trong tình trạng gần như chết hẳn, chỉ còn cái lưng vẫn giữ thẳng, lồng ngực hồi lâu thấp thỏm.
Hoàng đệ Vi Ta đến bên cạnh đạo sĩ:
- Bạch Ðại Ðức, Ngài tu hành khổ đạo đã bao năm rồi mà thân xác ốm yếu như thế này? Thật đệ tử lấy làm bái phục.
Ðạo sĩ vẫn nhắm nghiền đôi mắt trả lời:
- Ðã mười hai năm rồi, mười hai năm mong giải thoát chiếc thân uế trược này để linh hồn siêu thoát.
- Bạch Ðại Ðức, Ngài dùng món chi để nuôi mạng qua ngày?
- Bần đạo ăn rễ rau và trái cây thôi.
- Bạch Ðại Ðức, Ngài ăn nghỉ ở đâu?
Ðạo sĩ chỉ đồng cỏ khô bên cạnh:
- Bần đạo nằm nghỉ trên đống cỏ khô này.
- Bạch Ðại Ðức, trên đường tu học Thiên Ma bách chiếc, những chướng ngại nào làm tâm hồn Ngài không an tịnh?
Ðạo sĩ lắc đầu tỏ vẻ chán nản:
- Ðiều làm cho bần đạo khổ công và tốn nhiều công phu nhất là nhìn thầy những đôi chim trời, thú rừng "nhảy nhót" với nhau.
Hoàng đệ Vi Ta buồn than:
- Ngài đã thấy chân đích của sự tu hành sắp đạt đến chưa?
Ðạo sĩ yên lặng giây lâu, Ngài khẽ lắc đầu rung rinh mớ tóc dày:
- Họa may khi thân xác này tàn rụi!
Ông Hoàng đứng dậy nét mặt buồn rười rượi. Mười hai năm khổ hạnh hành hạ thân xác đến cùng kiệt mà vẫn chưa diệt hết được dục tình, dục ác! Phải đợi đến khi cái thân này hủi diệt, các giác quan không còn cảm xúc, cái biết hoàn toàn vô năng lực thì mới tin rằng có thể đạt được chân lý?
Lão tướng Kiên Đà đến bên cạnh góp lời:
- Xin Ngài chớ khá bận tâm! Chúng ta còn viếng thăm đôi vị danh tiếng nữa rồi Ngài được tận mắt tỏ tường, sức chịu đựng khổ đau vô cùng tận để mong cho cuộc đời riêng thoát khỏi khổ đau của kiếp người.
Hoàng đệ Vi Ta khua tay:
- Ta hiểu đủ rõ lão tướng ạ! Chúng ta sắp sửa về đi thôi.
Chiều đã xuống bóng cây đổ dài trên đường. Trước khi lên ngựa ông Hoàng quay lại vị cận thần nói:
- Kiên Đà ạ! Sự tu hành của vị Ðạo sĩ kia khó khăn biết là bao mà chưa thoát được ước muốn tầm thường. Thế các vị Sa môn tu theo Ðạo Phật ở trong các chùa viện, tuy sống trong chay tịnh đạm bạc nhưng no ấm, thì làm sao mà thành tựu được đạo quả. Ấy thế mà Hoàng huynh ta vẫn mãi cung kính, cúng dường cho họ.
Lão tướng Kiên Đà không trả lời. Và trên đường về hai người lặng lẽ cho ngựa chạy chậm chậm. Trong tâm trí mỗi người đều nặng một nỗi suy tư.
- Kìa lão tướng Kiên Đà và cả Ðại thần Châu Ðàn nữa. Các Ngài làm gì ở đây?
Ðại thần Châu Ðàn cung kính trả lời Hoàng đệ Vi Ta:
- Tâu Ngài, trời hè nóng bức, Hoàng đế tắm ở trong cung, cho nên chúng tôi đứng đây giữ long bào và mão ngọc.
Ông Hoàng Vi Ta nhìn đăm đăm vào chiếc vương miện trên tay Châu Ðàn. Vị Ðại thần biết ý, đưa chiếc vương miện lên trước mặt hoàng đệ Vi Ta:
- Thưa Hoàng đệ, đây quả thật là một chiếc mão vô giá và đẹp nhất kinh thành. Nó kết bằng một trăm hạt xích châu, hai trăm hạt lưu ly và năm mươi hạt mã não. Lót bên trong là gấm quý xứ Ty La và ở ngoài bọc vàng Ðề Bạt.
Ông Hoàng tỏ ý thèm thuồng :
- Thật là một chiếc vương niệm quý giá và đẹp đẽ vô cùng ước gì ta sẽ được một chiếc nhỉ!
Lão tướng Kiên Đà nhìn Vi Ta, mỉm cười :
- Thưa Hoàng đệ, với dung mạo đẹp đẽ uy nghi và gương mặt khôi ngô của Ngài, nếu Ngài đội chiếc vương miện quý giá này thì hạ thần sẽ tưởng đến một vị trời Ðế Thích vừa giáng hạ.
Vi Ta khoái chí, cầm chiếc vương niệm mân mê.
Ðại thần Châu Ðàn liếc nhanh về phía ông hoàng:
- Lão tướng Kiên Đà nói đúng đấy. Thưa Hoàng Ðệ, Ngài hãy đội thử để chúng tôi chiêm ngưỡng dung nhan.
Hoàng đệ mỉm cười nhìn quanh:
- Nhưng ta ngại…
Châu đoàn cướp lời:
- Thưa không, Hoàng đế mới đi tắm. Vả lại, Ngài là Hoàng đế tương lai kia mà. Chiếc vương miện này sẽ là của Ngài.
Kiên Đà phụ hoạ :
- Vâng, Ngài sẽ là Hoàng đế. Ngài hãy đội thử tý thôi.
Hoàng đệ Vi Ta không còn tự chủ được lòng ham muốn. Ngài trịnh trọng đặt chiếc vương miện lên đầu và dang ra xa:
- Các khanh ngắm ta có đẹp không nào?
Bổng cửa phòng vụt mở và Hoàng đế A Dục đã bước ra khỏi phòng.
Vi Ta hốt hoảng đứng ngây người chiếc vương miện vẫn còn mang trên đầu.
Nghiêm nghị Hoàng đế A Dục phán:
Ngự đệ Vi Ta! Hành động của ngươi tố cáo một tham muốn cuồng loạn.
Ông Hoàng Vi Ta quỳ xuống run run van xin:
- Em khờ dại lầm lỗi. Xin Hoàng huynh mở lượng bao dung. Thật tình em không có lòng bội phản chỉ một phút…
Hoàng Ðế A Dục cắt nganh lời:
- Pháp luật nghiêm minh của triều đình không cho phép ta dung tha, dù tội phạm chính là em ruột ta.
Rồi đổi sắc mặt Ngài truyền lệnh:
- Lực sĩ đâu. Hãy dẫn phạm nhân ra pháp trường.
Vi Ta sụp xuống chân vua, nức nở khóc. Các cận thần cũng lạy lục, xin vua thương tình, giảm tội. Hoàng đế A Dục hạ giọng và chậm rãi, Ngài nói:
- Ta niệm tình các khanh! Và để thỏa lòng ước muốn của em ta, ta sẽ cho Vi Ta làm vua trong bảy ngày, nhưng…
Ngài dừng lại một lát, rồi nhìn thẳng vào Hoàng đệ Vi Ta, ngài tiếp:
- Nhưng sau bảy ngày làm Hoàng đế, ngươi sẽ phải chịu y luật tử hình.
Hoàng đế A Dục đỡ Vi Ta dậy, truyền khoác thêm áo cẩm bào và bảo các quan đón rước Vi Ta về cung điện đặt lên ngôi cao cả.
Trước sân rồng, Hoàng đế Vi Ta tiều tuỵ, rũ rượi trong bộ áo cẩm bào, phủ phục dưới bệ. Hoàng đế A Dục nghiêm nghị:
- Ngự đệ Vi Ta!
- Dạ !
- Bảy ngày đã qua! Trong bảy ngày trên ngôi vàng điện ngọc, say sưa bên cung nữ yêu kiều, có trong tay muôn vạn quyền lực, hẳn em đã được sung sướng rồi chứ?
Hoàng đệ Vi Ta ê chề, chán nản:
- Tâu Hoàng huynh, em khổ lắm Hoàng huynh! Ngồi trên nệm gấm vương giả, chung quanh dìu dặt tiếng nhạc, tiếng ca của những cung tần mỹ nữ, nhưng lòng em không thể nào vui được khi trí em mãi nghĩ đến lưỡi gươm sáng quắc của tên đao phủ, đến dòng máu đào phun giọt từ cổ em sau khi chiếc đầu em lăn lóc. Trời ơi! Lại thêm nỗi, mỗi khi hoàng hôn vừa tắt, bốn tên lực sĩ Chiên Ðà La đứng bốn góc Hoàng cung, tay cầm gươm trần, tay nắm xích sắt, khua lổn cổn hô to: "Một ngày qua. Một…còn sáu ngày nữa, tân vương sẽ bị chặt đầu. Cái chết của Ngài đang đi tới… một ngày qua…"
Hoàng đệ Vi Ta buông tiếng thở dài não nuột, rồi tiếp:
- Tâu Hoàng huynh, mỗi tiếng nói của họ là mỗi lưỡi gươm nhọn đâm vào tim em. Suốt cả bảy ngày, em sống trong phập phồng lo sợ. Ngai vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ, quyền lực danh vị nào có nghĩa lý gì đâu khi tâm em đang đau khổ, Hoàng huynh ạ! Rồi Vi Ta bưng mặt khóc nức nở. Ðôi vai run run trong chiếc cẩm bào rộng. Bá quan đều cảm động.
Vua A Dục từ từ bước xuống ngai vàng, đến bên cạnh đỡ em Ngài dậy, dịu dàng an ủi:
- Vi Ta em! Trong cái danh vị cao cả nhất của người đời, em chỉ sợ sệt, lo âu chết mất một thân này, một kiếp này mà cảm thấy thống khổ đến như thế.
Vậy em hãy nghị lại, các vị Sa môn tu theo đạo Phật, họ luôn luôn nghĩ đến cảnh sanh, già, bệnh, chết của hết thảy con người, trong vô lượng kiếp, qua nhiều cảnh giới đau thương khốn nạn như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì thử hỏi ăn một đôi bữa trong ngày, khoác hài gai áo vải, có gì là sung sướng đâu em!
Hoàng đệ Vi Ta trầm ngâm nghĩ ngợi, Ngài nhớ lại những băn khoăn trước đây của mình mà đã có lần Ngài thổ lộ với lão tướng Kiên Đà.
- Tâu Hoàng Thượng…
Vua A Dục không để em nói hết lời:
- Ta đã hiểu hết những thắc mắc của em. Có phải em đã cho rằng cần phải tu hành ép xác, làm tê liệt giác quan mới có thể tạo được tâm thanh tịnh. Và sự thật đã trả lời cho em như thế nào. Vi Ta ạ! Đức Phật có dạy: Chẳng phải đi chân không, chẳng phải để tóc bồm sồm, chẳng phải xoa cho đất vào người mình, chẳng phải tuyệt thực, chẳng phải nằm trên đất, cũng chẳng phải ngồi mãi mà người ta có thể trở thành thanh tịnh nếu không tiêu diệt dục vọng tự tâm mình.
Và Đức Phật cũng đã dạy: "Có hai cực đoan mà kẻ cầu đạo phải lẩn tránh. Cực đoan thứ nhất là sống cuộc đời buông lung theo dục vọng để mưu cầu những thọ hưởng ích kỉ, ti tiện, xấu xa. Cực đoan thứ hai là sống đời sống khổ hạnh, hành thân hoại thể mình một cách khả ố, ghê tởm. Cả hai cực đoan kia đều không có lợi ích gì để đưa đến cứu cách giải thoát. Phải đi trên con đường trung đạo. Chỉ có con đường trung đạo mới đưa hành giả đến chánh tri kiến, đến thanh tịnh yên vui. Ðến đại giác ngộ, và cứu cánh "Niết Bàn". Em đã nghe rõ chưa?
Mắt sâu hóm của Hoàng đệ Vi Ta khô dần, mặt Ngà tươi tỉnh. Ngước lên nhìn Hoàng đế A Dục, Ngài nói:
- Tâu Hoàng huynh. Em đã hiểu rồi! Những nỗi băn khoăn lâu nay của em đã được cởi mở. Em đã thấy được con đường tu tập chân chính. Em đã thấy lòng nhẹ nhõm dù bây giờ em phải bị tội tử hình.
Hoàng đế A Dục nắm lấy tay em cảm động:
- Không! Không! Em không còn có tội lỗi gì nữa. Nếu như trước đây, lòng ước vọng cuồng loạn của em đã gây nên tội lỗi thì bây giờ chính sự giác ngộ của em đã tự nó xóa được hết cả lỗi lầm của em rồi! Hoàng đệ Vi Ta nắm lấy tay anh nói qua ánh mắt trìu mến kính yêu:
- Hoành huynh, hoàng huynh thương em đến ngần ấy sao! Hoàng huynh đã chỉ cho em con đường giải thoát. Em đã thấy rõ rồi và em nguyện sẽ đi theo con đường sáng suốt của Đức Phật.
Hai anh em ôm nhau. Tình thương yêu chan hòa trong đôi tim đồng điệu thông cảm, giác ngộ.
Ngoài vườn ngự, con chim hoành anh chuốt lưỡi tung một tràng nhạc mừng vầng dương lên mang ánh sáng đến loài người.