TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 10 phiếu
Sự tích Trần Minh Khố Chuối

Ngày xưa, cha của Trần Minh là Trần Bắc và mẹ là Trần Mẫu ( thiên hạ gọi Trần Mẫu có nghĩa là mẹ của hàn sĩ Trần Minh. Trẩn Minh là con ruột của bà ta) .Ông là bạn đồng khoa, đồng liêu của Quỳnh Quyện, thân phụ của Quỳnh Nga. Hai gia đình hứa kết thông gia với nhau. Trần Minh và Quỳnh Nga được song thân hai họ kết ước, hứa hôn sau này. Tuy nhiên, bất ngờ cha của Trần Minh bị bịnh hiểm nghèo, từ trần sau đó. Gia đình Trần Minh sa sút. Mẹ già yếu bịnh tật triền miên. Chàng vốn  thông minh, hiếu học, luôn cố gắng dồi mài kinh sử hầu thi đỗ làm quan, làm rạng rỡ gia phong, theo gương của cha mình. Thời bấy giờ, con đường khoa bảng, chiếm bảng vàng, công hầu, khanh tướng, được dân trong nước ưa chuộng nhất. Nếu không, thì phải về quê làm ruộng, làm rẫy, làm thuê, làm mướn vất vả, nặng nhọc, để sinh sống qua ngày, đoạn tháng, trong cảnh bần hàn, đói khổ, sao bằng làm quan trở nên giàu có, ăn trên ngồi trước thiên hạ. Ca dao VN xưa có câu rất thông dụng, còn để đời :
                 “ Văn chương, phú lục chẳng hay
                    Trở về làng cũ học cày cho xong.”

Hay sâu sắc hơn:

                  “ Chẳng ham ruộng cả, ao liền
                   Chỉ ham cái bút, cái nghiên, Anh Đồ.”

Khi làm quan hay có chức vị trong xã hội, thì:

                  “ Một miếng giữa làng, bằng một sàn xó bếp.”

Trở lại việc Trần Minh Khố Chuối. Khi cha chết, chàng đến tuổi trưởng thành, đang cố gắng học hành, dồi mài kinh sử để chuẩn bị khoa thi sắp tới. Chàng sẽ dự thí. Hai mẹ con chàng đến Huyện Đường nơi ông Quỳnh Quyện, thân phụ của Quỳnh Nga, đang làm quan, xin cầu hôn như sự giao ước, hứa hẹn của hai bên gia đình trước kia. Nào ngờ Quỳnh Quyện  hay tin Trần Mẫu góa chồng, nghèo khổ, cùng con trai Trần Minh biệt danh là “ Trần Minh Khố Chuối”, vì gia cảnh quá nghèo khổ, bần hàn, không có tiền may y phục để che thân. Anh ta hay ăn mặc rách rưới, đôi khi phải quấn khố chuối quanh mình để đỡ xấu hổ với người chung quanh. Ông bạn đồng khoa ngày xưa của Quỳnh Quyện, Trần Bắc, đã quy tiên mấy năm nay. Trần Minh không xứng với ái nữ Quỳnh Nga của ông nữa. Con nhà quyền quý cao sang. Hai bên không còn môn đăng hộ đối như ngày nào, lúc hai họ hứa hôn. Ông nổi giận khi trông thấy hai mẹ con nghèo khổ đến cầu hôn, nhắc lại lời giao ước cũ. Y nổi cáu, sai lính lệ đánh hai mẹ con:
-Sao các ngươi dám lăng mạ Bổn  Quan thế? Nghèo rớt mồng tơi mà dám đèo bồng. Trèo cao, tất nhiên bị té nặng. Ếch ngồi đáy giếng.
Y cho  thuộc hạ đánh họ quá tay.  Rồi đuổi họ ra về một cách xấu hổ, nhục nhã, ê chề. Bà mẹ bị đòn, ngã bịnh nặng sau đó. Trần Minh rất căm tức ông ta.  Chẳng bao lâu, con gái Quỳnh Nga cùng người hầu Tiểu Loan, lại nhà Trần Minh thăm chàng và mẹ chàng. Nàng tặng bà cụ chiếc áo gấm rất đẹp. Cô ta xin chàng hãy tha thứ tội lỗi của cha nàng. Riêng nàng vẫn giữ một lòng yêu thương, chung thủy với chàng. Chàng cảm động, cũng tỏ ra mến thương cô gái xinh đẹp, nết na, hiền hậu, chung thủy. Cha gian ác, xấu xa, ham phú phụ bần, không tôn trọng chữ tín, nhưng con vẫn một mực giữ lời hứa.  Quỳnh Nga cùng Tiểu Loan thăm viếng mẹ Trần Minh khá lâu. Nàng đắp lên người bà chiếc áo gấm nhung đắc tiền. Bỗng nhiên, cha nàng lại mắng nhiếc Trần Minh, la rày con gái và quở trách cô hầu sao đến nhà kẻ nghèo hèn, vách lá, trống trước, hở sau. Ông phát hiện chiếc áo gấm đắp trên mình người mẹ của Trần Minh. Ông liền lấy lại, buộc tội chàng ăn cắp đồ của con gái lão. Y ra lịnh lính lệ đè chàng xuống đất đánh đập không tiếc tay. Chàng bị đòn oan ức vô cùng. May đâu, có anh bạn kết nghĩa, Lê Đạt, đại huynh của Trần Minh. Người hùng võ công cao cường,  sinh sống bằng nghề nông, nhưng có học thức và tư cách cũng như tài năng hơn người. Hiền đệ bị kẻ ác hành hung tàn bạo. Lê Đạt xuất hiện kịp lúc, nổi giận đánh hai tên lính lệ đang hà hiếp Trần Minh.  Anh ta bực mình mắng tên Quan Huyện bất nghĩa bất nhân kia:
 - Nhà ngươi hãy cút khỏi đây ngay, một kẻ vong tình bội nghĩa không trọng chữ tín. Đã đánh Bá Mẫu bị thương nặng, bịnh sắp chết mà con bà, ngươi cũng chẳng tha. Nếu không đi, ta sẽ liều mạng trừng trị thẳng tay bọn gian ác.
Quỳnh Quyện xấu hổ bỏ ra về cùng đám lính lệ bị Lê Đạt đánh cho xiểng liểng. Khi hay tin Cha Quỳnh Nga đến nhà quấy phá, làm thương tổn con trai mình bà uất hận chết trên tay Trần Minh. Sau đám tang chàng quyết tâm học hành, chuẩn bị lập công danh sự nghiệp theo như mong ước, ủy thác của song thân mình. Đại ca Lê Đạt lúc nào cũng lui tới an ủi, khuyến khích chàng cố gắng thi đỗ làm quan để cha mẹ ngậm cười nơi chín suối.
Hôm đó, có hai tên, con nhà phú hộ trong làng, học cùng trường lớp với chàng, chuẩn bị khoa thi. Hiếu Danh và Tất Đạo. Chúng cứ hà hiếp chàng dài dài. Chúng lêu lỏng, chơi bời, trác táng, không thích học. Trình độ rất kém và vốn liếng hiểu biết về sử sách, văn học, không bao nhiêu. Nhưng chúng rất ghen tỵ chàng. May mắn trong lúc chúng làm khó dễ Trần Minh, tại sao không đi học để giúp chúng khỏi bị Ông Đồ phạt, Đại ca Lê Đạt xuất hiện. Chàng nghỉ học hôm ấy, ở nhà săn sóc thuốc men cho mẹ già đang bị bịnh trầm trọng sau trận đòn do Quan Huyện gây ra, như đã kể trên. Lê Đạt chứng kiến cảnh hiền đệ bị hai tên lưu manh hại, nên ra tay tức thì, đánh chúng một trận tơi bời hoa lá. Chúng phải bỏ chạy ra khỏi sân nhà Trần Minh.
Chẳng bao lâu, triều đình loan báo cho các sĩ tử lên đường dự thi ở kinh đô. Hai anh em kết nghĩa Lê Đạt và Trần Minh, tối hôm ấy, ngổi uống rượu, tâm tình, cỏi mở, vui vẻ vô cùng. Đại huynh đãi hiền đệ trước khi lên kinh đô ứng thí. Lê Đạt không thích thi cử, không ham công danh, quyền lợi, vinh hoa, phú quý. Vì vậy, chàng sống an vui tự tại làm nông độ nhật qua ngày.
                         “ Danh và lợi như mây bay gió thổi
                            Vinh hoa phú quý thay đổi bất ngờ
                           Sống đạm bạc đơn sơ ta thoải mái
                           Các pháp trần, hết thảy đều hư vô.”
Trần Minh cũng muốn sống ngoài vòng danh lợi như Đại ca. Nhưng Lê Đạt khuyên chàng phải làm theo nguyện ước mong chờ của phụ mẫu chàng khi họ còn sinh tiền, và cũng để làm vừa lòng cô gái yêu thương mình. Thật vậy, trước đó, Quỳnh Nga giận cha, bỏ ra ở riêng, lập quán bán hàng, dệt vải, thêu thùa, may vá để kiếm tiền giúp Trần Minh. Trước ngày chàng đi thi, nàng lại thăm chàng, tặng quà vị phu quân tương lai hai bên gia đình đã từng hứa hôn với nhau. Nàng biếu cho chàng món tiền khiêm nhường do mình dành dụm lâu nay cho chàng làm lộ phí lên Kinh Đô dự thí. Ngoài ra, nàng còn tặng chàng thức ăn và bộ quần áo bằng hàng quý giá cho chàng mặc. Chàng rất cảm động. Hai bên âu yếm nhau, trước khi chia tay. Họ thề non, hẹn biển. Tình yêu không thay đổi. Tình yêu chung thủy muôn đời.

Sau đó chàng lên đường dự thí. Chàng đỗ Trạng Nguyên. Hay tin Trần Minh chiếm bảng vàng, hai tên cùng quê, Hiếu Danh và Tất Đạo, rất ghen tức. Lúc vị quan Giã Lộ Quân, được lịnh Công chúa Bích Vân điều tra sơ qua về tiểu sử của Tân Trạng Nguyên. Hai thí sinh đồng hương, đồng làng và cùng Huyện với Trần Minh kia, được mời vô phủ để họ hỏi qua lý lịch của vị sĩ tử đỗ thủ khoa vừa rồi. Hai chàng hiệp sĩ con nhà giàu có, bị hỏng thi, vì ganh tỵ Trần Minh, nên tha hồ đặt chuyện, nói xấu chàng đủ điều. Nào nghèo hèn, đói rách, phải quấn lá chuối che thân, nào tham ăn, xấu xa, bất hiếu với mẹ. Mê gái sang giàu, không biết thân phận bần cùng của mình, Bị Quan Huyện đánh hai mẹ con khi họ đến cầu hôn. Y bỏ mẹ đó, chạy trước để mẹ mình bị lính lệ đánh chết nghẽo tại chỗ...

Sau đó, khi nghe Quan Giã Lộ nói Trần Minh đã đỗ Trạng Nguyên, tên Tất Đạo ghen tức, bụôc miệng nói to:

- Thằng nào làm Chánh Chủ Khảo ngu dốt như thế? Dám chấm thi Trần Minh đỗ thủ khoa. Y vốn học kém, chỉ hơn chúng tôi chừng mười trên chín rưỡi, hơn một tí xíu thôi.
Quan Giã Lộ bực mình nhìn y nói to:
- Nhà ngươi dám hỗn xược với Hoàng Thượng hả? Chính Vua làm Chánh Chủ Khảo kỳ thi này.
Nghe xong, hai tên gian xảo kinh hãi, quỳ xuống lạy ông ta túi bụi:
- Xin lỗi Ngài, chúng tôi có mắt mà không tròng. Xin Ngài đừng tâu với Hoàng Đế. Thực ra Trần Minh thông minh, học hành xuất sắc nổi danh thiên hạ. Anh ta là người con chí hiếu. Anh ta luôn luôn là kẻ tốt bụng. Anh ta  sẽ là vị quan công minh, chính trực, tuyệt vời.
Quan Giã Lộ nghe thấy hai tên lẻo mép tráo trở. Ông nổi giận la to:
- Bọn này xảo trá đa ngôn. Bay đâu hãy dẫn đi chém đầu chúng tức khắc.
Nghe thế hai tên  kinh hãi, liền quỳ lạy, van xin tha tội:
- Xin Ngài từ bi, bao dung, rộng lòng tha thứ cho chúng tôi .
Bỗng nhiên, Công chúa Bích Vân xuất hiện. Nàng đứng nghe từ sau bức bình phong câu chuyện từ đầu đến cuối. Nàng giận dữ nhìn chúng, ra lịnh:
- Võ vệ quân đâu? Hãy còng tay hai tên xảo quyệt, lẽo mép này đem giam vào ngục, chờ ngày xét xử.
Thế là bọn chúng bị lính trói dẫn đi.
Hiếu Danh than vãn:
- Nói láo cũng bị phạt. Nói sự thật cũng bị trừng trị.
Sau đó, Vua cho mời Tân Trạng Nguyên Trần Minh vào phong chức Phò Mã, gã Công chúa Bích Vân, khi Ngài trông thấy anh chàng khôi ngô, tuấn tú, thông minh, lanh lợi, học giỏi, văn hay, chữ tốt,  chiếm bảng vàng thủ khoa Trạng Nguyên. Tuy nhiên, Trần Minh cuơng quyết từ chối. Lý do mình đã hứa hôn với Quỳnh Nga, mặc dù cha nàng chống đối nhưng hai người đã yêu thương nhau tha thiết đậm đà. Chàng không thể phụ rẫy nàng. Vua ra lịnh chàng phải thành hôn với Công chúa Bích Vân và nhận áo mão Phò Mã. Nếu không ông sẽ trừng trị chàng vì tội khi quân. Chàng thà chết chứ không thể bỏ vợ nhà lấy Công chúa được. Vua  ra lịnh xử trảm chàng, nhưng Công chúa tâu Phụ Hoàng xin tha mạng cho chàng vì chàng giữ đạo lý làm người. Nếu trừng trị chàng thì triều đình mang tiếng xúi dân làm việc bất nghĩa, đồi luân, bại lý. Cuối cùng, Vua tha tội cho Tân Trạng Nguyên.

Công chúa cùng Giã Lộ Tướng Quân kinh lý về Huyện, nơi cha con Quan Huyện Quỳnh Quyên đang cư ngụ. Nàng trách mắng tên Quan Quỳnh Quyện tham tàn, hóng hách hà hiếp dân lành. Y sợ hãi quỳ lạy van xin nàng tha mạng. Sau đó y lủi thủi quay về. Y vô cùng kinh ngạc khi hay tin Trần Minh là Tân Trạng Nguyên, vẫn còn chung thủy yêu thương con gái mình. Công chúa dùng vàng bạc, ngọc ngà, gấm vóc tặng Quỳnh Nga và yêu cầu nàng hãy nhường Tân Trạng Nguyên Trần Minh, vị hôn phu của mình cho nàng. Tuy nhiên, Quỳnh Nga nhất định từ chối. Nảng thẳng thắn nói với Công chúa:

-  Thưa công nương, tình yêu và hôn nhân không phải là món hàng mà có thể đổi chác bằng tài vật. Tôi và Trần Minh yêu thương nhau và quyết định se duyên vợ chồng với nhau. Xin công nương thương tình, bao dung tha thứ cho chúng tôi không thề làm theo yêu cầu của Công chúa được.

Thế là Công chúa đành ra về.  Tân Trạng Nguyên vinh quy bái tổ. Làng xã nghe tin đón mừng chàng tưng bừng náo nhiệt. Đại ca Lê Đạt hân hoan cùng dân làng tổ chức lễ mừng Tân Trạng Nguyên . Đám cưới của chàng và Quỳnh Nga diễn ra long trọng sau đó.

                      "Trần Minh Khố Chuối", chuyện xưa
                        Nhà nghèo, hiếu học đến bờ vinh quang.
                        Hiếu, trung, tình nghĩa rõ ràng
                        Phu thê thệ nguyện tao khang vẹn toàn.
                        Gương xưa mãi mãi soi đàng
                        Cho người hậu thế, chàng – nàng thủy chung".

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
  9. Shitakiri Suzume (Tạo lúc: 07/03/2015)
  10. Bình Khôi công chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn