Người thợ mộc và người họa sĩ so tài
Trước

Đánh giá: 4/5 - 5 phiếu

Người thợ mộc và người họa sĩ so tài

Ngày xưa ở Bắc Thiên Trúc có một người thợ mộc, tay nghề rất cao, mọi người gọi anh là mộc sư. Mộc sư đẽo đục, khắc chạm làm ra một cô gái bằng gỗ, hình dáng rất đẹp. Đôi mắt to đen nhìn thẳng, quần áo lúc nào cũng như mới, chẳng khác gì một người thật. Người gỗ lại biết đi tới đi lui, biết rót trà mời khách, chỉ là không nói được mà thôi.

Khi ấy, Nam Thiên trúc có một hoạ sĩ, tài hoa xuất chúng, vẽ mọi thứ hoa lá, thú trùng, chim cá đều giống như thật. Thợ mộc nghe danh hoạ sĩ, muốn cùng anh so tài cao thấp, cho người đi mời hoạ sĩ đến nhà làm khách. Hoạ sĩ cũng sớm biết danh tiếng anh thợ mộc, cũng muốn so tài từ lâu nên hớn hở nhận lời.

Hai người gặp mặt cùng nhau thử tài, đều cảm thấy gặp nhau quá trễ. Thợ mộc bày tiệc rượu tiếp đãi hoạ sĩ. Bày tiệc, rót rượu, tất cả mọi việc đều do người đẹp bằng gỗ làm. Từ sáng đến tối, uống rượu cả ngày mà hoạ sĩ vẫn không nhận ra người đẹp hầu rượu là người gỗ. Người đẹp lộng lẫy bước tới bước lui làm hoạ sĩ trong lòng rạo rực, nhưng chủ nhân bên cạnh nên không dám vô lễ quá đáng. Thái độ của anh hoạ sĩ người thợ mộc thấy rõ, thầm cười nhưng giả như không biết việc gì, cứ hăng say nói chuyện mời rượu. Trời tối dần người thợ mộc nói:

- Trời tối rồi, tôi phải đi nghỉ. Hôm nay anh ở lại nhà tôi nhé!

Nói rồi chỉ cô gái đứng hầu:

- Tôi để cô ấy lại hầu anh.

Chủ nhà đi rồi, hoạ sĩ bèn gọi cô gái lại. Càng nhìn càng thích. Nhưng khi hoạ sĩ gọi, cô ta không hề nhúc nhích. Hoạ sĩ tưởng cô ta e thẹn bước lại nắm tay kéo đi. Không ngờ kéo mạnh quá làm cô gái ngã nhào, linh kiện bằng gỗ cũng rớt ra thành đống gỗ vụn nằm trên mặt đất. Hoạ sĩ giật mình, tỉnh rượu một nửa, nhìn kỹ mới biết mỹ nữ vốn là người gỗ do người thợ mộc làm ra, để thi thố tài nghệ với mình. Hoạ sĩ cảm thấy hổ thẹn, lại không phục: "Được rồi, chúng ta cùng so tài". Bèn lấy ra bút, phấn, màu, vẽ một người trên tường, y phục, hình dáng giống mình không khác, trên cổ vẽ thêm sợi dây như đang treo cổ tự tử. Anh còn vẽ vài con ruồi ở trên miệng trên mũi, sau đó đóng cửa lại, chui xuống gầm giường nằm ngủ.

Sáng hôm sau người thợ mộc thức dậy, nhớ đến trò đùa của mình hôm qua, lòng vẫn còn ngấm ngầm buồn cười. Anh đến trước cửa phòng, nhìn xem anh kia đang làm gì. Cửa phòng đóng chặt. Thợ mộc lấy làm lạ gõ mạnh, cửa cũng không mở. Anh nóng ruột, dùng sức tông cửa vào phòng. Hoạ sĩ đã treo cổ chết hồi nào mà mấy con ruồi bu trên mặt, dưới đất đồ gỗ nằm tung toé ngổn ngang. Thợ mộc nghĩ thầm: "Chắc chắn anh ta thấy không hơn mình, cảm thấy xấu hổ khó chịu cho nên tự sát rồi". Anh buồn bã: "Không ngờ lòng tự tôn của anh ta cao quá, tài không hơn ta liền tự sát! Sớm biết như vậy ta sẽ không đùa giỡn với anh ta".


Luật pháp trong nước này, phàm có người chết, trước phải báo vua, đợi vua xét nghiệm thi thể rồi mới được chôn. Cho nên người thợ mộc đến hoàng cung báo cáo:

- Phía Nam Thiên Trúc có người hoạ sĩ, hôm qua đến ở lại nhà tôi. Tôi để người gỗ hầu anh ta, anh ta bị lừa nên xấu hổ tự sát rồi. Xin mời đại vương xét nghiệm thi thể.

Quốc vương bèn đem theo tuỳ tùng đến nhà thợ mộc, nhìn thấy hoạ sĩ vẫn còn treo cổ ở đó. Vua sai anh ta chặt đứt sợi dây đem thi thể xuống, xem là treo cổ tự sát hay bị người thắt cổ. Thợ mộc lấy búa chặt sợi dây, không ngờ búa chặt vào chẳng phải sợi dây mà là bức tường. Nhìn kỹ không phải người chết chỉ là bức hoạ trên tường.

Lúc bấy giờ nhà hoạ sĩ từ dưới sàn giường cười hỉ hả chui ra. Hai người nói rõ câu chuyện, mọi người đều khen ngợi tài nghệ cao siêu của họ. Từ đó anh hoạ sĩ và người thợ mộc trở thành đôi bạn tốt, cùng nhau học tập, tài nghệ càng ngày càng giỏi hơn.

Ngụ ý:

Câu chuyện của người thợ mộc và hoạ sĩ đã ứng nghiệm một câu ngạn ngữ của Trung Quốc: "Ngành nghề nào cũng có trạng nguyên" xã hội hiện nay trình độ giáo dục không ngừng nâng cao. Sự cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt. Nhiều học sinh với tiêu chuẩn giá trị của xã hội và trong sự kỳ vọng của cha mẹ, đã đè trên vai một áp lực về sự học rất nặng nề. Làm cha mẹ nếu có thể dùng tâm khoan dung uyển chuyển câu thông với con cái, để cho con cái theo nguyện vọng, sự hứng thú của mình học một nghề thích hợp, phát huy khả năng của mình trên bước đường nhân sanh, đây mới là sự giáo dục của trí huệ.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Người nghèo, người giàu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  9. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  10. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: