- Trang chủ >
- Cổ tích Nhật Bản >
- Mèo cái và nhà sư
Ngày xưa, có một nhà sư khất thực, ông đi khắp nơi từ mùa xuân cho tới mùa đông, khi thì hái cỗ thuốc trong rừng, khi thì cầu nguyện ở các đám tang, và khi thì đi bắt mạch khám bệnh, mà việc chữa bệnh của ông rất thành công. Mỗi khi bệnh nhân lành bệnh, họ đều mời ông ở lại, nhưng ông không bao giờ lợi dụng lòng tốt của họ lâu. Sau một vài ngày, ông lại gói ghém hành lý rồi ra đi. Cuộc sống như thế này dĩ nhiên là rất gian khổ vào mùa đông, những khi gặp thời tiết khắc nghiệt ông lại tìm một tu viện để vào sống cho qua đợt thời tiết xấu. Đến khi mặt trời vừa chiếu ấm lại một chút, là nhà sư lại ra đi, trên người chỉ có chiếc áo chùng đen, đôi dép rách và cái túi xách cũ rích trên lưng. Nhưng vì nhà sư không bao giờ ở lâu một chỗ cho nên người ta dễ dàng quên ông, không ai thực sự nhớ ông, cho đến khi ông đã lớn tuổi ông thật khó bề tự lo đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho mình. Chỗ ngủ thì tồi tàn thua sút những người khác; cái ăn thì thất thường, không giờ giấc nhất định. Thế nhưng, không vì thế mà ông nản chí. Ông vui sướng khi được nhìn ngắm núi cao, chiêm ngưỡng những thác nước trong trẻo, được lắng nghe tiếng chim hót, được thấy thú vật tung tăng chạy nhảy, bỏ hết sự thăng trầm để ngắm mây bay trên trời.
Một hôm, khi đến thành phố PhuKuSiMa (Fukujima), ông đang đứng giữa chợ, phân vân không biết có thể xin ai vui lòng cho ông trú qua đêm, thì bỗng có một người đứng tuổi nói với ông:
- Có lẽ ông từ xa đến, vì tôi chưa bao giờ thấy ông.
- Đây là lần đầu tiên tôi đến thành phố này, tôi đang phân vân không biết sẽ qua đêm ở đâu. Ông có thể làm ơn cho tôi biết ý kiến được không?
- Ồ, trong thành phố của chúng tôi không có gì làm cho ông phải sợ hết. Nhưng vì đây là lần đầu tiên đến đây, chắc ông chưa biết gì về chuyện đã xảy ra trong thành phố. Ông chánh án đang gặp phải một chuyện rất đau đớn. Cô con gái duy nhất của ông ấy bị bệnh nặng, không ai có thể cứu chữa được. Ông ta mời đến rất nhiều vị lương y - ngay cả các vị ở kinh kỳ - nhưng không ai chữa cho cô ấy thuyên giảm được chút nào hết. Quan tòa cũng đã mời đến nhiều vị sư danh tiếng để xem bệnh cho con, nhưng vẫn không có kết quả gì. Cô gái cứ nằm mãi, không nói năng một lời, không ăn uống, càng ngày càng yếu. Quan tòa đã nhờ xóm giềng mời đến cho ông ta tất cả những người khách lạ có mặt trong thành phố. Ông ta nghĩ có thể trong số khách lạ này sẽ có người nào đó biết về y thuật hay là giúp ý kiến tốt cho gia đình. Tôi thấy ông là một nhà sư khả kính, chắc ông biết được các loại bệnh của con người. Vậy ông có muốn đến đấy để xem thử vận may ra sao không?
Nhà sư lắng nghe cầu chuyện, ông hứa sẽ đến thăm cô con gái quan chánh án, nhưng ông không thể hứa trước kết quả ra sao.
Nhà sư bèn hỏi địa chỉ nhà ông chánh án, người đàn ông đáp:
- Ngài cứ đi thẳng. Nhà của ông ấy nằm cuối cùng bên phải con đường chính của thành phố.
Nhà sư theo sự chỉ dẫn đi đến con đường chính của thành phố. Khi đến gần ngôi nhà của quan tòa, bỗng có một con mèo cái lông lốm đốm từ trong một lỗ hổng của hàng rào đi ra, nó chặn đường nhà sư lại và kêu lên:
- Nhà sư đáng kính ơi, xin ngài đợi một chút, tôi có chuyện này cần phải nói cho ngài biết.
Nhà sư dừng lại, ngạc nhiên nhìn con mèo.
- Meo, tôi nghĩ ngài là người tốt, có lòng thương người. Tôi không biết giải quyết ra sao chuyện đã làm tôi đau khổ, cho nên tôi phải xin nhờ ngài cho ý kiến giúp đỡ. Nếu ngài hứa giúp, tôi sẽ cho ngài biết những chuyện quan trọng. Tôi sống trong nhà này đã lâu rồi, và tôi biết lý do gì khiến ngài đến chỗ ông quan tòa. Việc ngài chữa lành bệnh cho cô gái đều hoàn toàn phụ thuộc vào tôi.
Nhà sư vuốt ve con mèo, hứa sẽ giúp nó tuỳ theo khả năng của mình.
Mèo cái liền nói tiếp:
- Bệnh của cô gái con ông quan tòa không phải là bệnh thông thường. Chính tôi là kẻ đã gây bệnh cho cô ấy, để trừng phạt tội ác mà gia đình này đã gây ra cho tôi. Tôi sống trong nhà này đã mười hai năm rồi, và mỗi năm, ông quan tòa đều dìm nước chết hai con của tôi. Mà tôi thì rất muốn có nhiều con và nuôi chúng khôn lớn đàng hoàng. Tôi lại sắp có con nữa, cho nên tôi đã quyết định báo thù. Nếu ngài thu xếp làm sao mà bầy con của tôi sắp ra đời sống sót và nếu ngài đem tôi ra khỏi đây được, thì con gái quan tòa sẽ lành bệnh. Còn không, cô ta sẽ chết.
Cặp mắt xanh của mèo cái chòng chọc nhìn nhà sư.
Nhà sư có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng rồi ông rất thông cảm nỗi đau khổ của mèo cái, ông hứa sẽ giúp đỡ nó. Đến gần nhà quan tòa, ông gọi lớn:
- Có ai trong nhà không? Tôi đến thăm bệnh nhân đây. Tôi tớ đổ xô ra, cả nhà đang buồn rầu và người mẹ xanh xao vì đau khổ cũng chạy ra theo. Lập tức họ dẫn nhà sư vào phòng cô gái đang lâm bệnh
Cô gái nằm dài trên giường. Mặt cô xanh lét, khiến cho mái tóc đen xõa trên khăn trải giường trắng càng nổi bật hẳn lên. Cô gái nằm bất động, buồn bã, không muốn nhìn đến khách đang đi vào nữa.
Cha mẹ cô van xin nhà sư:
- Cháu mắc bệnh đã lâu rồi. Không có thầy thuốc nào định bệnh được cho cháu. Bây giờ xin ngài giúp đỡ. Xin ngài cứu sống đứa con duy nhất của chúng tôi
Nhà sư nghiêng đầu, lấy tràng hạt ra rồi tụng niệm:
BÔ-RÔNG, BÔ-RÔNG, MIÔ-KÔ TĂNG SIKI-U-TAI SA-HÔ XÔ-BI-NĂNG SÔ-TÂY KU XĂNG...
Giọng nhà sư dịu dàng, lời kinh vang khắp phòng. Người cha và người mẹ chăm chú nhìn vào mắt con gái. Bỗng trên khuôn mặt nhợt nhạt hiện ra nụ cười e thẹn. Khi nhà sư tụng niệm tiếp, bệnh nhân bắt đầu nhúc nhích rồi ngồi dậy và bằng một giọng yếu ớt, nhưng rõ ràng cô gái nói:
- Ôi, con đói bụng!
Niềm vui của cha mẹ cô thật vô bờ. Họ ôm hôn cô con gái, sai người nhà đem thức ăn thức uống đến, nước mắt lưng tròng, hai người hết lời cám ơn nhà sư. Họ mời ông vào ở căn phòng đẹp nhất và mời ăn những thức ăn ngon lành nhất. Họ sẵn sàng trả công cho nhà sư bất cứ thứ gì ông đòi hỏi, vì ông đã cứu sống đứa con gái duy nhất, nguồn hạnh phúc của đời họ.
Sau một hồi nghe họ nài nỉ yêu cầu, nhà sư đáp:
- Hai ông bà hãy cho tôi con mèo đốm. Tôi không đòi hỏi những thứ gì khác nữa.
Ông quan tòa rất ngạc nhiên khi thấy nhà sư đòi hỏi công lao quá khiêm nhường, nhưng nhà sư một mực không đòi hỏi gì nữa hết, cho nên ông ta bỏ thêm vào túi xách cho nhà sư vắt cơm và bánh bột gạo. Nhà sư lấy con mèo cái bỏ vào túi xách, mang lên vai, sẵn sàng ra đi. Trước khi từ giã hai vợ chồng quan tòa, nhà sư khuyên:
- Nếu hai ông bà muốn tránh khỏi trường hợp như thế này xảy ra trong tương lai, thì hai ông bà đừng dìm nước chết những con mèo con của mình nữa.
Từ lúc ấy, con mèo cái theo nhà sư đi khắp nơi. Nhà sư và con mèo cái không phải lúc nào cũng gặp những ngày đẹp trời, nhưng nhà sư chia sẻ những gì ông có với con mèo, và khi những con mèo con ra đời, ông tìm được một căn nhà cũ bỏ hoang gần ngôi làng.
Ông vào ở đấy với con mèo cái và giúp nó nuôi nấng lũ mèo con. Trong vùng này có nhiều tu viện nổi tiếng và có rất nhiều tu sĩ tiếng tăm, nhưng chỉ có những nhà sư nào nghèo hơn nhà sư của chúng ta mới đến thăm ông. Mùa đông đến gần, nhà sư ít khi kiếm được thức ăn cho ông và con mèo cái. Ngoài ra không phải chỉ có vấn đề ăn uống cho đỡ đói thôi đâu, mà còn vấn đề kiếm củi sưởi ấm nữa.
Nhà sư suy nghĩ rất lâu, rồi một hôm. Ông nói với mèo:
Này mèo thân, chắc mày biết rõ chúng ta khổ sở như thế nào rồi. Mùa đông sắp đến, mà vùng này mùa đông lại rất khắc nghiệt. Ta đã suy nghĩ từ lâu để tìm một lối thoát cho hoàn cảnh của chúng ta, nhưng vẫn không tìm ra. Vậy ngươi phải chia tay với ta thôi vì ở với ta, ngươi chỉ gặp cảnh đói khát khổ cực mà thôi. Ngươi hãy tìm một người chủ giàu có rồi đưa các con đến ở. Quanh đây có nhiều ngôi chùa giàu có, chắc ngươi sẽ tìm ra một nhà sư tốt bụng chăm lo cho. Còn phần mình, chắc ta cũng tìm cách đến trú ngụ ở một ngôi chùa giàu có.
Mèo cái cong lưng lên, kêu gừ gừ nho nhỏ rồi nhìn bầy con đang chơi trong cái giỏ, vẻ hân hoan sung sướng.
- Meo! - Mèo đáp nho nhỏ. - Ngài đừng bận tâm lo lắng cho chúng tôi, và ngài cũng đừng lo cho mình, ngài đã cứu sống lấy con của tôi khỏi bị chết đuối, lại còn làm thỏa mãn được lòng ao ước tha thiết nhất của tôi. Ngài đã thật tình chia sẻ từng miếng ăn nhỏ nhất với tôi, cho nên ngài thường không có gì trong bụng hết. Đã từ lâu tôi có ý định tìm cách để đền đáp ơn nghĩa cho ngài, vì lòng tốt của ngài, nhưng chưa biết làm sao. Giờ đây, tôi đã tìm ra được một cách. Xin ngài nghe tôi nói đây. Vào hôm dạ vũ của mèo, trong buổi dạ vũ này, tất cả mèo trong vùng đều được mời đến dự, tôi nghe nói rằng trong vài hôm nữa, bà nội của người thương gia bán nước xốt đậu, người giàu nhất vùng này, sẽ chết. Đây là một dịp tốt để tôi giúp ngài. Người thương gia giàu có sẽ mời đến tất cả những nhà sư danh tiếng để họ làm lễ an táng cho bà nội ông ta được trọng thể. Sau khi các nhà sư đã cầu nguyện xong, họ sẽ nâng cái hòm lên để mang đi, lúc đó tôi sẽ đưa cái hòm lên cao trên không và giữ cái hòm đứng yên như thế mà không để cho ai thấy tôi hết. Không có một sức lực nào trên đời này có thể di chuyển được cái hòm, không kéo xuống thấp, không đẩy tới trước, mà cũng không đẩy lui được. Những nhà sư, kể cả những nhà sư danh tiếng cũng không làm gì được. Tình trạng này chỉ giải quyết được khi ngài bắt đầu cầu nguyện. Nhưng trong lời cầu nguyện, ngài hãy ám chỉ đôi điều về mèo. Xem như tôi đã chính thức cám ơn ngài trước mắt các tu sĩ và tôi sẽ hạ cái hòm xuống. Vì những lời cầu kinh đều khó hiểu, nên chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nếu ngài là người duy nhất làm cho quan tài hạ xuống bệ được, ngài sẽ nổi tiếng khắp nước, ngài sẽ khỏi cần phải đi khất thực để kiếm sống. Ngài không còn trẻ nữa, và việc đi lang thang đây đó không tốt nữa đâu.
Nhà sư lắc đầu, vẻ nghi ngại, vì ngài không tin vào chuyện phù phép của mèo cái. Nhưng ông không muốn phá tan niềm hy vọng của nó, ông không chống đối ý kiến gì của mèo, và ngược lại, ông còn hứa sẽ làm đúng theo nó.
Quả đúng như vậy, năm ngày sau, bà nội của người thương gia giàu có bán xốt đậu chết. Lễ an táng sẽ tổ chức rất long trọng, vì ông là người cháu nội hiếu đế, lai thêm ông ta là thương gia giàu có nhất trong vùng. Người ta không làm sao đếm cho xuể số tu sĩ và đạo hữu trong giáo hội đến dự tang lễ. Quan tài chạm trổ rất tinh vi, để trên các bệ, từ tối cho đến sáng, người ta nghe không ngớt tiếng tụng kinh và tiếng lần tràng hạt phát ra lóc cóc trong bàn thờ. Lễ tang đến hồi kết thúc, các tu sĩ chuẩn bị nâng linh cữu lên để mang đi, thì bỗng nhiên quan tài tự nâng lăn trên không và nằm lơ lửng giữa khoảng không, như thể được một sức mạnh vô hình nào chống đỡ vậy. Những tu sĩ có kéo cái hòm xuống, nhưng cái hòm vẫn nằm trơ trên không, người ta buộc phải kết luận đã có phép thuật phù thủy nhúng tay vào việc này.
Người thương gia và gia đình rất sợ hãi. Có phải gia đình chưa mời những người xứng đáng để lo việc tang ma cho bà nội ông không?
Phải chăng họ đã phạm lỗi lầm gì? Chỉ có cầu nguyện mới phá tan được phép thuật như thế này thôi. Gia đình hứa sẽ đền đáp ơn nghĩa cho nhà sư nào làm cho quan tài hạ xuống và kết thúc tang lễ như họ đã dự kiến ban dầu.
Các nhà sư lại cầu nguyện, những viên gỗ của tràng hạt lại va nhau kêu lách cách càng nhanh đến độ tóe lửa, nhưng chắc việc cầu nguyện của họ chưa thích hợp, vì linh cữu vẫn nằm ì trên không. Các nhà sư bèn lấn lượt từng người cố cầu nguyện bí mật. Người nào cũng cho là lời cầu nguyện của mình mới có hiệu quả. Cuối cùng cả nhà vang lên tiếng cãi cọ nhau triền miên, và các nhà sư đã đi đến chỗ dùng tay để tranh chấp nhau. Nhưng cảnh náo động này đương nhiên không thể làm cho linh cữu về lại chỗ cũ trên bệ được.
Dân làng tựu đến, họ nhạo báng các tu sĩ:
- Đúng rồi, chắc chắn chuyện này đâu phải dễ như chuyện ăn cơm gạo thơm và lén ních cá béo cho đầy bụng bự! Các ngài tài giỏi lắm mà! Bây giờ hãy trổ tài pháp thuật ra đi, để làm cho cái hòm hạ xuống xem nào.
Đám người lại kháo nhau:
- Nhìn mấy ông thấy tu kia! Họ đánh lộn nhau để xem ai có thuật phù thủy cao cường, nhưng chẳng ai có khả năng làm cho cái hòm về lại chỗ cũ.
Thế nhưng, các nhà sư vẫn cố sức để trổ tài. Rõ ràng là họ không muốn thú nhận là mình thất bại, nhưng dù họ đã cầu nguyện hết sức mà quan tài vẫn nằm yên trên không.
Cuối cùng, người thương gia hết kiên nhẫn, ông nói:
- Thật xấu hổ! Đám tang bà nội đáng kính của tôi hỏng bét rồi, bà nội của một thương gia giàu có nhất trong vùng này. Có bao giờ quý vị chứng kiến một cảnh tượng như thế này không.
Ông ta bèn cho gia nhân đi khắp các vùng chung quanh để tìm những nhà sư giỏi và hứa sẽ thưởng những gì họ muốn, nếu làm cho quan tài hạ xuống bệ cũ là được.
Tất cả tu sĩ khắp nơi đều đến thử vận may, người này rồi đến người khác tụng kinh cầu nguyện, nhưng vẫn không thành công.
- Bọn bay đã mời hết thầy tu chưa? - người thương gia giàu có hỏi gia nhân.
- Dạ hết, thưa ông chủ, không sót một ai! - Họ đáp.
- Chả lẽ không một vị sư nào có thể giúp được chúng ta sao? - người thương gia lẩm bẩm nói, lòng quá thất vọng. - Các người cố nhớ xem có để sót một ai chưa mời không?
Cuối cùng một gia nhân sau khi cố moi óc để nhớ, đã lên tiếng đáp:
- Quả thật chúng tôi đã quên mất một vị. Có một vị ở không xa đây, ông ta ở trong một ngôi chùa cũ hoang phế, đã hư hỏng hết một nửa, với một con mèo cái và lũ mèo con. Nhưng chắc ông ta không làm được gì đâu, vì mặc dù đã lớn tuổi, nhưng ông không có tiếng tăm gì hết, và lại sống rất khổ cực. Nếu các vị sư danh tiếng nhất mà đã bó tay không giúp được gì thì chắc ông thầy tu này cũng không giải quyết được chuyện này đâu.
- Hãy đi mời ông ta đến đây mau lên. Không được bỏ sót bất cứ một ai có khả năng. - Người thương gia ra lệnh, lập tức gia nhân chạy đến ngôi chùa cũ để mời nhà sư già ở đây. Khi nhà sư đến, người thương gia nói:
- Chắc ngài đã biết chuyện xảy ra trong nhà tôi rồi. Xin ngài tha lỗi cho bọn gia nhân của tôi đã không nghĩ đến ngài sớm hơn, nhưng vì ngài chưa được nổi tiếng trong vùng này. Bây giờ tôi tha thiết xin ngài làm cho linh cữu hạ xuống, để chúng tôi kết thúc tang lễ được đàng hoàng như đã dự kiến. Ngài là niềm hy vọng cuối cùng của tôi, vì cho mãi đến bây giờ, không ai thành công được mặc dù cái nhà sư danh tiếng nhất đã thử tài pháp thuật của họ rồi. Nếu ngài làm cho cái hòm hạ xuống chỗ cũ, tôi sẽ hậu thưởng cho ngài rất hậu hĩnh, và tôi sẽ xây cất cho ngài một ngôi chùa mới.
Nhà sư cúi người chào mà không nói một lời, rồi đi vào trong phòng có quan tài đang nằm lơ lửng trên không như được những sức mạnh vô hình nào chống đỡ vậy.
Các nhà sư chen lấn xung quanh, họ nhạo báng ông già mặc áo quần rách rưới.
- Xem lão già khốn khổ kìa, hắn muốn thực hiện công việc mà chúng ta đã bó tay. Thật ngạc nhiên là hắn lại cả gan nhận làm việc này.
Còn dân làng thì đưa tay chỉ ông, nói với nhau:
- Xem ông thầy kia kìa. Ông thầy tu ở ngôi chùa cũ bỏ hoang đấy. Ông ta làm gì được ngoài việc ăn cơm vắt nhỉ?
- Này các ông, ông ta có vẻ không được ăn cơm vắt đầy đủ. Nhìn ông ta gầy gò quá, còn áo quần thì cũ mèm, rách rưới. Biết đâu ông thầy tu nghèo này lại có thể giỏi hơn những ông thầy tu ăn no mặc đẹp kia cũng nên.
Nhà sư không để ý những lời họ nói, ông cầm bằng như lời nói của họ không có liên quan gì đến mình. Ông đến gần quan tài nằm lơ lửng trên không, rồi cầu nguyện:
- BÔ-RÔNG, BÔ RÔNG, MIÔ KÔ TĂNG SI ... - Chiếc quan tài vẫn không nhúc nhích -KIU TAI XAHÔ MÈO CÁI... - Ngay lúc ấy, chiếv quan tài từ từ hạ xuống bệ.
Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm, và người thương gia giàu có, vẫn còn hoang mang, ra lệnh nâng hòm lên để tiếp tục lễ an táng. Ông ta sợ phép phù thủy sẽ ám lại.
Nhưng chiếc quan tài đã trở lại là một chiếc quan tài bình thường. Các nhà sư lại tiếp tục công việc của mình, bà con thân quyến và khách khứa đưa tiễn linh cữu đi một hàng dài, và người quá cố được chôn cất đàng hoàng xứng đáng, đúng như đám ma của gia đình một thương nhân giàu nhất vùng.
Sau khi đám tang xong, người thương gia mời nhà sư già đến, hỏi ông muốn xây cất chùa ở đâu. Nhưng nhà sư không muốn xây chùa mới. Ông chỉ muốn tu sửa lại cái chùa cũ bỏ hoang, tàn phế mà thôi. Nguyện vọng của ông được thực hiện liền. Người thương gia cho gọi thợ đến: thợ mộc, thợ chạm, thợ sơn, và nhiều thợ khác nữa đến làm. Chẳng bao lâu sau, ngôi chùa cũ nhường chỗ cho một ngôi chùa bằng gỗ chạm trổ tinh vi, cột sơn mài đỏ, và trong chùa có nhiều tượng Phật, tượng Thánh chạm trổ thật đẹp.
Ngôi chùa mới đã thu hút được nhiều thầy tu các chùa nhỏ xa xôi, họ tụ tập dần, và sau một thời gian, ngôi chùa hình thành một tu viện lớn. Vị sư già trở thành thượng tọa cai quản tu viện, ngài nổi tiếng khắp nơi nhờ tài thực hiện tang lễ của người thương gia thành công, và ngôi chùa trở thành địa điểm lui tới cho nhiều khách hành hương, có nhiều thương gia và thợ thuyền đi theo. Cho nên, chỉ một thời gian ngắn, cả một thành phố mọc lên quanh ngôi chùa. Thành ra, kế họach của con mèo cái không chỉ giúp cho nhà sư thôi, mà còn giúp cho nhiều người trong thành phố có được nhà ở và công ăn việc làm.
Nhà sư đã sống hạnh phúc với con mèo cái, chỉ khi đến mùa xuân, ngài mới rời tu viện một thời gian để ngao du thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên, vui thú cảnh núi rừng xanh tươi và nghe chim chóc ca hát. Nhưng rồi ngài lại vội vã quay về, vì ngài đã già rồi, chân cẳng yếu đuối, chứ không như hồi còn thanh xuân. Việc phiêu lãng khắp nơi quả đã trở nên nhọc nhằn cho một người già.
Những lúc tham dự các buổi lễ tang, ngài thường khuyên tang chủ trang hoàng linh cữu bằng một cái đầu rồng. Ngài thường lẩm bẩm một mình thật nhỏ để không ai nghe được lời mình!
- Đề phòng trường hợp con mèo cái có thiện ý muốn giúp ai, dễ dàng làm trở ngại tang lễ!
Xem ngay truyện hay khác
- Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
- Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
- Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)